Tăng huyết áp là căn bệnh thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên. Nguyên nhân gây bệnh Tăng huyết áp chủ yếu là do quá trình lão hoá, tăng cholesterol trong máu và do xơ vữa động mạch. Đa số bệnh nhân Tăng huyết áp thường bị nhức đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở… Cá biệt cũng có trường hợp Tăng huyết áp nhưng lại không thấy các triệu chứng kể trên, những trường hợp này rất nguy hiểm vì bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, không có biện pháp phòng ngừa và điều trị, nên dễ bị tai biến. Những người tuổi còn trẻ mà đã thấy huyết áp cao hơn bình thường có thể là do các bệnh như: Hẹp động mạch thận, u thượng thận, hẹp quai động mạch chủ… gây ra. Khi các bệnh này được chữa khỏi thì tức khắc bệnh Tăng huyết áp cũng sẽ khỏi.
Bệnh Tăng huyết áp nếu không chữa trị ngay, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, nhất là tim, thận và mắt, dẫn đến mắc các bệnh nan y như suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não… Ngoài ra, căn bệnh này cũng thường gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Cụ thể như sau:
Nhũn não:
Người bệnh trước đó vẫn sinh hoạt bình thường nhưng tự nhiên khuỵu ngã. Lúc đó có thể bệnh nhân bị mê nhẹ hoặc vẫn còn tỉnh táo, bị á khẩu và liệt nửa người. Đo huyết áp lúc này thấy bình thường hoặc hơi cao. Với trường hợp này nếu được cấp cứu kịp thời và chữa trị tích cực, bệnh nhân có hy vọng hồi phục khá lớn. Nhưng nếu để lâu ngày, khiến các tổn thương ở não liền sẹo thì người bệnh sẽ bị liệt và khó có cơ may trở lại với cuộc sống bình thường.
Xuất huyết não:
Cơn xuất huyết não thường xảy ra ở những người bệnh Tăng huyết áp nhưng lại uống rượu bia hoặc bị trúng gió. Bệnh nhân bị ngã đột ngột, rồi rơi ngay vào trạng thái hôn mê sâu, thở phì phò và bị liệt nửa người. Huyết áp lúc này tăng cao. Tỉ lệ bệnh nhân tử vong do xuất huyết não rất cao, chiếm 90% và chết sau 3 ngày bị tai biến.
Cơn thiếu máu não thoáng qua:
Cũng như hai tai biến trên, bệnh nhân đột ngột ngã, bị á khẩu và liệt nửa người nhưng lại hồi phục rất nhanh sau một vài ngày. Trường hợp tai biến này không đáng ngại nếu được điều trị tốt và kịp thời.
Khi đã biết mình bị bệnh Tăng huyết áp, cách tốt nhất để tránh các tai biến và tử vong do bệnh là có chế độ sinh hoạt, tập luyện và làm việc hợp lý. Bệnh nhân Tăng huyết áp nên tránh các việc nặng đòi hỏi phải gắng sức. Khi tập luyện cũng vậy. Không nên tập quá sức hoặc chơi các môn thể thao phải vận động quá nhiều. Các môn thể thao thích hợp với bệnh Tăng huyết áp là bơi lội, đạp xe, chạy bộ.
Không nên tập luyện, làm việc hoặc nghỉ ngơi ở những nơi có gió lùa. Không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá và dùng các chất kích thích khác. Bệnh nhân Tăng huyết áp nên ăn nhạt, ăn nhiều rau. cần tránh các thức ăn xào, rán, hầm và các thức ăn kho mặn. Hạn chế tối đa các thức ăn có nhiều chất béo và Cholesterol như: Thịt mỡ, trứng, da gà, nội tạng động vật, sữa và các chế phẩm từ sữa như phomát, kem, bơ… Nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, nhưng không nên dùng dầu cọ vì tuy loại dầu này không có Cholesterol nhưng lại có nhiều chất béo bão hoà.
Ngoài các điều kể trên, người bị Tăng huyết áp nên có một túi thuốc cấp cứu mang theo người để khi cần có thuốc dùng ngay. Tuy nhiên, các thuốc này phải là thuốc được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn cách dùng tỉ mỉ. Không được tự ý mua thuốc để điều trị bệnh, vì các thuốc hạ huyết áp đều ít nhiều ảnh hưởng đến tim, làm loạn nhịp tim và có thể gây tai biến nếu dùng quá liều. Aldomet dùng dài ngày sẽ gây bất lực; Adalat 5mg hoặc 10mg làm hạ huyết áp khá nhanh, nên đôi khi gây choáng, chóng mặt và tiểu nhiều, vì thế nên dùng Adalat chậm (loại 20mg, 30mg) sẽ tốt hơn; một số loại thuốc hạ áp nếu dùng lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tư duy…