Ngủ là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người nhằm cân bằng các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Đặc trưng của giấc ngủ là có sự dao động nhịp ngày đêm nhằm đảm bảo cho hoạt động của đại não trong trạng thái thức tỉnh. Nhịp thức ngủ phối hợp với các thay đổi về sinh lý như: hô hấp, tim mạch, thân nhiệt, điều tiết hormon trong cơ thể.
Giấc ngủ có tác dụng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe và phát triển. Trong khi ngủ, tuyến tiền yên trong não của trẻ em tiết ra hormon tăng trưởng. Giấc ngủ đặc biệt quan trọng tới sự phát triển trí não của trẻ em.
Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau. Trẻ sơ sinh thường ngủ 20 – 22 giờ mỗi ngày, chỉ thức khi đói và bị ướt. Trung bình trẻ dưới 1 tuổi ngủ 16 – 18 giờ mỗi ngày, 1 – 2 tuổi ngủ 14 -16 giờ mỗi ngày, 2 – 3 tuổi ngủ 12 – 14 giờ mỗi ngày, 3 – 6 tuổi ngủ 11 – 12 giờ mỗi ngày, trẻ 7 – 10 tuổi ngủ 10 giờ mỗi ngày (trong đó giấc ngủ trưa là 1 – 2 giờ).
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
- Nguyên nhân
Một số thể rối loạn giấc ngủ ở trẻ em thường xảy ra khi trẻ bị lo âu và mang tính chất gia đình.
- Bệnh sinh
Cấu trúc của giấc ngủ gồm những chu kỳ ngủ, mỗi chu kỳ lại có giấc ngủ chậm còn gọi là ngủ không động mắt (trong đó có 4 giai đoạn: giai đoạn 1 – buồn ngủ sang ngủ, giai đoạn 2 – ngủ nông, giai đoạn 3, 4 – ngủ sâu) chiếm 75 – 80% và giấc ngủ nhanh còn gọi là ngủ cử động nhãn cầu chiếm 20 – 25%.
Khi trẻ hoạt động thể lực thì giấc ngủ chậm sẽ gia tăng, giúp trẻ dễ ngủ và ngủ sâu hơn. Giấc ngủ nhanh giúp trẻ phục hồi nhanh sự mệt mỏi về tâm trí. Nếu ngăn cản hoặc đánh thức trẻ đang ở giai đoạn giấc ngủ nhanh sẽ làm trẻ hay quên, tinh thần căng thẳng, quấy khóc, thiếu sự minh mẫn trong học tập. Nếu chu kỳ thức – ngủ ở não bị rối loạn do những nguyên nhân khác nhau sẽ gây ra rối loạn về giấc ngủ.
YẾU TỐ THUẬN LỢI
- Cơ thể mệt mỏi
- Bị mắc bệnh cơ thể.
- Sang chấn tâm lý gây căng thẳng về tinh thần
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ XÉT NGHIỆM
- Triệu chứng lâm sàng
Trẻ em có thể bị rối loạn giấc ngủ theo nhiều kiểu khác nhau như: có cơn ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, máy giật cơ khi ngủ, ngủ ngày quá nhiều, các cử động chân tay có tính chu kỳ, cơn miên hành, mất ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm… trong số đó cơn miên hành và cơn hoảng sợ ban đêm gặp khá phổ biến.
- Cơn miên hành:
Cơn miên hành là những hành động trẻ thực hiện dường như là có mục đích khi trẻ đột ngột choàng dậy từ giấc ngủ sâu. Khi đó trẻ có thể làm những động tác đơn giản như ngồi dậy tại giường, một số trẻ khác có những động tác tự động phức tạp như: đi lại, mặc quần áo, ăn uống. Cơn miên hành thường xảy ra vào thời điểm 1-2 giờ sau khi ngủ (vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ chậm), trong cơn trẻ mở mắt nhìn nhưng nếu nói với trẻ thì hầu như trẻ không hiểu. Cơn kéo dài khoảng dưới 30 phút. Sau cơn trẻ lại ngủ tiếp. Sáng hôm sau hỏi trẻ không nhớ gì về cơn đã xảy ra trong đêm.
Chứng miên hành gặp khá phổ biến: khoảng 10 – 15 % trẻ em độ tuổi 5 – 12 tuổi có cơn miên hành. Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái.
- Cơn hoảng sợ ban đêm:
Cơn hoảng sợ ban đêm thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 1 đến 8 tuổi và có thể kèm theo cơn miên hành. Cơn hoảng sợ thường xảy ra vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ chậm. Triệu chứng biểu hiện là: đột nhiên trẻ ngồi dậy hoặc vùng vẫy, la hét khóc lóc sau khi đã ngủ được vài giờ. Trẻ biểu lộ sự sợ hãi, căng thẳng, bồn chồn, mắt mở to nhưng dường như vẫn đang thiếp ngủ, người mẹ không thể dỗ dành cho trẻ yên hoặc không thể đánh thức cho trẻ tỉnh hẳn được. Cơn xảy ra kéo dài 10 – 15 phút. Sau cơn trẻ ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy trẻ không nhớ gì về cơn đã xảy ra.
- Xét nghiệm
Nếu trẻ có cơn miên hành, mất ngủ, cơn ngừng thở khi ngủ, nghi ngờ cơn động kinh ban đêm thì trẻ cần được làm một số xét nghiệm như: điện não đồ, điện cơ đồ, điện tâm đồ, nhãn cầu đồ, quay video.
CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH VÀ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
- Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Đánh giá rối loạn ngủ của trẻ em ở mọi lứa tuổi hầu như là giống nhau. Cần thiết phải hỏi tiền sử và khám sức khỏe cho trẻ toàn diện, đặc biệt lưu ý đến tình trạng béo phì, amygdale quá phát, vấn đề về tai giữa, co giật, dị ứng, hen và sử dụng thuốc.
Đánh giá đường thở bao gồm kích thước amygdal, luồng khí thở qua mũi, bất thường trên mặt. Tuy nhiên ít tìm thấy những bất thường về sinh lý ở những trẻ bị rối loạn giấc ngủ.
Tìm hiểu về bệnh sử của rối loạn giấc ngủ cần chú ý tới môi trường của trẻ khi ngủ, ngậm tay khi ngủ, ăn thêm về ban đêm, kêu thét hoặc lú lẫn, đái dầm, nghiến răng, cơn hoảng sợ, máy giật chân tay.
Tiền sử về phát triển và tâm bệnh lý rất cần thiết đề xác định nguyên nhân của rối loạn ngủ.
- Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với cơn động kinh xảy ra vào ban đêm, cơn hen, tác dụng phụ một số loại thuốc, lo âu, trầm cảm.
ĐIỀU TRỊ
Xử trí điều trị cơn miên hành và cơn hoảng sợ ban đêm:
- Hướng dẫn trẻ tập thư giãn trước khi ngủ: hít sâu thở đều, thả lỏng cơ bắp, nhẩm đếm theo nhịp thở.
- Hướng dẫn gia đình các biện pháp phòng ngừa những tổn thương cơ thể có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ: không cho trẻ nằm giường cao, không để những vật sắc nhọn hoặc dễ vỡ ở gần giường ngủ, đóng lối đi cầu thang và cửa nhà, cửa sổ về ban đêm để trẻ không ra khỏi nhà.
- Giúp trẻ trở lại giấc ngủ bình thường sau khi trẻ bị cơn miên hành hoặc cơn hoảng sợ ban đêm bằng cách vỗ về, dỗ dành, an ủi, đặt trẻ nhẹ nhàng vào giường
- Đối với những trẻ thường xuyên bị rối loạn ngủ có thể làm giảm tần xuất cơn bằng cách: ghi chép khoảng thời gian từ khi trẻ bắt đầu ngủ cho đến khi có cơn trong 7 đêm liên tục để biết được qui luật khi nào thì trẻ có cơn. Sau đó chủ động đánh thức trẻ dậy trước khi cơn vẫn thường xảy ra trước đó 15 phút. Cho trẻ thức tỉnh khoảng 5 phút, sau đó lại cho trẻ ngủ tiếp
- Nếu xác định có sang chấn tâm lý thì cần tư vấn cho trẻ và gia đình khắc phục vấn đề này.
- Nếu áp dụng các biện pháp tâm lý không hiệu quả, một số trẻ phải điều trị bằng thuốc giải lo âu như Diazepam, thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptilin, hoặc thuốc ổn định khí sắc như Carbamazepin, valproate để làm giảm tần suất cơn.
TIẾN TRIỂN VÀ TIÊN LƯỢNG
Khởi phát của cơn miên hành thường bắt đầu khi trẻ 4 -8 tuổi và đạt cực điểm khi 12 tuổi. Nhiều trẻ có thể tự khỏi khi lớn lên do quá trình phát triển và ổn định của hệ thần kinh trung ương. Một số người trưởng thành có thể vẫn bị chứng này khi có sang chấn tâm lý, một số ít có thể là do bị động kinh. Cơn hoảng sợ ban đêm có thể tự khỏi nếu loại trừ các sang chấn tâm lý và trẻ được điều chỉnh chế độ sinh hoạt học tập vui chơi hợp lý.
PHÒNG BỆNH
- Không nên cho trẻ ngủ ban ngày nhiều
- Tập thói quen đi ngủ đúng giờ.
- Nơi ngủ thoáng mát yên tĩnh.
- Không gây cho trẻ tình trạng kích thích hoặc ức chế thần kinh
Con gái tôi đã 32 tháng, bé có dấu hiệu của cơn hoảng sợ ban đêm. Trước đây tôi hay cho ngậm vú mẹ thì bé ngủ lại ngay. Nhưng nếu không, bé khóc rất dữ dội. Tôi đang cai sữa mẹ cho bé để bé ngủ thẳng giấc nhưng tình trạng càng xấu đi. Xin hỏi ý kiến tư vấn của các Bác sĩ, tôi xin cảm ơn.
(Bé có dấu hiệu không ổn tâm lí từ khi được 15 tháng, mẹ cho đi học vì hoàn cảnh. Bé bị mất ngôn ngữ, không chịu nói. Hay lẫy khóc đập đầu khi không được hiểu ý. Bé chỉ làm theo ý mình. Khi bị can thiệp thì rất dữ dội.)
Bạn cần tìm hiểu về những sang chấn tâm lý của bé (Bé có dấu hiệu không ổn tâm lí từ khi được 15 tháng, mẹ cho đi học vì hoàn cảnh. Bé bị mất ngôn ngữ, không chịu nói…những tình trạng này biểu hiện bé nhà bạn có những rối loạn tâm lý không hề nhẹ) xem xuất phát từ đâu, điều đó là rất quan trọng, sau đó bạn dùng các biện pháp tâm lý như an ủi vỗ về, nếu tình trạng cháu tiếp tục xấu đi thì bạn cần đưa cháu đến khám bác sỹ chuyên khoa tâm lý để xác định bệnh lý. có thể phải kết hợp thêm dùng thuốc và các biện pháp tâm lý điều trị.
Bé nhà e dc 2 tháng tuổi. Từ lúc sinh tới giờ bé rất ít ngủ chỉ khoảng 12 tiếng 1 ngày. Mỗi lần cho bé ngủ rất khó khăn, giấc ngủ thì ko dc sâu vào ban ngày. Thức dậy thì khóc và đòi ẵm ít chịu chơi một một mình. Đêm thì bé ngủ khuya nhưng giấc sâu,bé sinh thường dc 3.6kg và bú sữa mẹ hoàn toàn. Cho e hỏi bé e như thế liêun có sao ko ạ?
Em có con trai cũng được 5 tuổi gần 2 , 3 tháng nay cứ mỗi đêm nó ngủ khoảng 1-2 tiếng thì nó ngồi dậy , rên khóc , rồi đi vòng vòng trên giường rồi tự động nó ho và ói ra thức ăn tối dù em có làm cách nào , nói , la nó cũng không nghe em, khi nào ói ra hết thì mới tỉnh người và đi ngủ tiếp. Em không biết con em bị gì nữa, mong bác sĩ tư vấn cho em, em xin cảm ơn bác sĩ .