Trang chủBệnh tim mạchBệnh hở van hai lá và phương pháp điều trị

Bệnh hở van hai lá và phương pháp điều trị

Hở van hai lá cũng giống như hẹp van hai lá, hầu hết đều do các thương tổn thấp màng trong tim gây ra. Trong trường hợp này, lỗ van hai lá có thể vẫn có kích thước bình thường hoặc có thể rộng ra đôi chút do cơ tim bị yếu.

Sau khi bị viêm màng trong tim cấp tính, các nắp van và các dây chằng nối van tim với các trụ cơ trong tâm thất bị sẹo làm co dúm lại. Khi tâm thất co bóp, các nắp van tim không đóng kín lại được và sinh ra bệnh hở van hai lá.

Trong hở van hai lá, khi tâm thất trái co bóp, máu không chảy hết vào động mạch chủ vì có một phần máu trào ngược lại tâm nhĩ trái qua lỗ van hai lá đóng không kín (bị hở). Áp lực trong tâm nhĩ trái tăng dần lên, trong khi đó, áp lực động mạch trong vòng đại tuần hoàn thấp hơn bình thường một chút vì khối lượng máu từ tâm thất trái chảy vào đây bị giảm xuống. Máu tràn ngập dần vào vòng tiểu tuần hoàn và làm cho áp lực trong vòng tiểu tuần hoàn tăng dần lên. Tâm thất trái phải làm việc tăng lên vì vừa phải đẩy máu vào động mạch chủ, vừa phải đẩy máu lên tâm nhĩ trái. Vì tâm nhĩ trái căn đầy máu nên số lượng máu trào vào tâm thất trái ở thì trương (thì tâm thất giãn nở) nhiều hơn

So với bình thường. Còn ở thì tâm thu thì tâm thất trái phải co bóp mạnh hơn để đẩy một khối lượng máu tương đối lớn ấy vào động mạch chủ. Do phải làm việc nhiều, thành của tâm thất trái dần dần dày ra (phì đại). Trong khi đó, do áp lực trong vòng tiểu tuần hoàn tăng lên, nên cũng làm cản trở công việc của tâm thất phải, thành tâm thất phải cũng dần dần dày ra. Áp lực trong tâm thất phải dần dần tăng lên, làm cho áp lực trong tâm nhĩ phải cũng tăng theo, và cuối cùng làm cho hệ thống tĩnh mạch của vòng đại tuần hoàn bị ứ đọng: gan to ra, phù nề, cổ trướng (thấm dịch vào ổ màng bụng), đôi khi tràn dịch cả vào ổ màng phổi.

Hệ thống tiểu tuần hoàn chứa căng đầy máu, làm cản trở cho sự trao đổi khí ỗ phổi, cuối cùng phát triển tình trạng suy tim ở nhiều giai đoạn và mức độ khác nhau.

Bệnh hở van hai lá thường gặp ở phụ nữ còn trẻ tuổi.

Những triệu chứng lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào mức độ hở van và tình trạng của cơ tim; ngoài ra, hiếm thấy hở van hai lá đơn thuần, mà thường thấy có phối hợp với kẹp lỗ van hai lá ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, các triệu chứng lâm sàng cũng có một số điểm giống trong bệnh cảnh của bệnh hẹp van hai lá. Trong trường hợp hở van hai lá đơn thuần ta thường có bệnh cảnh lâm sàng sau đây:

Ở giai đoạn đầu của bệnh, thường không thấy có các triệu chứng đặc biệt về tim. Sau đó, bệnh dần dần tiến triển và các triệu chứng lâm sàng cũng dần dần xuất hiện. Sự khác nhau giữa bệnh cảnh lâm sàng của hở van hai lá đơn thuần và hẹp van hai lá đơn thuần được xác định như sau: trong hở van hai lá, khó thở nhẹ hơn và thường xảy ra rất muộn; trên băng ghi điện tim (ECG), những biến đổi của làn sóng p thường không tương ứng với những biến đổi về kích thước của tâm nhĩ trái, khoảng cách P – Q thường dài ra. Thường không thấy dấu hiệu phì đại tâm thất phải đơn thuần. Các dấu hiệu tăng gánh nặng tâm thất trái thường xuất hiện muộn.

Trong bệnh hở van hai lá do các nắp van tim hư hỏng, ta nghe thấy một tiếng thổi tâm thu rõ ở mỏm tim. Trong trạng thái hở van hai lá cơ năng (các nắp van tim còn nguyên vẹn), ta cũng có thể nghe thấy một tiếng thổi tâm thu tương tự. Cũng cần phải nói thêm rằng, ở một số người thực tế khỏe mạnh, nhất là ở phụ nữ, cũng có thể nghe thấy một tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim mà ta thường cho là một tiếng thổi sinh lý. Nguyên nhân của sự phát sinh ra tiếng thổi này là: những cấu trúc đặc biệt bẩm sinh ở bên trong các buồng tim như các dây xơ, các trụ cơ, các nắp van tim, v.v… những di chứng của bệnh tim cũ để lại hay của bệnh viêm cơ tim đang tiến triển, một số trạng thái sinh lý và bệnh lý có kèm theo tim đập nhanh với tốc độ máu bị đẩy đi nhanh (làm việc gắng sức, sốt, thiếu máu, các rối loạn thần kinh – nội tiết).

Trên phim chụp X quang ngực: thấy hiện tượng ứ đọng máu tĩnh mạch ở phổi, tâm thất trái to hơn nhiều so với bệnh hẹp van hai lá. Khi cho bệnh nhân uống baryt, thấy thực quản bị chèn ép rõ, cả hai tâm thất đều lớn, nhưng tâm thất trái lớn hơn nhiều. Có một dấu hiệu đặc biệt là “giãn tâm nhĩ trái ỗ thì tâm thu” khi soi X quang tim. Trong một số giáo trình, người ta còn gọi dấu hiệu này là triệu chứng “đòn gánh”.

Trong trường hợp hẹp hở van hai lá khó chẩn đoán, có thể áp dụng phương pháp ghi âm thanh tim, làm siêu âm chẩn đoán, thông tim và chụp cản quang các buồng tim. Nhờ các phương pháp kể trên, ta có thể xác định được chẩn đoán hở van hai lá và các mức độ của nó. Trên cơ sở đó, ta có thể chỉ định mổ đúng và chọn phương pháp mổ xẻ thích hợp.

Chữa bệnh hở van hai lá bằng thuốc có thể có kết quả tốt khi tâm thất phải chưa bị yếu. Trong trường hợp đó, tim có thể làm việc bù trừ tốt một thời gian khá lâu. Tuy vậy, khi có tình trạng suy tim tiến triển, thể trạng của bệnh nhân càng ngày càng tồi đi, điều trị nội khoa không thấy kết quả hay kết quả ít, mổ xẻ là phương pháp duy nhất để cứu chữa cho người bệnh.

Cho tới nay, các nhà mổ xẻ đã đề ra nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh hở van hai lá. Một số phương pháp nhằm thu hẹp hai lá lại bằng cách khâu thu nhỏ toàn bộ vòng xơ của van hai lá (phương pháp Wooler) hay khâu hẹp hai mép van tim lại qua thành tâm nhĩ trái (phương pháp Côlestnicôv), hoặc thu nhỏ nửa vòng xơ của van hai lá (phương pháp Shumacôv). Người ta còn đề nghị một phương pháp khác: khâu đính một mảnh sụn sườn có bọc bên ngoài bằng một lớp màng ngoài tim vào bên trong buồng tâm thất trái, ngay dưới lỗ van hai lá. Khi tim giãn nở (thì tâm trương), mảnh sụn đó lánh về một bên cho máu ở tâm nhĩ trái chảy xuống tâm thất trái được dễ dàng; khi tim co bóp (thì tâm thu), mảnh sụn đó ép chặt vào van hai lá, nghĩa là thanh toán được bệnh hở van hai lá. Tuy vậy, kết quả của phương pháp này không được bền lâu vì mảnh sụn sớm bị biến đổi thứ phát.

Tất cả các phương pháp kể trên đều là những phương pháp phẫu thuật bảo tồn, và người ta chỉ áp dụng khí các nắp van hai lá còn mềm mại, chưa bị tổn thương xơ hóa hay vôi hóa nặng. Gần đây, người ta áp dụng một phương pháp bảo tồn các nắp van có hiệu lực hơn – đó là phương pháp củng cố vòng xơ của van hai lá bằng một vòng nhân tạo (annuloplastil). Vòng này được chế tạo bằng một loại kim khí không rỉ và không mang tính chất kích thích các tổ chức của cơ thể, vòng được bao bọc bên ngoài bởi một loại tơ hóa học đặc biệt. Do đó vòng mang tính chất nửa cứng. Vòng được khâu chồng lên trên vòng xơ của van hai lá. Nhờ đó chức năng khép van hai lá được phục hồi lại.

Trong tất cả các trường hợp có tổn thương nặng ở nắp van hai lá, đều phải tiến hành thay van hai lá bằng van tim nhân tạo trong điều kiện tuần hoàn ngoài cơ thể. Cuộc mổ xẻ được tiến hành như sau: Sau khi mở dọc xương ức hay mở lồng ngực bên phải, đặt các ống dẫn từ máy tim-phổi nhân tạo vào các tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới vào động mạch chủ, cho máy tim- phổi nhân tạo chạy. Mở tâm nhĩ trái, cắt bỏ van hai lá đã bị hỏng tới sát vòng xơ của van, đồng thời cắt bỏ tất cả các dây xơ và các trụ cơ, sau đó khâu lắp van nhân tạo vào vòng xơ của van hai lá bằng những mũi khâu rời.

Các van tim nhân tạo được nghiên cứu bắt đầu từ 1957. Năm 1958, Lillehei là người đầu tiên đã thành công trong việc thay van hai lá ở Mỹ. Năm 1960, Starr đã chế tạo ra loại van hai lá nhân tạo có viên bi ở trong, năm 1962, Shumakôv, Zaverev, Ivanôv đã chế tạo ra một loạt các loại van hai lá nhân tạo có cải tiến để dùng cho việc thay van hai lá. Nhược điểm của tất loại van nhân tạo kể trên là sau khi mổ thay van cần phải dùng thuốc chông đông máu (anticoagulants) cho bệnh nhân suốt đời. Để khắc phục nhược điểm kể trên của các van tim chế tạo bằng kim khí và tơ nhân tạo, hiện nay, người ta dùng loại van của súc vật (van Hancock, lấy từ van động mạch chủ của con heo) hay van chế tạo bằng màng ngoài tim của con bê (van của viện phẫu thuật tim – mạch Matxcơva mang tên Baculev), v.v… mà người ta gọi là van sinh vật nhân tạo (bioprothèse valvulaire). Dùng các loại van này, ta có thể giảm hoặc ngừng hẳn việc dùng thuốc chống đông máu từ tháng thứ hai – thứ ba sau khi mổ. Tỷ lệ tử vong sau khi mổ thay van hai lá bằng các van tim nhân tạo trong những năm gần đây giảm xuống tới 10 – 12% (theo nhiều tác giả khác nhau). Hiện nay, việc nghiên cứu các van tim nhân tạo vẫn đang tiếp tục và đang càng ngày càng cải tiến hơn. Người ta dự kiến sẽ sản xuất ra các loại van tim nhân tạo với thời gian sử dụng có thể kéo dài tới 50 năm mà không phải thay van khác. Người ta cũng nghiên cứu cách lắp van nhân tạo vào vòng xơ của van hai lá tự động, không cần phải khâu từng mũi rời.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây