Trang chủBệnh thần kinhChẩn đoán và điều trị suy nhược thần kinh và rối loạn...

Chẩn đoán và điều trị suy nhược thần kinh và rối loạn phân ly

ĐẠI CƯƠNG

Suy nhược thần kinh là một thể loạn thần kinh chức năng được Cullen mô tả lần đầu năm 1776, nhưng mãi đến năm 1869 thì bệnh suy nhược thần kinh (neurasthenia) mới được George Brarad (một nhà thần kinh học người Mỹ) đề nghị tách ra thành bệnh riêng biệt.

Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 – 1992 (ICD – X), suỵ nhược thần kinh là một hội chứng bệnh lý thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng, do những rối loạn chức năng vỏ não và một số trung khu dưới vỏ gây nên.

Loạn thần kinh chức năng, các rối loạn có liên quan đến stress và dạng cơ thể được mang mã số F4, gồm nhiều hội chứng bệnh lý như các rối loạn lo âu và ám ảnh, các rối loạn dạng cơ thể, rối loạn phân ly, suy nhược thần kinh.

Hội chứng suy nhược thần kinh có thể gặp sau các bệnh thực thể như: chấn thương sọ não, vữa xơ động mạch não, thiểu năng tuần hoàn não, sau một số bệnh nhiễm khuẩn…

Khi hội chứng suy nhược thần kinh xảy ra do căn nguyên tâm lý thì được gọi là bệnh suy nhược thần kinh.

Căn nguyên tâm lý (chấn thương tâm thần, stress) rất đa dạng, là những căng thẳng tâm lý cấp tính hay mạn tính kéo dài như những tổn thất về người và của đột ngột, những mâu thuẫn kéo dài trong gia đình và trong công tác, lao động trí óc căng thẳng kéo dài, tham vọng không thành…

Tỷ lệ bệnh suy nhược thần kinh ngày càng tăng. Theo Weissly thì suy nhược thần kinh là một sản phẩm không thể tránh khỏi của nền văn minh và là một căn bệnh của thế kỷ XX. Nguyễn Đăng Dung sau hơn 10 năm theo dõi 50.000 bệnh nhân vào điều trị các bệnh tâm thần thấy có khoảng 3 – 5% số bệnh nhân có loạn thần kinh chức năng.

Theo thống kê của Cục Quân y trong 3 năm (1990 -1992), số người có hội chứng suy nhược thần kinh chiếm 60 – 70% số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh thần kinh nói chung.

Cơ chế bệnh sinh của suy nhược thần kinh đến nay chưa được rõ ràng, cần tiếp tục nghiên cứu.

Theo IP Paplov, hưng phấn và ức chế là 2 quá trình hoạt động của vỏ não, khi quá căng thẳng quá trình hưng phấn hay ức chế, hoặc quá căng thẳng tính linh hoạt của 2 quá trình hưng phấn và ức chế, đều gây nên trạng thái loạn thần kinh chức năng. Ngoài ra, rối loạn thần kinh chức năng còn liên quan đến loại hình thần kinh: bệnh suy nhược thần kinh thường xuất hiện ở những người có loại hình thần kinh trung gian không thăng bằng, còn rối loạn phân ly (hysteria) dễ xuất hiện ở người có loại hình thần kinh nghệ sĩ và loại hình thần kinh yếu.

Đồng thời s Selye đã chứng minh những xúc cảm mạnh gây nên những thay đổi chức năng của hệ dưới đồi – tuyến yên – thượng thận.

Tóm lại, những chấn thương tâm lý có tác động rất lớn và đa dạng đối với con người, gâỵ rối loạn mối quan hệ giữa vỏ não và dưới vỏ, giữa hệ thống tín hiệu thứ nhất và thứ hai, giữa tổ chức lưới và vỏ não, gây rối loạn hoạt động thần kinh cao cấp, rối loạn thần kinh thực vật và các chức năng dưới vỏ khác.

SUY NHƯỢC THẦN KINH

Lâm sàng

+ Biểu hiện lâm sàng suy nhược thần kinh chủ yếu là các triệu chứng chủ quan của người bệnh xuất hiện sau những chấn thương tâm lý và một số bệnh nội khoa.

Bệnh nhân thường kêu ca phàn nàn là mệt mỏi dai dẳng tăng lên sau một cố gắng trí óc, đau mỏi cơ bắp, khả năng làm việc sút kém, chóng mệt, hiệu quả thấp, nhất là sau mọt gắng sức về thể lực.

Bệnh nhân kém kiên nhẫn, không chịu nổi khi phải chờ đợi, dễ kích thích, nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức. Khi có ý định làm việc gì bệnh nhân muốn nôn nóng làm ngay nhưng khó làm, lại mau chán, mệt mỏi hay bỏ cuộc.

Bệnh nhân dễ xúc động, mủi lòng, dễ khóc, lo lắng, mất tự chủ, khí sắc giảm.

Đau đầu: bệnh nhân đau âm ỉ lan toả toàn bộ đầu, có cảm giác như đội mũ, thắt khăn chặt, đau đầu tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng kèm theo chóng mặt không hệ thống.

Mất ngủ: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không say, hay có mộng, dễ đánh thức và khó ngủ lại, đôi khi mất ngủ trắng đêm, nếu mất ngủ kéo dài thấy quầng mắt bị thâm, sáng dậy bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ngáp vặt.

Giảm trí nhớ: bệnh nhân giảm cả trí nhớ gần và trí nhớ xa nhưng đặc biệt là trí nhớ gần, học hành sút kém và khó tiếp thu cái mới. Nên kiểm tra bằng các test về trí nhớ và độ tập trung chú ý.

Rối loạn thần kinh thực vật như hay hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, khó thở, toát mồ hôi, có từng cơn nóng bừng hay lạnh toát, run chân tay, run mi mắt, giảm hoạt động tình dục, di mộng tinh ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.

Các triệu chứng trên kéo dài trên 3 tháng, nghỉ ngơi thư dãn hồi phục ít hay không hồi phục.

Cận lâm sàng

ECG: thấy giảm biên độ và chỉ số nhịp oc (điện não đồ dẹt).

Các xét nghiệm máu thường quy, sinh hoá không thay đổi.

Chẩn đoán (theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD – 10)

Bệnh nhân phải có các tiêu chuẩn sau

Mệt mỏi dai dẳng, mệt mỏi tăng lên sau một căng thẳng về trí óc.

Suy yếu nhanh chóng và mệt sức sau một cố gắng về thể lực.

Bệnh nhân có ít nhất một trong các triệu chứng sau

Có cảm giác đau mỏi cơ.

Chóng mặt.

Đau căng đầu.

Rối loạn giấc ngủ.

Giảm trí nhớ.

Tính tình cáu kỉnh.

Bệnh nhân không hết các triệu chứng mệt mỏi trong mục a khi nghỉ ngơi thư dãn hay giải trí.

Các triệu chứng trên kéo dài ít nhất 3 tháng.

Tất cả các triệu chứng hay gặp trên đã được loại trừ trong các bệnh khác dựa vào các khám xét lâm sàng và cận lâm sàng.

Chẩn đoán thể bệnh

Mặc dù có các quan điểm khác nhau nhưng đa số tác giả đều nhất trí nên chia thành: suy nhược thần kinh thể cường và thể nhược, có thể có thể trung gian giữa 2 thể trên.

  • Suy nhược thần kinh thể cường: quá trình ức chế tích cực, ức chế có điều kiện nhưng dễ bị suy yếu, bệnh nhân dễ có triệu chứng kích thích và mất khả năng tự chủ.
  • Suy nhược thần kinh thể nhược: xuất hiện ức chế bảo vệ quá giới hạn, quá trình hưng phấn suy yếu rõ, lâm sàng biểu hiện có các triệu chứng suy nhược thần kinh.

Chẩn đoán phân biệt bệnh suy nhược thần kinh và hội chứng suy nhược thần kinh

  • Bệnh suy nhược thần kinh:

+ Có yếu tố chấn thương tâm lý.

+ Có các triệu chứng như tiêu chuẩn chẩn đoán của ICD -10.

+ Các triệu chứng tồn tại trên 3 tháng.

+ Thư dãn nghỉ ngơi không đỡ.

  • Hội chứng suy nhược thần kinh:

+ Không có yếu tố chấn thương tâm lý.

+ Các triệu chứng trên xuất hiện sau một số bệnh nội ngoại khoa như vữa xơ động mạch não, thiểu năng tuần hoàn não, chấn thương sọ não, nhiễm khuẩn.

+ Các triệu chứng trên kéo dài một vài tuần.

+ Thư dãn nghỉ ngơi đỡ.

Điều trị

  • Giải quyết và loại trừ căn nguyên tâm lý:

+ Tâm lý thư dãn luyện tập dựa trên cơ chế tự kỷ ám thị.

+ Thể dục liệu pháp.

+ Đặt viên từ trên các huyệt loa tai.

+ Dùng dòng điện xoay chiều và kích thích điện tần số thấp qua da.

  • Dùng thuốc:

+ Tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng não: tanakan 2-3 viên/ngày, arcalion 2 viên uống sau ăn sáng hoặc asthenal 2 viên/ngày uống sau ăn sáng.

+ Giảm đau: ạnalgin 0,5 uống 2 viên/ngày sau ăn (sáng, chiều) hoặc efferalgan codein 2 viên/ngày (sáng, chiều) pha vào 1 cốc nước nhỏ.

+ Trấn tĩnh an thần: seduxen 5mg X 1 – 2 viên/ngày, uống buổi tối; hoặc tranxen 5mg 2 viên/ngày, uống buổi tối.

+ Vitạmin nhóm B: B1, B6, B12 (như viên 3B) uống 2 viên/ngày (sáng, chiều) hoặc nevramin uống 2 viên/ngày (sáng, chiều).

Y học cổ truyền: tâm sen, lá vông, lạc tiên, củ bình vôi (rotunda), viên trung thanh hoàn (chế từ mật bò), châm cứu, xoa bóp…

Chú ý nâng cao thể trạng, tăng cường ăn uống cho bệnh nhân.

RỐI LOẠN PHÂN LY (HYSTERIA)

Hiện nay danh từ hysteria không còn phù hợp và không mang ý nghĩa khoa học, nên theo ICD – 10 (1992) đã đề nghị đổi tên thành rối loạn phân ly.

  • Rối loạn phân ly là biểu hiện sự mất hoà hợp một phần hay toàn phần giữa các triệu chứng và tổn thương thực thể, giữa sự kiểm soát có ý thức của bệnh nhân với các rối loạn vận động, cảm giác, giác quan. Các rối loạn này có thể thay đổi theo vị trí và thời gian.

Rối loạn phân ly có nguồn gốc “tâm sinh” kết hợp chặt chẽ với sang chấn tâm lý và căng thẳng thần kinh. Sự khởi đầu và kết thúc của trạng thái phân ly thường đột ngột. Các triệu chứng có thể thay đổi hay mất đi trong quá trình điều trị. Các trạng thái rối loạn phân ly cấp tính sau sang chấn tâm lý thường thuyên giảm nhanh; các trạng thái rối loạn phân ly mạn tính, đặc biệt là rối loạn vận động và cảm giác thuyên giảm chậm hơn vì thường kết hợp với những vấn đề tâm lý không giải quyết được. Đặc biệt trạng thái rối loạn phân ly đã kéo dài 1 – 2 năm thường khó điều trị.

  • Rối loạn phân ly thường gặp ở người trẻ, đặc biệt là nữ giới, ở những người có loại thần kinh “nghệ sĩ’ và có nhân cách dễ bị ám thị.

Lâm sàng các thể rối loạn phân ly

Sững sờ phân ly

Sau một chấn thương tâm lý, bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi bất động trong một thời gian dài; không có vận động chủ động và đáp ứng với các kích thích bên ngoài như ánh sáng, tiếng động…

Ngôn ngữ và vận động không có mục đích.

Không có rối loạn ý thức, rối loạn trương lực cơ và rối loạn phản xạ.

Hoạt động tim mạch, hô hấp bình thường.

Hai mắt bệnh nhân vẫn mở, nhắm nghiền hoặc chớp chớp.

Rối loạn phân ly vận động và cảm giác

Bệnh nhân bị “bại” hoặc “liệt” hoặc “mất cảm giác”, thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý. Thực tế bệnh nhân có biểu hiện trở ngại vận động cơ thể hoặc một chi thể hoặc nửa người.

Không có rối loạn phản xạ gân xương, trương lực cơ, phản xạ bệnh lý bó tháp, cơ vòng kiểu liệt trung ương hoặc ngoại vi.

Bệnh nhân dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, triệu chứng liệt thay đổi từng lúc phụ thuộc vào trạng thái tâm lý của bệnh nhân và tác động của thầy thuốc.

Trong lâm sàng hay gặp bại 2 chi dưới: bệnh nhân đi kéo lê 2 bàn chân như kéo gỗ, nhưng ít khi ngã.

Rối loạn hay gặp là kiểu mất cảm giác nhưng không phù hợp với chi phối cảm giác kiểu rễ, dây thần kinh hoặc đường dẫn truyền.

Thường gặp mất cảm giác ở tay hoặc chân có giới hạn rõ ràng như kẻ chỉ; vùng và giới hạn mất cảm giác thay đổi từng lúc, phụ thuộc vào sự ám thị của thầy thuốc và trạng thái cảm xúc của bệnh nhân.

Cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: CT, MRI, điện cơ, điện thần kinh để chẩn đoán phân biệt với tổn thương thực thể.

Co giật phân ly

Cơn co giật phân ly thường xảy ra như là có chuẩn bị trước, ít khi ngã gây chấn thương mạnh, trong cơn không mất ý thức hoàn toàn, bệnh nhân vẫn có thể hiểu được lời nói của mọi người xung quanh.

Cơn kéo dài từ vài phút đến vài giờ, càng đông người đến xem càng co đạp mạnh.

Cơn không rõ giai đoạn: cơn điển hình bệnh nhân ưỡn cong người thành hình cung, mặt đỏ, mắt lim dim, chân tay giẫy đạp lung tung, trong cơn không cắn vào lưỡi, da và niêm mạc không thâm tím, không tiểu ra quần; sau cơn bệnh nhân có thể mô tả lại sự việc xảy ra.

cần chẩn đoán phân biệt với cơn động kinh: xuất hiện đột ngột, mất ý thức, có 3 giai đoạn (co cứng, co giật, doãi mềm), sau cơn bệnh nhân thấy đau đầu và không nhớ sự việc xảy ra. Điện não sau cơn có sóng chậm, có phức bộ co giật.

Các thể rối loạn phân ly giác quan

Có thể gặp rối loạn phân ly các giác quan như: thị giác, thính giác, khứu giác.

Bệnh nhân thường biểu hiện giảm thị lực, nhìn mọi vật mờ như “trong đường hầm” nhưng bệnh nhân vẫn đi lại và duy trì hoạt động tốt.

Rối loạn phân ly thính giác và khứu giác: ít gặp hơn rối loạn phân ly thị giác, bệnh nhân mất thính giác và mất ngửi nhưng không có tổn thương dây thần kinh sọ não số VIII và dây thần kinh sọ não số I.

Cận lâm sàng

Các xét nghiệm máu, nước tiểu thường quy trong giới hạn bình thường.

Điện não, CT, MRI, điện cơ, điện thần kinh cũng trong giới hạn bình thường.

Điều trị rối loạn phân ly

Chủ yếu là tâm lý liệu pháp, các biện pháp tâm lý áp dụng tuỳ từng bệnh nhân, hoàn cảnh và điều kiện. Trước hết cố gắng giải quyết các yếu tố căng thẳng trong cuộc sống gia đình và xã hội; giúp cho bệnh nhân vượt qua những mất mát, tai nạn, rủi ro… đã gây ra.

  • Khôi phục lại thăng bằng quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ não như: thư dãn, thôi miên, dưỡng sinh, xem văn nghệ, tham quan, du lịch, tiếp xúc với các hoạt động lành mạnh của xã hội.
  • Giải thích cho bệnh nhân hiểu được bệnh của họ, bệnh có khả năng chữa được, tìm nguyên nhân chấn thương tâm lý để khắc phục.
  • Dùng các thuốc đông y và tây y như giảm đau, an thần, thuốc ngủ, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.
  • Cần chú ý động viên bệnh nhân ăn ụống, dùng thuốc nâng cao thể trạng như các loại vitamin và thuốc dinh dưỡng, tăng cường tuần hoàn máu não.

 

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây