Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh trĩ

Chăm sóc người bệnh trĩ

  • Trĩ là hiện tượng giãn tĩnh mạch hậu môn – trực tràng.
  • Chăm sóc người bệnh trĩ, người điều dưỡng cần nhẹ nhàng, tế nhị.
  • Người điều dưỡng cần hướng dẫn người bệnh những việc phải thực hiện để tránh trĩ tái phát sau khi xuất viện.

NGUYÊN NHÂN

Hiện nay nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ còn chưa được làm sáng tỏ. Đa số các tác giả cho rằng trĩ xuất hiện trên những cơ địa đặc biệt (di truyền, thể tạng…) và nêu lên một số yếu tố khởi bệnh.

  • Sự suy yếu của tổ chức nâng đỡ.
  • Rối loạn lưu thông tiêu hoá: táo bón, tiêu chảy.
  • Yếu tố nội tiết.
  • Yếu tố gia đình.
  • Chế độ ăn, bệnh ở một số nghề nghiệp.

Trong các thuyết nêu ra có 2 thuyết được nhiều người chấp nhận nhất, đó là:

Thuyết mạch máu

Khi các yếu tố khởi bệnh tác động làm các shunt động – tĩnh mạch mở rộng. Máu động mạch chảy vào ồ ạt làm các đám rối tĩnh mạch gây giãn quá mức.

Thuyết cơ học

Dưới tác dụng của áp lực tăng cao do dặn khi đại tiện (táo bón, đại tiện khó), các bộ phận nâng đỡ tổ chức trĩ bị giãn dần và trở nên lỏng lẻo. Các búi trĩ bị sa xuống dưới và dần dần nằm ở ngoài ống hậu môn.

Yếu tố thuận lợi

  • Rối loạn lưu thông ruột.
  • Một số hiện tượng sinh lý: chửa, đẻ.
  • Chế độ ăn uống quá mức: ăn nhiều ớt, uống nhiều rượu, cà phê.
  • Dùng một số thuốc đặt hậu môn.

TRIỆU CHỨNG

  • Đại tiện ra máu: đây là dấu hiệu quan trọng nhất, máu đỏ tươi bám theo phân hoặc nhỏ thành từng giọt sau khi đi đại tiện.
  • Sa lồi búi trĩ:

+ Sa một bó hay cả vòng trĩ khi đi ngoài hoặc gắng sức.

+ Nếu búi trĩ không tự co lên được sau đại tiện thì người bệnh phải dùng tay đẩy lên.

  • Tắc mạch trĩ

+ Trĩ ngoại tắc mạch: đó là một khối nhỏ, thường đơn độc, màu xanh tím, chắc, nằm dưới da rìa hậu môn. Nếu để tự diễn biến sẽ tự tiêu thành miếng da thừa vùng rìa hậu môn.

+ Trĩ nội tắc mạch: hiếm gặp hơn, thường biểu hiện bằng những cơn đau dữ dội trong ống hậu môn. Khám hậu môn trực tràng thấy một khối nhỏ hơi rắn, đau, soi hậu môn thấy khối màu xanh tím, niêm mạc nề nhẹ.

+ Sa trĩ tắc mạch: đau dữ dội vùng hậu môn, khó có thể đẩy trĩ vào lòng ống hậu môn.

  • Những biểu hiện lâm sàng khác:

+ Đau (ngoài đợt trĩ tắc mạch) thường là cảm giác vướng rát khi đi ngoài.

+ Những mảnh da thừa hay u nhú phì đại: di tích của trĩ tắc mạch tự tiêu.

+ Trĩ phối hợp với nứt kẽ hậu môn: thường hội chứng nứt kẽ trội lên (đau) xong không nên hiểu rằng nứt kẽ là biến chứng của trĩ.

  • Toàn thân: người bệnh có thể có hội chứng thiếu máu.

HƯỚNG ĐIỀU TRỊ

  • Điều trị bằng thuốc:

+ Thuốc điều hoà lưu thông ruột.

+ Thuốc tăng cường trương lực các tĩnh mạch.

+ Thuốc chống viêm.

  • Tiêm thuốc làm xơ cứng các búi trĩ.
  • Đốt trĩ bằng tia hồng ngoại.
  • Dùng thuốc đông y.
  • Phẫu thuật cắt trĩ.

KẾ HOẠCH CHĂM SÓC

Nhận định

Nhận định trước mổ

a. Nhận định toàn trạng người bệnh

  • Thể trạng: xem người bệnh gầy hay béo ?
  • Người bệnh có hội chứng thiếu máu không?

+ Da và niêm mạc: xem da có xanh, niêm mạc có nhợt hay không ?

+ Dấu hiệu sinh tồn: xem mạch có nhanh không ?

+ Số lượng hồng cầu có giảm không ?

b. Nhận định tại chỗ

  • Đau: xem người bệnh đau nhiều hay ít?
  • Chảy máu: xem mỗi lần đi đại tiện có ra máu hay không?
  • Sa búi trĩ: xem búi trĩ có sa ra ngoài mỗi lần đi đại tiện hay không và nếu có búi trĩ có tự co được lên không?

Sau mổ

  • Nhận định về dấu hiệu sinh tồn?
  • Nhận định về tiểu tiện: xem có bí tiểu tiện hay không? (sau mổ vùng hậu môn người bệnh hay bí tiểu tiện).
  • Nhận định về đại tiện: xem có bị táo bón sau mổ hay không?
  • Nhận định về vết mổ: xem vết mổ có bị chảy máu, có bị nhiễm khuẩn không?

Những vấn đề cần chăm sóc

  • Người bệnh thiếu máu.
  • Búi trĩ nhiễm trùng.
  • Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn.
  • Theo dõi dấu hiệu sinh tồn sau mổ.
  • Vệ sinh hậu môn hằng ngày.
  • Thực hiện chế độ ăn uống chống táo bón.

Lập và thực hiện kế hoạch chăm sóc

Chuẩn bị người bệnh trước mổ

  • Chuẩn bị người bệnh để khám trực tràng hoặc soi trực tràng

+ Cần phải thụt tháo sạch phân (thụt 2 lần).

+ Điều dưỡng phụ chuẩn bị dụng cụ, ánh sáng.

+ Chuẩn bị tư thế.

  • Cho người bệnh ngâm hậu môn nước muối ấm ngày 2 lần, mỗi lần từ 10 đến 15 phút.
  • Đặt thuốc vào hậu môn nếu có chỉ định.
  • Dinh dưỡng: ba ngày trước khi mổ cho ăn ít chất xơ, ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu, hướng dẫn cách dùng thuốc nhuận tràng.
  • Thụt tháo chiều hôm trước mổ và sáng hôm mổ. Phải đảm bảo sạch phân trong đại tràng.
  • Làm xét nghiệm và các thủ tục trước mổ.
  • Vệ sinh vùng tầng sinh môn và hậu môn cho thật sạch.

Chăm sóc sau mổ

  • Theo dõi sát về dấu hiệu sinh tồn: ngày đầu cần theo dõi 1 giờ/lần, cần chú ý hơn về mạch và huyết áp vì sau mổ hay bị chảy máu nơi cắt trĩ.
  • Tiêm thuốc giảm đau, an thần theo y lệnh.
  • Chăm sóc vết mổ

+ Theo dõi chảy máu vết mổ: ngày đầu cần theo dõi sự chảy máu vết mổ, ngày thứ ba trở đi theo dõi hiện tượng nhiễm trùng vết mổ.

  • Chăm sóc tiểu tiện

+ Theo dõi xem người bệnh có bị bí tiểu tiện hay không?

+ Theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ đầu.

  • Thay băng khi băng thấm ướt và thay băng hằng ngày.
  • Rút mét theo chỉ định

+ Thường mét được rút sau 24 giờ.

+ Trước khi rút mét, cần cho người bệnh ngâm hậu môn vào nước ấm. Có thể ngâm thuốc tím hay nước muối ấm.

+ Cần rút nhẹ nhàng, tránh chảy máu trong trường hợp mổ trĩ.

  • Tránh táo bón:

+ Cho uống nhiều nước, ăn thức ăn có tính chất nhuận tràng như đu đủ chín, chuối tiêu, khoai lang.

+ Hướng dẫn cho người bệnh sau mỗi lần đi đại tiện phải rửa kỹ và ngâm bằng nước ấm.

  • Dinh dưỡng

+ Ngày đầu: uống sữa.

+ Ngày thứ hai: ăn cháo sau đó ăn cơm, cần ăn thức ăn mềm, tránh thức ăn nhiều chất xơ.

  • Chăm sóc vận động: sau 12 giờ giúp người bệnh ngồi dậy, sau 24 giờ giúp người bệnh đi lại.

Giáo dục sức khoẻ

  • Hướng dẫn cho người bệnh ăn uống tránh táo bón.
  • Tránh ăn uống các chất kích thích như rượu, chè, ớt…
  • Tập đi đại tiện đúng giờ.
  • Ngâm hậu môn nước muối ấm ngày 2 lần trong 1 tuần.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Mỗi lần đi đại tiện cần rửa hậu môn sạch sẽ.

Đánh giá

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

  • Trước mổ

+ Hậu môn không bị chảy máu, viêm nhiễm.

+ Chuẩn bị tốt trước mổ.

  • Sau mổ

+ Không chảy máu vết mổ.

+ Không nhiễm khuẩn vết mổ.

+ Không mắc bệnh tái phát.

+ Người bệnh thực hiện tốt lời dặn dò của người điều dưỡng.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây