Viêm gan virus là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, do virus gan gây nên, với đặc trưng là tổn thương lan toả và hoại tử tế bào gan. Có 6 loại viêm gan virus được ký hiệu bằng chữ (tương ứng với các typ huyết thanh), gồm: A, B, c, D, E và G. Viêm gan virus typ A và E chủ yếu lây theo đường tiêu hoá và thường tự khỏi sau thể cấp, thường không gây ra viêm gan mạn hay xơ gan sau này. Trái lại, viêm gan virus typ B, c và D lây truyền qua đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con qua nhau thai, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Viêm gan virus B là căn bệnh phổ biến trên khắp thế giới. Hiện nay có khoảng 200 triệu người trên thế giới bị mắc viêm gan B, làm trên 2 triệu người chết mỗi năm. ở nước ta, tỉ lệ người nhiễm virus gan B khá cao, chiếm khoảng 15 đến 20% dân số.
Có mấy thể viêm gan B?
Cũng như các thể viêm gan do virus khác, viêm gan virus B cũng được chia làm 3 thể loại chủ yếu, đó là viêm gan cấp tính, viêm gan tối cấp và viêm gan mạn tính.
Khi virus mới đột nhập vào cơ thể và tấn công vào gan lần đầu tiên, các tế bào gan bị viêm, thoái hoá, biểu hiện bởi hội chứng viêm gan cấp tính. Đối với thể viêm cấp này, khi xét nghiệm máu, người bệnh sẽ có HBsAg(+), men gan (SGOT, SGPT) tăng cao 3 – 4 lần. Khi đó người bệnh thường thấy sốt (là triệu chứng đầu tiên, nhưng ít khi sốt cao, chỉ thấy ngây ngấy như bị cảm), mệt mỏi (mệt nhiều, không muốn đi lại, không muốn làm việc, kể cả việc nhẹ) và vàng da (xuất hiện vài ngày sau sốt, vàng da ở khắp mọi nơi; khi vàng da xuất hiện thì người bệnh sẽ hết sốt). Ngoài 3 triệu chứng kể trên, một số người bệnh còn có thêm các triệu chứng tiêu hoá (đau bụng vùng trên rốn, đau vùng dưới sườn phải, chán ăn, đầy hơi, nôn), viêm khớp, giả cúm (sổ mũi, đau họng, ho khan cùng với sốt), suy nhược thần kinh (chóng mặt, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ) và các triệu chứng hỗn hợp của các kiểu khởi phát trên. Tuy nhiên, các triệu chứng trên thường xuất hiện nhanh chóng và chỉ kéo dài 2 đến 3 tuần, sau đó, nếu không có biến chứng gì thì vàng da sẽ nhạt dần, nước tiểu trong trở lại, người bệnh phục hồi sức khoẻ và khỏi bệnh (90 đến 95% bệnh nhân tự khỏi bệnh sau 4 đến 6 tuần). Lúc này, khi xét nghiệm HBsAg sẽ thấy âm tính (-), men gan trở về bình thường.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân không khỏi bệnh mà chuyển sang thể tối cấp, có thể làm chết người ngay. Viêm gan tối cấp thường xảy ra sau ngày bị vàng da từ 1 đến 15 ngày. Trong viêm gan tối cấp các triệu chứng thường nặng nề hơn, nguy kịch hơn. Thoạt tiên, người bệnh trở nên lừ đừ, có khi vật vã, nôn mửa, hai tay giật nhẹ. Rồi rất nhanh, người bệnh đi vào trạng thái hôn mê, có thể kèm theo các cơn co giật. Người bệnh thường thở gấp, mạch nhanh và rất yếu. Dấu hiệu xuất huyết nhanh chóng xuất hiện: Có thể thấy các vết hoặc đám đỏ hay bầm tím trên cơ thể (do chảy máu dưới da); hoặc bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài ra máu (do chảy máu dạ dày và đường tiêu hoá). Viêm gan tối cấp là thể rất nguy hiểm, thường làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Ngay cả các nước tiên tiến, dù có đủ thuốc men và các phương tiện cấp cứu hiện đại, cũng chỉ cứu sống được 10% bệnh nhân viêm gan virus tối cấp tính.
Nếu bệnh nhân đã hết các triệu chứng viêm gan cấp tính, nhưng bệnh có thể sẽ chuyển sang thể viêm gan man tính, (khoảng 5 – 10% bệnh nhân viêm gan B sẽ diễn tiến hành thể mạn tính có HBsAg(+) lâu dài trong máu). Trong một số trường hợp, phản ứng của cơ thể không thích đáng, người bệnh mang virus viêm gan suốt đời (gọi là người lành mang trùng), đây là một nguồn lây rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Trên lâm sàng, người ta chia viêm gan mạn tính làm 2 loại:
Viêm gan thể tiềm ẩn:
Triệu chứng bệnh không rõ ràng, người bệnh chỉ thấy hơi mệt mỏi, kém ăn, chậm tiêu… nên ít để ý đến. Chỉ khi đi xét nghiệm bệnh khác mới biết mình bị HBsAg(+), HBeAg(+), AntiHBc(+), men gan SGOT, SGPT tăng nhẹ. Tuy nhiên, viêm gan mạn tính thể tiềm ẩn là một dạng bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nhẹ và qua khỏi bởi một chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
Viêm gan mạn thể hoạt động:
- Người bệnh thường rất mệt, nhiều khi không làm gì cũng mệt, chán ăn, thường xuyên bị đầy hơi, táo bón; thỉnh thoảng có đợt sốt nhưng không rõ nguyên nhân, kèm theo nước tiểu vàng; hay bị mẩn ngứa. Các triệu chứng trên thường kéo dài trên 6 tháng và dần dần nặng thêm, người bệnh ngày càng suy yếu. Đây là thể bệnh nguy hiểm, vì dễ dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Thế nhưng, với những người trong một quá trình dài, xét nghiệm chỉ có HBsAg(+), men gan SGOT, SGPT dưới 50UI và không có các triệu chứng khởi phát kể trên, chỉ là người lành mang bệnh. Trường hợp này phải tiêm vaccin phòng viêm gan B cho người thân sống chung trong gia đình nếu họ xét nghiệm HBsAg âm tính.
Khi nghi ngờ bị viêm gan B cần làm xét nghiệm gì?
Trước tiên cần phải đi thử máu. Qua các thông số của máu có thể biết được chính xác có mắc bệnh không, thể nào, tiến triển và tiên lượng của bệnh…
- HBsAg(+) chứng tỏ nhiễm virus B chứ chưa hẳn phát bệnh. Nồng độ HBsAg cao hay thấp không chứng tỏ bệnh nặng hay nhẹ, vì trường hợp viêm gan tối cấp, đa số người bệnh tử vong chỉ có nồng độ HBsAg(+) rất thấp.
- Bạn nên thử thêm HBeAg, nếu kết quả dương tính thì chứng tỏ bệnh lây lan và khả năng bị viêm gan mạn tính.
– Nếu xét nghiêm có AntiHBe(+) là tốt, vì cơ thể bạn có kháng thể loại virus này AntiHBe(+) là bệnh viêm gan có thể không lây lan.
- Các men gan như SGOT, SGPT nếu tăng gấp 2 đến 4 lần so với bình thường chứng tỏ bạn bị viêm gan cấp tính; nhưng nếu SGOT, SGPT bình thường hay chỉ tăng nhẹ, có kèm theo HBsAg(+), HBeAg(+), AntiHBe(+) có nghĩa là bạn bị viêm gan mạn tính.
Phòng và điều trị bệnh viêm gan B
Cũng như nhiều bệnh do virus khác, bệnh viêm gan virus nói chung và viêm gan B nói riêng hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, gần đây, một vài thuốc kháng virus đã được áp dụng cho điều trị viêm gan B và c, nhưng chưa phải là phổ biến và đang trong giai đoạn thăm dò, như thuốc chống virus Lamivudin, Ribavirin. Để tăng hiệu quả điều trị, các loại thuốc này thường được dùng kết hợp với Interferonãlpha. Vì thế, nguyên tắc điều trị bệnh viêm gan virus nói chung và viêm gan B nói riêng như sau:
- Người bệnh cần nghỉ ngơi và nằm tại giường trong thời kỳ bệnh khởi phát và toàn phát; sau đó hoạt động nhẹ nhàng và không được lao động nặng trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
- Cần có chế độ ăn đặc biệt: Giàu đạm, đường, vitamin, giảm mỡ động vật. Tăng cường ăn hoa quả tươi, sữa chua. Kiêng rượu bia, thuốc lá.