Trang chủChâm cứuChâm cứu chữa chứng mất ngủ

Châm cứu chữa chứng mất ngủ

Mất ngủ là không ngủ được hoặc ngủ mà dễ bị đánh thức; hoặc trong giấc ngủ hay hoảng hốt, hoặc nửa tỉnh nửa mơ… Chứng bệnh này thường mang đến cho bệnh nhân sự đau khổ triền miên.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh mất ngủ. Ví như lao tâm quá độ làm cho tâm huyết bị hao tổn, tâm không giữ được thần, hoặc do tâm hoả kháng, thận thuỷ không thể tràn lên trên làm cho tâm thận bất giao; hoặc do thất tình uất kết, can đởm hoả vượng làm nhiễu loạn chỗ ở của thần, hoặc do tỳ vị bất hoà, đình thực tích đàm. Người xưa có cậu “vị bất hoà thì thần ngủ không yên”…

Trương Cảnh Nhạc nói: “Sự ngủ là lấy gốc ở âm, do thần làm chủ, thần an thì ngủ an, thần bất an thì không ngủ được. Lý do làm cho bất an là thứ nhất do sự phá quấy của tà khí, một nửa là do doanh khí bất túc. Có tà khí đa số là thực, không tà khí đa số là hư”. Luận chứng này rất chính xác.

TRỊ BỆNH

Tâm tỳ huyết hư, tâm thận bất giao phần lớn do hư chứng. Can đởm hoả vượng và thực trệ đàm hoả đa sô thuộc thực chứng. Sách nói: “Hư thì bổ, thực thì tả”. Nếu cả hai cùng làm nhân quả cho nhau thì kiêm trị cả hai.

Mất ngủ do hư chứng

Chứng trạng : Tâm lo lắng, hồi hộp, mệt mỏi thần khí, đầu choáng váng, tám phiền, ăn ít gầy yếu, lúc ngủ lúc thức, miệng khát, di tinh, mạch hư hoặc tế sác.

Phép trị: Bổ khí dưỡng huyết, tư âm giáng hoả.

Xử phương và phép châm cứu : Châm tiền bổ hậu tả tâm du 3 phân; châm bổ tỳ du, cách du, chương môn, thận du đều 3 phân; châm bình bổ, bình tả thần môn 3 phân, tam âm giao 5 phân, lưu kim 20 phút. Sau khi châm thì cứu thận du, tỳ du, chương môn đều 3 tráng.

Mất ngủ do thực chúng

Chứng trạng: Vùng ngực có cảm giác bứt rứt, bồn chồn dễ tức giận, đầu choáng váng, nhức đầu, đàm nhiều, đại tiện bí, ngực sườn đau, miệng đắng, mạch huyền hoạt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi khô.

Phép trị : Thanh tiết hoả của can đởm, kiện tỳ, hoá đàm, tiêu trệ.

Xử phương và phép châm cứu : Châm tả phong trì 3 phân, tả can du 2 phân, tả đởm du 2 phân, châm tiền tả hậu bổ các huyệt phong long 5 phân, giải khê 2 phân.

Phép gia giảm : Nếu vùng bụng bị trướng mãn thì châm thêm thiên khu 2 phân, đắc khí thì rút kim ra; châm bổ tỳ du 3 phân, châm tả trung quản 5 phân.

CẤM KỴ

Trước khi ngủ nên giữ cho tâm tình điềm tĩnh, đừng ăn quá no, giảm việc sinh hoạt vợ chồng.

GHI CHÚ

Châm cứu trị liệu chứng bệnh này kết quả khá tốt. Sau khi lành bệnh đầu não thanh thản, tinh thần sảng khoái.

Y ÁN

Thí dụ : Mất ngủ do hư lẫn thực

Anh Hoàng… 26 tuổi làm nghề…

Khám lần 1 (25 tháng 7) : Bệnh nhân vốn thường bị chứng mất ngủ, đầu tối tăm và nhức, ngủ mơ màng dễ thức, tâm tình phiền táo, ăn không ngon, tinh thần mệt mỏi. Uống thuốc cả đông lẫn tây cũng khá nhiều nhưng lúc hết lúc không. Gần đây nhân vì có việc không vừa ý, tâm tình không thoải mái thì chứng mất ngủ lại nặng thêm, có khi thức luôn đến sáng, gục đầu vào gối trăn trở, không thể ngủ được. Anh xin chữa bằng châm cứu. Mạch huyền hơi sác, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng. Đây thuộc chứng can đởm bị uất nhiệt, tâm tỳ bất túc.

+ Phép trị : Thư can, thanh nhiệt, tĩnh tâm an thần.

+ Xử phương: Châm tả phong trì 3 phân, can du, đởm du 3 phân, tả dương lăng tuyền 1 thôn, tả thái xung 3 phân, bổ tam âm giao 5 phân, bổ thần môn 2 phân, lưu kim 10 phút.

Khám lần 2 (30 tháng 7): Sau khi châm lần trước mỗi đêm ngủ được hơn 3 tiếng đồng hồ, các chứng khác cũng đều giảm nhẹ. Châm theo phép cũ, thêm bổ bách hội 2 phân, bổ dũng tuyền 3 phân, lưu kim 10 phút.

Khám lần 3 (10 tháng 8) : Gia giảm theo phép cũ, châm thêm 2 lần nữa, đêm ngủ được từ 5-6 tiếng đồng hồ, các chứng khác đều giảm nhẹ. Sau đó lấy việc bổ ích tâm tỳ, làm cho tâm thận được giao nhau là căn bản việc trị liệu.

+ Xử phương: Bổ tâm du, tỳ du đều 3 phân, bổ tam âm giao 5 phân, bổ thận du 5 phân, thái khê 3 phân, châm bình bổ bình tả thần môn 2 phân. Túc tam lý 5 phân, tả can du 2 phân, lưu kim 15 phút. Sau khi châm thì cứu: tỳ du, thận du, túc tam lý, thái khê đều 3 tráng. Châm như thế 8 lượt, bệnh khỏi.

Thí dụ 2: Mất ngủ do thực chứng

Cô Vương Thị T… 23 tuổi,

Khám lần 1 : Mất ngủ 5 ngày, vùng bụng bị trướng mãn, tự cảm thấy vùng trên rốn bị động không ngừng, ăn kém ngon, đại tiện bí kết, mạch trầm huyền hữu lực, rêu lưỡi trắng và dày thô. Đây là chứng do vị phủ bất hoà.

+ Phép trị : Thông tả vị phủ

+ Xử phương: Châm tiền tả hậu bổ trung quản, khí hải, túc tam lý đều 5 phân; châm tả đại trường du, chi câu đều 3 phân; châm tả tỳ du, vị du đều 3 phân.

Khám lần 2 (27 tháng 5): Sau khi châm đại tiện được thông xướng, các chứng khác đều giảm.

+ XỬ phương: châm tiền bổ hậu tả bách hội 3 phân; tả thái dương 3 phân, tả thần môn 3 phân, bổ trung quản khí hải đều 5 phân; châm tiền tả hậu bổ tam âm giao 5 phân; bổ dũng tuyền 3 phân, lưu kim 15 phút.

Khám lần 3 (30 tháng 5): Lần trước châm xong các chứng đều giảm nhiều.

+ Xử phương: Châm tiền bổ hậu tả bách hội 3 phân, tả thần môn 3 phân, bổ hợp cốc, tam âm giao đều 5 phân, bổ dũng tuyền 2 phân, lưu kim 15 phút, châm thái xung 3 phân, không lưu kim. Sau khi châm, cứu khí hải, túc tam lý đều 3 tráng.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây