Trang chủBệnh tim mạchKhi nào được coi là bệnh tăng huyết áp ?

Khi nào được coi là bệnh tăng huyết áp ?

Quan niệm trước đây cho rằng ở người nhiều tuổi mức huyết áp tâm thu “cho phép” là 100 cộng với số tuổi (ví dụ với người 70 tuổi thì huyết áp tâm thu “cho phép” là 170 mmHg) là một quan niệm không đúng; với cụ già đó, mức 170 mmHg đo thấy nhiều lần phải được coi là có bệnh tăng huyết áp, kiểm tra dễ thấy những ảnh hưởng xấu của bệnh đối với hệ tim mạch, tuổi thọ chắc chắn không bằng các cụ có mức huyết áp bình thường.

Thuật ngữ tăng huyết áp hay tăng áp lực động mạch mô tả sự tăng cao bền bỉ của huyết áp động mạch. Huyết áp cả tâm thu lẫn tâm trương tăng lên tới bao nhiêu thì được gọi là tăng huyết áp, những con số này cho đến nay vẫn là những con số quy ước và trước đây đã gây nên nhiều tranh luận.

Năm 1978, Tổ chức Y tế thế giới đã quy định là tăng huyết áp chính thức khi huyết áp > 160/95 mmHg: Năm 1993 cùng với Hội Tăng huyết áp thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã quy định lại, từ 140/90 mmHg trở lên đã được coi là tăng huyết áp chính thức.

Đầu năm 1999, Tổ chức Y tế thế giới và Hội Tăng huyết áp thế giới có khuyến cáo mới về bệnh tăng huyết áp, vẫn khẳng định được coi là tăng huyết áp khi huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên và phân độ tăng huyết áp như sau :

Phân dộ HA tâm thu HA tâm trương
THA độ 1 (nhẹ) 140-159 90-99
THA độ 2 (vừa) 160-179 100-109
THA độ 3 (nặng) >180 >110
THA tâm thu đơn thuần >140 <90

Khuyến cáo có nêu “cần nhấn mạnh từ Tăng huyết áp nhẹ không nhằm chỉ tiền lượng lành tính mà đơn giản chỉ để phân biệt với mức huyết áp cao hơn”. Muốn xác định bệnh nặng hay nhẹ phải kết hợp với nhiều yếu tố khác nhất là có tổn thương các cơ quan đích như động mạch, tim, não, thận… có các bệnh tim mạch kèm theo do ảnh hưởng của tăng huyết áp hay có các yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch không ?

Khi nào là bệnh tăng huyết áp
Khi nào là bệnh tăng huyết áp

Chương trình điều tra bệnh tăng huyết áp của Viện Tim mạch các năm 1989-1992 cho thấy huyết áp người bình thường Việt Nam từ 16 tuổi trở lên là 120/75 mmHg. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi kiểm tra nhiều lần thấy huyết áp lên tới 135/85 mmHg hoặc cao hơn một chút là đã phải lưu ý đến khả năng sẽ tiến triển thành tăng huyết áp nếu không được thầy thuốc theo dõi và hướng dẫn cách quản lý. Quan niệm trước đây cho rằng ở người nhiều tuổi mức huyết áp tâm thu ” cho phép” là 100 cộng với số tuổi (ví dụ với người 70 tuổi thì huyết áp tâm thu “cho phép” là 170 mmHg) là một quan niệm không đúng; với cụ già đó, mức 170 mmHg đo thấy nhiều lần phải được coi là có bệnh tăng huyết áp, kiểm tra dễ thấy những ảnh hưởng xấu của bệnh đối với hệ tim mạch, tuổi thọ chắc chắn không bằng các cụ có mức huyết áp bình thường.

Có trường hợp chỉ tăng huyết áp tâm thu đơn thuần, ví dụ 170/85 mmHg hoặc chỉ có tăng huyết áp tâm trương đơn thuần, ví dụ 135/95-100 mmHg.

Trong bệnh tăng huyết áp, trước đây đã có ý kiến cho rằng huyết áp tâm trương là quan trọng hơn, năm 1984 Tổ chức Y tê thế giới đã khẳng định huyết áp tâm thu cũng là một yếu tcí nguy cơ quan trọng tương đương với huyết áp tâm trương vì dễ gây nên tai biến chảy máu não.

Muốn khẳng định là có bệnh tăng huyết áp, mức huyết áp > 140/90 mmHg phải được thấy trong ít nhất 2 kỳ đo khác nhau, mỗi kỳ được đo ít nhất 3 lần trong những điều kiện như nhau, người được đo phải nghỉ ít nhất 20 phút trước khi đo. Yêu cầu này là rất quan trọng, chỉ đo 1 lần, thậm chí chỉ đo 2-3 lần trong 1 kỳ khám thì không đủ để kết luận là có

bệnh tăng huyết áp được vì khi đó huyết áp tăng có thể chỉ là tạm thời, chịu ảnh hưởng của một yếu tố bất thường nào đó, dặc biệt là stress do sự có mặt của người thầy thuốc đến khám. Phải đo huyết áp ở cả 2 tay, do ở tư thế nằm và cả ở tư thế đứng. Trước khi đo, không dược hoạt động thể lực mạnh, không uống cà phê, không hút thuốc lá, không dùng các loại kích thích khác, không bơm thuốc hen, nhỏ thuốc ngạt mũi, nhỏ thuốc giãn đồng tử, bệnh nhân yên tĩnh, thoải mái, trong phòng ấm.

Chúng ta chưa có tập quán đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ vì vậy thường không biết được huyết áp của mình, đến khi bất ngờ thấy huyết áp không bình thường hoặc đến khi có tai biến, lúc bấy giờ mới biết mình bị bệnh tăng huyết áp. Ở nhiều nước khi trình độ y tế chưa phát triển, tình hình cũng tương tự.

Tăng huyết áp thứ phát và bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể xảy ra do một bệnh khác, gọi là tăng huyết áp triệu chứng hay tăng huyết áp thứ phát nhưng ở đa số các trường hợp không tìm thấy nguyên nhân và được coi là bệnh tăng huyết áp nguyên phát mà thường được gọi đơn giản là bệnh tăng huyết áp:

  1. Tăng huyết áp thứ phát: trong các trường hợp này, người ta đã thấy được nguyên nhân, làm cho huyết áp tăng cao và nếu điều trị được bệnh chính thì huyết áp trở lại bình thường:

Các bệnh thận như viêm thận mạn, suy thận, lao thận… hay có huyết áp tăng cao và kéo dài. Hẹp động mạch thận bẩm sinh hay do vữa xơ động mạch cũng gây tăng huyết áp.

Các bệnh của tuyến thượng thận như hội chứng tăng aldosteron nguyên phát, hội chứng Cushing, u phần vỏ hay phần tuỷ của tuyến thượng thận; u tuỷ thượng thận có những cơn kịch phát tăng huyết áp rất cao, có khi lên tới > 260/140 mmHg với những biến chứng rất nặng nề.

Hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh: huyết áp chi trên tăng trong khi lại hạ ở chi dưới. Phẫu thuật cắt bỏ đoạn hẹp thì huyết áp trở lại bình thường.

Khi dùng kéo dài một số thuốc như corticoid (cortancyl..), cam thảo (cần lưu ý các thuốc đông y có thêm thành phần cam thảo như một số thuốc chữa bệnh dạ dày, bệnh gan), một số thuốc chống thụ thai, thuốc chống viêm indomethacin…, trong các trường hợp này, huyết áp chỉ tăng tạm thời, khi ngừng thuốc thì huyết áp trở lại như cũ.

Trong một số trường hợp có thai: do bệnh lý ở rau thai, từ tháng thứ 7-8 có thể có tai biến tăng huyết áp đồng thời có phù, nước tiểu có protein, bệnh dễ dẫn đến sản giật. Lấy thai ra hoặc đẻ xong thì huyết áp trở lại bình thường.

  1. Bệnh tăng huyết áp nguyên phát: thể này chiếm tới 90-95% số người bị tăng huyết áp, cho tới nay mặc dầu người ta đã nghiên cứu rất nhiều nhưng vẫn chưa biết được nguyên nhân gây bệnh. Muốn xác định là bệnh tăng huyết áp nguyên phát phải khám xét kỹ người bệnh và làm nhiều xét nghiệm cần thiết để khẳng định không phải là tăng huyết áp thứ phát do các bệnh đã nêu ở trên.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây