Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo những người mắc bệnh tăng huyết áp cần thay đổi hành vi nếp sống cùng với việc điều trị bằng các thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Béo phì, thói quen hút thuốc lá, uống rượu, thói quen ăn mặn, ít hoạt động thể lực, căng thẳng thần kinh… là những yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp đã được chứng minh, ở những người mắc bệnh tăng huyết áp hay huyết áp ở mức độ bình thường cao, những yếu tố nguy cơ này đều có thể hạn chế được bằng chính nỗ lực của người bệnh.
Một số các yếu tố dinh dưỡng khác như Natri, Calci, Kali, Magne, Clo, mỡ… cũng được coi là những yếu tố vệ sinh dinh dưỡng, cần được chú ý. Tuy là các yếu tố riêng rẽ, nhưng chúng có thể “cộng hưởng” tạo nên bản giao hưởng bất lợi cho sức khoẻ người bệnh.
Một số lời khuyến cáo thay đổi hành vi nếp sống cho phép kiểm soát tình trạng huyết áp và giảm thiểu các nguy cơ của bệnh tim mạch như:
- Nếu dư cân hoặc mắc bệnh béo phì, bạn hãy cố gắng làm giảm trọng lượng cơ thể.
- Nếu là người nghiện rượu, hãy cố gắng hạn chế dần. Mức tiêu thụ rượu chỉ nên dưới 30g mỗi ngày mà thôi.
- Ngay lập tức từ bỏ thuốc lá.
- Bạn là người ít vận động thể lực chăng? Hãy nên tập thể dục ngoài trời một cách đều đặn.
- Bạn có thói quen ăn mặn? Hãy lưu ý, chỉ nên ăn nhạt với liều 6g muối/ngày.
- Nên ăn các thức ăn có chứa nhiều Kali như khoai lang, chuôi, dưa hấu…
- Calci cũng là một chất bạn cần chú ý bổ sung dưới dạng thực phẩm: sữa, canh cua, cá…
- Nên hạn chế ăn mỡ, nên dùng dầu thực vật loại có acid béo không no như dầu đậu nành, dầu Oliu…
- Hãy hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol.
- Nếu bạn thường uống cà phê lọc (cà phê hoà tan) thì hãy nên chuyển sang cà phê phin.
Công trình nghiên cứu của TOMHS cho thấy rằng huyết áp tối đa (HATĐ) có thể hạ trung bình khoảng 9,1 mmHg và huyết áp tối thiểu (HATT) hạ khoảng 8,6 mmHg trong vòng 4 năm nếu bạn áp dụng các biện pháp vệ sinh dinh dưỡng trên. Điều đó đã khẳng định vai trò quan trọng của việc thay đổi hành vi nếp sống ở những người mắc bệnh tăng huyết áp.
Để không ngừng nâng cao hiệu quả điều trị dự phòng, ngăn ngừa những tai biến của bệnh tăng huyết áp, bạn cũng cần biết:
- Nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ và thường xuyên để có thể phát hiện kịp thời biến chứng của bệnh.
- Lao động vừa sức, tập luyện thích hợp, tránh gắng sức.
- Tránh căng thẳng thần kinh, lao động trí óc quá mức.
- Điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Cần phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc trong theo dõi và điều trị tăng huyết áp. Đây là một vấn đề rất quan trọng góp phần vào thành công của điều trị.
- Cần biết sử dụng một số thuốc điều trị tăng huyết áp thông thường.
- Luôn luôn mang theo các thuốc thiết yếu điều trị cấp cứu cơn tăng huyết áp bên mình để sử dụng khi cần thiết.
- Nên có máy đo huyết áp và biết cách tự đo huyết áp cho mình. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp hàng ngày.
Trong quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp, ba điều bạn cần lưu ý:
Thứ nhất:
Không bỏ dở liệu trình điều trị.
Thứ hai:
Khi huyết áp đã ổn định cần lưu ý giảm liều thuốc điều trị và kết hợp các biện pháp điều trị không dùng thuốc như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, y thực trị…
Thứ ba:
Cần theo dõi huyết áp để tránh hiện tượng huyết áp tăng cao đột ngột khi ngừng thuốc.