Trang chủBệnh tiêu hóaNguyên nhân, phân loại Bệnh trĩ trong Y học cổ truyền

Nguyên nhân, phân loại Bệnh trĩ trong Y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ của y học Phương Đông bệnh trĩ được phát hiện rất sớm (trên 2000 năm trước). Qua các thời đại có nhiều nhà y học quan tâm nghiên cứu viết thành sách hoặc lưu truyền trong dân gian. Trong đó có y văn kinh  điển như: Nội kinh, Y tông kim giám, Thần nông bản thảo… Nhưng mãi đến năm 1400 Trần Trực Công là tác giả của cuốn ngoại khoa chính tông mới nêu lên phương pháp điều trị toàn diên của Y học cổ truyền Phương Đông – Hải Thượng Lãn Ông trong tác phẩm “Hành giả trân nhu” quyển đoản; “ Bách gia Trân tàng” quyển quí đã nói đến quan niệm nguyên nhân trĩ và phép điều trị. Theo Y học cổ truyền trĩ là chứng trong ngoài hậu môn mọc mụn. Mọc kín trong hậu môn là trĩ nội hoặc lồi ra ngoài hậu môn là trĩ ngoại. Nếu lở loét, chảy máu, mủ, nước hoặc mọc mụn có lỗ chảy nước độc không lúc nào ráo là lậu (rò) hay mạch lươn.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo Y học cổ truyền đến nay có thể giải thích nguyên nhân gây ra trĩ: Do khí hư, khí trệ không thăng đề được, hiện tượng này xảy ra ở vùng đại trường làm cho cơ nhục yếu, giáng hạ mạch lạc tổn thương sinh ứ huyết, khí hư, khí trệ và huyết ứ lâu ngày làm mạch lạc giãn sa gây ra trĩ, huyết ứ lâu ngày gây ra chảy máu. Do nguyên nhân nào đó (có thể do táo nhiệt hoặc thấp nhiệt…) làm cho huyết hư, huyết ứ ở đại trường ảnh hưởng đến khí. Khí trệ và hư làm lạc mạch sa giãn gây ra trĩ, huyết ứ lâu ngày sinh nhiệt hoặc nguyên nhân là nhiệt, nhiệt xâm phạm vào huyết phận bức huyết vong hành cho nên kèm theo chảy máu. Có 4 nguyên nhân: phong, thấp, táo, nhiệt kết hợp gây bệnh phong táo có thể nội sinh (sau mắc bệnh ở các tạng phủ: tâm, can, tỳ, thận) có thể ngoại sinh (khí hậu địa phương) gây ra khí hư, huyết ứ (hành kinh, thai nghén, chửa đẻ, bệnh thuộc gia đình, u chèn ép vùng trực tràng hậu môn). Do táo nhiệt ngưng kết ở đại tràng làm khí hư, khí trệ, huyết ứ (táo bón kéo dài). Do thấp nhiệt uất kết ở đại tràng làm khí trệ huyết ứ (gặp trong các bệnh viêm đại tràng, ỉa chảy). Ăn uống thất thường, ăn các chất cay nóng (ớt, rượu) cao lương mỹ vị (các chất khó tiêu) sinh ra thấp nhiệt ở đại tràng, lao động quá sức, ngồi lâu hoặc phòng dục quá độ gây khí trệ huyết ứ dồn xuống dưới đại tràng, hậu môn.

Phân loại

Theo Y văn cổ, người ta chia trĩ ra làm nhiều loại. Sách Nội kinh chia 5 chứng tuỳ tình trạng có tên gọi khác nhau. Sách “ Thần nông bản thảo” chia 5 loại. Sách ngoại khoa “ Sào thị bệnh nguyên” chia 25 loại khác nhau

  • Tuệ Tĩnh phân chia làm 5 loại:
  • Trĩ ngoại: Đi ngoài máu ra trước phân.
  • Trĩ nội : Đi ngoài ra máu và lòi trôn trê.
  • Thử trĩ : Xung quanh hậu môn mụn mọc như đuôi chuột.
  • Nung sang: Đầu hậu môn lỗ thủng lở loét.
  • Trùng trĩ: Nhiều búi trĩ
  • Hải Thượng Lãn Ông phân chia bệnh trĩ làm 5 loại: Mẫn trĩ, tẫn trĩ, tửu trĩ, khí trĩ, huyết trĩ.
  • Ngoại khoa Đại thành (Kỳ khôn đời Càn Long) chia trĩ làm 24 loại [5]: Tạng ung trĩ, toả giang trĩ, phiếm hoa trĩ, liên hoa trĩ, trùng điệp trĩ, nội ngoại trĩ, đởm huyền trĩ, huyết tiễn trĩ, khí tráng trĩ, diên giang trĩ, giang mai trĩ, tử mẫn trĩ, thư hùng trĩ, lăng giác trĩ , bồ đào trĩ, hạnh đào trĩ, thạch lựu trĩ, anh đào trĩ, ngưu mẫn trĩ, kê quán trĩ, kê tâm trĩ, thử vĩ trĩ.
  • Trong YHCT dùng thuốc để điều trị trĩ nội, trĩ ngoại chia 4 loại:
  • Trĩ nội thể huyết ứ (trĩ có xung huyết): Búi trĩ không sa ra hậu môn, đại tiện ra máu tươi, có thể có táo bón. Phép điều trị: Hoạt huyết, lương huyết, chỉ huyết, thăng đề.
  • Trĩ nội thể thấp nhiệt (trĩ có bội nhiễm hoặc do viêm nhiễm gây nên). Búi trĩ sưng đỏ, loét nát, chảy mủ hoặc nước vàng, ngồi khó, có thể sốt, đại tiện táo, nước tiểu vàng. Phép điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp, hoạt huyết, chỉ huyết, hành khí, thăng đề.
  • Trĩ nội thể nhiệt độc: Trĩ ứ huyết lâu ngày nhiệt xâm phạm (giai đoạn đầu của viêm nhiễm). Búi trĩ sưng nóng đỏ, đau rát hậu môn chảy ra máu tươi, chảy mủ hoặc nước vàng. Phép điều trị: Thanh nhiệt giải độc, lương huyết, hoạt huyết, chỉ huyết.
  • Trĩ nội thể khí huyết hư: Trĩ lâu ngày hoặc do các bệnh lâu ngày, toàn thân gây nên trĩ sa ra ngoài, ra máu kéo dài, gầy yếu mệt mỏi, hoa mắt ù tai, sắc mặt xanh xao, đoản hơi, mạch trầm tế. Phép điều trị: Bổ khí huyết chỉ huyết, thăng đề.
  • Về trĩ ngoại có 3 thể:
  • Trĩ ngoại đơn thuần: Y học cổ truyền gọi là thể huyết ứ.
  • Trĩ ngoại nghẽn tắc: Y học cổ truyền gọi là thể thấp nhiệt.

Trĩ ngoại có biến chứng: Y học cổ truyền gọi là thể nhiệt độc

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây