TRỪ ĐÔNG TÊ NÓI:
“Phàm trị bệnh khí của vị (dạ dày) thực, nên dùng phép công, công đi thì bệnh dễ khỏi. Khí của vị hư mà dùng phép công thì bệnh không đi mà khí vị càng hư, ngược trở lại là không thể thông hành được sức thuốc nên bệnh vẫn như cũ vậy. Đó không phải là thuốc không trị bệnh mà chính cái khí của vị không đưa được lực thuốc vậy. Nếu công mạnh thì nguyên khí tổn thương mà bệnh càng nặng, nếu tiếp công nữa sẽ chết… Trị bệnh mà không xét tỳ vị hư thực thì không đủ tư cách làm thầy thuốc vậy”.
Qua câu nói trên ta thấy chữa bệnh dạ dày phải nhận rõ bệnh thuộc hư hay thực, hàn hay nhiệt (như Tây y trong dạng nhiệt có chia ra viêm cấp, mạn, loét, cháy bỏng v.v…).
TRƯƠNG CẢNH NHẠC (TRONG CẢNH NHẠC TOÀN THƯ) CÓ NÓI:
“Tỳ vị có bệnh thì nên chữa tỳ song tỳ là tạng thổ phân bổ đi các nơi cho nên trong 5 tạng đều có khí của tỳ, mà trong tỳ vị đều có khí của 5 tạng, nó có quan hệ tương hỗ tương thành, không thể chữa riêng ra được. Cho nên người khéo trị tỳ vị có thể điều hòa 5 tạng tức là đã chữa tỳ vị vậy. Có thể chữa tỳ vị làm cho vị mạnh ăn tăng tức sẽ yên 5 tạng vậy. Người đời nay chỉ biết Sâm linh, Chỉ truật, Mạch nha, Thần khúc, Hậu phác là thuốc tỳ vị, mà không biết phong, hàn, thấp, nhiệt đều có thể phạm đến tỳ, ăn uống thất thường làm lụng nhọc mệt đều có thể tổn thương tỳ vị
Ví dụ như:
- Tà phong mà thắng, nên làm cho tan thì các loại như Ma hoàng, Quế chi, Sài hồ, Can cát đều là thuốc đúng bệnh.
- Tà nhiệt mà thắng, nên dùng thuốc hàn lạnh thì Cầm, Liên, Tri, Bá, Chi tử, Thạch cao đều là thuốc đúng bệnh.
- Tà thấp mà thắng, nên làm cho táo (ráo khô) đi thì Xương truật, Bạch truật, Bán hạ, Trư linh đều chữa được cả.
- Ẩm thực (ăn uống) bị đình tích lại phải nên làm cho thông hành đi, các vị thuốc như Tam lăng, Nga truật, Đại hoàng, Mang tiêu đều đúng bệnh vậy.
- Trong người bị thương tổn vì quá nhọc mệt thì nên bổ, các vị Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Đỗ trọng đều là thuốc đúng bệnh. Tạng phù tuy chia ra 11 song cùng có âm dương cùng khí huyết ấy, như kinh thái âm thường nhiều huyết ít khí, kinh dương minh thường nhiều huyết nhiều khí, giả thử hai kinh tỳ vị này mà có máu ứ thì bài thừa khí, để đương tất thảy đều là thuốc chữa tỳ vị. Giả thử hai kinh tỳ vị mà bị huyết hư thì thang Tứ vật, Ngũ vật, Lý âm tiễn, Ngô phúc thang lại cũng là thuốc chữa tỳ vị. Lại như tà của 5 tạng đều thông với tỳ vị, nếu tà can phạm tỳ mà can tỳ đều thực thì chỉ bình khí can là xong. Nhưng nếu can mạnh tỳ yếu thì có thể bổ can mà cứu tỳ vậy. Tà tâm mà phạm tỳ. Tâm hỏa bốc thịnh chỉ làm mát hỏa là được rồi. Tâm hỏa mà không đủ thì bổ hỏa để sinh tỳ thì cũng được.
Tà phế mà phạm tỳ ấy, nếu khí của phế bị ủng tắc nên tiết phế để cứu tỳ khỏi trệ, khí phế không đủ thì phải bổ phế để phòng tỳ bị hư. Tà thận mà phạm tỳ thì tỳ hư sẽ bị thủy khắc ngược trở lại nên cứu tỳ là chủ yếu, nếu thận hư khó mà thực hiện được quyền mở đóng nên cần phải làm mạnh thận trước tiên. vị giữ chức thu nhận, tỳ chủ việc vận hóa, nếu có thể thu nạp mà không hóa thì cái điềm tỳ hư dễ thấy, nếu đã không thể thu nhận lại không thể vận hóa thì cái khí của tỳ vị đều quá thiếu thốn, tất nhiên phải cấp tốc dùng loại thuốc như Thang thập toàn đại bổ, Lục vị hồi dương. Còn sợ không kịp mà dùng Sơn tra, Hoàng cầm, Chỉ thực, Bạch truật thì càng làm cho tỳ vị bị đình đốn. Cho nên mỗi khi tỳ vị bị tổn thương thì thuốc gì làm cho tỳ vị không bị tổn thương đó là thuốc của tỳ vị rồi, cho nên cần phải xem kỹ bệnh tình ứng biến phù hợp mới được. Cho nên càng không thể chấp nhận một hai phương có sẵn, rằng phương công tà, rằng phương mạnh vị v.v… mà chữa được đâu.
Qua lời bàn của họ Trương thì thấy:
- Có thể điểu chỉnh âm dương khí huyết, tương khắc tương sinh của 5 tạng mà chữa được tỳ vị.
- Bất kỳ vị thuốc gì mà dùng đúng chức năng của nó đều là thuốc chữa tỳ vị.
- Cần phải biết rõ hư thực hàn nhiệt, tìm rõ nguyên nhân do phong, hàn, thử, thấp, do ăn uống, hay do thương tổn mệt nhọc v.v… rồi gia giảm với phương sẵn có, phù hợp chức năng Tỳ và Táo, vị và Thấp mới chữa được.
Xem tiếp:
Viêm dạ dày mạn tính – nguyên nhân, triệu chứng, điều trị theo đông y