Bệnh túi phình cơ tim (anévrisme cardiaque) có thể là một bệnh bẩm sinh hay mắc phải, biểu hiện ra bởi sự phình chỗ thành tim bị giãn mỏng do một nguyên nhân nào đó. Bệnh phình cơ tim mắc phải thường là hậu quả của bệnh nhồi máu cơ tim để lại, trong một số trường hợp – là di chứng của bệnh giang mai, nhiễm trùng hoặc thấp tim, v.v… làm xơ hóa cơ tim. Theo tài liệu của Hội nghị nội khoa lần thứ XIV của Liên Xô (1956), có tới 20 – 30% tổng số người mắc bệnh phình cơ tim trên nền nhồi máu cơ tim cũ. Trong đại đa số trường hợp, thường thấy túi phình xuất hiện ở thành trước tâm thất trái và ở mỏm tim. Rất hiếm khi thấy túi phình xuất hiện ở thành tâm thất phải và ở vách ngăn trong tim.
Người ta phân biệt hai loại túi phình tim: túi phình cấp tính và túi phình mạn tính.
Túi phình tim cấp tính phát triển trong những ngày đầu của bệnh nhồi máu cơ tim, ở nơi cơ tim bị nhũn và yếu. Nguyên nhân chính gây ra túi phình tim cấp tính là sự tăng áp lực trong tâm thất ở thời kỳ tâm thu và tăng khối lượng máu trong tâm thất ở thời kỳ tâm trương.
Chẩn đoán túi phình tim cấp tính rất khó vì thường lẫn lộn với bệnh cảnh lâm sàng kéo dài của nhồi máu cơ tim. Túi phình tim cấp tính có thể bị vỡ, máu chảy vào xoang màng ngoài tim gây ra hội chứng chèn ép tim.
Túi phình tim mạn tính được hình thành từ túi phình tim cấp tính hoặc có thể là di chứng của bệnh nhồi máu cơ tim trong giai đoạn muộn. Trong các trường hợp đó, thành túi phình mạn tính là vùng cơ tim bị hoại tử đã được các tổ chức liên kết thay thế (đóng sẹo). Điểm đặc biệt của túi phình mạn tính là ở bên trong túi phình có một lớp máu cục dày. Thường thấy phần sâu của lớp máu cục đã được tổ chức lại. Nguyên nhân của sự hình thành máu cục trong túi phình tim là sự biến đổi về huyết động học, sự biến đổi của hệ thông đông máu và quá trình phản ứng của nội mạc tim đối với sự thiếu máu cơ tim.
Túi phình tim thường xảy ra ở những bệnh nhân bị mắc bệnh nhồi máu cơ tim, nhưng vẫn tiếp tục làm việc vì không biết là mình bị bệnh, ở những người có bệnh cao huyết áp mà vẫn làm việc nặng, v.v… về mặc hình thể học, có thể phân biệt mấy loại túi phình tim sau đây: túi phình tim tỏa lan, phình tim hình túi, hình nấm và túi phình trong túi phình.
Chẩn đoán túi phình tim rất khó khăn vì bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng. Hai dấu hiệu tương đối điển hình của phình tim mạn tính là:
- Triệu chứng Kazem-Bek: vùng trước tim đập bất thường.
- Tim phình giãn bất thường khi soi X quang: bóng tim phình ra rõ rệt ở thì tâm thu và thu xẹp lại ở thì tâm trương.
Ta có thể phân biệt chẩn đoán bệnh túi phình tim với một số các bệnh khác như nang u màng ngoài tim, các khối u và các nang ở trung thất, tim to trong bệnh hẹp van hai lá.
Tiên lượng túi phình tim rất nặng, đại đa số các bệnh nhân mắc bệnh này chỉ sống được 2-3 năm. Nguyên nhân dẫn đến tử vong thường là suy tim, tắc nghẽn mạch máu não, nhồi máu cơ tim tái phát, và rất hiếm thấy bệnh nhân chết vì túi phình tim mạn tính bị vỡ.
Chỉ định mổ bệnh túi phình tim trong các trường hợp suy tuần hoàn còn ỗ giai đoạn I – II. Hiện nay có 3 phương pháp mổ điều trị bệnh túi phình tim còn được áp dụng là:
- Cắt bỏ túi phình tim trong điều kiện gây mê bình thường hoặc trong điều kiện tuần hoàn ngoài cơ thể, khâu lấp lên đường chỉ một mảnh cơ hay một mảnh tổ chức có chân nuôi.
- Khâu lấp trên mặt túi phình tim một mảnh tổ chức hay một mảnh chất dẻo để tăng cường thêm cho thành của túi phình.
- Khâu vùi thành của túi phình tim bằng mũi khâu, bằng mảnh cơ hay một tổ chức nào khác. Phương pháp này chỉ áp dụng trong các thực hiện túi phình tim có kích thước nhỏ và chưa có khối máu tụ trong tim.
Mổ điều trị bệnh túi phình tim có thể tiến hành trong điều kiện gây mê nội khí quản bình thường hoặc gây mê kết hợp với sử sụng máy tim – phổi nhân tạo và hạ nhiệt nhân tạo.
Có thể tiến hành các phẫu thuật kể trên song song vứi việc bắc cầu nối động mạch chủ – động mạch vành tim, như trong bệnh thiếu máu cơ tim do nhồi máu cơ tim gây nên.