Trang chủBệnh tiểu đườngChăm sóc người bệnh suy tim

Chăm sóc người bệnh suy tim

Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó chức năng tống máu của tim không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể về mặt oxy và dinh dưỡng.

NGUYÊN NHÂN

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh tim mạch, hô hấp và toàn thân khác.

Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Tăng huyết áp.
  • Vữa xơ động mạch vành.
  • Các bệnh van tim.
  • Tràn dịch màng ngoài tim và viêm dày dính màng ngoài tim.
  • Bệnh phổi phế quản mạn tính.

TRIỆU CHỨNG

Về mặt huyết động, suy tim gây nên hai hậu quả:

  • Giảm lượng máu từ tim tới các cơ quan tổ chức (giảm tưới máu tổ chức).
  • Ứ trệ tuần hoàn ngoại biên (tích dịch trong cơ thể).

Các triệu chứng của suy tim cũng chủ yếu xuất phát từ hai hậu quả này.

Các triệu chứng chính

Mệt nhọc do giảm tưới máu tổ chức.

Tim đập nhanh, có thể loạn nhịp tim.

Khó thở với nhiều mức độ, chủ yếu do ứ huyết phổi.

Ho và có thể ho ra máu do tăng áp lực tuần hoàn phổi.

Tím môi, tím đầu chi hoặc tím toàn thân.

Gan to do ứ huyết, tĩnh mạch cổ nổi, có dấu hiệu phản hồi gan – tĩnh mạch cổ.

Phù mềm, ấn lõm, thường đi kèm với lượng nước tiểu ít.

Áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng (> 10 cm nước), áp lực tĩnh mạch ngoại biên tăng (> 30 cm nước).

X quang: hình tim to hơn bình thường.

Điện tâm đồ: có các biểu hiện dày tâm thất, dày tâm nhĩ…

Hiện nay dựa vào siêu âm tim – một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hết sức   hữu ích, giúp đánh giá rất hiệu quả tình trạng tổn thương tim và mức độ suy tim.

Triệu chứng theo thể suy tim

Tùy theo nguyên nhân gây suy tim mà người bệnh có thể suy tim trái hay suy tim phải là chính.

  • Nếu suy tim trái là chính, các triệu chứng nổi bật sẽ là: khó thở, tim đập nhanh, mệt nhiều, tim trái to.
  • Nếu suy tim phải là chính, các triệu chứng nổi bật sẽ là: phù, tím, gan to, tĩnh mạch cổ nổi to.
  • Nếu là suy tim toàn bộ, người bệnh sẽ có cả các triệu chứng của suy tim phải và trái.

NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ SUY TIM

Giảm gánh nặng làm việc cho tim bằng chế độ nghỉ ngơi.

Tăng sức co bóp cơ tim bằng các thuốc trợ tim.

Giảm ứ máu ngoại biên bằng chế độ ăn nhạt, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch.

Điều trị nguyên nhân: điều trị tăng huyết áp, sửa chữa van tim, thay van tim…

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

Hỏi bệnh, thăm khám thực thể, tham khảo các kết quả xét nghiệm để tìm các biểu hiện của suy tim như:

  • Tim đập nhanh, khó thở, tím, ho, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, phù…
  • Nguyên nhân gây suy tim.
  • Các yếu tố làm nặng thêm suy tim.

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Người bệnh sẽ cải thiện được tưới máu tổ chức.
  • Người bệnh sẽ cải thiện được trao đổi khí ở phổi.
  • Người bệnh sẽ giảm được ứ trệ tuần hoàn ngoại biên.
  • Người bệnh sẽ hiểu về bệnh và biết cách tự chăm sóc.

Thực hiện chăm sóc

  • Cải thiện tưới máu tổ chức bằng các biện pháp :

Cho người bệnh nằm nghỉ, tránh các hoạt động gắng sức. Tuy nhiên cần khuyên người bệnh vận động nhẹ nhàng các chi đe phòng biến chứng tắc mạch.

Thực hiện y lệnh thuốc trợ tim. Chú ý theo dõi tần số tim và tác dụng phụ của thuốc.

Thực hiện y lệnh thuốc giãn mạch. Chú ý theo dõi huyết áp và tác dụng phụ của thuốc.

Cung cấp cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng phù hợp không làm tăng gánh nặng cho tim như: giảm calo, giảm muối, hạn chế nước vào, ăn ít một, chọn thức ăn dễ hấp thu.

  • Cải thiện trao đổi khí ở phổi bằng các biện pháp :

Cho người bệnh nằm nghỉ ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm.

Khuyên người bệnh nằm ngủ ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm để tránh cơn khó thở về ban đêm.

Thực hiện y lệnh thuốc lợi tiểu. Chú ý cho người bệnh uống vào buổi sáng để tránh mất ngủ do đi tiểu đêm. Theo dõi các biểu hiện thiếu kali máu và khuyến khích người bệnh ăn các loại rau quả chứa nhiều kali.

Cho người bệnh thở oxy khi có y lệnh.

  • Giảm ứ trệ tuần hoàn ngoại biên bằng các biện pháp :

Chế độ ăn hạn chế muối:

+ Từ 1 đến 2 gam NaCl/ngày khi có phù nhẹ.

+ Dưới 1 gam NaCl/ngày khi có phù nhiều, hoặc có tổn thương thận kết hợp.

+ Chỉ 0,3 gam NaCl/ngày khi suy tim quá nặng như cho người bệnh ăn cơm đường, uống sữa đậu nành.

Hạn chế dịch và nước uống vào.

+ Lượng nước vào cơ thể được tính bằng lượng nước tiểu trong 24 giờ + 300ml.

+ Phải theo dõi lượng nước tiểu hằng ngày.

Thực hiện y lệnh thuốc lợi tiểu, chú ý bù đủ kali.

  • Giáo dục sức khoẻ

Giáo dục cho người bệnh hiểu về suy tim như: các biểu hiện của suy tim, các yếu tố làm suy tim nặng lên, biết cách tự theo dõi mạch, lượng nước tiểu hằng ngày.

Loại bỏ tất cả các hoạt động gắng sức, nếu là phụ nữ thì không sinh đẻ khi đã suy tim.

Tránh hoặc hạn chế đến mức tối đa các sang chấn, không dùng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu…

Thuyết phục người bệnh điều trị suy tim suốt đời theo hướng dẫn của thầy thuốc. Theo dõi bệnh định kỳ tại chuyên khoa tim mạch.

Thuyết phục người bệnh duy trì chế độ ăn hạn chế muối suốt đời, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, chọn thức ăn dễ hấp thu.

Dặn người bệnh cần đến thầy thuốc khám ngay khi xuất hiện một trong các biểu hiệu sau:

+ Khó thở nhiều;

+ Tăng cân đột ngột;

+ Ho kéo dài;

+ Đau ngực;

+ Thay đổi nhiều tần số mạch.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi người bệnh:

  • Cải thiện được tưới máu tổ chức như: đỡ mệt, huyết áp trong giới hạn bình thường, số lượng nước tiểu nhiều hơn…
  • Đỡ hoặc hết khó thở, đỡ hoặc hết tím, hết ran ẩm ở phổi…
  • Giảm được ứ trệ tuần hoàn ngoại biên như: giảm hoặc hết phù, gan thu nhỏ lại.
  • Người bệnh tuân thủ chế độ điều trị của thầy thuốc và thực hiện theo hướng dẫn chăm sóc của điều dưỡng.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây