Trang chủSức khỏe gia đìnhTrẻ bị quai bị nên làm thế nào

Trẻ bị quai bị nên làm thế nào

Quai bị là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây trực tiếp qua đường hô hấp, qua tiếp xúc giữa người bệnh với người lành. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường thành dịch vào mùa đông – xuân; thường gặp ở thanh thiếu niên chưa từng mắc bệnh quai bị.

Triệu chứng

Khoảng vài tuần sau khi nhiễm virus, bệnh sẽ khởi phát với biểu hiện ở một số cơ quan, thường gặp nhất tuyến nước bọt mang tai (chiếm tới 70%). Bệnh diễn ra đột ngột với triệu chứng sốt 38 – 39°c, đau đầu, mệt mỏi toàn thân, sau vài ngày thấy xuất hiện viêm tuyến mang tai. Có thể sưng đều hai bên, cũng có thể sưng một bên, làm biến dạng mặt (giống như người ta đeo một cái bị) kèm theo đó là các triệu chứng: Nước bọt ít và bị quánh, tuyến mang tai bị sưng, căng bóng nhưng không đỏ. Các triệu chứng khác như đau hàm khi há miệng, khi nhai, khi nuốt, họng có thể bị viêm đỏ, kèm theo có thể viêm tuyến dưới lưỡi, dưới hàm. Bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt và đau đầu trong khoảng 3 đến 4 ngày sau đó. Bệnh sẽ tự lui trong 8-10 ngày, nhưng nếu gặp các trường hợp viêm tinh hoàn thì bệnh kéo dài hơn. Thông thường, viêm tinh hoàn có thể xảy ra trước, sau, hoặc đồng thời với viêm tuyến mang tai. Tuy nhiên, việc có teo tinh hoàn hay không thì chưa thể phát hiện trong giai đoạn này mà phải chờ vài tháng sau đó.

Quai bị
Quai bị

Thực tế cho thấy, nếu teo một tinh hoàn thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản sau này của trẻ, nếu teo cả hai tinh hoàn thì khả năng vô sinh là có, tuy nhiên tỉ lệ này thấp. Đối với trẻ gái cũng có thể xuất hiện viêm buồng trứng, nhưng rất hiếm gặp và cũng rất hiếm khi để lại di chứng.

Ngoài những biểu hiện nêu trên, quai bị có thể gây viêm khu trú ở hệ thần kinh, như viêm màng não, viêm não, viêm tuỷ sống, viêm đa rễ hệ thần kinh, viêm tuy v.v…

Nói chung, bệnh quai bị là lành tính, tuy nhiên cũng có một tỷ lệ rất nhỏ tử vong do viêm não, viêm tuy v.v…

Điều trị

Đây là bệnh do virus gây nên, không có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cho trẻ nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại, cách ly điều trị tối thiểu trong 10 ngày. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau và thuốc an thần; nên ăn lỏng và vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn như nước muối sinh lý, các nước súc miệng sát khuẩn khác. Cho trẻ mặc xilíp bằng vải cotton để đỡ tinh hoàn. Nếu có các biểu hiện về thần kinh, hoặc viêm tuy… phải chuyển ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Phòng bệnh

Cần cách ly tuyệt đối với người bệnh trong vòng 2 tuần. Nên đeo khẩu trang khi chăm sóc bệnh nhân. Bệnh có miễn dịch bền vững, những người đã mắc bệnh quai bị thường không mắc bệnh nữa. Do đó, những người đã từng mắc bệnh có thể an tâm chăm sóc bệnh nhân mà không sợ bị lây nhiễm.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây