Trang chủBệnh thần kinhQuy trình kỹ thuật chụp đĩa thắt lưng theo đường bên

Quy trình kỹ thuật chụp đĩa thắt lưng theo đường bên

Chụp đĩa đệm (discography) là phương pháp đưa thuốc cản quang trung tính vào nhân nhầy đĩa đệm đã được nhà nghiên cứu X quang Thụy Điển (Lindblom) trình bày lần đầu tiên vào năm 1948. Đây là một kỹ thuật dùng cho chẩn đoán thoát vị đĩa đệm dựa vào hình ảnh trực tiếp về vị trí nhân nhầy của đĩa đệm. Chụp đĩa đệm cũng còn là kỹ thuật bắt buộc trước khi tiến hành các phương pháp can thiệp vào đĩa đệm qua da với mục đích điều trị thoát vị.

Ngày nay, phương pháp chụp đĩa đệm vẫn đang được sử dụng như một công cụ chẩn đoán và nghiên cứu tại các cơ sở chuyên khoa ở trong và ngoài nước cũng như trong suốt hơn 2 thập niên qua.

Mục đích

Đưa thuốc cản quang vào nhân nhầy đĩa đệm để chụp X quang, giúp chẩn đoán trực tiếp các tổn thương bệnh lý đĩa đệm, các bất thường, dị dạng đĩa đệm.

Chỉ định

Chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý đĩa đệm khác như thoái hoá đĩa đệm, dị dạng…

Chẩn đoán thể và xác định mức độ thoát vị đĩa đệm.

Xác định tình trạng đĩa đệm trước khi dùng phương pháp tiêm thuốc tiêu nhân điều trị thoát vị đĩa đệm.

Đây là bước thủ thuật bắt buộc với các kỹ thuật can thiệp vào đĩa đệm qua da.

Chống chỉ định

Giai đoạn cấp tính của tổn thương đĩa đệm (chấn thương, viêm).

Bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.

Bệnh toàn thân, nội tạng nặng.

Nhiễm khuẩn da vùng thắt lưng.

Dị ứng với thuốc gây tê hoặc thuốc cản quang.

Kỹ thuật

Chuẩn bị bệnh nhân

Bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm thường quy: công thức máu, máu đông – máu chảy, X quang tim phổi, điện tim.

Thử phản ứng thuốc: novocain, thuốc cản quang định dùng.

Chụp một phim nghiêng đoạn CSTL.

Bệnh nhân được giải thích về việc cần làm thủ thuật.

Chuẩn bị dụng cụ

Săng có lỗ, bông, gạc, cồn iod, cồn trắng, bơm tiêm, khay vô trùng và hữu trùng.

Kim chọc đĩa đệm dài 10 – 12cm, đường kính 1mm và có thước dẫn kim.

Một số thuốc cấp cứu: adrenalin, atropin, pipolphen, promedon, seduxen.

Tiến hành kỹ thuật

Tư thế bệnh nhân: nằm nghiêng 90 độ trên bàn X quang, đệm một gối mỏng ờ mạng sườn bên dưới.

Xác định vị trí, góc độ, chiều sâu của đường chọc đĩa đệm. Điểm chọc kim tương ứng ờ khe liên đốt L3 – L4; L4 – L5, cách đường giữa khoảng 4 khoát ngón tay.

Sát trùng vị trí chọc bằng 1 lần iod và 2 lần cồn trắng.

Gây tê điểm chọc kim và đường chọc bằng dung dịch novocain 1%, 10ml.

Chọc kim tạo với mặt phẳng lưng một góc 45 độ, tới độ sâu vào nhân nhầy đĩa đệm và kiểm tra trên màn hình tăng sáng.

Luồn kim theo hướng chọc, thoe dõi trên màn hình tăng sáng, vừa đưạ kim vừa hỏi bệnh nhân xem kim có chạm vào rễ thần kinh không. Điều chỉnh cho đầu kim nằm đúng trung tâm nhân nhầy.

Sau khi đã vào khoang đĩa đệm cần kiểm tra 2 tư thế thẳng, nghiêng đảm bảo đầu kim đã nằm ở trung tâm đĩa đệm.

Bơm vào mỗi đĩa đệm 1,5ml chất cản quang tan trong nước (dimerX, conray).

Chụp phim nghiêng rồi rút kim, băng vô trùng; sau đó chụp phim thẳng.

Đưa bệnh nhân về gưỡng, nằm bất động trong 24 giờ. Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp trong 3 ngày sau thủ thuật.

Chụp đĩa đệm
Các tai biến cần phòng tránh

– Dị ứng với thuốc novocain hoặc thuốc cản quang.

Nhiễm khuẩn đĩa đệm hoặc đường chọc kim.

Chọc kim vào các mạch máu lớn.

Gẫy kim trong đĩa đệm.

Đánh giá kết quả

Đĩa đệm bình thường: đĩa đệm có hình bầu dục hoặc hai nửa hình bầu dục song song với nhau. Ranh giới giữa nhân nhầy và vòng sợi đều đặn, rõ nét. Không có sự lan toả của chất cản quang ra các hướng.

Thay đổi hình dạng nhân nhầy, thay đổi về vị trí của nhân nhầy, thoát vị nhân nhầy về các hướng, vỡ nhân nhầy thành 2 hay nhiều mảnh.

Thay đổi của vòng sợi: vết nứt, rách theo hình tia, hình nan hoa hoặc vết rách đồng tâm.

+ Các biến đổi bất thường khác như tăng sinh mạch máu trong đĩa đệm.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây