Có lẽ, khiêu vũ bắt nguồn từ những bộ lạc ngay từ buổi còn nguyên sơ, trong quá trình săn bắn, hái lượm để tồn tại và mưu sinh. Cho đến nay, khiêu vũ không chỉ là một nét văn hoá đặc trưng của nhiều dân tộc trên thế giới mà còn được coi như một phương pháp vận động cơ thể tích cực và là một phương pháp chữa bệnh. Trên thế giới, vào năm 1956 đã thành lập Hiệp hội liệu pháp khiêu vũ Mỹ. Ở Việt Nam, hình thức giải trí này chưa được phổ biến rộng khắp.
Nhìn nhận ở góc độ y sinh học, khiêu vũ cũng được coi là phương pháp bảo vệ sức khoẻ. Cùng với âm nhạc, sự giao lưu với bạn nhảy, sự vận động của cơ thể theo các điệu nhảy… đã tổng hợp lại thành một tác động tích cực cho sức khoẻ.
Đối với thần kinh và tim mạch, có thể nói rằng khiêu vũ giúp cho cơ thể được sảng khoái, hệ thống tim mạch cũng được kích hoạt đáp ứng với nhu cầu vận động của cơ thể. Tim phải đập nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu cấp máu cho cơ thể. Ngoài ra, khiêu vũ còn làm tăng khả năng cảm nhận và sự tự tin của bạn, chống lại trầm cảm, thư giãn, giải toả stress…
Theo Die Welt: Nghiên cứu của Mỹ cho thấy, hình thức giải trí này làm giảm đáng kể nguy cơ suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Bước đi nhịp nhàng, đồng bộ phối hợp với sự vận động của hai tay kích thích sự hoạt động của cả hai nửa não bộ, làm cho con người năng động, sáng tạo hơn.
Theo các nhà khoa học, khiêu vũ tỏ ra khá hiệu quả trong điều trị chứng đau lưng và một số bệnh thần kinh. Môn giải trí này cũng giúp cải thiện khả năng phối hợp động tác, làm giảm bớt căn bệnh rối loạn thăng bằng ở một số người.
Ngoài ra, có thể nói rằng, khiêu vũ còn có thể có lợi với những người bị trầm cảm, suy sụp nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã coi khiêu vũ như một phương pháp điều tri bổ trợ. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân đã có thể giảm đáng kể lượng thuốc phải dùng.
Khiêu vũ được coi như một liệu pháp vận động cơ thể tích cực như nhiều môn thể thao khác. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, những phụ nữ béo phì có thể tránh được nguy cơ bị bệnh tim nếu họ tích cực vận động thể lực, nhưng nếu họ không giảm cân thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Ngược lại, phụ nữ có thân hình mảnh khảnh có nguy cơ bị bệnh tim nếu họ không chịu tập luyện. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở những đôi tượng này thấp hơn nhiều, kể cả khi sự “Mảnh khảnh” của họ không phải do tập luyện thường xuyên đem lại.
Một nghiên cứu do Timothy Wessle và cộng sự tại Trường Đại học Y khoa Floria (Mỹ) tiến hành nhằm tìm hiểu mối liên quan giữa tình trạng béo phì và sự lười vận động với nguy cơ mắc bệnh tim. Nhóm chọn 906 phụ nữ ở độ tuổi trung bình là 58. Tiền sử về sức khoẻ của họ được theo dõi từ năm 1996 tới năm 2000. Vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu 76% số phụ nữ được chọn bị béo phì, 70% ít vận động cơ thể. Trong quá trình nghiên cứu, 68 người đã chết và 455 người mắc các vấn đề liên quan đến tim như đau tim hoặc đột quỵ. Ngoài việc kiểm tra thể trọng, nhóm nghiên cứu đã hỏi những phụ nữ tham gia về khả năng thực hiện các bài tập thể dục tại nhà, nơi làm việc và nơi giải trí của họ – chẳng hạn như leo cầu thang, chạy một đoạn ngắn đi vòng quanh chướng ngại vật không nghỉ.
Các nhà khoa học đã đi tới một kết luận sau: những phụ nữ tích cực hoạt động ở mức trung bình trở nên ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc các bệnh liên quan đến tim hơn những người ít hoạt động, bất kể trọng lượng của họ là bao nhiêu.
Timothy Wessle cho rằng: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ít vận động mang lại nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn tình trạng tăng cân hay béo phì”.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết phụ nữ nên dành ra 30 phút tập luyện thể dục ở mức độ vừa phải hằng ngày hoặc phần lớn số ngày trong tuần để phòng tránh bệnh tim mạch.
Theo Healthday: Trong một nghiên cứu khác tìm hiểu vai trò của tình trạng béo phì và mức độ vận động cơ thể đối với nguy cơ mắc đái tháo đường, được tiến hành trên 38.000 phụ nữ. Các nhà khoa học nhận thấy những người thuộc diện béo phì (có chỉ số cân nặng BMI lớn hơn 30) và lười vận động đều có khả năng mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, trong hai yếu tố này, thừa cân có ảnh hưởng lớn hơn. Giáo sư J. Michael Gaziano tại Bệnh viện Phụ nữ ở Boston kết luận rằng: “Nghiên cứu cho thấy tình trạng béo phì có vai trò quan trọng hơn nhiều trong việc gây ra bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu ở người lớn”, và “Tôi không coi nhẹ tầm quan trọng của hoạt động thể thao trong việc duy trì cân nặng hợp lý. Nhưng chỉ khỏe mạnh thể chất thôi chưa đủ để tránh nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bạn vẫn cần phải giảm cân”.
Người bệnh tim mạch cần chú ý: Nên khiêu vũ với nhịp điệu nhẹ nhàng, vừa phải như các điệu vals. Thời gian và cường độ khiêu vũ cũng cần chú ý, tránh quá sức. Nhất là các trường hợp mắc bệnh suy tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực… Khiêu vũ quá sức cũng có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn của bệnh, đôi khi có thể gâỵ các tai biến nguy hiểm. Ví dụ, người đau thắt ngực có thể dẫn đến tai biến là nhồi máu cơ tim nếu khiêu vũ quá sức; người suy tim có thể nặng thêm cũng với lý do như vậy.