Trang chủChăm sóc bệnh nhânCHĂM SÓC BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC THỨC ĂN

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC THỨC ĂN

Một bệnh nhân ngộ độc thức ăn được đánh giá chăm sóc tốt khi: Tình trạng bệnh thuyên giảm rõ rệt, các triệu chứng giảm hoặc mất: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.  Thể trạng bệnh nhân tốt. Bệnh nhân không có biến chứng.

dị ứng thức ăn
ngộ độc thức ăn

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC THỨC ĂN

1. BỆNH HỌC 

1.1. Đại cương 

Ngộ độc thức ăn là một danh từ chung chỉ các trường hợp nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn do thức ăn gây ra. Thức ăn có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, pha chế hoặc bản thân thức ăn chứa độc chất như một số thịt, cá, cóc, dứa, sắn…

1.2. Nguyên nhân 

Có 3 loại nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn:
− Ngộ độc histamin: gây ra do thức ăn có chứa độc chất: cá ngừ, cá thu, cá nóc, cóc hoặc do thức ăn gây dị ứng như dứa.
− Nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn: do thức ăn nhiễm các loại vi khuẩn như clotridium botilium, samonella, shigella, tụ cầu, tả.
− Ngộ độc nấm.

1.3. Triệu chứng lâm sàng 

Tuỳ theo nguyên nhân gây ngộ độc mà có các triệu chứng khác nhau. Thông thường hay gặp các triệu chứng là:
− Buồn nôn và nôn mửa
− ỉa chảy, ỉa nhiều lần và phân lỏng
− Mẩn ngứa, mề đay khắp người
− Nếu nặng có thể truỵ tim mạch. Đôi khi khó thở dạng hen phế quản.

1.4. Cận lâm sàng 

1.4.1. Quan sát trực tiếp một mẫu chất nôn, phân tươi 
Có thể cho phép định hướng chẩn đoán trong một số trường hợp.
1.4.2. Soi phân, chất nôn 
Tìm bạch cầu hoặc vi khuẩn.
1.4.3. Cấy phân 
Để xác định tác nhân gây bệnh chính cần sử dụng nhiều loại môi trường hiếu khí, kỵ khí, môi trường đặc biệt, tùy theo yêu cầu chẩn đoán, tuy nhiên rất khó, vì khi cấy phân (+)lại có thể do tác nhân gây bệnh khác.
1.4.4. Các xét nghiệm khác 
Nhằm hướng dẫn trị liệu trong các trường hợp nặng như: Hct, ure máu, điện giải đồ, dự trữ kiềm.

1.5. Xử trí ngộ độc thức ăn 

1.5.1. Mục đích 
− Loại bỏ nhanh các thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài cơ thể.
− Tránh cho người bệnh những ảnh hưởng của chất độc gây ra.
− Bù dịch, nước điện giải cho bệnh nhân.
1.5.2. Điều trị 
1.5.2.1. Điều trị triệu chứng 
− Kích thích gây nôn cho bệnh nhân, nếu không thành công thì tiến hành rửa dạ dày cho bệnh nhân (phần kỹ thuật xem bài rửa dạ dày).
− Chống đau bụng, giảm bớt nhu động ruột bằng atropin, trừ trường hợp ngộ độc amanita phathera.
− Hồi phục nước và điện giải bằng truyền các dung dịch đẳng trương NaCl 0,9%, glucose 5%, natri bicarbonat 1,4%. Nếu nhẹ, dùng đường uống (Oresol).
1.5.2.2. Điều trị nguyên nhân 
Chống vi khuẩn, tuỳ theo nguyên nhân. Bắt đầu bằng:
Trimethoprim sulfamethazol 0,48 g (Bactrim-Biseptol) ngày 2 viên chia
2 lần
Trường hợp nhiễm khuẩn nặng:
Quinolon: Ciprrofloxacin, cefloxacin ngày 2 viên (0,2 gam/viên).
1.5.2.3. Điều trị hỗ trợ 
Truyền dịch, hồi phục thể tích tuần hoàn càng nhanh càng tốt.

2. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC THỨC ĂN 

2.1. Nhận định 

Đứng trước một bệnh nhân ngộ độc thức ăn, người điều dưỡng cần loại bỏ nhanh các thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài cơ thể, nhận định nguyên nhân, mức độ mất nước và rối loạn điện giải để có kế hoạch chăm sóc thích hợp.
2.1.1. Nhận định qua hỏi bệnh nhân 
− Bệnh nhân trước đó ăn thức ăn gì?
− Thời gian từ khi ăn đến khi có triệu chứng là bao lâu?
− Bệnh nhân có nôn mửa, đau bụng, mót rặn không?
− Tính chất của phân: phân lỏng, có máu, thối?
− Có kèm theo sốt không?
− Bệnh nhân có cảm giác khát nước?
− Trước đây đã bị như vậy lần nào chưa?
− Các thuốc đã sử dụng như thế nào?
2.1.2. Quan sát 
− Tình trạng tinh thần bệnh nhân
− Tính chất và số lần nôn, tính chất phân và số lượng phân.
− Tư thế bệnh nhân chống đau bụng
− Bụng có chướng không?
− Tình trạng da: dấu hiệu mất nước, nổi mẩn ngứa?
− Bệnh nhân có khó thở không?
2.1.3. Thăm khám bệnh nhân 
− Phát hiện các triệu chứng của ngộ độc thức ăn: nôn mửa, ỉa chảy, mẩn ngứa, mề đay, nếu nặng có thể truỵ tim mạch.
− Đo đấu hiệu sống: mạch, nhiệt và huyết áp
− Khám tình trạng bụng bệnh nhân: chướng, đau…
− Khám phổi đôi khi khó thở dạng hen phế quản.
2.1.4. Thu thập thông tin 
Thu thập qua bệnh nhân và qua gia đình bệnh nhân, cũng như qua hồ sơ và bệnh án trước đó. Người điều dưỡng cần tập hợp một cách có hệ thống các thông tin cần thiết để chẩn đoán và thiết lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân.

2.2. Chẩn đoán điều dưỡng 

Một số chẩn đoán điều dưỡng có thể gặp ở bệnh nhận bị ngộ độc thức ăn:
− Đau bụng do viêm dạ dày ruột.
− Nôn và buồn nôn do kích thích dạ dày ruột.
− Da nhăn do mất nước.
− Tiểu ít do giảm thể tích tuần hoàn hiệu dụng.
− Nguy cơ truỵ tim mạch do không bồi phụ kịp tình trạng mất nước.

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc 

2.3.1. Lập kế hoạch chăm sóc cơ bản 
− Bệnh nhân phải được nghỉ ngơi thích hợp.
− Trấn an cho bệnh nhân
− Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ theo yêu cầu điều trị trong và sau khi hết ỉa chảy.
− Vệ sinh thân thể sạch sẽ và chăm sóc tinh thần.
2.3.2. Lập kế hoạch thực hiện các y lệnh 
− Kích thích nôn, rửa dạ dày nếu có chỉ định của bác sĩ.
− Cho bệnh nhân uống thuốc, tiêm thuốc và truyền dịch theo chỉ định.
− Làm các xét nghiệm cỏ bản.
2.3.3. Lập kế hoạch theo dõi 
− Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn,
− Theo dõi các triệu chứng lâm sàng nếu có gì bất thường phải báo cáo bác sĩ ngay.
− Theo dõi các xét nghiệm để phát hiện rối loạn điện giải kiềm toan.
2.3.4. Lập kế hoạch giáo dục sức khoẻ 
Bệnh nhân và gia đình phải biết cách phòng bệnh và biết điều trị chống mất nước, rối loạn điện giải.

2.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc 

2.4.1. Thực hiện chăm sóc cơ bản
− Bệnh nhân phải được nghĩ ngơi yên tĩnh.
− Động viên, kích lệ bệnh nhân an tâm điều trị.
− Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ theo yêu cầu điều trị trong và sau khi hết ỉa chảy.
− Vệ sinh sạch sẽ: nhắc nhở bệnh nhân giữ gìn vệ sinh răng miệng, thân thể, quần áo, tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân khác. Nếu bệnh nhân không thể tự làm được người điều dưỡng phải chăm sóc về vệ sinh thân thể cho bệnh nhân. Các chất thải như chất nôn và phân của bệnh nhân phải được xử lý tốt.
− Tránh cho người bệnh những ảnh hưởng của chất độc gây ra.
2.4.2. Thực hiện các y lệnh 
Các y lệnh phải được thực hiện khẩn trương, đúng qui trình kỹ thuật, chính xác và kịp thời.
− Rửa dạ dày nếu có chỉ định của bác sĩ.
− Thuốc: thuốc uống, tiêm, truyền dịch.
− Thực hiện các xét nghiệm: lấy mẫu bệnh phẩm tìm chất độc, vi trùng (soi phân, cấy phân), Hct, ure máu, điện giải đồ, dự trữ kiềm.
2.4.3. Theo dõi 
− Theo dõi: mạch, nhiệt, huyết áp, dấu mất nước, tình trạng nôn mửa, ỉa chảy (số lượng, tính chất), số lượng nước tiểu mỗi giờ 1 lần.
− Nếu phát hiện bệnh nhân có mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp hạ hoặc có bất kỳ dấu chứng gì bất thường đều phải báo cáo cho bác sĩ ngay.
− Theo dõi tình trạng mất nước và rối loạn điện giải, kiềm toan: chú ý các dấu hiệu khát nước, da khô, mắt trũng
− Theo dõi tình trạng nôn mửa: tính chất và số lần nôn.
− Theo dõi tính chất, số lượng phân và số lần đi cầu.
− Theo dõi tình trạng hạ đường huyết: chóng mặt, vã mồ hôi, đói bụng, hồi hộp, nhịp tim nhanh
− Theo dõi kết quả xét nghiệm.
− Theo dõi tác dụng phụ của thuốc và diễn biến điều trị, chăm sóc.
2.4.4. Giáo dục sức khoẻ 
− Giáo dục về vệ sinh ăn uống và vệ sinh thực phẩm:
+ Không ăn các thức ăn sống trừ những rau quả tươi có thể bóc vỏ và ăn ngay sau khi bóc vỏ.
+ Đun nấu thức ăn cho đến khi chín.
+ Ăn thức ăn khi còn nóng hoặc đun lại hoàn toàn trước khi ăn.
+ Giữ thức ăn đã nấu chín và những bát đĩa sạch cách riêng với những thực phẩm và những bát đĩa có thể bị ô nhiễm.
+ Rửa tay bằng xà phòng trước khi nấu ăn, trước khi ăn uống, sau khi đại tiểu tiện. Biện pháp này dễ thực hiện, hiệu quả và thích hợp ở mọi nơi.
+ Không để ruồi bâu vào thức ăn bằng cách đậy lồng bàn.
− Phát hiện và điều trị người mang mầm bệnh.
− Nước uống:
+ Nguồn cung cấp nước phải bảo đảm sạch, không bị ô nhiễm bởi các nguồn nước bẩn ngấm vào, phải xa các hố xí.
+ Bảo quản các nguồn nước, ngăn không cho súc vật lại gần.
+ Chứa nước trong các thùng sạch, đậy nắp kín, dùng gáo có cán dài để múc nước.
+ Nước uống phải được đun sôi để nguội.
− Thức ăn nơi công cộng phải hợp vệ sinh.
− Giáo dục bệnh nhân và gia đình bệnh nhân hiểu các biện pháp phòng bệnh và tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

2.5. Đánh giá quá trình chăm sóc 

Một bệnh nhân ngộ độc thức ăn được đánh giá chăm sóc tốt khi:
− Tình trạng bệnh thuyên giảm rõ rệt, các triệu chứng giảm hoặc mất: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
− Thể trạng bệnh nhân tốt.
− Bệnh nhân không có biến chứng.
− Công tác điều dưỡng được thực hiện đầy đủ.
− Biết cách phòng bệnh tốt sau khi ra viện.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây