Định nghĩa
Tần số phát xung ở nút xoang của tim thấp dưới 50-55 nhịp trong một phút.
Căn nguyên
Nhịp chậm thể trạng (hoặc vô căn), nhịp chậm lúc ngủ, nhịp chậm ở vận động viên thể thao.
Thuốc: sử dụng digital, reserpin, thuốc chẹn beta, amiodaron.
Hội chứng xoang cảnh: ở một số đối tượng, chèn ép dù nhẹ vào xoang cảnh (cổ áo, cà vạt quá chật, cúi cổ) cũng gây ra nhịp xoang chậm, có thể dẫn tới mất tính tự động của nút xoang với tâm thất ngừng co bóp (vô tâm thu) kéo dài hơn 3 giây và/hoặc tụt huyết áp ít nhất 50 mm Hg.
Nhịp chậm “không thích hợp thuật ngữ này chỉ một tình trạng suy giảm về điều hoà nhịp tim, tức là tần số của tim không thích ứng với mức hoạt động thể lực hoặc tình trạng xúc cảm của bệnh nhân. Bình thường, khi gắng sức thể lực, hoặc tiêm 0,5 mg atropin sẽ gây ra nhịp nhanh trên 100/phút.
Trong trường hợp nhịp chậm “không thích hợp”, thì tần số tim sẽ không vượt quá 90 lần/phút. Chú ý: tiêm atropin có thể nguy hiểm và làm khởi phát cơn đau thắt ngực ở những đối tượng vốn có tố bẩm bị các cơn này.
Hội chứng nhịp chậm-nhịp nhanh: (xem hội chứng này).
Những nguyên nhân khác nữa: tăng trương lực thần kinh phế vị, tăng áp lực nội sọ, chứng phù niêm, thời kỳ lại sức sau bệnh nhiễm khuẩn, suy mòn.
Triệu chứng
Nhịp xoang chậm ở những đối tượng trẻ tuổi không cần phải khám xét chuyên sâu, khi đối tượng vẫn dung nạp tốt, nếu tần số tim tăng lên bình thường khi gắng sức, nếu phức hợp QRST của điện tâm đồ đều đặn có sóng p đi trước.
Nhịp xoang chậm ở những đối tượng cao tuổi, nhất là nếu có kèm theo khó chịu hoặc ngất, thì cần phải ghi điện tâm đồ liên tục trong 24 giờ (Holter), nhằm tìm xem có hội chứng nhịp chậm-nhịp nhanh không (xem hội chứng này).
Điều trị
Trong những thể không có biểu hiện lâm sàng thì không cần điều trị. Ngừng những loại thuốc gây nhịp chậm và điều trị nguyên nhân gốc ở những thể thứ phát. Đặt máy tạo nhịp tim trong hội chứng nhịp chậm-nhịp nhanh.