TUỔI
Nghiện rượu hay gặp ở lứa tuổi từ 30 tuổi trở lên. Điều này cũng dễ hiểu vì bệnh nhân phải uống rượu nhiều trong thời gian trên 10 năm liên tục mới trở thành nghiện rượu. Tuy nhiên, nghiện rượu tăng nhanh chóng theo lứa tuổi: khoảng 70% số nghiện rượu gặp ở người dưới 40 tuổi, 90% người nghiện rượu dưới 50 tuổi và 93,6% người nghiện rượu dưới 60 tuổi.
Theo Salum J. (1972) có đến 64% số người nghiện rượu ở lứa tuổi 40-50, có 22% dưới 40 tuổi và chỉ 14% số nghiện rượu có tuổi trên 60. Nhiều tác giả khác cũng khẳng định rất hiếm gặp người nghiện rượu ở tuổi dưới 30. Tuổi trung bình của nghiện rượu là 43 với nam và 42 với nữ.
Theo nghiên cứu của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Viết Thiêm, Trần Viết Nghị, Quách Văn Ngư… thì có 27% đến 50% số người nghiện rượu nằm trong độ tuổi 30-40 (nghĩa là độ tuổi lao động quan trọng). Một số” tác giả đã tính ra tuổi trung bình của người nghiện rượu ở Việt Nam là 42.
GIỚI
Tỷ lệ nam/nữ bị nghiện rượu nói chung dao động từ 4/1 đến 8/1. Trong các nghiên cứu lâm sàng ngày nay, hầu hết bệnh nhân là nam giới.
Theo tác giả Starova L.v (năm 1976), Florchutz T. (1995), tỷ lệ nghiện rượu ở nữ chỉ là 10% tổng số bệnh nhân nghiện rượu.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về nghiện rượu đều cho thấy hầu hết bệnh nhân là nam giới, số bệnh nhân là nữ hầu như không có, có lẽ điều này là do phong tục tập quán của nước ta khác ở phương Tây. Phụ nữ Việt Nam rất ít uống rượu nên hầu như không có bệnh nhân nữ bị nghiện rượu.
NGHỀ NGHIỆP
Nghề nghiệp là môi trường có ảnh hưởng đến lạm dụng rượu, từ đó phát sinh ra nghiện rượu. Có 3 loại nghề nghiệp liên quan đặc biệt đến nghiện rượu là nông dân với môi trường nông thôn; tầng lớp công nhân lao động chân tay nặng nhọc; những nghề phải tiếp xúc với công chúng nhiều như bồi bàn, nhân viên chuyển hàng và giới kinh doanh.
Theo các nghiên cứu ở Việt Nam, có tới 80% số người nghiện rượu làm những nghề lao động nặng nhọc như thợ xây, thợ mộc, thợ rèn, nhưng có đến 32,5% thất nghiệp ở thời điểm nghiên cứu.
Nghiên cứu của Lý Trần Tình (năm 2006) cho thấy công nhân chiếm tỷ lệ 34,4%, nông dân 32,3%, viên chức 6,3% và 27,1% làm nghề tự do.
TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN
Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy có một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân có trình độ học vấn thấp. Theo Soayka M. (1990) cho thấy 64,2% có học vấn phổ thông trung học và 13,2% có học vấn tiểu học.
Tác giả Trần Viết Nghị (1996) cho rằng có tới 80,6% số người nghiện rượu chưa tốt nghiệp phổ thông trung học.
Môi trường làm việc nặng nhọc, sự thiếu hiểu biết và sự phổ biến của những quan niệm sai lầm về tác dụng của rượu trong dân chúng cho rượu là thuốc bổ dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khoẻ… là những điều kiện thuận lợi làm phát sinh, phát triển việc lạm dụng rượu và nghiện rượu. Điều này có thể là một trong những nhân tố làm gia tăng số bệnh nhân nghiện rượu ở nước ta.
THỜI GIAN UỐNG RƯỢU CỦA BỆNH NHÂN NGHIỆN RƯỢU
Đa số các tác giả đều cho rằng thời gian uống rượu phải trên 10 năm mới trở thành nghiện rượu. Chỉ một số rất ít các bệnh nhân uống rượu trên 5 năm đã trở thành nghiện rượu. Những người này phải uống một số lượng rượu rất lớn mỗi ngày (từ 700-1000ml rượu 40 độ cồn). Nói chung, tỷ lệ người nghiện rượu có thời gian uống rượu dưới 5 năm chỉ chiếm khoảng 10% số trường hợp, tỷ lệ cao nhất gặp trong nhóm uống rượu từ 10-15 năm chiếm 60%, các bệnh nhân ở các nhóm thời gian uống rượu 15-20 năm chiếm 30%.
LƯỢNG RƯỢU UỐNG HÀNG NGÀY
Các nghiên cứu về lượng rượu uống hàng ngày của bệnh nhân nghiện rượu còn khác nhau, tuỳ thuộc vào từng vùng, miền và tập quán của nhân dân địa phương. Nói chung, lượng rượu uống trong ngày phải vượt quá 300ml rượu 40 độ cồn thì bệnh nhân mới có thể trở thành nghiện rượu sau 10 năm uống liên tục. Đây chỉ là giới hạn dưới của nghiện rượu. Bệnh nhân nghiện rượu thực tế uống rải rác trong ngày, họ uống rượu thay cho nước, tổng số lượng uống có thể lên đến 1000ml rượu 40 độ cồn, không hiếm trường hợp người nghiện uống hết 2 lít rượu/ngày, cá biệt có bệnh nhân uống tới 4 lít rượu 40 độ cồn/ngày. Những bệnh nhân này hầu như không ăn uống gì ngoài uống rượu. Họ chỉ ngừng uống khi bị các bệnh cơ thể nặng nề như xơ gan, sốt cao do nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hoá, nhồi máu cơ tim… Khi đó họ thường trong trạng thái suy kiệt và có hội chứng cai rượu phát triển hành sảng rượu rất trầm trọng.
LOẠI RƯỢU UỐNG CỦA BỆNH NHÂN NGHIỆN RƯỢU
Bệnh nhân nghiện rượu không chế bất kỳ loại đồ uống có cồn nào. Họ có thể uống bia, rượu vang, rượu mùi hoặc rượu mạnh. Nhưng thường họ chọn loại rượu mạnh (để có nồng độ cồn cao), rẻ tiền (để mua được nhiều) để thoả mãn cho nhu cầu rượu của mình.
Ớ Việt Nam, đa số các bệnh nhân nghiện rượu thường xuyên sử dụng loại rượu do nhân dân tự nấu từ ngũ cốc, khoai, sắn… với quy trình nấu rượu rất thô sơ. Các loại rượu này có độ cồn trong khoảng 30-45 độ, nhưng không được khử độc, vì thế có chứa nồng độ aldehyd và các tạp chất khác rất cao, rất có hại cho người uống. Hơn nữa, loại rượu này thường được sử dụng ngay sau khi cất, không có thời gian lưu trữ để các chất độc có thời gian phân huỷ, tác hại còn khôn lường.
TIỀN SỬ GIA ĐÌNH CỦA BỆNH NHÂN NGHIỆN RƯỢU
Những người con của các bệnh nhân nghiện rượu có tỷ lệ nghiện rượu cao gấp 4-5 lần những người con của những người không nghiện rượu. Các nghiên cứu sau đó đã cho thấy nghiện rượu là một bệnh di truyền. Nghiện rượu ở người con một phần do ảnh hưởng trực tiếp từ lối sống, sinh hoạt của bố mẹ; phần khác là do ảnh hưởng của tính di truyền đã được chứng minh qua nghiên cứu những cặp sinh đôi cùng trứng (gien di truyền giống nhau) và khác trứng (gien di truyền khác nhau). Khoảng 60% số trường hợp bệnh nhân nghiện rượu có bố, mẹ, anh, em là người nghiện rượu.
TỶ LỆ CÁC VẤN ĐỀ DO RƯỢU
- Tỷ lệ nhập viện: khó xác định chính xác tỷ lệ người nghiện rượu nhập viện do có nhiều người không vào viện điều trị hoặc nằm viện tại các chuyên khoa không tâm thần (tiêu hoá, tim mạch…). Nhiều tác giả cho rằng số bệnh nhân có các vấn đề về rượu điều trị nội trú chiếm tới 10% tổng số bệnh nhân tâm thần.
- Công thức Jellinek: do khó xác định chính xác tỷ lệ người nghiện rượu nên người ta đã sử dụng công thức Jellinek để tính gần đúng số người nghiện rượu. Công thức này được biểu hiện là: R (PD)/K trong đó:
+ R là tỷ lệ của tổng số người nghiện rượu trên số người nghiện rượu có biến chứng.
+ D là số người xơ gan chết trong 1 năm ở một địa phương.
+ p là tỷ lệ % của những người xơ gan chết do rượu.
+ K là tỷ lệ % của tất cả những người nghiện rượu trên số người nghiện rượu chết vì xơ gan.
Thật ra, mối quan hệ giữa nghiện rượu và xơ gan chỉ là tương đối. Công thức Jellinek cũng bị phê phán nhiều vì các chỉ số K, P và R luôn thay đổi theo thời gian.