NHỊP NHANH NHĨ ĐA Ổ (Multifocal Atrial Tachycardia: MAT)
Nhịp nhanh nhĩ đa ổ còn được gọi là nhịp nhĩ lộn xộn (chaotic atrial rhythm) thường xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý tim phổi.
1. CƠ CHẾ
Do nhĩ phải lớn, giảm oxy khí thở vào, tăng carbonic máu, toan huyết, tiết nhiều cathecholamines hoặc đơn độc hoặc phối hợp với nhau đưa đến tăng tự động tính của nhĩ → kích hoạt hiện tượng lẫy cò hoạt động điện vào các pha tái cực trễ sau khử cực.
Loạn nhịp trong nhịp nhanh nhĩ đa ổ thường hết khi nguyên nhân được giải quyết nhưng hay tái phát.
2. NGUYÊN NHÂN
‒ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kèm suy tim
‒ Suy tim sung huyết
‒ Sau phẫu thuật tim phổi
‒ Ngộ độc theophyline
‒ Rối loạn điện giải: giảm Kali máu, giảm Magnesium máu
‒ Suy kiệt nặng
Tuổi trung bình của bệnh nhân nhịp nhanh nhĩ đa ổ: 70‒75 tuổi
Ở trẻ em nếu nhịp nhanh nhĩ đa ổ kèm viêm cơ tim hoặc tim bẩm sinh tỷ lệ tử vong sẽ cao.
3. ĐIỆN TÂM ĐỒ
Có 4 đặc điểm sau:
‒ Nhịp nhanh trên 100 lần/phút (đây là tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt nhịp nhĩ lang thang: wandering atrial pacemaker)
‒ Có ít nhất 3 sóng P khác nhau trên cùng một chuyển đạo (nhìn rõ nhất ở DII, DIII và V1) ‒ Hoàn toàn không đều giữa PP, PR và RR.
‒ Có đường đẳng điện (iso electric baseline) giữa các sóng P (đây là tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt nhịp nhanh nhĩ đa ổ với cuồng nhĩ và rung nhĩ, cuồng nhĩ và rung nhĩ không có đường đẳng điện).
Rung nhĩ có thể theo sau hoặc đi trước nhịp nhanh nhĩ đa ổ vì 3 bệnh cảnh rung nhĩ, cuồng nhĩ và nhịp nhanh nhĩ đa ổ có thể xảy ra trên cùng một bệnh nhân.
Trong trường hợp khó chẩn đoán phân biệt giữa nhịp nhanh nhĩ đa ổ với rung nhĩ→ cần phải đo chuyển đạo thực quản (E25 ‒30) sẽ nhìn thấy sóng p rõ hơn trong nhịp nhanh nhĩ đa ổ.
4. ĐIỀU TRỊ
Điều trị nguyên nhân gây bệnh: suy tim, COPD, rối loạn điện giải.
Các thuốc chống loạn nhịp thường không có hiệu quả làm chậm nhịp nhĩ hoặc giảm đáp ứng thất.
Ức chế beta thường bị chống chỉ định ở bệnh nhân COPD do co thắt phế quản.
Verapamil và Amiodarone sử dụng tốt.
Bù Kali và Magnesium giảm cơn nhịp nhanh.