Cơn tăng huyết áp kịch phát
Huyết áp có thể thay đổi đột biến trong ngày, trong vài giờ, thậm chí chỉ trong chốc lát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, chẩn đoán sớm cơn tăng huyết áp có thể giúp bệnh nhân qua khỏi những tai biến nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Được gọi là cơn tăng huyết áp khi huyết áp tối đa tăng trên 50mmHg, hoặc huyết áp tối thiểu tăng trên 40mmHg so với chỉ số huyết áp bình thường của bệnh nhân đó lúc nghỉ ngơi. Khi huyết áp tăng cao đột ngột và có các triệu chứng như: Nhức đầu, đau tức ngực, hoa mắt, chóng mặt, nảy đom đóm mắt, có hiện tượng “ruồi bay”, khó thở, nôn, mệt mỏi… đi kèm thì được gọi là cơn tăng huyết áp kịch phát.
Cơn tăng huyết áp kịch phát có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, phù phổi cấp, suy tim, đau thắt ngực… rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, điều trị kịp thời và đặc biệt có biện pháp dự phòng cơn tăng huyết áp là điều cần thiết.
Cơn tăng huyết áp ác tính
Khi huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 220 mmHg hoặc huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 120mmHg được gọi là tăng huyết áp ác tính. Đây là tình trạng tăng huyết áp nặng, nguy hiểm và kéo dài, có thể dẫn đến tử vong. Phần lớn tăng huyết áp ác tính xảy ra ở người tăng huyết áp nhẹ và vừa từ trước. Cơn tăng huyết áp ác tính thường kèm theo rất nhiều biến chứng khác xảy ra một cách dồn dập như: Nhức đầu dữ dội (là triệu chứng nổi bật), huyết áp thường rất cao (cả huyết áp tối thiểu lẫn tối đa). Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như khát nước nhiều, sút cân, rối loạn tiêu hoá, khó thở, tức ngực, có thể có triệu chứng phù phổi cấp (khó thở, ho ra bọt màu hồng, không nằm được, phải ở tư thế nửa nằm nửa ngồi mới cảm thấy dễ chịu hơn), các dấu hiệu suy tim (phù, khó thở), gan to, triệu chứng suy thận tiến triển nhanh và nặng (đái ít hoặc có thể vô niệu, bệnh nhân bồn chồn, bứt rứt, nhức đầu, mệt mỏi…). Bệnh nhân có thể có các triệu chứng xuất huyết dưới da, dưới niêm mạc hoặc chảy máu cam… Các triệu chứng xuất huyết, xuất tiết ở võng mạc mắt làm giảm thị lực, nhìn mờ, ruồi bay… Bệnh tiến triển nhanh và nặng, thường có biến chứng ở não và tim như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp…
Xử trí tại nhà
Đặt bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh căng thẳng thần kinh, không được hoạt động thể lực, kể cả đi lại. Cho bệnh nhân ngậm dưới lưỡi 2-3 giọt Adalat, 1/2-1 viên Seduxen 5mg và cho uống 1 viên Lasix 40mg để lợi tiểu. Tuy nhiên, không nên uống hoặc ngậm quá nhiều Adalat, có thể gây tụt huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, cần nhanh chóng mời thầy thuốc thăm khám, xử trí, nếu thấy cần thì đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu tiếp.