Học thuyết y học phương đông về động kinh

Lý luận Đông y

Theo thuyết y học cổ truyền phương Đông, động kinh được mang tên gọi là “giản” hay “điên giản”.

Quan niệm

Theo Trương Cảnh Nhạc (Trung Quốc, 1960), động kinh cũng được biết đến rất sớm, vào thế kỷ XII – XIII có tứ đại gia: Lưu Hoàn Tố, Lý Đông Viên, Trương Tử Hòa, Chu Đan Khê đã nghiên cứu về động kinh.

Theo Hải Thượng Lãn Ông, động kinh là do hỏa uất, đờm nhiều, đờm lấp tâm khiếu gây nên. Sở dĩ như vậy là nguyên âm và nguyên dương tiên thiên và hậu thiên không đủ.

Tuệ Tĩnh cho rằng: do lo sợ quá, thần khí không tự chủ được (yếu tố tâm lý) hoặc trong lúc mang thai người mẹ bị kinh sợ, lúc sinh rồi con mang lấy tật ấy (bẩm sinh) nên sinh động kinh.

Các học giả Học viện Trung y Giang Tô (Trung Quốc) có quan niệm: động kinh là điên – đảo, tức cơ giật kích động, phát sinh bệnh là do thần chí thất thường, có thể di truyền hoặc do yếu tố kích thích căng thẳng hoặc do khí của các tạng tâm, can, tỳ, thận bị rối loạn dẫn đến âm dương mất thăng bằng, khí nghịch, đàm trở, hỏa động sinh phong.

Trong cuốn Trung y tân biên (Thượng Hải, 1990), Trịnh Thiết Đào cho rằng: động kinh là bê chứng, tức là giản (rối loạn tâm thần) và cuồng (múa may, đấm đá, phẫn nộ) do tà khí ẩn phục ở can kinh hoặc do di truyền.

Lâm sàng

– Tuệ Tĩnh đã mô tả cơn động kinh: bệnh nhân ngã nhào, mê man, múa may, cắn răng, sùi bọt mép, lưng uốn ván, xương sống cứng đờ, mắt trợn ngược, tay chân co quắp, có tiếng kêu như tiếng lục súc.

– Các tác giả lương y Trung Quốc cũng mô tả cơn động kinh tương tự như Tuệ Tĩnh, và có nhận xét thêm: quá trình phát bệnh động kinh phức tạp, không giống nhau, có thể có nguyên nhân tại não hoặc không. Bệnh nhân đột nhiên ngã mất ý thức, nói lảm nhảm, đầu gật về một bên, toàn thân cứng đờ hoặc giật, có khi cắn phải lưỡi, đại tiểu tiện không tự chủ. Thường co giật vài phút là ngừng rồi chuyển sang mềm nhũn, ngủ lơ mơ. Có thể co giật toàn thân hoặc nửa người. Bệnh có thể có chu kỳ hoặc liên tục, cần phân biệt giữa điên – đảo (động kinh) với ý – bệnh (rối loạn tâm thần).

Nói chung, đối chiếu với các thể động kinh theo phân loại của y học hiện đại thì các cơn đã được mô tả trên có những đặc điểm tương tự như cơn động kinh lớn, cơn động kinh cục bộ, cơn tâm thần – vận động, cơn động kinh liên tục.

Phân loại

Có nhiều cách phân loại: nhưng có hai kiểu phản loại thường được sử dụng trong lâm sàng y học phương Đông.

  • Phân loại theo hình thái lâm sàng

+ Thể phong đàm ủng trệ: là thể lúc đầu mới mắc thường thuộc thực do phong đàm ủng trệ, người bệnh có những cơn động kinh điển hình, mạch hoạt sác, chưa tổn thương nhiều đến tâm thận.

+ Thể tâm thận tỳ hư: là thể đã mắc động kinh lâu ngày, tái phát nhiều lần thành hư chứng, gây tổn thương nhiều đến tám thận, trí lực giảm sút, rêu lưỡi mỏng, mạch tế hoãn.

  • Phân loại theo ngũ tạng

+ Thể tâm giản: mặt đỏ, trừng mắt, thè lưỡi.

+ Thể can giản: mặt xanh, môi xanh, mắt trợn ngược.

+ Thể thận giản: mặt đen, sùi bọt dãi, hình thể như thây ma.

+ Thể phế giản: mặt xanh như xương khô, mắt trắng dã.

+ Thể tỳ giản: sắc mặt vàng úa, mắt mờ, bụng đầy chướng.

Lý luận Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận