Trang chủBệnh tim mạchBiến chứng suy tim trong bệnh tăng huyết áp ?

Biến chứng suy tim trong bệnh tăng huyết áp ?

Huyết áp tăng cao thường xuyên sẽ làm cho thất trái to ra, về lâu dài, thất trái sẽ bị giãn ; khi sức co bóp của cơ tim bị giảm nhiều thì sẽ bị suy tim, lúc đầu suy tim trái rồi suy tim phải và trở thành suy tim toàn bộ.

Suy tim trái:

Do suy tim trái, thất trái không tống đủ lượng máu cần cho nhu cầu của cơ thể, máu ứ lại trong thất trái rồi trong nhĩ trái, cuối cùng ứ lại trong các tĩnh mạch và mao mạch phổi, ở các mao mạch phổi, ứ máu làm tăng áp lực và làm phá vỡ cân bằng lực ở hàng rào phế nang, tạo điều kiện cho huyết tương thấm vào tổ chức kẽ xung quanh phế nang, thậm chí vào cả trong phế nang với các hậu quả xấu là làm cho phổi mất độ mềm mại bình thường vì phải chứa nhiều dịch, lớp dịch này cản trở sự trao đổi khí qua các phế nang. Các cơ lồng ngực phải làm việc nhiều hơn để vận động thêm hai lá phổi khi thở và làm cho người bệnh khó thở. về lâm sàng, lúc đầu người bệnh khó thở khi phải gắng sức lớn, mệt mỏi, về sau với gắng sức vừa cũng thấy khó thở, đến giai đoạn cuối của bệnh thì có khó thở cả khi nghỉ.

Tăng huyết áp biến chứng tim mạch
Tăng huyết áp biến chứng tim mạch

Cơn tăng huyết áp kịch phát có thể gây nên phù phổi cấp tính là một dạng của suy tim trái cấp tính. Phù phổi cấp tính xảy ra khi áp lực trong mao mạch phổi tăng quá cao đủ để cho huyết tương và các phần tử nhỏ trong máu như hồng cầu… tràn vào phế nang, thậm chí làm ngập phế nang cản trở không cho các khí được trao đổi, oxy không vào trong máu được. Biến chứng này hết sức nguy hiểm cho người bệnh, xảy ra đột ngột, người bệnh cảm thấy ngạt thở, không thể nằm được, vùng ngồi dậy thở gấp, ho liên tục, khạc ra đờm có nhiều bọt hồng (vì lẫn hồng cầu), mặt tím tái do thiếu oxy, nếu không được cấp cứu kịp thời và có hiệu lực thì bệnh nhân bị chết nhanh chóng, ở những người bệnh này, có thể coi họ như bị “chết đuối ngay trong huyết tương của mình”.

Suy tim toàn bộ:

Suy tim trái có thể tiến triển thành suy tim toàn bộ khi tim phải cũng bị ảnh hưởng. Trong suy tim phải, máu ứ lại trong thất phải, rồi nhĩ phải, rồi hệ tĩnh mạch ngoại vi làm tĩnh mạch cổ nổi to, gan to và phù ở những chỗ thấp, nhất là ở chi dưới, tím tái. Bệnh nhân mệt mỏi nhiều, da xanh, ngủ gà, lẫn lộn.

Tiên lượng của suy tim là nặng. Bên cạnh rối loạn chức năng co bóp, tim suy trong bệnh tăng huyết áp còn là nguồn gốc của nhiều rối loạn nhịp tim (như ngoại tâm thu, loạn nhịp hoàn toàn…), nhiều rối loạn dẫn truyền phức tạp.

Người ta phân suy tim thành 4 độ căn cứ vào mức hoạt động của cơ thể:

Độ I: hoạt động thể lực bình thường không bị hạn chế, không gây mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.

Độ II: hoạt động thể lực bị hạn chế nhẹ; không ảnh hưởng khi nghỉ nhưng hoạt động bình thường gây mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.

Độ III: hoạt động thể lực bị hạn chế nhiều; không ảnh hưởng khi nghỉ nhưng hoạt động dưới mức bình thường đã gây ra mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.

Độ IV: không thể thực hiện được hoạt động thể lực nào mà không khó chịu; các triệu chứng xảy ra khi nghỉ và tăng lên với bất kỳ hoạt động nào.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây