Cao huyết áp còn gọi là tăng huyết áp và khái niệm thường dùng trong dân chúng là bệnh tăng xông (tension). Đây là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi, chiếm 8-12% dân số. Một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp như tiểu đường, thuốc lá, tăng lipid máu, di truyền.
Cao huyết áp là bệnh lý gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong. Do đó điều trị huyết áp cao là vấn đề cần lưu ý trong cộng đồng vì những hậu quả to lớn của nó.
Ngày nay với sự tiến bộ về kỹ thuật chẩn đoán (máy đo huyết áp phổ biến rộng rãi) và càng có nhiều loại thuốc điều trị ít tác hại, việc điều trị đã mang đến cho bệnh nhân sự cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đáng kể tử vong và các di chứng (liệt nửa người, suy tim) do cao huyết áp gây nên.
Người bệnh cao huyết áp cũng cần quan niệm rằng phải chấp nhận việc điều trị tốn kém lâu dài để đổi lấy một cuộc sống an toàn. Cao huyết áp thường không triệu chứng do đó nhiều người chỉ nhận ra bản thân họ bị cao huyết áp khi họ bị tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ). Không thể căn cứ vào triệu chứng nhức đầu, chóng mặt để uống thuốc hạ áp bởi vì nhức đầu, chóng mặt không phải thường xuyên xuất hiện khi huyết áp tăng cao đột ngột và các triệu chứng này có thể gặp ở bệnh lý khác (ví dụ nhức đầu do căng thẳng, viêm xoang, và chóng mặt có thể do tụt huyết áp…).
Tốt nhất nên thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ với những người chưa cao huyết áp và khi nghi ngờ cao huyết áp cần đo huyết áp nhiều lần. Nếu huyết áp vẫn cao thì nên bắt đầu biện pháp điều chỉnh cách sống (tập thể dục, cai thuốc lá, địều chỉnh chế độ ăn) và xem xét điều trị thuốc.
Huyết áp không phải là con số hằng định
Trị số huyết áp thay đổi rất nhiều khi có yếu tố tác động như tâm lý (lo âu, sợ hãi, mừng vui…), vận động (đi lại, chạy nhảy) hoặc môi trường (nóng lạnh), chất kích thích (thuốc lá, càphê, rượu bia) và bệnh lý (nóng sốt, đau đớn).
Trong những trường hợp trên, huyết áp thường tăng cao hơn bình thường.Ví dụ huyết áp của bạn lúc nghỉ thường 130/80mmHg, khi bạn lên cầu thang lầu 3, nếu bạn đo huyết áp ngay thì trị số huyết áp của bạn có thể 150/80- 180/90mmHg. Trong những trường hợp này không thể cho rằng bạn bị cao huyết áp. Do đó tốt nhất bạn phải nghỉ ngơi ổn định trước khi đo huyết áp nếu bạn muốn có trị số huyết áp trung thực và phải đo nhiều lần sau đó tính trung bình sau 3 lần đo. Bạn cũng đừng thắc mắc nhiều nếu huyết áp trước đó khác với trị số bây giờ.
Nhịp sinh học huyết áp của bạn thường dao động rõ rệt, huyết áp thường cao dần từ lúc bạn thức giấc và gia tăng tùy theo bạn vận động hoặc căng thẳng hay không. Vào chiều tốì khi bạn nghỉ ngơi thư giãn huyết áp xuống nhẹ và sẽ xuống thấp nhất khi bạn ngủ say vào ban đêm cho đến gần sáng.
Các nghiên cứu ghi nhận rằng ở người cao huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hoặc tăng vọt vào buổi sáng đều là yếu tố bất lợi vì dễ bị đột quỵ do cao huyết áp.
Khi nào gọi là cao huyết áp?
Người ta thường dùng khái niệm huyết áp tâm thu (hoặc huyết áp tốì đa) cho trị số huyết áp trên và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) cho trị số huyết áp dưới. Ví dụ khi bác sĩ ghi huyết áp của bạn: 180/95mmHg tức là huyết áp tâm thu (hoặc tối đa) của bạn là 180mmHg và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) là 95mmHg.
Khi trị số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương >90 mmHg được xem là cao huyết áp. Đối với người già, dạng cao huyết áp phổ biến là cao huyết áp tâm thu đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao (<90mmHg).
Ở trẻ em trị số huyết áp có thấp hơn quy ước của người lớn.
Cách đo huyết áp
Để có trị số huyết áp đúng, việc đo huyết áp là bước chẩn đoán quan trọng nhất vì tránh được việc điều trị quá mức hoặc không đầy đủ. Cần đo nhiều lần và nhiều vị trí khác nhau (2 tay, 2 chân) để so sánh đôi khi phát hiện bệnh lý mạch máu ví dụ như trong teo hẹp eo động mạch chủ huyết íp chi trên cao hơn chi dưới.
Đo huyết áp cần thực hiện trong phòng yên tĩnh, trạng thái tinh thần thoải mái. Tư thế đo huyết áp thông thường là tư thế nằm và ngồi để làm sao băng quấn cánh tay ngang mức với tim. Băng quấn cánh tay phải phù hợp kích thước cánh tay. Trẻ em cần có băng quấn cánh tay kích thước nhỏ hơn.
Hướng dẫn đo huyết áp
Nên sử dụng máy đo huyết áp nào?
Máy đo huyết áp thủy ngân được xem là tiêu chuẩn. Ngày nay người ta giảm dần việc sử dụng máy đo huyết áp thủy ngân vì độc tính với môi trường. Các loại máy dạng đồng hồ thường phổ biến sử dụng trong giới thầy thuốc, trong khi đó các máy đo huyết áp điện tử thường sử dụng rộng rãi trong dân chúng vì dễ đo. Theo uỷ Ban phối hợp quốc gia về cao huyết áp Hoa Kỳ (JNC) và Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), đối với máy đo huyết áp điện tử, chỉ nên sử dụng loại băng quấn cánh tay, không nên sử dụng cổ tay và ngón tay vì không chính xác.
Bạn có thể chọn máy đo huyết áp đồng hồ hoặc có thể máy đo điện tử để tự đo huyết áp ở nhà. Máy đo huyết áp đồng hồ kèm theo ống nghe thường giá rẻ hơn máy đo huyết áp điện tử nhưng đòi hỏi bạn phải được nhân viên y tế huấn luyện cách đo.
Đối với máy đo huyết áp điện tử ưu điểm là dễ sử dụng, nhưng nhược điểm là các máy tại thị trường Việt Nam chỉ có số ít hãng như Omron là được kiểm định theo tiêu chuẩn Anh Mỹ.
Khi chọn máy đo huyết áp điện tử các bạn nên chọn các loại máy đo huyết áp đã được các tổ chức uy tín kiểm định chất lượng. Hiện nay 2 tổ chức có uy tín trong kiểm tra chất lượng máy đo huyết áp là Hiệp hội cao huyết áp Anh quốc (British Hypertension Society) và Hiệp hội Phát triển Dụng cụ y tế Hoa kỳ (Association for Advance- ment of Medical Instrumentation).