Trang chủSức khỏe đời sốngCơ chế bệnh sinh của nghiện rượu

Cơ chế bệnh sinh của nghiện rượu

TÁC ĐỘNG CỦA RƯỢU LÊN CHUYỂN HÓA NÃO

Rượu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa ở gan. Trong thực tế sự oxy hoá của ethanol dẫn đến sản phẩm trung gian là acetaldehyd làm giảm cảm ứng enzym alcool dehydrogenase cần thiết cho quá trình oxy hoá. Ngộ độc rượu còn tác động đến các màng thần kinh, sự tích tụ của acetaldehyd trong trường hợp này có vai trò quan trọng trong thiết lập sự phụ thuộc rượu.

Người ta cũng nêu lên vai trò của các chất trung gian thần kinh khác nhau như: acetylcholin, serotonin, noradrenalin, GABA. Nhìn chung, các catecholamin có vai trò nhất định trong hội chứng cai. Trong hội chứng cai, có sự giải phóng quá mức các noradrenalin ở trước synáp và tăng tính nhậy cảm của các thụ cảm thể với các chất trung gian thần kinh này. Người ta còn nhận thấy các thuốc kích thích hệ thống adrenergic làm giảm tác dụng của rượu và các thuốc này ức chế giải phóng các catecholamin.

Rượu vang như là một thứ thuốc trường thọ
Rượu vang như là một thứ thuốc trường thọ

Mặt khác acetaldehyd (sản phẩm chuyển hóa của rượu) kết hợp với một vài amin của não tạo thành tetrahydroisoquinolin. Các sản phẩm này có tác dụng gần giống như các opiat nội sinh của não, chúng còn bị coi là các chất trung gian hoá học giả. Những chất này đến não (hoặc chuyển hóa trong chính tế bào não) và có khả năng cạnh tranh với các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Để các chất trung gian hoá học giả này có tác dụng thì cần phải có nồng độ cao hơn nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Trong não của người nghiện rượu, nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh rất thấp nên các chất trung gian hoá học giả này dễ dàng cạnh tranh.

TÁC ĐỘNG CỦA RƯỢU TRÊN MÀNG TẾ BÀO NEURON

Rượu có tác dụng trực tiếp trên màng neuron, vì thế rượu là yếu tố trực tiếp gây ra hiện tượng nghiện. Ngộ độc rượu cấp tính làm tăng tính lỏng lẻo các thành phần của màng neuron nên uống rượu lâu dài có thể gây ra sự biến đổi cấu tạo lipid của màng, dẫn đến làm lỏng lẻo các thành phần của màng neuron. Những biến đổi như vậy có thể giải thích được sự dung nạp của hệ thần kinh đối với rượu. Khi cai rượu thì tình trạng lỏng lẻo của màng tế bào sẽ giảm đi, nhưng khi uống rượu trở lại thì tình trạng lỏng lẻo ở màng tế bào lại tái diễn.

GIẢ THUYẾT VỀ CƠ CHẾ SINH HỌC CỦA NGHIỆN RƯỢU VÀ HỘI CHỨNG CAI RƯỢU

Phần lớn rượu chuyển hóa ở gan theo 2 giai đoạn:

  1. Alcool chuyển thành acetaldehyd dưới xúc tác của enzym alcool dehydrogenase (ADH).
  2. Acetaldehyd chuyển thành acetat.

Dưới tác dụng của enzym ADH, lượng acetaldehyd tăng cao trong máu và liên kết với các monoamin não để tạo thành tetraisoquinolin. Đây chính là chất có tác dụng giống morphin nên có thể gắn trên các thụ cảm thể morphin và các thụ cảm thể chuyên biệt khác ở sau synáp gây ra phụ thuộc rượu trên lâm sàng. Mặt khác, rượu tác động trên các phospholipid thể lỏng ở màng tế bào. Khi nghiện rượu mạn tính, màng tế bào ít nhậy cảm với các kích thích này và trở nên kém linh hoạt hơn gây ra “màng cứng”. Nghiện rượu mạn tính còn làm biến đổi cấu trúc màng tế bào. Tất cả những điều đó gây ra sự suy giảm chức năng chung của các thụ cảm thể, trong đó có các thụ cảm thể GABA.

Rượu có tác dụng làm tăng hiệu quả của GABA, vì thế có tác dụng ức chế. Nghiện rượu mạn tính làm giảm lượng GABA trong não và làm tăng số lượng thụ cảm thể GABA. Người ta nhận thấy các bệnh nhân sảng rượu có lượng GABA thấp hơn hẳn so với người bình thường. Khi cai rượu, sự kích thích các thụ cảm thể GABA bị đình chỉ đột ngột gây ra suy giảm đột ngột chức năng hệ GABAnergic, kết quả là giải ức chế trung ương và là nguồn gốc của nhiều triệu chứng cai như tăng tiết mồ hôi, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, run tay, cơn co giật kiểu động kinh, cơn sảng rượu.

Ngoài ra, khi cai rượu trục dưới đồi-tiền yên – thượng thận cũng bị tác động làm tăng tiết corticoid gây ra các triệu chứng như trầm cảm, mệt mỏi, cảm giác kiệt sức, động kinh, tăng huyết áp, lú lẫn… Các benzodiazepin và nhiều thuốc hướng thần khác có thể hạn chế sự tăng tiết ACTH và corticoid khi có hội chứng cai rượu.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây