Trang chủSức khỏe đời sốngBiểu hiện lâm sàng của nghiện rượu

Biểu hiện lâm sàng của nghiện rượu

GIAI ĐOẠN I (giai đoạn giống suy nhược thần kinh)

Đây là giai đoạn khởi đầu của nghiện rượu. Thật ra, lúc này bệnh nhân chưa trở thành người nghiện rượu vì khi bỏ rượu họ không có hội chứng cai rượu. Tuy nhiên, đây là bước đầu tiên quan trọng mà người nghiện rượu nào cũng phải trải qua.

Bệnh nhân thích uống rượu và lượng rượu uống cũng tăng dần. Nếu không uống rượu thì bệnh nhân cảm thấy thèm và nhớ rượu. Vì thế bệnh nhân tận dụng mọi cơ hội để uống rượu. Bệnh nhân uống rượu ở các bữa ăn (lý giải để ăn cơm cho ngon), uống lúc nghỉ giữa ca (để tăng thêm sức mạnh), không bỏ lỡ một bữa liên hoan nào. Những người xung quanh bệnh nhân đều nhận thấy tửu lượng của bệnh nhân tiến bộ rõ rệt. Khi đó khả năng dung nạp của bệnh nhân tăng lên nhanh chóng. Họ có thể uống được 500ml rượu 40 độ cồn mỗi ngày.

Khi say rượu, bệnh nhân mất dần phản xạ nôn. Phản xạ nôn trong trường hợp này đóng vai trò là phản xạ bảo vệ, giúp cơ thể không bị ngộ độc rượu quá nặng. Ở những bệnh nhân này, do lượng rượu không bị nôn ra ngoài khi uống quá nhiều nên tình trạng ngộ độc rượu của họ thường nặng và kéo dài.

Đôi khi, có thể ghi nhận được các cơn say rượu bệnh lý của bệnh nhân. Đó là tình trạng rối loạn ý thức trầm trọng, xuất hiện đột ngột sau khi uống một lượng rượu nhỏ. Trong cơn say rượu bệnh lý, bệnh nhân có thể có các rối loạn hành vi rất trầm trọng như đánh người, đập phá… Cơn say rượu bệnh lý thường kết thúc đột ngột bằng một giấc ngủ. Khi thức dậy, bệnh nhân không nhớ những gì đã xảy ra trong cơn (quên trong cơn). Cơn say rượu bệnh lý tuy hiếm nhưng rất đặc trưng cho giai đoạn I của nghiện rượu.

Cơn say rượu bệnh lý có thể tái phát ngày càng trầm trọng và mật độ cơn ngày càng nhiều nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục uống rượu.Rượu vang đỏ có lợi cho tim mạch

Các bệnh nhân này dần dần thay đổi tính tình. Họ dần trở nên độc ác, hay nổi cáu vô cớ, hay quấy nhiễu và đa nghi. Những nạn nhân của họ thường là vợ, con và các thành viên khác trong gia đình. Sau đó thì hàng xóm và đồng nghiệp trong cơ quan cũng trở thành nạn nhân của họ. Bệnh nhân hay quên, mất ngủ, trí nhớ và chú ý rất kém, hay mệt mỏi… khả năng lao động giảm sút nghiêm trọng (có hội chứng suy nhược thần kinh), vì vậy giai đoạn này còn gọi là giai đoạn giống suy nhược thần kinh.

Trong giai đoạn này, nếu bệnh nhân cai rượu thì các triệu chứng nêu trên dần biến mất, khả năng lao động của bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Giai đoạn này thường kéo dài 5-6 năm tùy thuộc vào lượng rượu uống hàng ngày. Bệnh nhân có thể có viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm gan do rượu, viêm tụy, cao huyết áp, rối loạn thần kinh thực vật…

Nếu tiếp tục uống rượu thì bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn II của nghiện rượu.

GIAI ĐOẠN II (giai đoạn có hội chứng cai)

Trong giai đoạn này, bệnh nhân đã thực sự trở thành nghiện rượu. Bệnh nhân luôn trong tình trạng thèm rượu bắt buộc, không thể kiềm chế. Vì vậy họ có thể uống rượu bất cứ lúc nào. Nếu bị cấm uống rượu (như đang ở công sở), họ sẽ tìm cách trộn vào nhà vệ sinh, xin đi ra ngoài… để uống rượu. Nhiều người lái xe sẽ bất chấp các quy định của pháp luật để uống rượu. Vì lái xe trong tình trạng uống rượu, họ chính là nguyên nhân gây ra các tai nạn giao thông trên đường.

Bình thường, cứ sau một quãng thời gian nhất định, họ lại phải uống rượu để giảm cơn thèm rượu. Quãng thời gian này càng ngày càng ngắn lại, vì thế không có gì phải ngạc nhiên nếu bệnh nhân luôn triền miên trong trạng thái say rượu.

Nếu không được uống rượu, bệnh nhân sẽ có hội chứng cai rượu. Hội chứng cai rượu xuất hiện khi nồng độ cồn trong máu bệnh nhân giảm xuống. Vì thế hội chứng cai hay xuất hiện vào buổi sáng, sau một đêm không được uống rượu. Để ngăn chặn hội chứng cai rượu, bệnh nhân phải uống rượu ngay sau khi ngủ dậy. Do vậy, hành vi uống rượu vào buổi sáng bị coi là nghiện rượu ở hầu hết các nền văn hóa trên thế giới.

Nhìn chung, hội chứng cai rượu hay gặp ở đàn ông độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, hội chứng cai rượu cũng có thể gặp ở phụ nữ. Gần đây, hội chứng cai rượu xuất hiện ở thanh niên không phải là hiếm. Có một số ít trường hợp hội chứng cai rượu xuất hiện lần đầu ở người già đã về hưu. Một điều dễ nhận thấy là hội chứng cai rượu tiến triển bền vững và ngày càng nặng thêm. Chỉ khi bệnh nhân bỏ được rượu thì mới hết hội chứng cai rượu.

Trong giai đoạn này biểu hiện của trạng thái phụ thuộc thực thể chiếm ưu thế. Tình trạng say rượu bệnh lý ngày càng gia tăng, không tự kiềm chế được và có tính chất cưỡng bức (thèm bắt buộc). Bệnh nhân không đủ nghị lực để đấu tranh chống lại cơn thèm rượu. Các triệu chứng ở giai đoạn I không những không biến mất mà còn phát triển tăng lên. Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này là hội chứng cai xảy ra khi bệnh nhân không uống rượu vài giờ hoặc một ngày. Hội chứng cai được biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn tâm thần cũng như các triệu chứng rối loạn thần kinh và các rối loạn cơ thể. Các triệu chứng này chỉ giảm hoặc mất đi khi bệnh nhân uống rượu trở lại. Các triệu chứng rối loạn tâm thần ở đây rất rõ ràng. Trên nền khí sắc giảm xuất hiện trạng thái buồn rầu, dễ bực tức, giận dữ, độc ác, đa nghi. Bệnh nhân cảm thấy sợ hãi vô duyên cớ và có các ý tưởng buộc tội mình, có thể có ảo thị giác và ảo thính giác thật; giấc ngủ không sâu, nhiều ác mộng, đôi khi mất cảm giác giấc ngủ làm cho người bệnh không cảm thấy thoải mái sau khi ngủ dậy.

Hội chứng cai còn biểu hiện ở rối loạn thần kinh và thần kinh thực vật: nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, run đầu chi, khô miệng, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, tăng tiết mồ hôi, có thể run nhẹ các cơ mặt.Rượu vang như là một thứ thuốc trường thọ

Khả năng dung nạp rượu trong giai đoạn này tăng cao đến cực điểm và có thể duy trì hàng năm. Lượng rượu người bệnh có thể uống đạt đến 1500-2000ml rượu mạnh trong một ngày và triền miên trong trạng thái say rượu. Trong giai đoạn này khí sắc rất căng thẳng, hành vi hung bạo và độc ác, nhân cách biến đổi trầm trọng mang tính chất bê tha.

Biểu hiện rối loạn tâm thần do rượu trong giai đoạn này thường là tiến triển cấp tính và kéo dài, triệu chứng đa dạng và ngày càng đậm nét hơn. Giai đoạn phụ thuộc thực thể này có kéo dài 3-5 năm.

Hội chứng cai rất hay gặp ở người nghiện rượu, nặng nề nhất là sảng rượu.

Sảng rượu (còn gọi là sảng run) xảy ra ở người có tiền sử uống rượu quá nhiều trong nhiều năm. Bệnh cảnh lâm sàng thay đổi rất nhanh chóng, rối loạn tâm thần mạnh mẽ, ý thức u ám rối loạn định hướng không gian và thời gian, rối loạn trí nhớ gần là các triệu chứng hay gặp nhất. Bệnh nhân có các ảo giác thật, đặc trưng nhất là ảo thị, nhưng cũng hay gặp ảo thanh và ảo xúc giác. Bệnh nhân kích động mạnh mẽ, mất thư giãn, sợ hãi rất rõ ràng. Bệnh nhân mất ngủ hoàn toàn trong vài ngày, run tay biên độ lớn, thất điều. Các rối loạn thần kinh thực vật như ra mồ hôi như tắm, sốt, đánh trống ngực, huyết áp cao giao động, giãn đồng tử hai bên. Xét nghiệm máu cho thấy tăng bạch cầu (đặc biệt bạch cầu hạt), rối loạn chức năng gan, mất nước, rối loạn điện giải.

Sảng rượu kéo dài vài ngày, các triệu chứng xấu đi vào ban đêm. Kết thúc sảng rượu, các triệu chứng trên giảm dần, bệnh nhân ngủ được, quên những gì đã xảy ra trong giai đoạn sảng.

GIAI ĐOẠN III (giai đoạn bệnh não thực tổn do rượu)

  • Giai đoạn này có đặc điểm là biến đổi từ từ làm cho các triệu chứng ở giai đoạn II nặng lên và xuất hiện thêm các triệu chứng mới. Thèm rượu có khuynh huống giảm đi, bớt lè nhè và bớt quấy rầy hơn trước, thèm bắt buộc đối với rượu xảy ra do các yếu tố loạn tâm thần nội sinh. Khả năng dung nạp rượu kém, trạng thái say xảy ra với liều lượng nhỏ hơn giai đoạn I và II. Trong giai đoạn này bệnh nhân chỉ uống được 150-200ml rượu mạnh mỗi lần là đã say và thời gian say cũng kéo dài hơn trước. Khi uống liều rượu lớn nhận thấy có trạng thái choáng váng, nói nhiều và hay gây sự cãi nhau.
  • Hội chứng cai ở giai đoạn này diễn ra dài hơn, biểu hiện rối loạn thần kinh vận mạch, rối loạn cơ thể và rối loạn thần kinh cũng nặng nề hơn giai đoạn I và II. Biểu hiện trạng thái nghiện ở bệnh nhân với mạch chậm và xẹp mạch.
  • Giai đoạn bệnh não thực tổn do rượu có đặc điểm là lạm dụng rượu ở đây tuy liều nhỏ nhưng thường xuyên hàng ngày hay gọi là nghiện rượu thực sự. Khi bệnh nhân tiếp tục uống thì khả năng dung nạp rượu càng giảm do những biến đổi thực tổn ngày càng nặng nề. Nổi bật ở giai đoạn này là nhân cách của người bệnh suy đồi, bất chấp sự lên án của gia đình và xã hội, mọi suy nghĩ chỉ tập trung vào “rượu”. Bệnh nhân xuất hiện các hoang tưởng ghen tuông, chống đối xã hội, hành vi thô bạo, cảm xúc căng thẳng, hay nổi khùng; đôi khi gặp các bệnh nhân trầm cảm, dễ xúc động, trí nhớ giảm sút, chú ý giảm, gần như mất khả năng học tập và công tác vốn có. Bệnh nhân có khuynh hướng chuyển sang rối loạn tâm thần do nghiện rượu mạn tính.
  • Các bệnh não thực tổn do rượu bao gồm: bệnh Korsakov, bệnh viêm não Wernicke và mất trí do rượu.

Trước đây, người ta còn nghi ngờ rằng rượu có thể gây mất trí, họ cũng nghi ngờ rằng nghiện rượu có thể gây ra hội chứng Korsakov. Nhưng những bằng chứng gần đây đã chứng minh rằng nghiện rượu mạn tính chính là nguyên nhân gây ra mất trí.

Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, bằng phương pháp chụp X quang bơm hơi não thất, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy có sự teo não ở các bệnh nhân nghiện rượu. Ngày nay, bằng kỹ thuật chụp cắt lớp trên máy vi tính (chụp X quang cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ), người ta thấy hình ảnh giãn rộng các não thất ở 2/3 số bệnh nhân nghiện rượu. Hình ảnh này cũng được thấy trên các bệnh nhân cai rượu được hơn nửa năm. Nhưng nếu bệnh nhân cai rượu đã được lâu hơn thì hình ảnh teo não có giảm đi dần. Trên hình ảnh chụp X quang cắt lớp vi tính (CT.Scan) hoặc hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) còn thấy khoảng cách từ xương sọ đến não của bệnh nhân nghiện rượu cũng lớn hơn đáng kể so với người bình thường.

Hình ảnh teo não của người nghiện rượu không chỉ là hậu quả tác động trực tiếp của rượu trên não mà còn là hậu quả của các tổn thương gan gây ra. Trước đây người ta đã nhận thấy rằng các bệnh lý về gan cũng gây ra teo não. Có thể bệnh lý về gan gây cản trở việc nuôi dưỡng não, từ đó dẫn đến teo não. Như vậy, teo não vừa là hậu quả trực tiếp của rượu trên não, vừa là hậu quả gián tiếp của rượu trên gan. Teo tiểu não gặp ở 1/3 số trường hợp nghiện rượu qua giải phẫu thi thể.

Như vậy, mất trí do rượu rất phổ biến ở những người nghiện rượu. Tuy nhiên, nếu uống cùng một lượng rượu thì người già dễ bị mất trí hơn người trẻ; người uống rượu nặng liên tục cũng dễ bị mất trí hơn người uống rượu không liên tục (có thời gian giảm lượng rượu uống).

TIÊU CHUẨN ĐỂ CHAN ĐOÁN NGHIỆN RƯỢU

Theo ICD-10 năm 1992, mục F10.2

  • Thèm muốn mãnh liệt hoặc cảm thấy bắt buộc phải sử dụng rượu.
  • Khó khăn trong việc kiểm tra tập tính sử dụng về thời gian bắt đầu, kết thúc hoặc mức sử dụng rượu bị ngừng lại hoặc giảm bớt.
  • Có những bằng chứng về sự dung nạp như tăng liều.
  • Dần dần sao nhãng những thú vui hoặc những thích thú trước đây.
  • Tiếp tục uống rượu, mặc dù biết hoặc đã có những hậu quả tai hại của nó.

Chỉ được chẩn đoán nghiện rượu khi có từ 3 triệu chứng trở lên và biểu hiện trong vòng 1 năm trở lại đây.

Theo Hardy p. (năm 1995)

  • Có những bằng chứng hiển nhiên của sự ngấm rượu: vẻ mặt đỏ, hơi thở đặc biệt, ra nhiều mồ hôi, rớt rãi vào buổi sáng, bệnh nhân có chứng co cơ, mất ngủ và ác mộng.
  • Tồn tại những phức hợp của bệnh cơ thể như gan, tiêu hoá, thần kinh, tim mạch.
  • Có bằng chứng hiển nhiên của sự phụ thuộc rượu:

+ Phụ thuộc về sinh lý: hội chứng tăng cảm xúc về buổi sáng, cơn co giật kiểu động kinh, cơn sảng rượu hoặc các dấu hiệu tiền sảng, trạng thái ảo giác-hoang tưởng hoặc ảo giác đơn thuần.

+ Những dấu hiệu tăng cảm giác, tăng cảm xúc xuất hiện vào buổi sáng và mất đi vào buổi tôi; run rẩy tay chân, lời nói, mí mắt; khô miệng, buồn nôn, thiếu nghị lực, rối loạn thần kinh thực vật, lo âu, khí sắc trầm hoặc kích thích.

+ Đặc trưng chính của các dấu hiệu này là chúng được dịu đi hoặc mất khi được uống rượu.

Tiêu chuẩn của Hardy p. là sự kết hợp giữa nghiện rượu, hội chứng cai rượu và loạn thần do rượu, vì vậy chúng quá phức tạp nên ít được áp dụng trong thực tế lâm sàng.

MỘT SỐ YẾU TỐ THUẬN LỢl CHO NGHIỆN RƯỢU

  • Yếu tố về tuổi

Yếu tố tuổi tác có ý nghĩa quan trọng trong việc phát sinh và phát triển nghiện rượu. Bệnh nhân thường bắt đầu uống rượu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và rất nhanh chóng chuyển sang giai đoạn nặng với những biểu hiện lâm sàng nghiện rượu ngày càng rõ nét hơn. Nghiện rượu ở lứa tuổi trẻ thì rối loạn nhân cách trầm trọng hơn, biểu hiện bệnh não thực tổn do rượu nặng nề hơn, bệnh nhân dễ chuyển sang rối loạn tâm thần do nghiện rượu và thường gặp là các trạng thái cấp tính.

Nghiện rượu khi xảy ra ở thời kỳ trước tuổi già diễn biến cũng rất nhanh chóng và dẫn đến bệnh não thực tổn do nhiễm độc, làm cho các giai đoạn của bệnh chuyển qua rất nhanh. Trong các trường hợp này ít gặp rối loạn tâm thần cấp tính mà chủ yếu là các triệu chứng rối loạn tâm thần do nghiện rượu mạn tính, các rối loạn về cơ thể cũng xảy ra rất sớm.

Hiện nay, nghiện rượu ở phụ nữ cũng khá phổ biến, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển. Nghiện rượu ở phụ nữ về lâm sàng có nhiều nét riêng biệt, nhịp độ uống rượu tăng nhanh và diễn biến nặng hơn ở nam giới. Một số tài liệu khác thì ngược lại, đưa ra những chứng cứ đánh giá nghiện rượu ở phụ nữ là nhẹ hơn ở nam giới (thiếu các yếu tố làm nặng nề thêm). Khác với thèm rượu bệnh lý ở nam giới, phụ thuộc rượu ở nữ giới trong 1-2 năm đầu đã có triệu chứng phụ thuộc thực tổn và hội chứng cai. Biến đổi nhân cách do rượu ở phụ nữ diễn ra nhanh hơn, kèm theo giải toả hoạt động giới tính, suy đồi về mặt xã hội.

  • Yếu tố di truyền

Nghiên cứu trên những cặp vợ chồng nghiện rượu người ta nhận thấy con của họ có nguy cơ nghiện rượu gấp 2 lần so với con của những cặp vợ chồng có sử dụng rượu nhưng không nghiện. Khi so sánh với người bình thường thì tỷ lệ này có tăng cao hơn nữa.

  • Yếu tố văn hoá

Tuỳ thuộc vào lối sống, phong tục, tập quán của từng dân tộc mà tỷ lệ người nghiện rượu có khác nhau. Tại một số địa phương và một số dân tộc có tập quán uống rượu nhiều hơn mức trung bình của cả nước.

  • Yếu tố tâm lý-xã hội

Những người nhân cách bệnh, nhân cách không bền vững, dễ bị lệ thuộc không chỉ là rượu mà còn lệ thuộc các chất gây nghiện khác nữa như cà phê, thuốc lá, thuốc phiện, …

Những yếu tố xã hội như hệ thống luật pháp, kinh tế, thái độ xã hội đều có liên quan đến mức độ phổ biến nghiện rượu trong nhân dân. Khi mà pháp luật cấm đoán uống rượu và phạt nặng các trường hợp vi phạm thì tỷ lệ người nghiện rượu giảm xuống rõ rệt. Tại những nơi mà việc uống rượu không bị pháp luật cản trở thì tỷ lệ nghiện rượu tăng cao. Bên cạnh đó trình độ văn hoá cũng có liên quan đến nghiện rượu: nghiện rượu gặp ở mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng những người có trình độ văn hoá ở 2 cực (cao và thấp) có tỷ lệ nghiện rượu cao hơn hẳn.

  • Yếu tố nghề nghiệp

Nghiện rượu có thể gặp ở mọi nhóm nghề nghiệp từ lao động giản đơn đến lao động trí óc. Tuy nhiên, nghiện rượu hay gặp hơn ở một số nhóm nghề nghiệp như: người lao động giản đơn, công nhân nhà máy rượu – bia hoặc những người bán hàng giải khát có bia – rượu, thuỷ thủ, nhà báo, những người thất nghiệp, bác sĩ, luật sư… đều là nhóm nguy cơ nghiện rượu cao.

  • Hôn nhân

Người nghiện rượu có nhiều vấn đề với hôn nhân, mâu thuẫn gia đình là khó tránh khỏi, tỷ lệ ly hôn ở những người nghiện rượu cao do có hành vi bạo lực trong gia đình.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây