Đau dạ dày (bao tử) là căn bệnh phổ biến, có nhiều thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng số người khỏi bệnh không cao. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên ? Theo các chuyên gia, ngoài những lý do chủ quan của người bệnh (bỏ thuốc giữa chừng, ăn uống không kiêng khem…) thì việc dẫn tới tình trạng bệnh nhân đau dạ dày ít khỏi hoàn toàn là do chưa điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh. Theo các nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày, đó là:
Loét dạ dày và tá tràng
Khi bị loét tá tràng, bệnh nhân sẽ bị đau khi đói và đau nhất là khoảng 23 giờ đến 2 giờ – thời điểm dạ dày tiết ra nhiều acid nhất. Bị loét tá tràng, nếu ăn một chút thức ăn có tinh bột như bánh mỳ, bánh quy… cơn đau sẽ giảm ngay. Ngược lại, khi bị loét dạ dày, bệnh nhân thấy đau tăng lên sau khi ăn.
Trào ngược acid từ dạ dày lên phần trên của đường tiêu hoá
Ngoài các triệu chứng chung của đau dạ dày là cảm giác nóng ở phần ngực và ợ chua.
Đau do các bệnh đường mật
Cơn đau chỉ xảy ra tối đa là 1 giờ đồng hồ, thường ở vùng bụng trên hoặc phía trên bên phải bụng, có thể lan ra sau lưng hay về phía xương bả vai, đi kém với ói mửa, toát mồ hôi.
Đau kinh niên của thành bụng
Cảm giác đau sẽ hết sau khi dùng các thuốc giảm đau thông thường.
Ung thư dạ dày hay thực quản
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ thấy khó ở, đến khi nặng hơn, ngoài việc sút cân bất thường, bệnh nhân còn bị ói mửa kéo dài, khó nuốt kéo dài, rồi dần dần nôn ra máu, sờ thấy khối u ở bụng.
Ngoài ra, rối loạn giảm co thắt của dạ dày, viêm tuy tạng, rối loạn hấp thu chất carbohydrat, u bướu của gan, thiếu máu đến ruột, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, ung thư trong ổ bụng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, tuyến cận giáp… cũng gây ra các triệu chứng đau giống như đau dạ dày. Trong các trường hợp nói trên, nếu điều trị bằng thuốc đau dạ dày thì bệnh không bao giờ khỏi. Do đó, nếu các triệu chứng đau dạ dày làm bạn mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt, kèm theo là ói mửa, sụt cân, chán ăn, khó thở, hụt hơi, toát mồ hôi, hoặc đau lan lên hàm, cổ, hoặc ra cánh tay… kéo dài hơn 2 tuần hoặc đã dùng các thuốc không toa hơn 2 lần một tuần mà vẫn không bớt, hãy ngay lập tức đi khám để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp.
Trong trường hợp đau dạ dày do nguyên nhân dạ dày, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể cho từng nguyên nhân. Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân thường gặp nhất của viêm dạ dày ở người Việt Nam là do vi trùng. Nếu bị đau dạ dày do vi trùng, người bệnh nên uống đủ thuốc, đủ liều và thời gian.
Nếu không, vi trùng sẽ rất dễ kháng thuốc, gây ra khó khăn trong việc điều trị và bệnh cũng sẽ kéo dài, dễ có các biến chứng. Ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định, bệnh nhân còn phải lưu ý những điều sau: Ngừng tuyệt đối việc uống rượu bia trong lúc đang uống thuốc chữa bệnh; bình thường không rượu, hút thuốc lá, không dùng các thức ăn làm cho triệu chứng nặng hơn, đặc biệt là các chất béo, cay và chua. Khi dùng thuốc chữa bệnh khác, bệnh nhân nhớ thông báo với bác sĩ về tình trạng đau dạ dày của mình để thầy thuốc không kê các thuốc có hại cho dạ dày.