Xuất xứ về bài thuốc bổ trung ích khí gia tam thất
Thành phần vị thuốc trong bài thuốc bổ trung ích khí gia tam thất được xây dựng từ bài “Bổ trung ích khí thang” còn gọi là “Điều trung ích khí thang” nằm trong “Tỳ vị luận” của Lý Đông Viên, một danh y Trung quốc đời Kim thế kỷ XIII. Dựa trên cơ sở lý luận và kinh nghiêm thực tiễn của mình ông cho rằng trong ngũ tạng lục phủ thì tỳ vị đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động chức năng của các tạng phủ trong cơ thể con người. Ông đưa ra nhận định là trăm bệnh đều do tỳ vị bị tổn thương. Trong bài, các vị thuốc có tác dụng: “Ôn bổ tỳ vị, thăng cử trung khí” giúp cho điều trị mọi chứng sa, khí hư hạ hãm có hiệu quả tốt
Hải Thượng Lãn Ông sử dụng bài thuốc này điều trị các bệnh về hậu thiên trong quyển I “Khôn hoá thái chân”. Mục đích chủ chốt của bài này là “thăng đề dương khí” điều trị chứng tỳ khí hư hạ hãm gây sa nội tạng như sa dạ dầy, sa sinh dục, sa trực tràng, trĩ
Nội dung bài thuốc bao gồm:
Đảng sâm 16g
Trích hoàng kỳ 12g
Xuyên qui 12g
Bạch truật 12g
Thăng ma 12g
Sài hồ 10g
Trần bì 08g
Trích cam thảo 06g.
Công dụng:
ích khí thăng dương, điều bổ tỳ vị.
ứng dụng lâm sàng
- Chữa tỳ vị khí hư, ăn kém mệt mỏi, tự ra mồ hôi hoặc thấy phát sốt, mạch hữu vô lực.
- Chữa chứng tỳ khí hư hạ hãm gây sa nội tạng như : Sa dạ dầy, sa sinh dục, sa trực tràng, trĩ.
- Chữa các chứng chảy máu kéo dài do rong kinh, rong huyết, do tỳ khí hư không nhiếp huyết.
- Chữa sốt kéo dài, người mệt mỏi, chân tay vô lực, bụng đầy khát, đại tiện lỏng hay nôn.
Phân tích bài thuốc
Trong bài lấy Hoàng kỳ, Đảng sâm là bộ phận cấu tạo chủ yếu của bài thuốc, dùng 2 vị với tính vị cam ôn để ích khí. Trong đó, lấy Hoàng kỳ, Đảng sâm làm chủ dược có công dụng thăng bổ, phối ngũ với Thăng ma,Sài hồ để thăng đề dương khí. Đặc điểm phối ngũ của bài thuốc chính là sự kết hợp giữa các vị thuốc thăng đề cới các vị thuốc bổ khí. Bạch truật, Trần bì, Xuyên quy, Cam thảo dùng để kiện tỳ, lý khí dưỡng huyết, hoà trung. Tác dụng của bài thuốc là điều bổ tỳ vị, thăng dương ích khí mà chữa được chứng khí hư hạ hãm
Trong điều trị trĩ nội chảy máu kết hợp thêm tam thất nhằm mục đích chỉ huyết, khứ ứ, tiêu viêm.
Công năng, tác dụng, tính vị qui kinh của các vị thuốc :
Đảng sâm (codoropsinsp): Còn có tên là phòng đảng sâm, lộ đảng sâm, xuyên đảng sâm, đông đảng sâm, rầy cáy, mần cáy.
* Bộ phận dùng: Rễ củ phơi khô của cây đảng sâm họ hoa chuông (câmpnulaccae)
* Thành phần hoá học: Trong đảng sâm có Saponin, đường, chất béo
* Tác dụng dược lý cho chất đảng sâm làm tăng lượng huyết đường, hạ huyết áp, tăng hồng cầu, hạ bạch cầu.
* Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính bình vào kinh tỳ phế.
* Công năng: Bổ trung ích khí, sinh tân, chỉ khát, an thần
* Trên lâm sàng dùng chữa tỳ hư, ăn không tiêu, chân tay yếu mỏi, phế hư sinh ho, phiền khát, mất ngủ
* Liều lượng: 8-20g/ngày
Hoàng kỳ ( Radix Astragali Membranacei):
Là rễ phơi khô của cây Hoàng kỳ họ Đậu (Leguminae) là một trong các vị thuốc chuyên về bổ khí.
- Thành phần hoá học: có astragalus, acetyl lastragaloside I, calycosin, saccharose, glucose tinh bột, chất nhầy, cholin, betain, nhiều loại acid amin, calycosin
- Tác dụng dược lý: Hoàng kỳ làm tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tăng co bóp cơ tim, giãn mạch ngoại vi, lợi liệu chống viêm.
- Tính vị quy kinh: vị ngọt, tính hơi ấm vào kinh Tỳ, Phế.
- Công năng: Bổ trung, ích khí, ích vệ, cố biểu, lợi thuỷ, tiêu thũng, khứ độc, sinh cơ.
- Hoàng kỳ là vị thuốc sử dụng trên lâm sàng trong các trường hợp như tỳ, phế khí hư, trung khí hư hạ hãm, vệ khí hư gây tự hãm, khí hư thuỷ thấp không vận hoá làm phù mặt, khí huyết bất túc làm cho các vết thương lâu lành. Ngoài ra còn điều trị các chứng, khí huyết lưỡng hư, tứ chi tê mỏi, trúng phong gây bán thân bất toại, khí hư làm bí đại tiện, tiêu khát
- Như vậy: Hoàng kỳ và Nhân sâm là hai vị thuốc bổ khí tốt hay phối ngũ với nhau nhưng Nhân sâm sinh tân dịch và huyết dịch thiên về bổ chân âm, Hoàng kỳ ôn dưỡng tỳ dương kiêm bổ vệ khí thiên về bổ chân dương của ngũ tạng.
Bạch truật ( Rhizoma Atractylodis Macrocephalae):
Còn gọi là Đồng truật, Cống truật, Triết truật, U truật , thân rễ phơi khô của cây Bạch truật Atractylodes Macrocephala Koidz, họ Cúc (Asteraceae), có chứa 1,4% tinh dầu gồm: atractylol, atractylenolid I, II, III, eusdesmol và vitamin A .
- Tác dụng dược lý: Bạch truật làm cường tráng cơ thể, lợi niệu, chống đông máu, bảo vệ gan, chống khối u, kháng khuẩn.
- Tính vị quy kinh: Vị đắng, ngọt, tính ấm, vào kinh tỳ vị.
- Công năng: Bổ khí, kiện tỳ, sinh huyết, táo thấp, lợi thuỷ, cố biểu, chỉ hãn, an thai. Đây là vị thuốc được sử dụng trên lâm sàng trong các trường hợp như tỳ khí hư nhược,rối loạn tiêu hoá, đoản khí, mệt mỏi, thuỷ thũng do tỳ hư, thấp thịnh, khí hư, đại tiện bí, thấp tỳ mà lưng gối đau, biểu hư tự hãn, thai động do khí hư.
- Liều dùng: 12-16g/ngày.
Đương quy (Radix angelicae sinensis): Rễ cây phơi khô của cây Đương quy Angelica sinensis (Olive) diels, họ Hoa tán (Apiaceae).
- Thành phần hoá học: Trong Đương quy có tinh dầu 0,2% ( 40% acid tự do, ligustilide, nbutyliden, phthalide, bergapten, sesquiterpen dodecanol, tetradecanol, safrol, p.cymen, carvacrol, cadinen, vitamin B120,25- 0,40%, acid folimic, biotin)
- Tác dụng dược lý: Đương quy chống thiếu máu, giảm mỡ máu, điều tiết, trấn tĩnh hệ thống thần kinh, tăng tốc độ lưu huyết, cải thiện lưu lượng máu, nuôi dưỡng cơ tim, chống loạn nhịp tim, tăng khả năng nhận oxy của hồng cầu, ức chế kết tụ tiểu cầu, chống hình thành đông máu, tăng co bóp cơ trơn bàng quang và ruột non .
- Tính vị quy kinh: Vị ngọt, cay, đắng, tính ấm vào kinh can, tâm, tỳ, phế.
- Công năng: Bổ huyết điều kinh, hoạt huyết chỉ thống, trừ độc , sinh cơ, chỉ khái bình suyễn
Đây là vị thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng trong các trường hợp như huyết hư, sắc mặt xanh nhợt, móng tay móng chân nhợt, kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, kinh quá nhiều, băng kinh, sản hậu, chấn thương gây ứ huyết, đau mỏi, tê chân tay, trúng phong, bán thân bất toại, lở loét ngoài da, khái suyễn, tâm huyết bất túc dẫn đến hồi hộp đánh trống ngực , mất ngủ, hay quên
- Liều dùng: 12-24g/ngày.
Thăng ma (Rhizoma cimicifugae):
Còn gọi là Đông bắc thăng ma, Hưng an thăng ma, Đại tam diệp thăng ma. Thân rễ phơi khô của cây Thăng ma Cimicifuga dahusica (Turer) Maxim, họ Mao lương ( Ranunculaceae).
- Thành phần hoá học: Thăng ma có chứa cimicifugol, cimigol, cimicifugenol, 25 ometylcimigenol tanin và acid béo.
- Tác dụng dược lý: Thăng ma có thể kháng viêm, chống đau, kháng vi khuẩn.
- Tính vị quy kinh: Vị cay ngọt, tính hơi hàn vào kinh tỳ, phế, vị, đại trường.
- Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, giải biểu , thấu chẩn, thăng dương.
Thăng ma là vị thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng trong các trường hợp như: Đau đầu do phong nhiệt dương minh, nhiệt thịnh, đau đầu, viêm họng lở loét họng lưỡi, khí hư hạ hãm, đoản khí, sa tạng phủ (sa dạ dày, sa sinh dục, sa trực tràng…)
- Liều dùng: 6-12g/ngày.
Sài hồ (Radix bupleuri) :
Còn gọi là Bắc sài hồ, Sài hồ diệp, rễ phơi khô của cây Sài hồ họ Hoa tán (Apiaceae)
- Thành phần hoá học: Có 0,5% saponin, spinasterol, stigmast – 7- enol, 1 chất rượu là bupleurumola C37H48O2 và tinh dầu.
- Tác dụng dược lý: Sài hồ làm hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm, chống loét, giảm cholesterol máu, ức chế vi khuẩn, tăng cường khả năng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào.
- Tính vị quy kinh: Vị cay đắng, tính hơi hàn, vào kinh can, đởm.
- Công năng: Giải biểu , hạ nhiệt, sơ can, thăng đề dương khí.
Đây là vị thuốc được sử dụng trên lâm sàng trong các trường hợp như ngoại cảm phát sốt, hàn nhiệt vãng lai, can khí uất trệ dẫn tới đau tức ngực sườn, ở phụ nữ kinh không đều, thống kinh, khí hư hạ hãm, sa trực tràng
- Liều dùng: 8-16g/ngày.
Trần bì (Peiricarpium Citri Reticulatae):
Còn gọi là Hoàng quyết, là vỏ của cây quýt Citrus deliciosa Tenore, họ Cam quýt ( Rutaceae) càng để lâu năm càng tốt.
- Thành phần hoá học: Có tinh dầu 3,8% hesperidin C50H6O27, vitamin A,B và 0,8% tro.
- Tác dụng dược lý: Tinh dầu kích thích tiêu hóa dạ dầyvà đại tràng có khả năng điều trị cảm giác đầy chướng trong bệnh ruột và đại tràng mạn tính, tăng tiết dịch dạ dày, chống viêm giãn phế quản, cắt cơn hen.
- Tính vị quy kinh: Vị cay, đắng, tính ấm vào kinh tỳ, phế.
- Công năng: Lý khí hòa trung, táo thấp hóa đàm.
- Đây là vị thuốc thường dùng trên lâm sàng trong các trường hợp như bụng đầy trướng, thấp trở ở tỳ,vị, nôn do vị hàn khí nghịch, khí hư gây đại tiên bí, ho nhiều đờm, đau ngực.
- Liều dùng: 4-8 g/ngày.
Cam thảo (Radix Glycyrrhizae Uralensis):
Còn gọi là Quốc lão hoặc Bắc cam thảo là rễ hoặc thân phơi khô của cây Cam thảo Glycyrrhizae uralenses Fish, họ Cánh bướm ( Fabaceae).
- Thành phần hoá học: Trong Cam thảo có thấy glucid 4,7 – 10,97%, tinh bột 4,77 – 5,92% hoạt chất thuộc nhóm saponoid là glycyrrhizin huộc nhóm flavonoid là liquirtin, giquiritigenin licurazid, isoquiritin, isoliquiritigenin,neoliquiritin, neoisoliquiritin.
- Tác dụng dược lý: Cam thảo có tác dụng giống hormon của vỏ thượng thận giữ muối và nước, chống viêm, chống dị ứng, chống co thắt, chống loét, giải độc, trừ ho, long đờm, giảm mỡ máu, ổn định thần kinh tiền đình.
- Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ, phế, vị, tâm.
- Công năng: Bổ trung ích khí, trừ đàm, chỉ thống, tiêu thũng, giải độc, làm hòa hoãn dược tính của các vị thuốc, điều tiết acid bảo vệ dạ dày.
- Đây là vị thuốc sử dụng trên lâm sàng trong các trường hợp như tỳ vị hư, khí hư, huyết thiếu, hồi hộp, tự hãn, mồ hôi ra quá nhiều, ho, khó thở, bụng và tứ chi đau, loét ở miệng lưỡi, ung nhọt, làm điều hòa các vị thuốc và một số bệnh nội tiết.
- Liều lượng dùng : 4-6/ ngày.
Tam thất (Panax Pseudo – ginseng)
Là rễ phơi khô của cây tam thất thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae).
Thành phần hoá học: Trong tam thất có 2 chất saponin: ArasaponinA và ArasaponinB.
- Tác dụng dược lý: Tăng sức đề kháng của cơ thể, có khả năng kháng lại hiện tượng giảm Prothrombin trong máu thỏ và giảm khả năng máu đông gây thực nghiệm với dicuma-rol.
Tính vị quy kinh: Ngọt, đắng, ấm và kinh can, vị.
Công năng: Khứ ứ chỉ huyết, tiêu viêm, chỉ thống.
Dùng vị thuốc sử dụng trên lâm sàng trong các trường hợp sau:
Chảy máu do ứ huyết, ho ra máu, nôn ra máu, lỵ, rong kinh, rong huyết, sau khi đẻ bị rong huyết, làm mất cơn đau do sưng huyết: Ngã sưng đau, mụn nhọt sưng đau, đau dạ dày, thống kinh, đau do khí trệ, đau khớp.
Ngoài ra, tại chỗ chữa các vết thương chảy máu bằng cách rốc bột tam thất.
Liều dùng: 1,5g – 6g/ 1 ngày
Khái quát chung, các vị thuốc tạo thành bài “Bổ trung ích khí” có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hoá tiếp thu, tiêu viêm và cầm máu, phù hợp để điều trị trĩ nội xuất huyết. Bổ trung ích khí đã được bậc tiền bối gia tam thất nhằm tăng cường khả năng chỉ huyết và nâng cao sức khoẻ toàn thân, ứng dụng điều trị trĩ càng phù hợp hơn.