Trang chủSức khỏe đời sốngSự hấp thu và chuyển hóa của rượu trong cơ thể

Sự hấp thu và chuyển hóa của rượu trong cơ thể

SỰ HẤP THU CỦA RƯỢU

Rượu là tên gọi chung của các chất hữu cơ có gốc -OH. Rượu mà loài người vẫn sử dụng từ xưa đến nay là rượu etylic, có công thức hoá học là C2H5OH, công thức cấu tạo là CH3-CH2-OH.

Rượu etylic có thể được bào chế từ nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau trong tự nhiên bằng phương pháp cổ truyền hay công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chính để bào chế rượu etylic là ngũ cốc và khâu nguyên liệu cuối cùng để chế ra rượu etylic là đường glucose. Từ đường glucose trải qua nhiều giai đoạn lên men đường để được sản phẩm cuối cùng là rượu etylic.

Rượu sau khi uống được hấp thu vào cơ thể qua hệ tiêu hoá, sự hấp thu của rượu phần lớn xảy ra ở tá tràng và đoạn hỗng tràng của ruột non. Thời gian hấp thu của rượu phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày. Nếu dạ dày đầy thức ăn thì rượu được hấp thu chậm do thức ăn mất nhiều thời gian nằm trong dạ dày hơn so với khi dạ dày rỗng. Tương tự như vậy, các thức ăn chứa nhiều mỡ sẽ làm rượu chậm hấp thu hơn so với các thức ăn chứa nhiều chất bột. Rượu được hấp thụ dễ dàng qua các màng tế bào, tốc độ hấp thu phụ thuộc vào 3 yếu tố:

  1. Sự chênh lệch về nồng độ.
  2. Tính thấm của màng hấp thu.
  3. Tốc độ lưu chuyển của máu.

Nồng độ của rượu cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu của rượu. Rượu được hấp thu tối đa khi có nồng độ từ 10-30%. Do sự chênh lệch nồng độ mà rượu được hấp thu yếu hơn khi có nồng độ dưới 10% và khi có nồng độ vượt quá 30%.Rượu trắng

Trong cơ thể, rượu được lan truyền đến các nội tạng qua đường máu. Rượu khuếch tán qua các màng sinh học vào các tế bào và các mô. Tốc độ lan truyền của rượu vào các mô có sự khác nhau, phụ thuộc vào sự tưới máu của các mô. Rượu tập trung rất nhanh ở tim, phổi, não… nhưng rất chậm ở các mô cơ và xương.

Nồng độ rượu ở các mô khác nhau phụ thuộc vào độ hòa tan của nó trong nước và cũng phụ thuộc vào sự khuếch tán của rượu trong nước tiểu, dịch não tuỷ, nước bọt, sữa và trong các dịch tiết khác.

Rượu cũng khuếch tán vào không khí trong phê nang với hệ số trao đổi cao. Khoảng 5% lượng rượu uống được thải trừ nguyên vẹn bằng đường nước tiểu, mồ hôi và khí thở ra; còn 95% lượng rượu được chuyển hoá tại gan. Sau khi đạt tới đỉnh cao nồng độ trong máu thì nồng độ của rượu trong máu giảm dần phụ thuộc vào tốc độ chuyển hoá ở gan và bài tiết của rượu.

TÁC DỤNG CỦA RƯỢU ĐỐI VỚI CƠ THỂ

Rượu vào cơ thể được phân bố đến các cơ quan và gây ra các tác dụng chuyên biệt đến các chức năng khác nhau của các cơ quan.

  • Trên hệ thần kinh: tác dụng của rượu phụ thuộc vào nồng độ của nó trong máu. Nồng độ rượu thấp có tác dụng an thần và giải lo âu. Nồng độ rượu cao hơn gây ra những rối loạn tâm thần, mất điều hoà, không tự chủ hành vi. Nồng độ cao hơn nữa có thể dẫn đến hôn mê, ức chế hô hấp và có thể tử vong.

Nồng độ cồn máu bằng 50mg/100ml thì có tác dụng an thần, nồng độ cồn trong máu từ 50-150mg/100ml sẽ gây mất phối hợp vận động, từ 150-200mg/100ml thì cơ thể bắt đầu bị ngộ độc rượu cấp, từ 300-400mg/100ml gây hôn mê, và khi nồng độ cồn máu trên 400mg/100ml thì có thể gây tử vong.

  • Trên hệ tiêu hóa: rượu nhẹ dưới 20 độ cồn có tác dụng làm tăng tiết dịch vị, tăng nhu động ruột, tăng khả năng hấp thu của niêm mạc ruột. Ngược lại, nồng độ rượu trên 20 độ cồn thì gây ức chế tiết dịch vị, ức chế khả năng hấp thu thức ăn của niêm mạc ruột. Rượu mạnh trên 40 độ cồn có thể phá huỷ lớp nhầy bảo vệ niêm mạc gây viêm ruột, co thắt vùng hạ vị và nôn.
  • Trên cơ trơn: rượu liều nhỏ làm giãn cơ trơn, gây giãn mạch và làm tăng tưới máu, tăng thân nhiệt giúp cơ thể chống đỡ với giá lạnh. Ngược lại, rượu nồng độ cao có tác dụng ức chế trung tâm vận mạch gây co mạch làm giảm thân nhiệt.

Như vậy rượu ở nồng độ thấp nhìn chung có tác dụng tốt, nhưng khi uống nhiều thì gây ức chế các cơ quan nội tạng, uống quá nhiều rượu gây ngộ độc rượu cấp, còn uống rượu nhiều và lâu dài sẽ dẫn đến nghiện rượu mạn tính, loạn thần do rượu.

CHUYỂN HOÁ CỦA RƯỢU TẠI GAN

Sự chuyển hoá của rượu bằng con đường oxy hoá tại các ty lạp thể của tế bào gan làm giảm lượng pyruvat đồng thời làm tăng lượng lactat, từ đó làm tăng tỷ lệ lactat/pyruvat trong các tế bào gan. Lactat vượt qua màng tế bào dễ dàng làm tăng lactat máu ở người nghiện rượu.

Sự tăng lactat máu có thể làm co cơ và tăng urê máu, có thể làm bùng phát các cơn goutte ở bệnh nhân. Sự tăng lactat máu còn có thể làm xơ gan bằng cách thúc đẩy quá trình tăng tổng hợp collagen.

Kết quả chuyển hoá rượu trong tế bào gan còn gây tăng acetaldehyd, làm ngộ độc trực tiếp cho người bệnh.

Chu trình Krebs bị ức chế do rượu làm rối loạn hô hấp tế bào ở gan. Sự ức chế này làm giảm lượng C02 thải ra nhưng không làm giảm sự tiêu thụ oxy. Ngoài ra rượu còn gây rối loạn chuyển hoá các chất glucid, lipid, protid, tạo ra chứng gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu mạn tính.

Chuyển hóa rượu tại gan tạo ra năng lượng, nhưng năng lượng này không dự trữ lại được mà phải dùng ngay. Chính vì thế mà người nghiện rượu có thể chỉ uống rượu mà không ăn gì.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây