Trang chủBệnh tiểu đườngChăm sóc người đái tháo đường có thai và người đái tháo...

Chăm sóc người đái tháo đường có thai và người đái tháo đường thai kỳ

Là việc làm cần thiết và rất tốn kém sức người, sức của. Nhân viên y tế phải có mối quan hệ chặt chẽ với sản phụ, với gia đình người bệnh. Thậm chí phải tham gia vào cả những dịp đặc biệt trong đời sống người bệnh như tiệc sinh nhật, ghi chép cả thời gian ngủ và các hoạt động khác của người bệnh để theo dõi sự tiến triển của bệnh. Ngày nay nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh được ích lợi của việc quản lý và điều trị tốt đái tháo đường thai kỳ trong dự phòng sự tiến triển thành đái tháo đường trong giai đoạn sau của cuộc đời người mẹ và thai nhi.

Nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ cho mẹ và thai nhi:

  • Với mẹ: Làm nặng thêm một số thể loại bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu (đây cũng là nguyên nhân gây đẻ non hoặc nhiễm độc thai nghén).
  • Với thai: Tăng nguy cơ bị dạng bẩm sinh, gây suy hô hấp, nặng hơn là gây rối loạn chuyển hóa sơ sinh như hạ đường huyết, hạ calci máu, đa hồng cầu.v.v…

Thai kỳ và các yếu tố nguy cơ

Quản lý người bệnh đái tháo đường typ 1 có thai cần những thày thuốc có kinh nghiệm, cần sự phối hợp giữa các nhà chuyên môn – (nội khoa nội tiết, sản khoa, nhi khoa, các nhà dinh dưỡng, các nữ hộ sinh, y tá điều dưỡng), với người bệnh và nhất là với người thân của họ. Kinh nghiệm cho thấy, nếu người bệnh- sản phụ được những thày thuốc có kinh nghiệm giúp đỡ thì kết quả rất khả quan.

Các yếu tốnguy cơ: Các tổn thương do đái tháo đường liên quan tới chất lượng quản lý lượng glucose máu và nhóm các yếu tố liên quan đến biến chứng tim mạch. Như vậy người đái tháo đường typ 1 có thai cũng nên chia ra 2 nhóm người đái tháo đường mang thai và người đái tháo đường mang thai có biến chứng tim mạch.

  • Người đái tháo đường mang thai và việc quản lý glucose máu

Nếu đế tình trạng glucose máu cao gây nhiễm toan ceton sẽ rất có hại. Người ta thấy tình trạng nhiễm toan ceton ở mẹ có liên quan đến tăng tỷ lệ thai chết lưu.

  • Người đái tháo đường mang thai và bệnh lý mạch máu

Bệnh mạch máu tăng song hành với việc kiểm soát mức glucose máu kém. Ví dụ bệnh lý thận, nhất là nếu có kết hợp với tăng huyết áp, thường là tiên lượng xấu có khả năng xảy ra tiền sản giật, thai nhi chậm phát triển, đẻ non.

Thai kỳ có thể làm xấu đi tình trạng bệnh lý thận hoặc tình trạng bệnh lý võng mạc, là điều kiện thuận lợi để xuất hiện tăng huyết áp. Phụ nữ đã có bệnh lý võng mạc, nay mang thai rất dễ dẫn đến võng mạc tăng sinh gây mù loà.

Tăng tổn thương mạch vành gây chết đột ngột.

Các biến chứng khác hay gặp trong thai kỳ như viêm thận, bể thận… làm tiên lượng bệnh trong khi mang thai xấu đi.

Chính việc mang thai còn là một yếu tố làm kiểm soát glucose máu kém hiệu quả.

Chuyển hóa ở mẹ trong thai kỳ

Khi mang thai, tăng chuyển hóa ở cơ thể mẹ là để đáp ứng nhu cầu

cung cấp năng lượng ngày càng tăng cho cả mẹ và thai nhi.

Trong 6 tháng đầu, việc tăng sử dụng năng lượng của thai làm nồng độ glucose ở mẹ giảm. Vì thế liều insulin ở những phụ nữ có thai cũng giảm đi rõ rệt.

Ớ giai đoạn sau, quá trình kháng insulin thường xảy ra làm cho cân bằng hormon thay đổi dẫn đến tăng nồng độ glucose máu ở những phụ nữ không đái tháo đường mang thai và người đái tháo đường mang thai thì lại cần tăng liều insulin để duy trì sự ổn định của glucose máu.

Ở phụ nữ đái tháo đường mang thai: Thai sẽ chịu ảnh hưởng bởi tình trạng bệnh lý của mẹ. Nếu lượng glucose trong máu mẹ tăng cao cũng làm tăng glucose máu thai nhi. Glucose máu và các chất dinh dưỡng khác của mẹ kích thích tuỵ thai nhi phát triển, gây hậu quả bài tiết và thậm chí cả tăng bài tiết insulin vào máu, gây quá sản tế bào beta. Cả hai hiện tượng dinh dưỡng quá mức của thai lẫn tình trạng tăng insulin máu đều làm tỷ lệ thai chết lưu tăng lên ở người mẹ mắc bệnh đái tháo đường.

Những việc làm cần thiết

Chuẩn bị cho việc mang thai

Đây là một việc rất cần thiết. Nhiều nơi người ta đã thiết lập các đội phục vụ lưu động nhiều thành phần gồm các bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, bác sĩ nội khoa (hoặc các bác sĩ gia đình), bác sỹ sản khoa, các nhà giáo dục chuyên về chế độ ăn và một số các nhà chuyên môn khác, tuỳ thuộc theo yêu cầu của đối tượng phục vụ. Đối tượng được phục vụ – người phụ nữ đái tháo đường sẽ mang thai, là thành viên quan trọng nhất của đội phục vụ này. Vì chính chị ta sẽ là người tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của mình để xin ý kiến tư vấn từ những người thích hợp.

Các bước chuẩn bị cho thai kỳ gồm

  • Thảo luận về chương trình hợp đồng tư vấn.
  • Dự báo yếu tố nguy cơ chu sinh: cần phải tiến hành các bước như sau:

Kiểm tra mắt.

Điện tâm đồ.

Protein niệu.

Độ thanh thải creatinin.

Tình trạng mạch máu ngoại vi.

Tình trạng kiểm soát glucose máu; như lượng glucose máu lúc đói, sau ăn, nồng độ HbAiC…

  • Kiểm soát chặt chẽ glucose máu, hướng dẫn cách sử dụng máy theo dõi glucose máu cá nhân.
  • Đánh giá về chế độ dinh dưỡng.
  • Xem có tình trạng miễn dịch kháng Rubella?
  • Đánh giá tình trạng tâm thần, làm tăng các hưng phấn thần kinh bằng cách:

Khuyên người bệnh bỏ thuốc lá, bia rượu.

Có chương trình, kế hoạch luyện tập thích đáng.

Một số điểm lưu ý:

Kiểm tra bắt buộc gồm: Đo huyết áp, khám mắt và điện tim, phải lấy nước tiểu 24 giờ để đo độ thải creatinin và bài tiết protein.

Với người có thai, HbA1C phải được xem là xét nghiệm thường quy.

Trước khi mang thai phải xác định xem tình trạng miễn dịch với Rubella (sởi Đức) là bắt buộc.

Một số câu hỏi của người phụ nữ đái tháo đường có thai thường quan tâm về sức khoẻ của họ và những khả năng xảy ra với thai nhi:

  • Thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ và sức khoẻ người mẹ như thế nào?

Thường thai kỳ không gây nguy hiểm gì đến tính mạng, nhưng những biến chứng nguy hiểm thì có thể xảy ra. Cho tới nay chưa có bằng chứng gì để chứng minh thai kỳ ở người đái tháo đường typ 1 làm giảm tuổi thọ – trừ khi người này có bệnh mạch vành. Tuy nhiên người đái tháo đường typ 1 phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn là so với người không bị đái tháo đường là chắc chắn. Ví dụ: Tình trạng nhiễm toan ceton dễ xảy ra ở người đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường mang thai, tỷ lệ đẻ non và tiền sản giật ở người mắc bệnh đái tháo đường nhiều hơn người không bị đái tháo đường…

Nhiều khi rất khó tiên lượng những tai biên có thể xảy ra đối với những người bệnh- sản phụ này.

  • Bệnh lý thận ở người đái tháo đường khi mang thai sẽ như thế nào ?

Cũng không chứng cứ gì để nói lên tình trạng bệnh lý thận sẽ trở nên xấu đi vĩnh viễn ở người đái tháo đường mang thai, mặc dù lượng protein niệu nhất thời có tăng lên và khả năng thải creatinin qua thận giảm xuống.

Người ta khuyên nên tìm các yếu tố sau để đánh giá tiên lượng:

  1. Protein niệu 24 giờ > 3 gam ở 3 tháng đầu, hoặc trên dưới 10g/24 giờ ở 3 tháng cuối.
  2. Creatinin máu >1,5mg/dl (>133 μmol/l) ở thời điểm bắt đầu mang thai (tháng đầu tiên).
  3. Hematocrit <25% ở 3 tháng cuối.
  4. Tăng huyết áp.

Nếu một người mắc đái tháo đường thai kỳ hoặc người đái tháo đường mang thai, càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì tiên lượng càng xấu.

  • Thai kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến bệnh lý võng mạc?

Thai kỳ không có ảnh hưởng gì lớn, trừ những người có bệnh lý võng mạc tăng sinh cấp. Người ta thấy những phụ nữ có bệnh võng mạc mà không bị đái tháo đường cũng không tiến triển gì hơn trong thời kỳ mang thai. Nếu có điều kiện nên điều trị bệnh võng mạc tăng sinh bằng laser đông lạnh trước khi mang thai.

  • Trẻ sinh ra có mắc bệnh đái tháo đường không?

Yếu tố nguy cơ không cao, xấp xỉ 3%.

  • Người đái tháo đường có thể sử dụng thuốc tránh thai như thếnào?

Phụ nữ trẻ không có biến chứng mạch máu, có thể sử dụng liều thấp estrogen < 35pg/progestin để tránh thai. Nếu có tăng huyết áp hoặc bệnh lý mạch máu chỉ nên dùng progestin (hoặc một số thuốc viên khác).

  • Đái tháo đường ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của thai nhi và trẻ sau này?

Câu trả lời là hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng kiểm soát glucose máu của người mẹ, lượng glucose máu kiểm soát càng chặt chẽ, biến chứng càng ít. Trong những tuần đầu của thai kỳ, việc kiểm soát glucose máu kém làm tăng nguy cơ gây dị dạng thai nhi. Sau đó, lượng glucose máu cao có thể gây ra những chuỗi nguy hiểm khác. Nguyên nhân là glucose thì qua nhau thai vào thai nhi, còn insulin thì không. Hậu quả là chính lượng đường này sẽ kích thích thai nhi tăng kích thích sản xuất insulin, gây ra:

Hiện tượng tăng cân thai nhi gây thai to hoặc thai khổng lồ (xem hình 1 ở phụ bản).

Ngăn cản quá trình hoàn thiện của phổi thai nhi và một số cơ quan, đặc biệt nếu thiếu các chất diện hoạt có thể gây ra các bệnh xẹp phế nang…

Gây hạ glucose máu sau sinh ở trẻ sơ sinh.

ít gặp hơn là trường hợp thai chết lưu không rõ nguyên nhân.

Dị tật bẩm sinh

Yếu tố nguy cơ và cách phát hiện:

  • Tỷ lệ chung vào khoảng 2-3%.
  • Nghiên cứu tiến hành ở những đối tượng có mức kiểm soát glucose máu khác nhau trong 3 tháng đầu cuả thai kỳ, cho những kết quả khác nhau. Nếu ở những người đái tháo đường kiểm soát mức glucose máu tốt tỷ lệ này khoảng dưới 5%, ngược lại, tỷ lệ này rất cao (20-25%) ở những người bệnh đái tháo đường không kiểm soát tốt glucose máu (đánh giá qua chỉ số HbA1c).

Rất nhiều bất thường của thai nhi, đặc biệt là tim, hệ xương, đường niệu sinh dục có thể thấy được trước khi sinh. Để đánh giá những dị dạng trước khi sinh nên đo nồng độ a-fetoprotein ở tuần thứ 16; kiểm tra cấu trúc giải phẫu thai nhi ở tuần 16-18 và đánh giá cấu trúc tim thai ở tuần thứ 20.

Những việc cần làm khi mang thai

Mục đích của kiểm tra glucose máu ở người mẹ

Kiểm soát tốt mức glucose máu của mẹ trong thời kỳ mang thai sẽ làm giảm phân nửa các yếu tố nguy cơ cho thai nhi như tăng cân gây thai to, thai khổng lồ, gây suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh, chậm hoàn thiện bộ máy hô hấp (chủ yếu là phổi) (xem bảng 9.7).

Bảng 9.7. Mức đường máu phải phấn đấu duy trì.

Thời gian đo Glucose máu mg/dl (mmol/l)
Trước bữa ăn sáng 60 – 90 (3,3-5,0)
Trước bữa trưa, tối và trước khi đi ngủ 60- 105 (3,3-5,8)
2 giờ sau ăn 60- 120 (3,3-6,7)
2giờ -6giờ sáng 60- 100 (3,3-5,6)
HbA1c <7%

Việc duy trì nồng độ glucose máu trên trong suốt thời kỳ mang thai là việc rất khó. Trong ba tháng đầu, nguy cơ hạ glucose máu luôn thường trực ở mỗi người. Hạ glucose máu hay xảy ra, nhất là về ban đêm. Đặc điểm này cần phải được lưu ý, vì vào thời gian này năng lượng cung cấp cho mẹ bị tạm dừng nhưng thai nhi thì vẫn có nhu cầu được cung cấp năng lượng, thậm chí mức năng lượng đòi hỏi ngày càng tăng. Ngược lại ở giai đoạn sớm của ba tháng cuối của thai kỳ, khi lượng insulin cần thiết có thể tăng 50-100% (suốt trong 4-6 tuần) thì đây là giai đoạn dễ xảy ra nhiễm toan ceton nhất. Lúc này lượng insulin cần gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với liều thông thường dùng cho sản phụ.

Theo dõi

  • Tự theo dõi glucose máu bằng máy đo glucose máu cá nhân

Với người phụ nữ mang thai thì đây là điều buộc phải làm. Thông thường người ta nên biết các số đo glucose máu ở các thời điểm:

  • Lúc đói.

Trước ăn.

Sau ăn 2 giờ.

Glucose máu ở vào khoảng 2-3 giờ sáng là rất cần, nhất là người đã từng có lúc hạ glucose máu ban đêm; người có tăng glucose máu (lúc đói) dai dẳng, người sử dụng các phương tiện như truyền insulin liên tục dưới da.

  • HbA1c

Cần kiểm tra nhắc lại từ 4-6 tuần 1 lần.

  • Nước tiểu:

Nên thường xuyên tìm ceton niệu lúc đói hàng ngày; đặc biệt nếu lượng glucose máu cao trên 11,1 mmol/l (200mg/dl).

Chế độ điều trị insulin thế nào?

Nguyên tắc điều trị bằng insulin:

  • Phải dựa vào hàm lượng glucose máu lúc đói, vào loại thực phẩm ăn vào, chế độ luyện tập và chế độ làm việc.
  • Chế độ ăn uống, luyện tập, dùng thuốc phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Cần thảo luận chi tiết với thày thuốc chuyên khoa trực tiếp theo dõi sức khoẻ cho sản phụ.
  • Thường khi mang thai, đại đa số người bệnh – sản phụ dùng chế độ 3-4 mũi tiêm/ ngày.
  • Có thể phối hợp nhiều loại insulin nhanh, bán chậm để duy trì nồng độ glucose máu ở mức độ cho phép. Sau đây là một ví dụ:

+ Loại tác dụng nhanh, thời gian duy trì ngắn vào buổi sáng hoặc trước bữa toi.

+ Loại tác dụng trung bình (bán chậm) trước khi đi ngủ.

  • Nếu phải tăng liều insulin phải điều chỉnh rất cẩn thận. Mỗi lần tăng chỉ được tăng từ 10-20%.

Nếu dùng hiện pháp truyền dưới da liên tục (CSII): Phải đề phòng nguy cơ hạ glucose máu nhất là vào ban đêm.

Chế độ dinh dưỡng

  • Phân chia theo các bữa:

30% cho bữa trưa.

30% cho bữa tối.

30% còn lại cho các bữa phụ (giữa buổi sáng hoặc giữa buổi chiều). Nhưng quan trọng nhất là bữa ăn tối trước khi đi ngủ, đề phòng cơn hạ glucose máu vào ban đêm, tránh được hiệu ứng Somogy, hiện tượng bình minh, trước bình minh vào sáng hôm sau.

  • Mục đích quản lý đái tháo đường thai kỳ:

Mọi chỉ số sinh lý, sinh hoá đều trong giới hạn bình thường.

Mức glucose máu trước ăn và trước khi đi ngủ từ 3,3 mmol/l đến

mmol/l (60 mg/dl đến 95 mg/dl).

Mức glucose máu sau ăn 1 giờ dưới 7,8 mmol/l (140 mg/dl); sau ăn 2 giờ dưới 6,7 mmol/l (120 mg/dl).

Ceton niệu luôn âm tính.

Theo dõi ngoại trú

Đa số người bệnh đái tháo đường typ 1 được quản lý dưới hình thức là người bệnh ngoại trú. Người ta thường đến bệnh viện để đánh giá tình trạng tim mạch, thận và kiểm tra glucose máu (bằng chỉ số glucose máu lúc đói và HbA1c). Cũng có khi họ đến viện vì không thể kiểm soát được glucose máu, do tình trạng huyết áp xấu đi hoặc do nhiễm khuấn tiết niệu – trong trường hợp này thường phải cấy nước tiểu để chẩn đoán, nhất là vào 3 tháng đầu của thai kỳ.

Thông thường người ta lập kế hoạch kiểm tra 1-2 tuần một lần. Khi gặp thầy thuốc, nên thảo luận kỹ về chỉ số glucose máu cần phải đạt được, về tình trạng tăng hoặc hạ glucose máu hiện tại, tình trạng huyết áp.

Người bệnh nên liên hệ ngay với thày thuốc nếu có dấu hiệu hạ glucose máu lâm sàng và/hoặc xét nghiệm có hạ glucose máu (< 50mg/dl ≈ 2,8mmol/l) hoặc tăng glucose máu (> 200mg/dl ≈ 11,1 mmol/l).

Người ta cũng khuyên phải kiểm tra bệnh lý đáy mắt. Nếu có dấu hiệu bệnh lý của đáy mắt, phải có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng hơn vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.

Đánh giá chức năng thận, thông qua chỉ số thanh lọc creatinin, sự bài tiết protein niệu.

Đánh giá tình trạng thai nhi bởi thày thuốc

Bảng 9.8. tóm tắt hướng dẫn đánh giá tình trạng thai nhi. Trong đó chú ý đến tình trạng ngăn ngừa thai chết lưu, nhất là từ 4-6 tuần lễ cuối của thai kỳ.

Bảng 9.8. Đánh giá tình trạng thai nhi.

  1. Từ tuần 16-20:Thời kỳ giữa của thai kỳ:
  • Định lượng α-fetoprotein máu mẹ.
  • Siêu âm kiểm tra tim mạch thai nhi.
  1. Tuần từ 28 đến khi sinh:
  • Tiên lượng cuộc đẻ.
  • Test không kích thích.
  • Các chỉ số sinh học đánh giá tình trạng thai.
  • Siêu âm đánh giá tình trạng phát triển của thai.
  • Tình trạng phổi, đo tỷ lệ L/S (Lecithin/ Sphingomyelin)

Bệnh nhân tự theo dõi

Đây là phương pháp tự đánh giá đơn giản, dễ làm nhất. Hàng ngày người mẹ có thể theo dõi sự hoạt động của thai nhi, kể từ tuần lễ thứ 28 trở đi. Phải lập bảng theo dõi hoạt động của thai vào những giờ trong ngày, thời gian theo dõi từ 30 đến 60 phút. Thường trong khoảng thời gian này có tối 10 hoạt động của thai.

Để tự theo dõi thai có hiệu quả, cần có sự trợ giúp của thày thuốc như hướng dẫn cách theo dõi chẳng hạn.

Các test thăm dò không kích thích

Đây là các thăm dò lý tưởng vì không gây kích thích, thường chỉ kéo dài 20 phút. Các chỉ số thường được theo dõi là.

  • Tim thai: Thường là 15 nhịp đập kéo dài 15 giây trong 20 phút. Từ tuần thứ 28 có thể làm test này hàng tuần. Từ tuần thứ 32, có thể làm 2 lần/ tuần.
  • Các hoạt động khác của thai khi mẹ hoạt động.

Các test kích thích bị chống chỉ định

Theo dõi các thay đổi hoạt động sinh học thai nhi:

Các thày thuốc lâm sàng sử dụng siêu âm quan sát hoạt động của thai nhi. Các chỉ số cần ghi nhận là:

  • Chuyển động (các hoạt động) của thai.
  • Thể tích nước ối.
  • Tim thai.

Đánh giá sự tăng trưởng của thai

Sự tăng trưởng của thai có thể kiểm tra từ 4-6 tuần/ lần bằng siêu âm, nhất là trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thận và/hoặc tăng huyết áp.

Thời gian sinh

Trước đây phải chọn thời điểm sinh sớm. Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị tử vong do hội chứng trụy hô hấp (RDS – Respiratory Distress Syndrom). Nguyên nhân là do lớp diện hoạt trên bề mặt phế nang bị tổn thương gây xẹp phổi. Hội chứng này thường gặp ở trẻ sơ sinh của những người mẹ bị mắc bệnh đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ không được chăm sóc, quản lý tốt mức glucose máu.

Ngày nay, người ta đủ khả năng để cho sinh đúng hạn. Ở những người bệnh – sản phụ kiểm soát glucose máu kém, có tiền sử sảy thai hoặc không được theo dõi điều trị đặc biệt, có thể phải chọn thời điểm sinh sớm để tránh tử vong.

Có thể dự báo RDS bằng định lượng chất diện hoạt trong nước ôi. Khả năng RDS sẽ cao nếu tỷ lệ Lecithin/ Sphingomyelin(L/S) trong dịch ối là > 2,0 và có mặt chất toan phospholipid phosphatidylglycerol.

Nếu phổi của thai nhi vẫn chưa được hoàn thiện vào tuần thứ 38, ngày sinh có thể lùi lại. Trong trường hợp này việc phân tích nước ối phải làm hàng tuần (1 lần/tuần) nhất là những trường hợp đái tháo đường đã có biến chứng.

Cuộc đẻ

Thời gian và địa điểm sinh nở của những người bệnh – sản phụ này phải có sự bàn bạc với các thày thuốc chuyên khoa sơ sinh. Trong điều kiện người mẹ không được quản lý tốt mức glucose máu, hoặc có các dấu hiệu đe doạ sự sống của thai – buộc phải sinh ở bệnh viện chuyên khoa nơi có những thày thuốc có có kinh nghiệm và có đơn vị hồi sức tốt.

Trong cuộc đẻ, việc theo dõi tim thai bằng monitoring là bắt buộc để có tiên lượng đúng và kịp thời xử trí các tình huống xảy ra bất ngờ.

Duy trì lượng glucose máu trong khi đẻ

Mức glucose trong khi sinh cần giữ ở mức 3,3-5,6 mmol/l (50- 100mg/dl). ớ mức này người ta thấy nguy cơ hạ glucose máu ở trẻ sơ sinh được hạn chế ở mức thấp nhất. Trong khi sinh, người ta có thể vừa truyền glucose, vừa truyền insulin để duy trì hàm lượng glucose máu ở mức cần thiết. Việc theo dõi mức glucose máu bằng máy theo dõi cá nhân nên làm 1 giờ/ 1 lần, vì nhiều khi chỉ một liều nhỏ insulin cũng đủ gây ra hạ glucose máu.

Trường hợp cuộc đẻ phải can thiệp phẫu thuật, thường gây tê ngoài màng cứng.

Theo dõi sau phẫu thuật:

  • Mức glucose máu 1-2 giờ/ 1 lần.
  • Duy trì dung dịch glucose đẳng trương tĩnh mạch.
  • Dùng insulin phải cân nhắc và thận trọng vì sau khi lấy hết bánh nhau, lượng hPL giảm xuống nhanh chóng dễ gây hạ glucose máu do không còn hiện tượng kháng insulin.

Chăm sóc sau đẻ

Cần nhớ sau đẻ, lượng insulin theo yêu cầu sẽ thấp hơn khi đang mang thai.

Lượng calo cần cho mẹ thông thường là 30 – 37 Kcal/kg/24 giờ.

– Nếu người bệnh- sản phụ đẻ thường (đẻ đường dưới) và nồng độ glucose huyết tương > 11,1mmol/l (> 200mg/dl) thì:

+ Phải can thiệp bằng insulin nhanh vào các ngày thứ nhất và thứ hai sau đẻ.

+ Ngày thứ 3, thứ 4; liều insulin phải dựa trên cơ sở tổng liều của ngày 1 và 2. Tỷ lệ thông thường 2/3 là loại insulin bán chậm và 1/3 là loại insulin có tác dụng nhanh. Tốt nhất là nên dựa vào kết quả glucose máu để điều chỉnh.

Nếu người bệnh- sản phụ buộc phải can thiệp phẫu thuật thì phải dùng dịch truyền để nuôi dưỡng, nên không cần insulin vào các ngày thứ 2 và 3 sau mổ. Từ ngày thứ 3 trở đi, phải theo dõi nồng độ glucose máu để chỉ định liều insulin. Thông thường người ta hay dùng insulin từ ngày thứ 4 – khi bệnh nhân đã tỉnh và ăn uống được.

Vấn đề của kế hoạch hoá gia đình và tránh thụ thai

Các thuốc tránh thai rất nên dùng nhưng lại tăng nguy cơ gây tắc mạch do huyết khối và các bệnh lý mạch máu khác. Ngày nay người ta có xu hướng dùng loại thuốc kết hợp Estrogen/ Progesteron (liều thấp Estrogen < 35μg), nhất là ở phụ nữ có tăng huyết áp và có bệnh lý mạch máu. Cũng có lời khuyên nên sử dụng các biện pháp tránh thai khác ngoài việc dùng thuốc, tuy kết quả có kém hơn.

Phẫu thuật trong thai kỳ

Với người mắc bệnh đái tháo đường typ 1, khi mang thai kháng insulin sẽ tăng lên trong 3 tháng cuối; vì thế liều insulin thông thường sẽ tăng từ 100 – 200%. Khi buộc phải phẫu thuật thường sử dụng chế độ GIK (xem thêm bài 10: Phẫu thuật ở người bệnh đái tháo đường).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây