Trang chủChăm sóc bệnh nhânDấu hiệu biểu hiện bệnh tim mạch

Dấu hiệu biểu hiện bệnh tim mạch

Người mắc bệnh tim mạch có thể biểu hiện bằng những triệu chứng cơ năng và thực thể. Phần lớn các triệu chứng thực thể muốn phát hiện được đòi hỏi phải có kỹ năng và do bác sỹ đảm nhiệm, được trình bày trong các bài cụ thể. Bài này chỉ trình bày những triệu chứng cơ năng và một số thay đổi về mạch, huyết áp thường gặp.

KHÓ THỞ

  • Khó thở là triệu chứng gặp trong cả bệnh tim và bệnh phổi.
  • Khó thở trong bệnh tim có một vài loại như sau:

+ Khó thở khi gắng sức: là khó thở xảy ra cùng với các hoạt động gắng sức như leo cầu thang, hoạt động nặng, gặp ở giai đoạn đầu của suy tim.

+ Khó thở khi nằm: gặp ở giai đoạn nặng hơn của suy tim, người bệnh thường phải dùng nhiều gối để kê cao đầu nhằm đỡ khó thở khi nằm. Khó thở mất đi trong chốc lát nếu người bệnh ngồi dậy hoặc đứng lên.

+ Cơn khó thở kịch phát về đêm: xảy ra vào ban đêm khi người bệnh đã nằm ngủ được 3 – 4 giờ, làm người bệnh đột ngột tỉnh giấc, phải ngồi dậy cho đến khi hết khó thở, thường sau khoảng 20 – 30 phút cơn khó thở mới bớt. Để tránh được cơn khó thở kiểu này, cần khuyên người bệnh khi ngủ phải nằm theo tư thế nửa ngồi, nửa nằm.

ĐAU NGỰC

  • Thường gặp trong bệnh lý tim mạch.
  • Các bệnh tim hay gây đau ngực gồm:

+ Bệnh tim thiếu máu cục bộ.

+ Hẹp, hở van động mạch chủ.

+ Viêm màng ngoài tim.

  • Tuy nhiên đau ngực còn gặp trong các bệnh phổi, màng phổi… và đôi khi còn do yếu tố tâm lý.
  • Nguyên nhân của đau ngực trong các bệnh tim chủ yếu là do giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu tới cơ tim. Cơn đau sẽ hết khi dòng máu đến cơ tim được cải thiện.
  • Khi nhận định về đau ngực, người điều dưỡng cần phải khai thác một cách tỉ mỉ, cẩn thận (tránh bỏ sót đau ngực do nhồi máu cơ tim) về các đặc điểm sau:

+ Cách khởi phát đau đột ngột hay từ từ;

+ Vị trí đau, hướng lan của đau;

+ Thời gian đau kéo dài bao nhiêu giây, phút, giờ;

+ Hoạt động gì làm khởi phát cơn đau như gắng sức, xúc cảm, ăn no…;

+ Yếu tố nào làm giảm đau, yếu tố nào làm tăng đau;

+ Nếu cơn đau tái phát thì sau bao lâu, cơn đau sau có giống cơn đau trước hay không; + Các triệu chứng kèm theo đau ngực như khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn…

MỆT

Mệt là dấu hiệu gặp trong bệnh tim song cũng gặp trong nhiều bệnh khác.

Người bệnh cảm thấy chóng mệt và cần một thời gian lâu hơn bình thường để hoàn thành cùng một công việc nào đó mà trước đây không thấy mệt.

Trong bệnh tim, mệt thường do giảm tưới máu cơ quan tổ chức, do mất ngủ vì tiểu đêm, vì khó thở khi gắng sức hoặc khó thở kịch phát về đêm.

Mệt xảy ra sau một hoạt động vừa phải hoặc sau một gắng sức chỉ ra là lưu lượng tim không thoả đáng, người bệnh cần phải có những quãng nghỉ ngắn khi hoạt động.

HỒI HỘP TRỐNG NGỰC

Hồi hộp trống ngực là cảm giác như trống đánh trong lồng ngực hoặc cảm giác tim đập dồn dập trong lồng ngực.

Đây là triệu chứng thường gặp trong các rối loạn nhịp tim như: nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh kịch phát trên thất, ngoại tâm thu.

Hồi hộp cũng có thể xảy ra sau hoạt động thể lực căng thẳng, kéo dài như bơi, chạy.

Một vài yếu tố không phải bệnh tim cũng gây ra hồi hộp như: lo sợ, mệt, mất ngủ, dùng một số chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu.

NGẤT

Ngất là sự mất ý thức tạm thời trong một thời gian ngắn, đồng thời giảm hoạt động hô hấp và tuần hoàn trong khoảng thời gian đó.

Ngất là do giảm đột ngột dòng máu tới não. Bất cứ bệnh gì đột ngột làm giảm lưu lượng tim dẫn đến giảm dòng máu tới não đều có khả năng gây ngất.

Trong bệnh lý tim mạch, ngất thường gặp trong: rối loạn nhịp thất, cơn tim đập chậm, các bệnh về van tim như hẹp van động mạch chủ, hẹp dưới van động mạch chủ.

Ngoài ra ở người lớn tuổi, ngất còn có thể do tăng nhạy cảm với những kích thích ở vùng xoang động mạch cảnh.

TĂNG CÂN ĐỘT NGỘT

Tăng cân đột ngột là do tích lũy quá nhiều dịch trong khoảng gian bào mà ta hiểu là phù.

Cân bệnh nhân hằng ngày có thể phát hiện được dấu hiệu tăng cân. Bình thường cân nặng dao động khoảng dưới lkg/ngày.

Tăng cân và phù ngoại vi là hai dấu hiệu chỉ điểm của suy tim phải.

Ngoài ra, tăng cân và phù còn do giữ muối và nước do các nguyên nhân toàn thể khác hoặc do tắc nghẽn tĩnh mạch gây phù khu trú ở vùng tĩnh mạch bị tắc.

ĐAU CHI

Đau chi trong bệnh tim mạch gặp trong hai bệnh: thiếu máu cục bộ chi do vữa xơ động mạch hoặc suy tĩnh mạch của hệ thống mạch máu ngoại biên.

Triệu chứng đau chi do thiếu máu cục bộ chi thường được người bệnh kể lại là có cảm giác đau khi đi lại và hoạt động, cảm giác đau mất đi khi nghỉ ngơi, không đi lại, không hoạt động (được gọi là cơn đau cách hồi).

Đau hai chân do đứng hoặc ngồi quá lâu, thường là do suy tĩnh mạch, suy van tĩnh mạch hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch.

THAY ĐỔI VỀ MẠCH VÀ HUYẾT ÁP

  • Mạch

Bình thường ở người trưởng thành mạch nảy rõ, đều, tần số từ 60 đến 100 lần/phút, phụ thuộc vào hoạt động của tim.

Những thay đổi về mạch bao gồm mạch yếu, không đều, nhanh hoặc chậm. Nguyên nhân gây thay đổi về mạch bao gồm:

+ Các trạng thái sinh lý như lo âu, căng thẳng, cơ thể mệt nhọc do gắng sức, ăn uống.

+ Dùng một số chất gây kích thích như nicotin, cafein, alcohol, thuốc…

+ Do bệnh lý như: các bệnh tim, các trạng thái sốc, rối loạn dịch – điện giải, một số bệnh nội tiết, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thiếu oxy, thiếu máu, các thủ thuật tim mạch…

  • Huyết áp

Bình thường ở người trưởng thành: huyết áp tâm thu từ 90 đến 140 mmHg, huyết áp tâm trương từ 50 đến 90 mmHg.

Các thay đổi về huyết áp bao gồm: huyết áp tăng gây tăng gánh nặng cho tim trái, huyết áp giảm gây giảm tưới máu tổ chức.

+ Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp: bệnh tăng huyết áp nguyên phát, các tình trạng bệnh lý gây tăng huyết áp thứ phát như các bệnh thận, nội tiết, nhiễm toan hô hấp, nhiễm độc thai nghén…

+ Một số nguyên nhân gây giảm huyết áp: trạng thái sốc, các tình trạng mất nước – điện giải, cơ thể suy kiệt, dùng thuốc gây giảm huyết áp…

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây