Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh van tim

Chăm sóc người bệnh van tim

Chức năng của các van tim bình thường là duy trì dòng máu chảy từ các buồng nhĩ xuống các buồng thất, từ các buồng thất tới các mạch máu lớn.

Tổn thương các van tim có thể biểu hiện bằng hẹp van (ngăn cản dòng máu chảy) hoặc hở van (cho phép dòng máu phụt ngược lại).

Các bệnh van tim thường là hậu quả của thấp tim, gây tổn thương một hay nhiều van tim, hay gặp nhất ở van hai lá sau đó đến van động mạch chủ, van ba lá, van động mạch phổi.

Lúc đầu cơ tim còn khoẻ, bộ máy tuần hoàn vẫn có thể tự điều chỉnh một cách có hiệu quả dù van bị tổn thương, nhưng dần dần cơ tim suy yếu không còn tự điều chỉnh được nữa, bệnh nhân bị bệnh van tim sẽ trong tình trạng suy tim, dẫn đến suy tim không phục hồi nếu bệnh nhân không được điều trị phẫu thuật van tim.

MỘT SỐ BỆNH VAN TIM THƯỜNG GẶP

Hẹp van hai lá

Hẹp van hai lá là tổn thương hay gặp nhất của bệnh tim do thấp và được coi là một thương tổn điển hình của bệnh van tim do thấp. Bình thường diện tích mở van hai lá từ 4 – 6 cm2, gọi là hẹp van hai lá khi diện tích mở van hai lá chỉ còn dưới 2,5 cm2.

Triệu chứng

  • Lâm sàng

Bệnh nhân mệt ngày càng tăng.

Khó thở và ho ra máu khi gắng sức.

Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn.

Mạch yếu và thường không đều.

Nghe tim có thể thấy:

+ Rung tâm trương và T đanh ở mỏm.

+ T2 mạnh và tách đôi ở đáy.

+ Có thể có tiếng clắc mở van ở mỏm hoặc trong mỏm.

  • Cận lâm sàng

Sau khi thăm khám lâm sàng cần cho người bệnh làm thêm các thăm dò cận lâm sàng giúp cho việc khẳng định bệnh, mức độ tổn thương cũng như điều trị và chăm sóc người bệnh.

Các thăm dò cận lâm sàng thường được làm là: X quang tim phổi, ghi điện tâm đồ, siêu âm tim…

Biến chứng

Hẹp van hai lá gây ra biến chứng trong quá trình tiến triển của bệnh, có thể gặp những biến chứng sau:

  • Biến chứng ở tim:

Gây suy tim phải.

Rối loạn nhịp tim.

  • Biến chứng ở phổi:

Phù phổi mạn tính và cấp tính.

Viêm phổi tái diễn.

Nhồi máu phổi.

  • Biến chứng tắc mạch đại tuần hoàn:

Do cục máu đông hình thành từ nhĩ trái lọt vào đại tuần hoàn gây nên tắc mạch có thể ở nhiều nơi: mạch não, mạch chi, mạch mạc treo, mạch thận… Biến chứng này rất hay gặp ở bệnh nhân hẹp hai lá có rung nhĩ.

  • Biến chứng nhiễm khuẩn: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Điều trị

Với hẹp van hai lá, có ba biện pháp điều trị chính:

  • Kháng sinh để phòng thấp tái phát.
  • Điều trị suy tim nếu có bằng: ăn nhạt, hạn chế lao động thể lực, dùng thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim và thuốc giãn mạch.
  • Điều trị phẫu thuật tuỳ theo tổn thương van mà chỉ định:

+ Phẫu thuật tách van hai lá, nong van hai lá.

+ Thay van hai lá.

Hở van hai lá

Hở van hai lá là hiện tượng van hai lá đóng không kín. Trong thì tâm thu có một lượng máu phụt ngược từ thất trái trở về nhĩ trái.

Triệu chứng

  • Lâm sàng:

+ Hồi hộp, trống ngực.

+ Khó thở khi gắng sức.

+ Mạch nhanh, có thể đều nhưng cũng có thể không đều.

+ Nghe tim: ở mỏm tim có tiếng thổi tâm thu cường độ mạnh, lan ra nách trái và sau lưng.

  • Các thăm dò cận lâm sàng thường được làm là: X quang tim phổi, ghi điện tâm đồ, siêu âm tim.

Biến chứng

  • Suy tim trái.
  • Loạn nhịp hoàn toàn (do giãn nhĩ trái).
  • Hở hai lá nặng có thể gây phù phổi hoặc sốc tim.

Điều trị

  • Nếu có suy tim điều trị bằng: ăn nhạt, hạn chế lao động thể lực, thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu và thuốc giãn mạch.
  • Điều trị phẫu thuật: thay van hai lá.

Hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ là hiện tượng van động mạch chủ đóng không kín, trong thì tâm trương có một lượng máu phụt ngược từ động mạch chủ về thất trái.

Ngoài nguyên nhân chủ yếu do thấp tim, hở van động mạch chủ còn do một số nguyên nhân khác như:

  • Viêm van động mạch chủ do giang mai.
  • Vữa xơ động mạch chủ.
  • Phình tách động mạch chủ.
  • Bệnh bẩm sinh: động mạch chủ chỉ có hai lá van.

Triệu chứng

Lâm sàng có thể thấy những triệu chứng sau:

  • Cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực.
  • Động mạch cổ đập mạnh đôi khi làm đầu như gật gù theo.
  • Mạch quay nảy căng nhưng chìm nhanh.
  • Dấu hiệu lập loè móng tay.
  • Huyết áp tâm thu tăng, huyết áp tâm trương giảm có khi đến không vẫn thấy đập.
  • Có cơn đau thắt ngực.
  • Khó thở khi gắng sức.
  • Giai đoạn muộn hơn là các triệu chứng của suy tim trái: có cơn khó thở kịch phát về đêm, có khi biểu hiện như cơn hen tim hoặc phù phổi cấp.
  • Khám tim có thể thấy:

+ Nhìn: mỏm tim đập rất mạnh.

+ Sờ: tim đập dội vào lòng bàn tay.

+ Nghe: có tiếng thổi tâm trương ở ổ van động mạch chủ, thường lan dọc bờ trái xương ức.

  • Các thăm dò cận lâm sàng thường được làm là: X quang tim phổi, ghi điện tâm đồ, siêu âm tim…

Biến chứng

Hở van động mạch chủ thường diễn biến âm thầm trong một thời gian dài nhưng khi đã có suy tim, bệnh diễn biến xấu đi rất nhanh. Nếu không được điều trị phẫu thuật, bệnh nhân có thể tử vong vì:

  • Suy tim không hồi phục.
  • Phù phổi cấp.
  • Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn – một biến chứng rất nặng luôn đe doạ tính mạng của bệnh nhân hở van động mạch chủ.

Điều trị

  • Khi chưa có chỉ định điều trị phẫu thuật, chủ yếu là điều trị các triệu chứng và hạn chế các biến chứng.
  • Phẫu thuật thay van động mạch chủ là cách điều trị triệt để nhất.

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH VAN TIM

Tuỳ theo bệnh và tình trạng bệnh mà điều dưỡng có kế hoạch chăm sóc phù hợp cho mỗi người bệnh. Bài này chỉ đề cập một số vấn đề chăm sóc chung cho người bệnh mắc bệnh van tim.

Người bệnh van tim thường vào viện khi đã suy tim, chăm sóc người bệnh bị bệnh van tim lúc này chính là chăm sóc người bệnh suy tim.

Giáo dục sức khoẻ cho người bệnh van tim nhằm mục đích giúp người bệnh điều chỉnh lối sống cho phù hợp với bệnh tật của mình, biết cách ngăn ngừa tiến triển và các biến chứng của bệnh. Hai nội dung giáo dục sức khoẻ chủ yếu cho người bệnh van tim là:

Thay đổi lối sống cho phù hợp với tình trạng bệnh

  • Hạn chế lao động thể lực, chuyển đổi công tác nếu cần.
  • Hạn chế sinh đẻ nếu là phụ nữ, phụ nữ khi bị bệnh van tim chỉ nên có một con và nên có con sớm trong điều kiện được quản lý thai sản chặt chẽ.
  • Ăn hạn chế muối, không ăn quá no, không hút thuốc, không uống rượu, hạn chế các đồ uống có cafein.
  • Thường xuyên theo dõi bệnh tại một phòng khám tim mạch để kịp thời dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc hoặc kịp thời nhập viện để điều trị phẫu thuật.

Ngăn ngừa bệnh tiến triển và ngăn ngừa các biến chứng

  • Tiêm phòng thấp thường xuyên theo lịch của thầy thuốc thậm chí sau khi mổ tách van vẫn cần tiêm phòng thấp suốt đời. Việc tiêm phòng thấp giúp cho tổn thương van không nặng thêm và ngăn ngừa tổn thương thêm các van khác.
  • Khi có bất kỳ một biểu hiện nhiễm khuẩn dù là nhỏ như viêm nhiễm ngoài da đều phải dùng kháng sinh tích cực theo đơn của thầy thuốc để phòng ngừa biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, một biến chứng rất nặng và thường hay xảy ra trên bệnh nhân bị bệnh van tim.
  • Điều trị phẫu thuật khi cần thiết và trong khi chờ đợi phẫu thuật phải nghiêm túc thực hiện thuốc theo đơn của thầy thuốc để ngăn ngừa các biến cố làm hạn chế kết quả phẫu thuật.
  • Phải đến khám bệnh ngay khi có một trong các biểu hiện sau:

+ Khó thở khi gắng sức.

+ Ho kéo dài hoặc ho ra máu.

+ Sốt kéo dài.

+ Xuất hiện cơn đau thắt ngực.

+ Xuất hiện phù.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây