Sau khi say rượu, có người thì uống cà phê, có người thì uống nước ngọt có ga, lại có người thì đi tắm nước nóng, tắm nước lạnh v.v… Họ cho rằng làm như vậy sẽ có thể tăng nhanh được sự thay thế chuyển hóa chất rượu cồn trong cơ thể hoặc chống chọi lại với ảnh hưởng của rượu cồn đối với cơ thể. Họ có biết đâu rằng làm như vậy không thể giải được rượu mà còn mang lại tổn hại lớn đối với sức khỏe.
Chất rượu cồn sau khi vào cơ thể có tác dụng gây hưng phấn đối với tim và thần kinh trung khu, làm cho tim đập nhanh, máu chảy nhanh, chất caffeine trong cà phê cũng có tác dụng giống như vậy, cả hai chất đó cộng lại với nhau cùng gây tác dụng hợp đồng sẽ làm tăng nặng thêm các triệu chứng say rượu, tăng thêm gánh nặng cho tim. Mặt khác, chất caffeine sẽ làm cho tác dụng của chất rượu cồn đối với cơ thể càng thêm nhanh chóng, càng thêm mạnh mẽ, do đó càng làm cho người bị say rượu đau khổ, vật vã hơn, tổn hại của nó đối với cơ thể càng lớn hơn.
Nếu khi uống rượu mà uống thêm nước ngọt có ga thì những loại acid hữu cơ có trong nước ngọt có ga như malic acid và citric acid kết hợp với chất rượu cồn sinh thành chất ester, do đó mà giảm nhẹ tác dụng độc hại của chất rượu cồn đối với cơ thể.
Nhưng nếu khi say rượu mà lại uống thêm nước ngọt có ga thì sự việc đã trở nên quá muộn rồi. Hơn nữa, do vì khi nước ngọt có ga kết hợp với chất rượu cồn sẽ nhanh chóng sản sinh ra lượng lớn dioxide carbon, dioxide carbon sẽ tăng nhanh sự hấp thu của cơ thể đối với chất rượu cồn và thúc đẩy sự thẩm thấu chất rượu cồn vào hệ thần kinh trung khu, gây hại cực lớn đối với dạ dày, ruột, gan, thận và hệ thần kinh, sẽ tăng nặng thêm mức độ trúng độc rượu cồn.
Bất luận là tắm nước nóng hay tắm nước lạnh, con người ta đều phải tiêu hao thể lực, tiêu hao nhiệt năng, tiêu hao đường glucose tồn giữ trong cơ thể, sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể vẫn còn hạ xuống. Khi bơi, tình trạng này càng rõ rệt hơn. Còn sau khi uống rượu mà tắm thì sẽ tăng nặng thêm quá trình này, làm cho hàm lượng đường trong máu và thân nhiệt hạ xuống rõ rệt; đồng thời, chất rượu cồn còn ngăn cản sự phục hồi đường glucose tồn giữ trong cơ thể, vì thế có thể gây nên hư thoát (Hư thoát: Nguyên khí hư nhược, tinh khí mất hết dần), nghiêm trọng hơn còn gây nguy hiểm đến tính mệnh. Ngoài ra, do tắm bằng nước nóng đặc biệt là tắm hơi sẽ thúc đẩy cơ thể ra mồ hôi nhiều, làm cho huyết dịch cô đặc lại, nhưng chất rượu cồn thì lại không thể thoát ra khỏi cơ thể theo cùng với mồ hôi được, do đó mà làm cho nồng độ chất rượu cồn trong huyết dịch từng bước tăng cao, gây nên tình trạng say rượu càng nặng nề hơn, trúng độc rượu cồn càng nghiêm trọng hơn. Người ta khi say rượu, công năng cân bằng và điều tiết trong cơ thể đã bị ảnh hưởng, nếu lại tắm, xông hơi làm ra lượng lớn mồ hôi, gây mất nước, như vậy sẽ làm cho nguy cơ bị choáng tăng lên rất nhiều.
Ngoài ra, khi say rượu, thần trí con người không tỉnh táo, khả năng chỉ huy, điều khiển của thân thể và chân tay hạ thấp, lúc đó mà nhảy xuống nước bơi rất dễ sinh tai biến ngoài ý muốn, nếu tai biến do rượu gây nên thì hậu quả sẽ không thể nào tưởng tượng nổi.
Sau khi chất rượu cồn vào trong cơ thể, chủ yếu là qua gan phân giải, chuyển hóa, giải độc, sau đó sẽ thông qua thận cùng với nước tiểu thải loại ra ngoài. Biện pháp uống cà phê, uống nước ngọt có ga hoặc tắm để giải say rượu như trên đây không giúp gì được cho gan giải độc, mà ngược lại rất có hại đối với cơ thể. Hiện nay vẫn chưa có một phương thuốc giải độc rượu hiệu quả chắc chắn và lại tiện sử dụng, nên sau khi uống rượu say, tốt nhất là nằm nghỉ ngồi yên tĩnh, người bị nghiêm trọng thì cần đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.