Thấp tim

Tên khác: viêm tim do bệnh thấp

Căn nguyên

Người ta biết rằng bệnh thấp khớp cấp (xem bệnh này) là một phản ứng viêm đối với nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Tim bị tác động được giải thích là do có phản ứng chéo giữa kháng nguyên ở vỏ của liên cầu khuẩn này và kháng nguyên của màng tế bào cơ tim.

Những kháng thể được sản xuất ra do tác động của kháng nguyên của liên cầu khuẩn sẽ đến cố định trên màng bào tương của các sợi cơ tim và gây tổn thương các sợi cơ tim.

Cũng có khả năng là những phức hợp miễn dịch hình thành do kháng nguyên của liên cầu khuẩn kết nối với kháng thể tương ứng khi cố định bổ thể sẽ gây ra những tổn thương ở các mô của tim.

Người ta còn chưa nhất trí về ý kiến cho rằng những người mang kháng nguyên KLA-B5 có nguy cơ bị mắc bệnh thấp khớp cấp cao hơn so với những người khác.

Tỷ lệ bệnh

Tỷ lệ mắc bệnh tim do biến chứng của bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em cao hơn so với người lớn, và khi bị biến chứng này thì bệnh tim ở trẻ em cũng nặng hơn. Đa số trường hợp bệnh xảy ra trong những tuần đầu tiên của bệnh thấp khớp cấp, nhưng có thể nhiều tháng sau khi bị thấp khớp cấp mới nghe thấy tiếng thổi tâm thu ở tim, thậm chí hàng năm sau. Trong một số trường hợp, thấp khớp cấp bị bỏ qua không nhận thấy và tật van tim tồn tại không rõ nguyên nhân.

Giải phẫu bệnh

Trong quá trình cơn bệnh thấp khớp cấp, tất cả những cấu trúc của tim đều có thể bị tác động, nhất là:

  • Viêm nội tâm mạc (viêm màng trong tim): van hai lá là bộ phận hay bị tác động nhất (75% số trường hợp : hở van, hẹp van, hẹp + hở), tiếp theo là van động mạch chủ (12% số trường hợp: chủ yếu là hở van), và hiếm hơn nữa là van ba lá (5% số trường hợp).
  • Viêm cơ tim: viêm cơ tim do thấp khớp cấp có thể dẫn tới giãn các buồng tim, và tác động tới các mô đặc biệt (gọi chung là mô nút tức là các sợi cơ tim có chức năng dẫn truyền xung điện trong tim) gây ra những rối loạn dẫn truyền.
  • Viêm ngoại tâm mạc (viêm màng ngoài tim) cấp tính: xem bệnh này.

Về chi tiết, xem: bệnh thấp khớp cấp.

Triệu chứng

Nhịp tim nhanh: không liên quan tới thân nhiệt do sốt nhẹ.

Tiếng thổi ở tim:

+ Hở van hai lá: không phải bao giờ cũng nghe thấy tiếng thổi toàn tâm thu ở mỏm tim như mô tả kinh điển, nhưng thường là tiếng ngựa phi đầu thì tâm trương, tiếp theo là tiếng rung giữa thì tâm trương hoặc còn gọi là tiếng thổi Carey-Coombs, một dấu hiệu của hở van hai lá cấp tính. Tuy nhiên, nói chung tiếng thổi này lại mất đi trong thời kỳ lại sức.

+ Hở van động mạch chủ: tiếng thổi tâm trương do hở van động mạch chủ, một khi đã xuất hiện, thì nói chung không mất đi trong thời kỳ lại sức.

Đau vùng trước tim và tiếng cọ ngoại tâm mạc: là những dấu hiệu viêm ngoại tâm mạc, gặp trong khoảng 5-10% số trường hợp thấp khớp cấp. Tràn dịch màng ngoài tim có thể có thể tích khá lớn, nhưng hiếm khi tới mức gây ra chứng ép tim.

X quang lồng ngực: bóng mờ tim trên phim X quang to ra, và phải được theo dõi định kỳ để đánh giá diễn biến của viêm cơ tim. Suy tim rõ ràng, với ứ trệ ở phổi hiếm xảy ra, nhưng là một dấu hiệu có tiên lượng xấu.

Điện tâm đồ: trong trường hợp viêm cơ tim, thì khoảng P-R hay kéo dài ra (hơn 0,20 giây hoặc P-R cao hơn 0,04 giây so với giá trị bình thường của bệnh nhân). Dấu hiệu này không có giá trị tiên lượng. Trong trường họp viêm cơ tim do bệnh thấp, tương đối hiếm gặp những hiện tượng: bloc nhĩ-thất hoàn toàn, bloc nhánh, loạn nhịp (nhất là rung nhĩ). Người ta cũng thấy những biến đổi không đặc biệt về hình thể của sóng p, và sóng T. Đoạn S-T chênh lên thấy trong trường hợp viêm ngoại tâm mạc.

Siêu âm tim: cho phép phát hiện tràn dịch màng ngoài tim, đánh giá mức độ giãn của các buồng tim, và phân tích hoạt động của van hai lá.

Tiên lượng

Bệnh thấp tim kéo dài từ vài tuần tới vài tháng ở trẻ em, hoặc trong vòng vài tuần ở người lớn. Khoảng 30% trẻ em mắc bệnh này có những dấu hiệu van tim bị tác động (van hai lá hay bị tác động hơn so với van động mạch chủ) vào cuôl đợt thấp khớp cấp đầu tiên, nhưng vào khoảng 10 năm sau nữa thì ở 60% số trẻ em này phát hiện thấy di chứng van tim. Khi bệnh thấp khớp cấp xảy ra ở người trên 20 tuổi, thì những di chứng van tim muộn không vượt quá 20%. 30% trong số các trẻ em có những dấu hiệu hở van ở đợt thấp khớp cấp đầu tiên với biến chứng viêm cơ tim không sống thêm được quá 10 năm.

Phòng bệnh

Phòng bệnh thấp khớp cấp (xem bệnh này).

Điều trị

Điều trị bệnh thấp khớp cấp (xem bệnh này). Khi tim bị bệnh thấp khớp cấp tác động thì phải thận trọng hơn, nhất là phải để bệnh nhân nghỉ tại giường.

Ngoài ra phải thực hiện những biện pháp sau đây:

Corticoid: người ta cho rằng corticoid có hiệu quả hơn dẫn xuất của acid acetylsalicylic. Tác dụng chống viêm của corticoid nhanh hơn và mạnh hơn. Tuy nhiên corticoid cũng không bảo vệ bệnh nhân khỏi những di chứng van tim, mặc dù được cho dùng sớm. Có thể cho một loại corticoid uống trong vòng 2-3 tuần lễ, rồi giảm dần liều lượng tuỳ theo diễn biến lâm sàng (nhịp tim nhanh, sốt), tuỳ theo xét nghiệm X quang (kích thước bóng mờ của tim), điện tâm đồ (điện tâm đồ trở lại bình thường hoặc ổn định), và tuỳ theo tốc độ máu lắng.

Nói chung điều trị bằng corticoid có thể kéo dài từ 6-8 tuần. Để tránh hiện tượng tái phát (tiếng Anh: rebound) sau khi ngừng liệu pháp corticoid, người ta khuyên nên tiếp tục bằng dẫn xuất của acid acetylsalicylic thêm trong 2-3 tuần như một biện pháp thay thế cho corticoid.

Suy tim: đáp ứng tốt nhất với liều mạnh corticoid, phối hợp với chế độ ăn nhạt (không muối) và thuốc lợi tiểu. Hiệu quả của digital còn đang là vấn đề tranh cãi, và phải cho một cách rất thận trọng, dưới sự giám sát thường xuyên xem có loạn nhịp xảy ra hay không.

Viêm ngoại tâm mạc (viêm màng ngoài tim):  điều trị bằng corticoid và tuỳ tình hình phối hợp với dẫn xuất của acid acetylsalicylic. Hiếm trường hợp cần phải chọc ổ màng ngoài tim vì chứng ép tim.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây