Các rối loạn tâm thần do rượu được chia làm 4 nhóm: say rượu, hội chứng cai, các bệnh não thực tổn do rượu và các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu. Ở đây chỉ trình bày say rượu và các rối loạn tâm thần có liên quan với nghiện rượu.
Say rượu
- Say rượu đơn thuần
Say rượu đơn thuần được chia thành 3 mức độ:
- Mức độ nhẹ: say rượu mức độ nhẹ thường biểu hiện bằng giảm ngưỡng cảm giác, rối loạn chú ý, phản ứng chậm, tư duy logic giảm sút, hiểu biết xung quanh rất khó khăn, khả năng phê phán giảm, khí sắc dao động và thường là tăng, hay nổi khùng, dễ bị kích thích, thậm chí rất hung bạo. Các triệu chứng trên thường phối hợp với rối loạn vận động và rối loạn ngôn ngữ.
- Mức độ trung bình: say rượu mức độ trung bình gây rối loạn chú ý nặng hơn; bệnh nhân hay đãng trí, tri giác thiếu chính xác và sai thực tại. Quá trình hoạt động trí tuệ diễn ra với nhịp độ chậm hơn trước, xuất hiện tư duy lai nhai; các ham thích cũ vượng lên, đặc biệt là hoạt động tình dục. Nổi bật trong giai đoạn này là hành vi hung bạo, tấn công và thường gây gổ, đánh nhau gây nhiều phiền phức cho xung quanh. Ngoài ra còn xuất hiện các rối loạn phối hợp vận động làm cho bệnh nhân đi lại loạng choạng và nói khó.
- Mức độ nặng: say rượu mức độ nặng được biểu hiện bằng trạng thái choáng váng ngày càng tăng, những giấc ngủ sâu kéo dài hơn. Trong nhiễm độc rượu nặng có thể gây ra trạng thái bán hôn mê, hoặc hôn mê kèm theo các rối loạn cơ thể nặng. Nhiều trường hợp cần phải rửa dạ dày, trợ tim mạch và hô hấp.
Lượng rượu trong máu những người nghiện rượu thấy khá cao (mức độ nhẹ: 2%; mức độ trung bình 2-5%; còn mức độ nặng thì nồng độ rượu trong máu lên đến 5%). Người ta có thể tính lượng rượu trong máu theo trọng lượng cơ thể để định mức độ (nhẹ: 1-1,5ml/kg; trung bình: 1,5-2,5ml/kg; nặng 2,5-3,5ml/kg), nhưng lâm sàng là tài liệu chủ yếu đánh giá nghiện rượu vì nó tổng hợp tất cả các phương pháp để đánh giá.
- Say rượu bệnh lý
Say rượu bệnh lý là các rối loạn tâm thần cấp tính xảy ra do uống rượu, trong một khoảng thời gian ngắn, triệu chứng khá đa dạng và phong phú. Trong say rượu bệnh lý chủ yếu gặp là trạng thái rối loạn ý thức, rối loạn ngôn ngữ. Trong say rượu đơn thuần chỉ rối loạn ngôn ngữ và trạng thái choáng váng.
Say rượu bệnh lý xảy ra ngay sau khi uống không chỉ với một lượng rượu lớn mà còn cả khi uống một lượng rượu nhỏ. Trong trạng thái say rượu bệnh lý, người bệnh có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Các hành vi này thực tế không phải là phản ứng mà là những hành vi xung động, hành vi kích động và ám ảnh bệnh lý kết hợp với các rối loạn vận động tự động và thăng bằng. Trạng thái nghiện rượu bệnh lý được kết thúc đột ngột cũng như là khi chúng bắt đầu, đôi khi được kết thúc bằng một giấc ngủ sâu. Tất cả các giai đoạn của say rượu bệnh lý người bệnh không nhớ được. Say rượu bệnh lý trong pháp y tâm thần được xem xét như là một trường hợp rối loạn tâm thần và người bệnh không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Thuật ngữ say rượu bệnh lý được áp dụng cho các thay đổi rõ ràng về hành vi (như kích động), xảy ra trong vài phút, khi bệnh nhân uống một lượng rượu nhỏ (không đủ gây ngộ độc rượu cho hầu hết mọi người). Đặc trưng của say rượu bệnh lý là các kích động có tính chất bùng nổ. vẫn còn nhiều tác giả nghi ngờ quan điểm một lượng rượu nhỏ có thể gây ra say rượu bệnh lý. Nhưng năm 1976, Maletzky đã nghiên cứu trên 23 người có tiền sử say rượu bệnh lý bằng cách pha cồn vào dịch truyền tĩnh mạch thì thấy 15 người trong số đó đã có các hành vi kích động bùng nổ. Tuy nhiên, các hành vi kích động này chỉ xuất hiện khi nồng độ cồn trong máu đạt đến một ngưỡng nhất định.
Mất nhớ ngắn là triệu chứng rất hay gặp trong uống rượu nhiều. Họ thường mất nhớ các sự kiện xảy ra vào buổi tối khi họ uống rượu nhiều mặc dù khi đó ý thức của họ vẫn tỉnh táo. Mất trí nhớ ngắn có thể xảy ra ngay lần uống rượu nhiều đầu tiên ở người không nghiện rượu. Nếu chúng hay xảy ra thì có nghĩa là người bệnh đã có thói quen uống rượu nhiều thường xuyên. Cùng với việc uống nhiều rượu, mất nhớ ngắn ảnh hưởng đến bệnh nhân trong một lúc, thậm chí cả ngày.
Tiêu chuẩn chẩn đoán say rượu bệnh lý theo DSM-IV
- Gần đây có sử dụng rượu.
- Những thay đổi tâm lý và hành vi như: hành vi tình dục không thích hợp, dễ thay đổi cảm xúc, giảm suy đoán, giảm chức năng xã hội và nghề nghiệp, diễn ra trong một thời gian ngắn sau khi sử dụng rượu.
- Một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây xảy ra trong khi sử dụng rượu:
Nói lè nhè
Mất phối hợp vận động
Dáng đi loạng choạng
Rung giật nhãn cầu
Giảm chú ý và trí nhớ
Bất tỉnh hoặc hôn mê
- Các triệu chứng này không do một bệnh thực tổn hoặc một rối loạn tâm thần nào khác gây ra.
Các rối loạn tâm thần khác phối hợp với nghiện rượu
- Rối loạn nhân cách
Bệnh nhân nghiện rượu chỉ quan tâm làm sao có rượu để uống mà không còn quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh. Họ từ chối các chuẩn mực của xã hội; dần dần họ bỏ việc, họ lừa dối người khác và có các hành vi bất lương.
- Rối loạn cảm xúc
Có mối liên quan chặt chẽ giữa uống rượu và rối loạn cảm xúc. Trầm cảm thì dẫn đến lạm dụng rượu; nhưng mặt khác, uống rượu nhiều lại gây ra trầm cảm và lo âu.
Các nghiên cứu ở người Việt Nam gần đây cho thấy có đến 85% số người nghiện rượu bị trầm cảm. Tỷ lệ rối loạn lo âu ở các bệnh nhân này là khoảng 75%.
Những bệnh nhân trầm cảm, lo âu… hay sử dụng rượu (và các thuốc bình thần) như là phương thuốc tự điều trị cho mình.
Khi uống rượu, họ cảm thấy tự tin hơn, ngủ được, giảm cảm giác lo lắng, vì vậy họ dễ trở thành người nghiện rượu.
Ngược lại, những bệnh nhân nghiện rượu thì bị trầm cảm, lo âu (trầm cảm, lo âu do rượu). Khi có hội chứng cai, các triệu chứng trầm cảm, lo âu sẽ tăng lên; vì thế họ uống rượu thường xuyên đề tránh hội chứng cai, do vậy tình trạng trầm cảm và lo âu của người nghiện rượu ngày càng trầm trọng.
- Ý định và hành vi tự sát
Ý định và hành vi tự sát là rất phổ biến trong nghiện rượu, khoảng 25% tổng số các trường hợp tự sát là do nghiện rượu. Người ta cho rằng từ 6 -20% số người nghiện rượu sẽ chết vì tự sát.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tự sát ở người nghiện rượu là tuổi trên 45, lượng rượu uống nhiều (trên 300ml rượu 40 độ cồn/ngày), thời gian uống kéo dài (trên 15 năm), có bệnh cơ thể phối hợp (cao huyết áp, đái đường, loét dạ dày – hành tá tràng) và có bệnh tâm thần phối hợp (trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách).
Người bệnh có thể tự sát lúc ý thức hoàn toàn tỉnh táo, cũng có thể tự sát lúc có hội chứng cai rượu hoặc trong trạng thái say rượu (khó phân biệt giữa tư sát hoặc tai nạn).
- Rối loạn chức năng tình dục
Khó cương dương vật và chậm xuất tinh là rất phổ biến ở người nghiện rượu. Các rối loạn này sẽ trầm trọng thêm nếu có mâu thuẫn trong gia đình (đây là mâu thuẫn rất phổ biến ở gia đình người nghiện rượu). Mặt khác, vợ bệnh nhân thường có cảm giác ghê tởm khi phải quan hệ tình dục với người chồng trong trạng thái say rượu và không vệ sinh cơ thể (hôi, bẩn).
- Ghen tuông bệnh lý
Có hai nguyên nhân dẫn đến ghen tuông bệnh lý của bệnh nhân: thứ nhất do bệnh nhân mất chức năng tình dục (như nói trên); thứ hai do bệnh nhân uống rượu quá nhiều gây ra các hoang tưởng, nghi ngờ bạn tình của mình không chung thuỷ. Thật ra hoang tưởng ghen tuông ở người nghiện rượu là ít gặp, nhưng thái độ nghi ngờ vợ mình không chung thuỷ thì có ở hầu hết các bệnh nhân.