Ảnh hưởng sinh học về nhạy cảm insulin ở người bình thường
Trong điều kiện sinh lý bình thường khi nồng độ insulin máu hạ thấp, khả năng gắn của insulin vào các thụ thể lại tăng, ngược lại khi nồng độ insulin máu tăng thì khả năng gắn của insulin vào các thụ thể lại giảm.
Nhạy cảm của insulin trên các cá thể khác nhau cũng khác nhau. Người ta thấy bình thường độ nhạy cảm của insulin không bị giảm đi theo tuổi tác với điều kiện có tăng cường các hoạt động thể lực, đặc biệt là ở các cơ vân. Ngược lại khi nghỉ ngơi thì sự nhạy cảm của insulin bị thuyên giảm – dù là ở người trẻ tuổi. Mức độ nhạy cảm của insulin có liên quan trực tiếp đến trọng lượng cơ vân và gián tiếp đến trọng lượng mô mỡ.
Nghiên cứu trên cơ vân của người béo, người ta thấy sự đáp ứng của tyrosin kinase trên các thụ thể insulin vẫn bình thường, nhưng số lượng các thụ thể insulin thì bị giảm nhẹ. Ngược lại, các enzym này lại bị giảm đến 50% khả năng hoạt động ở gan.
Thay đổi insulin ở người đái tháo đường không phụ thuộc insulin
Tình trạng tăng insulin máu có từ rất sớm, ngay cả khi glucose máu bình thường. Các nghiên cứu đều thống nhất khẳng định rằng ở giai đoạn này kháng insulin đã xuất hiện. Các hoạt động tổng hợp glycogen ở cơ vân cũng bất thường sau bữa ăn, quá trình tự phosphoryl hoá của thụ thể insulin ở cơ vân được thừa nhận là bình thường, nhưng hoạt động của tyrosin kinase ở thụ thể lại ở dưới mức bình thường.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, ở những người mắc bệnh đái tháo đường typ 2 thường có kết hợp với đột biến gen thụ thể insulin, ngoài ra vai trò của các chất vận tải glucose qua màng tế bào cũng có những thay đổi cần được làm sáng tỏ.
Hoạt động của insulin trong các bệnh nội tiết khác
Trong một số bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá, hoạt động của insulin cũng bị thay đổi (bảng 3.3).
- Trong bệnh to đầu cực ở các mô mỡ mất nhạy cảm với insulin, nhưng ngay chính insulin cũng có giảm khả năng gắn vào các mô này.
- Trong hội chứng Cushing mất nhạy cảm trong điều hoà chuyển hoá glucose của insulin ở gan và cơ.
- Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang cũng có kháng insulin, cơ chế còn chưa rõ.
- Cao huyết áp cũng làm giảm nhạy cảm insulin ở cơ.
Bảng 3.3. Một số bệnh làm thay đổi sự nhạy cảm của insulin.
Tên bệnh | Tình trạng insulin | Tác giả |
Addison | Tăng | Kali-1978 |
Suy tuyến yên | Tăng | Goldíine -1975 |
Cường năng giáp | Không thay đổi | McCulloch- 1983 |
Tình trạng suy giáp | Không thay đổi | Mc Culloch – 1983 |
To đầu cực | Giảm | Bolinder- 1986 |
Hội chứng Cushing | Giảm | Nasadimi – 1983 |
Khối u tế bào ưa crôm | Giảm | Turbull – 1980 |
Cường năng cận giáp | Giảm | Prager- 1983 |