Mục đích của công việc mổ xẻ điều trị các bệnh tim là thanh toán hết sự rối loạn tuần hoàn do chính bệnh tim gây nên mà các phương pháp điều trị bảo tồn nội khoa không còn hiệu lực nữa.
Trong những năm tháng gần đây, sở dĩ khoa phẫu thuật điều trị các bệnh tim và các mạch máu lớn gần tim đạt được nhiều kết quả to lớn chưa từng thấy trong lịch sử của ngành mổ xẻ nói chung và của chuyên khoa phẫu thuật tim nói riêng, là nhờ có sự phát triển mạnh của khoa gây mê hồi sức, nhất là áp dụng phương pháp đặt ống dẫn chất thuốc gây mê tĩnh mạch, nhờ có sự phát triển và áp dụng rộng rãi các loại thuốc mê tĩnh mạch, nhờ có sự phát triển và áp dụng vào thực tế lâm sàng các máy móc và dụng cụ đặc biệt phức tạp, nhờ có sự phát minh ra các phương pháp mới để thăm dò chức năng và huyết động của tim bằng máy X quang và các loại máy móc khác như siêu âm Doppler màu 3D – 4D, CT.Scan, MRI v.v…
Ngoài những phương pháp chẩn đoán bệnh thông thường bằng ngũ quan của chúng ta như nhìn, sờ nắn, gõ, nghe, hiện nay trong tay các nhà mổ xẻ của chúng ta còn có một số phương tiện hiện đại giúp ta chẩn đoán tương đối chính xác một số các bệnh tim. Những phương tiện ấy là: chụp X quang tim và các mạch máu lớn không dùng thuốc cản quang hoặc có dùng thuốc cản quang,
ghi dòng điện sinh vật trong tim (điện tâm đồ), ghi âm thanh của tim, ghi siêu âm tình trạng các hệ thống van tim, thông thăm dò các buồng tim để đo áp lực trong các buồng tim, định lượng 02 và C02 của máu lấy từ các buồng tim ra, kiểm tra trạng thái trao đổi khí ở phổi lúc yên lặng bình thường và lúc làm việc gắng sức (mà ta thường gọi là đo chức năng hô hấp ngoài)…
Chụp X quang tim trên nhiều bình diện (thẳng, nghiêng, phải, trái hay bên) giúp ta thấy được những biến đổi về hình dáng của các buồng tim và các mạch máu lớn gần tim tùy theo mỗi loại bệnh tim.
Trên băng ghi điện tim, ta có thể đánh giá được tình trạng của cơ tim, của hệ thống thần kinh tự động trong tim… Nhờ đó mà ta có thể quyết định được vấn đề mổ xẻ trong các trường hợp biến chứng xảy ra trong khi mổ và sau khi mổ tim.
Ghi âm thanh giúp ta xác định được rõ những thay đổi trên các ổ van tim, trên các vách tim và các mạch máu lớn gần tim và chính tai ta nhiều khi cũng không có khả năng thu lượm được hết và đầy đủ tất cả những tiếng đập và tiếng thổi phát ra từ các buồng tim.
Ghi siêu âm tim giúp ta xác định được mức độ tổn thương của các hệ thông van tim (van tim còn mềm mại hay đã bị xơ cứng, kém di động, từ đó định được mức độ hẹp khít lỗ van tim hoặc có hẹp và hở van phôi hợp, dự kiến được phương pháp mổ: mở lỗ van tim bằng phương pháp kín hay phương pháp mổ tim hở v.v…) xác định được mức độ tràn dịch màng ngoài tim v.v…
Chụp X quang không chuẩn bị cho ta biết được hình dáng bên ngoài của tim và các mạch máu lớn gần tim, đôi khi có thể xác định hiện tượng đóng vôi ở các van tim, nhất là hiện tượng đóng vôi ở van hai lá. Muốn biết rõ được tình trạng bên trong các buồng tim và các mạch máu lớn gần tim, chúng ta áp dụng phương pháp thông tim và chụp các buồng tim có bơm thuốc cản quang chứa chất iod hữu cơ như dung dịch thuốc Diodon, Conray, Urographin, Cardiotrast v.v… có nồng độ cao, từ 50% đến 76% chất iod hữu cơ. Dùng máy X quang tự động mỗi giây chụp được từ hai đến ba phim, và tối đa có thể chụp được một loạt 18 phim.
Thuốc cản quang bơm thẳng vào tĩnh mạch nền ở khuỷu tay với tốc độ nhanh, hoặc bơm thẳng vào các buồng tim, vào động mạch chủ hay động mạch phổi qua một ống thông cản quang đặc biệt.
Đôi khi ngay cả phương pháp chụp cản quang các buồng tim cũng không thể chẩn đoán được chính xác các bệnh tim mà còn phải thông tim, đo áp lực máu trong các buồng tim, thử định lượng 02 và C02 của máu lấy từ các buồng tim ra và dựa vào áp lực đo được trong các buồng tim bằng một áp kế đặc biệt ta có thể xác định được các bệnh tim một cách chắc chắn hơn. Ví dụ: trong bệnh hở ống Bô-tan (Botal) thì áp lực ở động mạch phổi tăng (có khi lên tới 80mmHg hay cao hơn nữa) và nồng độ 02 ở đó cũng tăng lên tới 80 – 90% vì có máu đỏ tươi từ động mạch chủ chảy qua ống Bô-tan bị hở vào động mạch phổi.
Phương pháp thông tim là một phương pháp đơn giản và cho những số liệu rất quý để chẩn đoán các bệnh tim.
Hiện nay ở một số nước trên thế giới, người ta đã áp dụng thành công bước đầu máy tính điện tử (óc điện tử hay còn gọi là điều khiển học) vào công việc chẩn đoán một số bệnh phức tạp, trong đó có bệnh tim.
Nhờ có máy tính điện tử mà hiện nay người ta đã có thể chẩn đoán được rất nhanh nhiều bệnh tim phức tạp, chính xác tới mức cao nhất.
Ở Việt Nam hiện nay, ta đã tiến hành thành công nhiều phương pháp chẩn đoán phức tạp như thông tim, chụp X quang cản quang các buồng tim, ghi điện tim, ghi âm thanh tim, ghi siêu âm tim v.v… Những phương pháp chẩn đoán này hiện nay đã trở thành công việc bình thường hàng ngày của tổ tim mạch nội ngoại khoa ở các bệnh viện. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1980 đã thực hiện được 1221 trường hợp thăm dò tim mạch bằng X quang, trong đó có 1036 trường hợp chụp tim và các mạch máu lớn có bơm thuốc cản quang vào hệ thống tuần hoàn. Mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân đã được làm chẩn đoán các bệnh tim mạch bằng phương pháp ghi điện tim, ghi âm thanh tim, ghi siêu âm tim tại khu thăm dò chức năng và điện sinh ký của các bệnh viện. Tại Khoa Phóng xạ ở một số bệnh viện lớn của chúng ta đã tiến hành thành công việc thăm dò và chẩn đoán các bệnh gan, thận, tuyến giáp bằng phương pháp chụp xạ hình các cơ quan kể trên, và hiện nay đang nghiên cứu thăm dò và chẩn đoán các bệnh tim mạch bằng phương pháp này. Đây là một phương pháp ít gây ra những biến chứng và tai biến nguy hiểm cho người bệnh và có tỷ lệ chẩn đoán chính xác cao.
Một số phương pháp mới chuẩn đoán các bệnh tim mạch (như ST.Scan, MRI, siêu âm Doppler màu 3D, 4D v.v…) đã và đang được áp dụng rộng rãi để xác định chính xác các bệnh tim bẩm sinh và mắc phải, giúp cho việc điều trị nội – ngoại khoa các bệnh tim mạch với kết quả cao nhất.