Trang chủChăm sóc bệnh nhânĐiều dưỡng chăm sóc người bệnh tai biến mạch não

Điều dưỡng chăm sóc người bệnh tai biến mạch não

Tai biến mạch não còn gọi là đột quỵ não là những thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng thần kinh khu trú tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong vòng 24 giờ không kể nguyên nhân chấn thương sọ não.

PHÂN LOẠI

Có hai loại đột quỵ:

  • Đột quỵ do nhồi máu não (tắc mạch não)

+ Tắc mạch bởi cục máu đông hình thành tại chỗ do vữa xơ động mạch não.

+ Tắc mạch do cục máu đông từ nơi khác đến động mạch não gặp trong hẹp van 2 lá có loạn nhịp hoàn toàn hay trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuân.

  • Đột quỵ do chảy máu não: gọi là chảy máu vì máu thoát ra khỏi thành mạch vào nhu mô não.

+ Thường gặp trong tăng huyết áp, người lớn tuổi.

+ Ngoài ra còn có thể do vỡ phồng động mạch hoặc vỡ phồng động – tĩnh mạch não, thường xảy ra ở người trẻ tuổi.

Những yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch não:

  • Các yếu tố nguy cơ chính:

+ Tăng huyết áp.

+ Tiểu đường.

+ Bệnh tim, đặc biệt là bệnh tim có rung nhĩ.

  • Các yếu tố nguy cơ khác: thuốc lá, tiêm chích heroin, béo phì, lối sống trì trệ ít hoạt động, sang chấn tinh thần, mức cholesterol cao, triglycerid cao…

TRIỆU CHỨNG

Bệnh cảnh điển hình thường xảy ra ở người lớn tuổi có tiền sử tăng huyết áp, vữa xơ động mạch và có thể có bệnh tiểu đường.

Bệnh nhân đột ngột có các triệu chứng sau:

  • Liệt nửa người (trái hoặc phải do tổn thương bán cầu đại não phải hoặc trái).
  • Liệt nửa mặt cùng bên hoặc khác bên so với liệt nửa thân với miệng méo, nhân trung lệch về bên lành, nước miếng chảy ra bên liệt…
  • Rối loạn ngôn ngữ: có thể thất ngôn, nói khó, nói ngọng, thất đọc (nếu tổn thương vùng tiếng nói trên bán cầu đại não trái).
  • Rối loạn về nuốt: nuốt khó, nuốt sặc do liệt màn hầu nếu tổn thương dây IX, X, XI, không nhai được nếu tổn thương dây V.
  • Rối loạn cơ tròn: đại, tiểu tiện không tự chủ hoặc bí đại, tiểu tiện.
  • Rối loạn nhận thức: lú lẫn, thờ ơ, suy giảm trí nhớ. Nặng hơn có thể hôn mê dễ gây tắc đờm, tụt lưỡi.
  • Rối loạn kiểu thở (Cheyne – Stokes), suy hô hấp, suy tuần hoàn.

ĐIỀU TRỊ

  • Giai đoạn cấp

Hồi sức toàn diện.

Giải quyết các biến chứng: nhiễm trùng, loét ép…

Chế độ nuôi dưỡng ăn qua ống thông dạ dày nếu có hôn mê.

Một số thuốc hỗ trợ tuần hoàn và dinh dưỡng tổ chức não.

  • Giai đoạn ổn định

Phục hồi chức năng.

Cải thiện khả năng tự chăm sóc và hoạt động thể lực.

PHÒNG BỆNH

Điều trị tăng huyết áp không để xảy ra tai biến mạch não.

Loại bỏ hoặc hạn chế các yếu tố nguy cơ khác: thuốc lá, béo phì, tăng cholesterol máu, tiểu đường.

Ngăn ngừa đột quỵ do tắc mạch bằng phát hiện và điều trị sớm các bệnh tim như rung nhĩ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Giáo dục thanh niên không tiêm chích ma túy để ngăn ngừa đột quỵ tắc mạch.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

Cần khai thác người nhà bệnh nhân và các nguồn thông tin khác để có một lịch sử bệnh chi tiết vì biết được lịch sử bệnh chi tiết có thể biết được vùng não bị tổn thương và cả nguyên nhân gây đột quỵ.

Cần lần lượt thu thập các thông tin:

  • Mức độ tỉnh táo của bệnh nhân.
  • Các dấu hiệu sinh tồn.
  • Phát hiện các thiếu sót về nói, nghe, nhìn, đọc, viết.
  • Khả năng tự chăm sóc và hoạt động thể lực.
  • Ăn uống, nuốt có khó, nghẹn, sặc hay không, tình trạng dinh dưỡng.
  • Tình trạng bài tiết: bí đại, tiểu tiện, đại, tiểu tiện không tự chủ.
  • Phát hiện các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch não.
  • Trình độ học vấn? Hoàn cảnh kinh tế? Mối quan hệ gia đình? Điều kiện sống và làm việc…

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Duy trì được dòng máu não thoả đáng cho người bệnh.
  • Người bệnh sẽ dần dần cải thiện được khả năng hoạt động thể lực và tự chăm sóc bản thân, ngăn ngừa được các biến chứng.
  • Người bệnh sẽ thông tin được bằng cách thay đổi phương pháp thông tin và/hoặc luyện tập phục hồi được tiếng nói.
  • Đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh.
  • Người bệnh sẽ đại, tiểu tiện được bình thường.
  • Người bệnh sẽ không bị loét ép hoặc sẽ lành vết loét nếu có.

Thực hiện chăm sóc

Duy trì dòng máu não thoả đáng bằng các biện pháp : (đặc biệt là trong giai đoạn cấp)

  • Ít nhất cứ 3 giờ điều dưỡng phải nhận định về ý thức của người bệnh theo thang điểm Glasgow (tối ưu là 15, càng thấp thì sự tưới máu não càng kém).
  • Trong trường hợp có phù não, tăng áp lực nội sọ thì để người bệnh nằm đầu cao 300 nhằm làm tăng dẫn lưu tĩnh mạch não, giảm bớt áplực nội sọ tạo điều kiện tốt cho tưới máu não.
  • Trong khi chăm sóc, tránh tất cả các hoạt động có thể gây tăng áp lực nội sọ cho người bệnh như:

+ Tránh để người bệnh bị cong gập nhất là đoạn hông, cổ.

+ Hạn chế ho của người bệnh.

+ Giữ bệnh phòng tuyệt đối im lặng.

  • Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn ít nhất là 4 giờ/1 lần. Cho phép giữ huyết áp ở mức 150/100 mmHg để duy trì áp lực tưới máu não.
  • Thực hiện một số thuốc nhằm cải thiện tưới máu não:

+ Thuốc chống đông cho những bệnh nhân tắc mạch não: heparin, wafarin, aspirin.

+ Thuốc hỗ trợ thành mạch não hạn chế xuất huyết: nimodipin…

+ Thuốc dinh dưỡng và bảo vệ tế bào não: cerebrolysin…

Cải thiện khả năng hoạt động thể lực

  • Tập vận động với các nguyên tắc sau:

+ Luyện tập thụ động nếu mất hoàn toàn vận động.

+ Luyện tập chủ động khi đã hồi phục một phần.

+ Luyện tập tất cả các cơ và các khớp bên liệt tuần tự từ gốc đến ngọn kể cả ngón tay ngón chân, làm tất cả các động tác mà khớp đó có như co, duỗi, giạng, khép và quay.

+ Luyện tập ngày 3 lần, mỗi động tác của khớp làm 5 lần.

  • Cung cấp cho người bệnh các phương tiện hỗ trợ như ghế ngồi, xe đẩy, gậy chống…
  • Chú ý cách vận chuyển người bệnh để hạn chế tiêu hao năng lượng cho điều dưỡng và tránh tai nạn ngã, gãy xương… cho người bệnh.

Các can thiệp chăm sóc trên nếu được thực hiện triệt để người bệnh sẽ phục hồi khả năng vận động, tránh được các biến chứng do bất động như teo cơ, thoái khớp, cứng khớp, loét ép, viêm phổi…

Cải thiện khả năng tự chăm sóc

  • Hướng dẫn cho người bệnh những cách hợp lý để họ thực hiện các hoạt động tự chăm sóc như: vệ sinh răng miệng, mặc quần áo, trang điểm.
  • Khuyến khích người bệnh tự làm càng nhiều càng tốt, chỉ trợ giúp khi người bệnh không tự làm được.
  • Cung cấp cho người bệnh các phương tiện trợ giúp như: ghế ngồi đại tiện, gậy chống, xe lăn. để giúp người bệnh di chuyển nhưng phải đảm bảo an toàn cho người bệnh.
  • Cung cấp một chế độ ăn đủ năng lượng để người bệnh có thể tập luyện.

Cải thiện khả năng giao tiếp

  • Trước hết cần thay đổi cách thông tin với người bệnh bằng các phương pháp thông tin không lời thông qua dùng hình ảnh, chữ viết, ra hiệu (nếu không liệt tay).
  • Sau đó là luyện tập phát âm: nguyên tắc là luyện từng từ, cụm từ, câu ngắn, câu dài hơn bằng cách:

+ Điều dưỡng ngồi đối diện với người bệnh, phát âm chậm rãi, rõ ràng từng từ rồi dần dần là cụm từ, câu và để người bệnh nhắc lại.

+ Luyện tập nhiều lần trong ngày.

Đảm bảo đủ dinh dưỡng

  • Cho ăn qua ống thông dạ dày khi bệnh nhân hôn mê hoặc không thể nuốt được.
  • Nếu người bệnh tỉnh, có thể nuốt được cho người bệnh ăn ở tư thế ngồi trên giường hoặc trên ghế tựa.
  • Chọn và/hoặc chế biến thức ăn mềm, đặc (cháo đặc, súp đặc…)
  • Không cho ăn thức ăn dạng lỏng khi bệnh nhân có biểu hiện sặc.
  • Thức ăn phải đủ và cân đối về thành phần dinh dưỡng, đủ năng lượng (2000 – 2400 kcalo/ ngày), chia ăn lam nhiều bữa.
  • Cách cho ăn: đưa miếng thức ăn vào sâu trong khoang miệng, lệch về bên không liệt.
  • Hằng ngày luyện tập, xoa day các cơ ở mặt như cơ cắn, cơ nhai, cơ vùng cổ giúp cho sự phục hồi các cơ tham gia động tác nhai nuốt.

Khắc phục tình trạng bí đại, tiểu tiện

  • Cần lập lại phản xạ đại, tiểu tiện cho người bệnh bằng cách: cứ 4 giờ/ lần cho ngồi bô tiểu tiện và ngày/ 1lần ngồi bô đại tiện vào đúng giờ đại tiện đã hình thành từ trước khi bị tai biến.
  • Khuyến khích người bệnh ăn thêm các thức ăn có tính nhuận tràng và uống đủ nước để gây cảm giác đầy trực tràng và bàng quang.
  • Luyện tập ngày nhiều lần bài tập cơ thắt bàng quang và trực tràng.
  • Kích thích bàng quang và hậu môn bằng tay có đeo găng hoặc bằng nhiệt, bằng thuốc nạp hậu môn.
  • Thông tiểu và thụt tháo nếu cần thiết. Khi phải đặt thông tiểu cần chú ý kẹp ống và tháo nước tiểu theo giờ nhất định không để nước tiểu tự chảy rỉ rả, ít một nhằm tạo được cảm giác đầy bàng quang để người bệnh tự tiểu được sau khi rút ống và phải đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.

Phòng và giải quyết loét ép

  • Thay đổi tư thế cho người bệnh ít nhất 2 giờ/1 lần.
  • Cung cấp cho người bệnh các phương tiện bảo vệ cơ học như đệm chống loét, tốt nhất là đệm nước.
  • Chăm sóc da thật cẩn thận, sạch sẽ nhất là vùng da bị tỳ đè để ngăn ngừa loét, nhiễm khuẩn bằng cách:

+ Hằng ngày rửa da thật sạch, nhẹ nhàng bằng xà phòng, lau da thật khô bằng khăn mềm, bôi chất thơm và chất ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

+ Tuyệt đối không để da bị xây xước mất sự toàn vẹn của da.

  • Dinh dưỡng thật đầy đủ giúp cho việc phục hồi và làm lành vết thương nếu đã bị loét, đặc biệt không để thiếu protid.
  • Chăm sóc tại chỗ loét nếu đã bị cắt lọc, kháng sinh, đắp đường, mật ong cho vùng da bị loét.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

  • Bệnh nhân cải thiện được mức độ nhận thức, không xuất hiện thêm các tổn thương thần kinh.
  • Bệnh nhân phục hồi dần hoạt động thể lực và khả năng tự chăm sóc bản thân.
  • Thông tin được bằng một hình thức giao tiếp khác hoặc phục hồi được tiếng nói.
  • Không bị các biến chứng như gãy xương, cứng khớp, viêm phổi, loét ép…
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây