Trang chủSức khỏe đời sốngHội chứng cai rượu - biểu hiện, tiêu chuẩn chẩn đoán

Hội chứng cai rượu – biểu hiện, tiêu chuẩn chẩn đoán

LÂM SÀNG

Hội chứng cai rượu có nhiều triệu chứng rất phong phú, xuất hiện lần lượt theo thời gian. Vài giờ sau khi ngừng uống rượu, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất thèm rượu, họ không thể cưỡng lại cơn thèm rượu. Mọi ý nghĩ của họ lúc này chỉ đơn giản là làm sao có rượu uống để thỏa mãn cơn thèm. Bệnh nhân có thể uống tất cả những gì có chứa rượu như: bia, rượu, rượu vang, thuốc ho, nước hoa, thậm chí cả cồn công nghiệp.

Khi cơn thèm rượu tăng lên, bệnh nhân bắt đầu có run tay. Run tay biên độ trung bình, xuất hiện cả khi nghỉ và khi làm việc. Nhiều người có run ở vùng miệng, vùng cổ, mặt. Sau đó cơn run lan ra toàn thân, bệnh nhân đi đứng loạng choạng và rất dễ ngã. Chính lúc này, bệnh nhân dễ có các chấn thương phối hợp do ngã (ngã cầu thang, ngã xe…) gây ra. Tình trạng run kéo dài nhiều ngày rồi bớt dần khi hội chứng cai thuyên giảm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục có run tay nhẹ nhiều tháng sau khi đã cai rượu. Có thể dễ dàng nhận ra tình trạng run tay ở bệnh nhân bằng một số nghiệm pháp khám đơn giản (ví dụ: chữ viết của bệnh nhân rất xấu do tình trạng run tay chi phối).

Bệnh nhân trong tình trạng mệt mỏi, uể oải… những bệnh nhân không có hiện tượng ngáp và chảy nước dãi như trong cai nghiện ma túy nhóm opioid. Họ chán ăn và ăn được rất ít (thật ra, hàng ngày họ vốn là những người ăn ít) mà uống rượu là chủ yếu, nhiều người không chịu ăn uống gì. Bệnh nhân hay buồn nôn và nôn, nhưng khi được uống rượu thì tình trạng này (cũng như các triệu chứng nêu trên) hết ngay lập tức. Chúng ta có thể lợi dụng hiện tượng này để bù nước và điện giải cho bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân uống nước pha với một chút rượu (sẽ nói cụ thể ở phần điều trị).

Triệu chứng mất ngủ gặp ở hầu hết các bệnh nhân có hội chứng cai rượu. Mất ngủ xuất hiện ngay tối đầu tiên sau khi cai rượu. Bệnh nhân khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc sớm và đầy ác mộng. Đặc biệt, khi ngủ dậy bệnh nhân không hề cảm thấy thỏa mái mà lại cảm thấy rất mệt mỏi. Mất ngủ sẽ nặng dần trong các ngày tiếp theo và đạt đỉnh ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 5. Khi đó, bệnh nhân có thể mất ngủ hoàn toàn (không ngủ được chút nào trong vài ngày liên tục).

Bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật nặng nề như mạch nhanh, ra mồ hôi, huyết áp cao… Mạch của bệnh nhân thường trên 100 lần /phút. Nếu hội chứng cai càng nặng thì mạch của bệnh nhân sẽ càng nhanh. Kèm theo mạch nhanh, bệnh nhân sẽ có huyết áp cao, giao động. Huyết áp tối đa có thể đạt tới 180-200mmHg, thậm chí có thể tới 220mmHg. Tuy nhiên tình trạng huyết áp cao không ổn định mà thường xuyên giao động, phụ thuộc vào tình trạng cảm xúc của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân ra mồ hôi rất nhiều (như tắm) mặc dù thời tiết không nóng, quần áo của họ thường ướt đẫm mồ hôi, vì vậy chúng ta rất dễ nhận ra. Triệu chứng tăng tiết mồ hôi cùng với các triệu chứng không ăn uống, nôn sẽ làm cho bệnh nhân nhanh chóng xuất hiện tình trạng mất nước, điện giải. Bên cạnh đó, thân nhiệt của bệnh nhân tăng do run cơ (gây tích nhiệt), bệnh nhân có thể sốt 38-39 độ c sẽ làm tình trạng rối loạn nước, điện giải nặng hơn. Bệnh nhân có thể tử vong do rối loạn nước điện giải trầm trọng.

Tình trạng lo lắng quá mức, lú lẫn: thường xuất hiện vào ngày thứ 2 sau khi ngừng rượu. Lú lẫn sẽ tăng lên vào buổi tối khi thị lực của bệnh nhân ít phát huy hiệu quả. Bệnh nhân có thể có rối loạn định hướng không gian, thời gian; khi triệu chứng này được kết hợp với ảo thị thì bệnh nhân sẽ có các hành vi kỳ dị như đi rình kẻ trộm, tìm chim, bắt chuột…

Đa số bệnh nhân sẽ có kích động tâm thần, vận động: họ la hét, chửi bới lung tung, có thể đánh đập vợ con, đập phá đồ đạc. Nhưng do thể trạng chung của bệnh nhân kém vì mất nước, điện giải, do run nhiều và lú lẫn nên họ rất dễ ngã và có các tai nạn đáng tiếc khiến cho tình trạng bệnh của bệnh nhân thêm trầm trọng và có thể tử vong.Rượu trắng

Hoang tưởng và ảo giác do cai rượu: thường xuất hiện ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau khi ngừng uống rượu. Bệnh nhân có thể chỉ có hoang tưởng, hoặc ảo giác hoặc có cả 2 triệu chứng này. Khi hoang tưởng và ảo giác kết hợp trên cùng một bệnh nhân, người ta gọi là hội chứng paranoid do cai rượu.

Khoảng 85% số bệnh nhân có hội chứng cai rượu sẽ có ảo giác. Ảo giác hay gặp nhất trong cai rượu là ảo thanh thật. Bệnh nhân thường nghe thấy có tiếng người đàn ông (hoặc đàn bà) chửi rủa mình. Tiếng nói từ bên ngoài môi trường (từ của sổ, từ sau tủ, từ sau gốc cây…) vọng vào trong đầu bệnh nhân. Tiếng nói nghe rất rõ rệt, bệnh nhân có thể nhận ra đó là giọng nói của ai, người quen hay người lạ. Nội dung của tiếng nói luôn là lời chửi rủa, oán trách nên khiến bệnh nhân rất sự hãi. Thật ra đó chỉ là triệu chứng ảo thanh thật thông thường ở người nghiện rượu. Chúng sẽ hết nhanh chóng khi được điều trị hoặc uống một lượng rượu nhỏ.

Sau ảo thanh, triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là ảo thị. Bệnh nhân nhìn thấy trong thị trường của mình (ảo thị thật) các hình ảnh như các động vật nhỏ (chim, chuột, côn trùng). Nhưng có thể bệnh nhân thấy các hình ảnh rất ghê rỢn mà bệnh nhân cho đó là ma quỷ. Cùng với ảo thanh, đây là một trong những nguyên nhân khiến những người mê tín dị đoan cho rằng bệnh nhân bị quỷ ám. Tuy ảo thị không phổ biến bằng ảo thanh, nhưng hầu hết các nhà tâm thần đều coi đây là triệu chứng rất đặc trưng cho nghiện rượu. Vì vậy trước một bệnh nhân có ảo thị, bác sĩ cần tìm hiểu xem bệnh nhân có tiền sử uống rượu không để có được chẩn đoán chính xác.

Ảo giác (ảo thanh và ảo thị) thường xuất hiện hàng ngày, nhưng chúng hay tăng lên về buổi tối. Khi về đêm, bệnh nhân không ngủ được, ảo giác tác động rất mạnh mẽ đến các hành vi của bệnh nhân. Tình trạng kích động, đập phá, đánh người, tự tử và các tai nạn của bệnh nhân nghiện rượu thường xuất hiện vào thời gian này.

Hoang tưởng cũng là triệu chứng hay gặp, khoảng 65% số bệnh nhân cai rượu sẽ có hoang tưởng. Hoang tưởng ở bệnh nhân cai rượu thường là hoang tưởng ghen tuông. Hoang tưởng này xuất hiện trên nền các ý tưởng nghi ngờ hàng ngày. Thật ra, người nghiện rượu thường mất khả năng quan hệ tình dục do liệt dương và người vợ ghê tởm khi phải quan hệ tình dục với chồng trong tình trạng say rượu (mùi rượu nồng nặc, cơ thể hôi hám bẩn thỉu do lười tắm rửa, thái độ thô bạo…). Vì vậy họ nghi ngờ vợ hoặc bạn tình của mình không chung thủy. Bệnh nhân cũng hay có hoang tưởng bị hại, hầu hết các bệnh nhân này đều cho rằng ma quỷ hại mình. Các hoang tưởng này thường xuất hiện trên các bệnh nhân đã có ảo thị tương ứng (nhìn thấy ma quỷ).

Như vậy, một bệnh nhân có thể có một hay nhiều triệu chứng hoang tưởng, ảo giác. Nếu bệnh nhân càng có nhiều triệu chứng này thì tình trạng rối loạn hành vi của bệnh nhân càng trầm trọng.

Triệu chứng trầm trọng nhất trong hội chứng cai rượu đó chính là cơn co giật kiểu động kinh. Cơn có giật kiểu động kinh xuất hiện ở các bệnh nhân có hội chứng cai rượu nặng. Ở các bệnh nhân này thường có tiền sử uống rượu hàng chục năm, lượng rượu uống hàng ngày trên 500ml rượu 40 độ cồn và thường kết hợp với một bệnh thực tổn khác (nhiễm trùng, xơ gan, cao huyết áp, chảy máu tiêu hóa…). Cơn co giật kiểu động kinh thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của hội chứng cai rượu. Cơn co giật xuất hiện đột ngột, diễn biến rất giống một cơn động kinh cơn lớn điển hình. Bệnh nhân cũng có các giai đoạn co cứng trong vài giây, sau đó xuất hiện co giật trong 1-2 phút. Tiếp theo là trạng thái doãi mềm, hôn mê ngắn và hồi phục. Bệnh nhân quên trong cơn. Tất cả các đặc điểm trên khiến chúng ta dễ nhầm với động kinh cơn lớn. Điểm phân biệt với động kinh cơn lớn là cơn co giật chỉ xuất hiện trong hội chứng cai rượu còn bình thường thì không có, mặc dùng không điều trị gì.

Cơn co giật kiểu động kinh được coi là triệu chứng rất nặng vì nó xuất hiện khi hội chứng cai rượu đạt đỉnh về mức độ trầm trọng, hơn nữa nó là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân sắp vào giai đoạn sảng rượu.

Sảng rượu là một cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp, nếu không được điều trị kịp thời, đúng quy cách thì tỷ lệ tử vong rất cao. Sảng rượu xuất hiện trên nền hội chứng cai rượu mức độ nặng. Khi bệnh nhân đã có sảng rượu thì việc điều trị sẽ trở lên rất khó khăn, tiên lượng sẽ rất xấu.

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG CAI RƯỢU THEO DSM-IV

  • Ngừng hoặc giảm sử dụng rượu khi sử dụng liều cao và kéo dài.
  • Có ít nhất 2 dấu hiệu dưới đây xảy ra sau tiêu chuẩn A vài giờ đến vài ngày.

Tăng hoạt động tự động (nhịp tim tăng > 100 lần/phút).

Run tay.

Mất ngủ.

Buồn nôn và nôn.

Ảo thị giác, ảo thính giác, ảo khứu giác hay hoang tưởng.

Kích động tâm thần vận động.

Có trạng thái lo âu mạnh mẽ.

Có cơn co giật kiểu động kinh cơn lớn.

  • Các triệu chứng ở tiêu chuẩn B gây nguy kịch hoặc suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
  • Các triệu chứng này không do một bệnh lý thực tổn và một bệnh rối loạn tâm thần nào khác gây ra.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây