NHỊP NHANH XOANG KHÔNG THÍCH HỢP (Inappropriate Sinus Tachycardia)
Nhịp nhanh xoang được định nghĩa khi nhịp phát từ nút xoang có tần số trên 100 lần/phút. Ở người lớn khi gắng sức tối đa nhịp xoang hiếm khi phát trên 180 lần/phút. Có nhiều nguyên nhân gây nhịp nhanh xoang (xem bài nhịp nhanh xoang) như: nhiễm trùng, mất nước, hạ huyết áp, cường giáp…
Nhịp nhanh xoang không thích hợp được dùng để chỉ những trường hợp nhịp nhanh trên 100 lần/phút nhưng hoàn toàn không phải gắng sức hay những nguyên nhân gây nhịp nhanh vừa kể trên. Cơ chế có thể do: tăng tự động tính các tế bào phát xung nút xoang hoặc mất cân bằng hệ thần kinh tự chủ hoặc cả hai.
1. TIÊU CHUẨN:
gồm 3 tiêu chuẩn chính
1. Nhịp xoang ≥ 100 lần/phút khi nghỉ hoặc hoạt động thể lực tối thiểu.
2. Sóng P bình thường về hình dạng và trục trên 12 chuyển đạo lúc cơn nhịp nhanh.
3. Không có nguyên nhân gây nhịp nhanh xoang.
2. DỊCH TỄ HỌC VÀ BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
‒ Nhịp nhanh xoang không thích hợp thường xảy ra ở phụ nữ, trẻ tuổi.
‒ Nhịp tim lúc nghỉ thường trên 100 lần/phút
‒ Nhịp tim tăng lên quá mức so với người bình thường khi hoạt động thể lực từ 30 ‒40 nhịp/phút (ví dụ người bình thường đi bộ tần số tim # 90 lần/phút, còn người bị hội chứng nhịp nhanh xoang không thích hợp nhịp tim có thể tới 120‒130 lần/phút).
‒ Trong suốt cơn nhịp nhanh thể tích nhát bóp (stroke volume) vẫn được duy trì do có sự can thiệp của phản xạ thần kinh – thể dịch và thay đổi sức cản ngoại biên.
‒ Nhịp nhanh kéo dài có thể gây ra bệnh cơ tim dãn nở, nhưng nhịp nhanh xoang không thích hợp không gây ra bệnh cơ tim dãn nở.
‒ Triệu chứng lâm sàng: nếu nhịp nhanh xoang kéo dài làm bệnh nhân hồi hộp, khó thở, mệt mỏi hoặc gần ngất.
3. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán nhịp nhanh xoang không thích hợp dựa vào 4 tiêu chuẩn sau:
1. Nhịp tim lúc nghỉ ≥ 100 lần/phút, hoặc khi vận động rất nhẹ (ví dụ: thay đổi từ tư thế ngồi sang đứng hoặc đi bộ chậm) nhịp tim cũng vượt quá 100 lần/phút.
2. Hình dạng và trục sóng P hoàn toàn bình thường lúc nhịp nhanh ở 12 chuyển đạo (tức nhịp nhanh xoang)
3. Không tìm thấy nguyên nhân thứ phát gây nhịp nhanh (sốt, cường giáp, thiếu máu…)
4. Kèm theo các triệu chứng: hồi hộp đánh trống ngực, gần ngất hoặc cả 2. Các dấu hiệu trên được chứng minh là có liên quan đến nhịp nhanh xoang lúc nghĩ.
Thăm dò điện sinh lý cũng giúp ích cho chẩn đoán:
‒ Nhịp nhanh xoang không thích hợp không thể kích hoạt hoặc chấm dứt bằng phương pháp tạo nhịp buồng nhĩ [26]
‒ Mapping buồng nhĩ cho thấy ổ phát nhịp nhanh từ vùng nút xoang.
4. ĐIỀU TRỊ
‒ Thuốc lựa chọn đầu tiên là ức chế beta.
‒ Có thể sử dụng nhóm ức chế canxi nondihydropyridine như Verapamil, Diltiazem.
‒ Cắt đốt nút xoang (sinus node ablation) phải được thực hiện ở những trung tâm chuyên sâu về điện sinh lý, kết quả thành công lâu dài # 66%.
‒ Thuốc mới: Ivabradine thuộc nhóm chống đau thắt ngực (15), ức chế khả năng phát nhịp của nút xoang qua kênh If → làm chậm nhịp tim. Không giống ức chế beta tức không làm giảm co bóp cơ tim và không gây co thắt phế quản.
KẾT LUẬN:
Đánh giá tác dụng điều trị phải bằng đo điện tâm đồ 24 giờ (Holter) và điều quan trọng là trước khi điều trị nhịp nhanh xoang không thích hợp cần phải xem xét kỹ để loại trừ những nguyên nhân thứ phát gây nhịp nhanh xoang.