Tenoxitic

Thuốc Tân dược

TENOXITIC

O.P.V. (OVERSEAS)

viên nang 20 mg: hộp 10 viên.

THÀNH PHẦN

Cho 1 viên:

Tenoxicam 20mg

TÍNH CHẤT

Tenoxicam là một thuốc kháng viêm giảm đau không steroid mới của nhóm oxicam. Do thời gian bán hủy kéo dài, tenoxicam có thể dùng ngày một lần. Các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm dính đốt sống, bệnh gout và các rối loạn dạng thấp ngoài khớp đã chứng minh tenoxicam 20 mg/ngày có tác dụng kháng viêm, giảm đau và thuốc được dung nạp tốt.

DƯỢC LỰC

Trong các mô hình viêm chuẩn, tenoxicam có tác dụng mạnh như piroxicam, indomethacin và diclofenac, và mạnh hơn acetyl salicylic acid, mefenamic acid và naproxen. Trong thử nghiệm viêm do kaolin, tenoxicam tăng ngưỡng đau gấp 3 lần. Chỉ số điều trị (là tỷ số của liều gây loét và liều kháng viêm) tối ưu hơn piroxicam, mefenamic acid, diclofenac, carprofen và salicylic acid.

Cũng như các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid khác, tenoxicam ức chế tổng hợp prostaglandin. Thuốc cũng có hiệu quả kháng viêm nhờ ức chế sản sinh các gốc oxy hoạt động, hóa hướng động bạch cầu và hiện tượng thực bào.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Sau khi uống, nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương đạt được sau 0,5-2 giờ. Độ khả dụng sinh học của tenoxitic là 100%. Sau khi uống liều đơn tenoxicam 20 mg và 40 mg, nồng độ tương ứng đạt được trong huyết tương trung bình là 2 và 4 mg/l. Thức ăn và antacid làm chậm hấp thu nhưng không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu toàn phần của thuốc.

Nồng độ cao ổn định của thuốc trong huyết tương khoảng 11 mg/l đạt được 10-12 ngày sau khi dùng tenoxicam 20 mg/ngày. Ở người khỏe mạnh, thể tích phân phối của tenoxicam là 0,15 l/kg, thời gian bán hủy trung bình 60-75 giờ và độ thanh thải trong huyết tương 0,1- 0,25 l/giờ. Tenoxicam dễ thâm nhập vào bao hoạt dịch của bệnh nhân viêm xương khớp hoặc viêm đa khớp dạng thấp. Khoảng 2/3 liều tenoxicam được tìm thấy trong nước tiểu và 1/3 liều được tìm thấy trong phân.

CHỈ ĐỊNH

Tenoxitic được chỉ định như là một thuốc kháng viêm giảm đau trong điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm dính đốt sống, gout và các rối loạn dạng thấp ngoài khớp (viêm gân, viêm bao hoạt dịch, viêm dây thần kinh, đau lưng) và sưng sau chấn thương.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không nên dùng tenoxicam cho những bệnh nhân loét dạ dày tá tràng tiến triển, xuất huyết dạ dày ruột, viêm dạ dày nặng, rối loạn chức năng gan thận nặng và mẫn cảm với thuốc.

LÚC CÓ THAI và LÚC NUÔI CON BÚ

Không nên dùng tenoxicam cho phụ nữ có thai và cho con bú.

 

TƯƠNG TÁC THUỐC

Tenoxicam có thể gây tăng hiệu quả chống đông máu của coumarins. Tenoxicam không có tương tác dược lực học với antacid, cimetidin và thuốc hạ đường huyết (glibornuride hoặc glibenclamide). Nhưng nên theo dõi hiệu quả của thuốc kháng đông và thuốc hạ đường huyết đặc biệt khi bắt đầu liệu pháp tenoxicam. Sử dụng đồng thời probenecid làm gia tăng tỷ lệ đào thải tenoxicam.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Với liều thường dùng trong điều trị, tenoxicam dung nạp tốt. Tác dụng phụ trên dạ dày ruột gặp ở 7% bệnh nhân (đau thượng vị, buồn nôn, khó tiêu); và ít hơn là nhức đầu, chóng mặt. Nếu xuất huyết đường tiêu hóa, nên ngưng thuốc.

Cũng như các thuốc kháng viêm không steroid khác, có thể tăng men gan tạm thời.

Tenoxitic có thể ức chế ngưng tập tiểu cầu và kéo dài thời gian chảy máu. Nên xem xét kỹ khi dùng tenoxicam cho bệnh nhân sẽ có can thiệp phẫu thuật.

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Người lớn: liều thường dùng là 20 mg (1 viên nang), ngày một lần.

Trong đợt cấp của viêm khớp do bệnh gout, liều khuyết cáo là 40 mg một lần/ngày trong 2 ngày sau đó 20 mg một lần/ngày trong 5 ngày.

Trẻ em: Tính an toàn của thuốc ở trẻ em chưa được thiết lập.

QUÁ LIỀU

Trong trường hợp quá liều, yêu cầu điều trị nâng đỡ.

Thuốc Tân dược
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận