Đau thắt lưng

Bệnh xương khớp

Đau thắt lưng theo y học hiện đại

1. Định nghĩa

Đau thắt lưng (L) là hiện tượng đau cấp tính hoặc mạn tính ở vùng từ ngang đốt sống L1 đến ngang đĩa đệm L5 – S1 (bao gồm cột sống thắt lưng và các tổ chức xung quanh) do nhiều nguyên nhân (bệnh lý đĩa đệm, cột sống, thần kinh, nội tạng…) .

2.Đặc điểm giải phẫu vùng thắt lưng

2.1. Cột sống thắt lưng

Đoạn thắt lưng gồm 5 đốt sống, 4 đĩa đệm và 2 đĩa đệm chuyển đoạn đây là nơi chịu tải 80% trọng lượng cơ thể, và có tầm hoạt động rộng theo mọi hướng. Để bảo đảm chức năng nâng đỡ,giữ cho cơ thể ở tư thế đứng thẳng,cột sống thắt lưng hơi cong về phía trước với các góc:

–        Góc cùng: tạo bởi đường thẳng ngang và đường thẳng chạy qua mặt trên = 30 độ.

–        Góc thắt lưng cùng: tạo bởi trục L5 và S1: 140 độ

–        Góc nghiêng xương chậu: tạo bởi đường thẳng ngang với đường thẳng nối giữa ụ nhô với bờ trên xương mu ,

2.2. Cấu tạo đốt sống thắt lưng

Cấu tạo bởi hai phần chính: thân đốt ở phía trước và cung đốt ở phía sau.

–        Thân đốt: là phần lớn nhất của đốt sống, có hình trụ dẹt. Chiều rộng lớn hơn chiều cao và chiều dày. Mặt trên và mặt dưới là mâm sụn.

–        Cung đốt sống: có hình móng ngựa,liên quan hai bên là mỏm khớp liên cuống, mỏm khớp chia cung sống thành hai phần: phía trước là cuống sống, phía sau là lá cung, gai sau gắn vào cung sống ở đường giữa sau, hai mỏm ngang ở hai bên gắn vào cung sống ở gần mỏm khớp, giữa thân đốt sống với cung sống là ống tuỷ. Riêng L5 thân đốt ở phía trước cao hơn ở phía sau để tạo độ ưỡn thắt lưng.

–        Mỏm ngang: có hai mỏm ngang chạy từ cung đốt sống ra ngoài.

–        Gai sống: có một gai dính vào cung đốt sống.

–        Lỗ đốt sống nằm ở giữa, thân đốt sống nằm ở trước và cung đốt sống nằm ở sau tạo nên ống sống trong đó có tuỷ sống.

2.3. Cơ – dây chằng

* Cơ vận động cột sống:

Gồm hai nhóm chính: Nhóm cơ cạnh cột sống và nhóm cơ thành bụng:

– Nhóm cơ cạnh cột sống: chạy từ cổ đến xương cùng, có đặc điểm càng nằm sâu thì càng ngắn, nhóm cơ này gồm có cơ cùng thắt lưng (cơ chậu sườn), cơ lưng dài và cơ ngang gai, ba cơ này hợp thành khối cơ chung nằm ở rãnh sống cùng và rãnh thắt lưng. Tác dụng làm duỗi cột sống, đồng thời có thể phối hợp với nghiêng, xoay cột sống.

– Nhóm cơ thành bụng: gồm có

+ Cơ thẳng: Nằm ở phía trước thành bụng, có hai bó cơ thẳng nằm ở hai bên đường giữa. Vì nằm phía trước trục cột sống, nên cơ thẳng bụng là cơ gập thân người rất mạnh.

+ Nhóm cơ chéo: Có hai cơ chéo (cơ chéo trong,cơ chéo ngoài).Các cơ chéo có chức năng xoay thân người, khi xoay sang bên trái cần cơ chéo ngoài phải và cơ chéo trong trái hoạt động và ngược lại.

* Dây chằng cột sống:

Các dây chằng giúp cho cột sống vững vàng đồng thời hạn chế những vận động quá mức của cột sống. Dây chằng dọc trước và dây chằng dọc sau là hai dây chằng dài nhất, đều bắt đầu từ xương chẩm chạy tới xương cùng.

– Dây chằng dọc trước, phủ mặt trước cột sống, bám vào thân đốt và đĩa đệm.

– Dây chằng dọc sau, phủ mặt sau các thân đốt, bám vào đĩa đệm, không bám vào mặt sau thân đốt, bám vào thân đĩa đệm nhưng không phủ kín phần sau bên của phần tự do.

– Dây chằng vàng dầy và khỏe phủ mặt sau của ống sống.

– Các dây chằng liên gai, dây chằng liên mỏm gai, dây chằng trên gai nối các gai sống với nhau. Ngoài những dây chằng, trên đốt L4-L5 còn được nối với xuơng chậu bởi những dây chằng thắt lưng chậu, những dây chằng này đều bám vào đỉnh mỏm ngang L4, L5 và bám vào tận mào chậu ở phía truớc và phía sau. Dây chằng thắt lưng chậu căng dón giúp hạn chế sự di động quá mức của hai đốt sống thắt lưng L4, L5.

2.4. Lỗ liên đốt, sự phân bố thần kinh cột sống

* Lỗ liên đốt sống:

Rễ thần kinh thoát ra khỏi ống sống qua lỗ liên đốt, lỗ này được giới hạn ở phía trước là bờ sau bên của đĩa đệm, ở phía trên và phía dưới là cuống sống của hai đốt kế cận nhau, ở phía sau là mỏm khớp là khớp liên cuống, phủ phía trước khớp liên cuống là bao khớp và phần bên của dây chằng vàng.

* Phân bố thần kinh cột sống:

Từ phía trong rễ thần kinh chọc thủng màng cứng đi ra ngoài tới hạch giao cảm cạnh sống tách ra hai nhánh:

– Nhánh trước: phân bố cho vùng trước cơ thể.

– Nhánh sau: phân bố cho da, cho cơ vùng lưng cùng bao khớp và diện ngoài của khớp liên cuống.

– Nhánh màng tủy: đi từ hạch giao cảm, chui qua lỗ liên đốt vào ống sống, chi phối cho các thành phần bên trong bao gồm khớp liên cuống, dây chằng dọc sau, bao tủy. Do có sự liên quan về giải phẫu nên bất cứ sự thay đổi nào của những thành phần liên quan ở lỗ liên đốt cũng sẽ kích thich rễ thần kinh gây ra đau đớn.

3. Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống, còn được gọi là hư xương sụn đốt sống (osteochondrosis). Hư xương sụn đốt sống bao gồm cả thoái hóa đĩa đệm và thoái hóa đốt sống .

3.1. Thoái hóa đĩa đệm

Quá trình thoái hóa đĩa đệm diễn biến theo 5 giai đoạn:

1- Vòng sợi ở phía sau bị yếu, lồi ra phía sau ở một điểm do nhân nhầy ấn lõm vào, quá trình này có sự rách đồng tâm trong vòng sợi, tuy nhiên đĩa đệm vẫn còn giữ được chức năng sinh- cơ học và chưa có biểu hiện lâm sàng.

2- Có sự rách các sợi Collagen của vòng sợi ở khu vực bờ viền giữa nhân nhầy và bản sụn và lấn tới dần dần hướng ra phía ngoài, áp lực nội đĩa đệm giảm làm cho các đốt sống tiến gần nhau hơn. Có thể gặp trường hợp Đau thắt lưng cấp khi có tác động cơ học gây chuyển dịch khối lượng đĩa đệm

3- Vòng sợi bị rách cả ở phần ngoại vi của đĩa đệm, đường rách ở một số điểm đã đi hết cả chiều dày vòng sợi. Giới hạn giữa nhân nhầy và lớp trong của vòng sợi biến dạng, lồi lõm, có sự xâm nhập của các tổ chức liên kết, dẫn tới hình thành các tổ chức sợi hạt đĩa đệm. Trên lâm sàng thường gặp Đau thắt lưng cấp nếu rễ thần kinh bị kích thích hoặc bị chèn ép do lồi, thoát vị đĩa đệm kèm theo, co thể bị đau thắt lưng hông.

4- Lớp ngoài và lớp trong của vòng sợi đều bị biến dạng lồi lõm, chiều dày của vòng sợi bị giảm mỏng ở vài chỗ. Có rách vũng sợi ở nhiều phía, trên lâm sàng biểu hiện Đau thắt lưng mạn tính xen lẫn các đợt đau cấp tính.

5- Lớp ngoài và lớp trong của vòng sợi biến dạng thành hình đa giác, chiều dày vòng sợi bị phá vỡ, rách nặng ở nhiều phía, vòng sợi rất mỏng ở toàn bộ chu vi. Trên lâm sàng biểu hiện Đau thắt lưng mạn hay tái phát.

* Thoái hóa đốt sống:

Hậu quả tiếp sau thoái hóa đĩa đệm là các sợi đàn hồi của vòng sợi giảm và được thay thế bởi các tổ chức xơ, dẫn tới sự giảm linh động giữa hai đốt sống. Áp lực nội đĩa đệm giảm, các đốt sống gần nhau hơn, khả năng chống rung sóc giảm, bao sợi và các dây chằng của nó trở nên chùng lỏng. Chỗ dây chằng bám vào màng xương đốt sống bị yếu và rễ ràng bị bong khỏi điểm bám do bất kỳ một lực nào tác động hoặc do khối lượng đĩa đệm mất tính đàn hồi đẩy ra. Các chất thoát ra ngoài tiếp tục làm giảm số lượng mô đĩa đệm, các đốt sống tiến lại gần nhau hơn, các dây chằng căng trung ương lỏng lẻo càng rễ bóc tách… tạo ra một vòng bệnh lý luẩn quẩn, Các chất bị bong trở thành dị vật và gây nên phản ứng kích thích, những kích thích này có thể gây nên xơ hóa kéo theo can xi hóa dẫn tới viêm khớp thoái hóa, viêm khớp, phì đại .

4. Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của đau thắt lưng

4.1. Triệu chứng lâm sàng

Hội chứng cột sống:

* Đau:

–        Khởi phát đột ngột sau chấn thương, vận động quá mức của cột sống thắt lưng (cúi bê vật nặng, kiêng hoặc vác nặng quá mức, bước hụt, ngó, các tư thế sai lệnh của cột sống …) người bệnh thấy tiếng “ khục” hoặc đau nhói dữ dội ở thắt lưng, làm mất ngay khả năng lao động tạm thời hoặc vài giờ, là biểu hiện đau cấp tính của đĩa đệm và khớp đốt sống.

–        Khởi phát từ từ,đau mạn tính tái phát nhiều lần, lần sau đau tăng lên kéo dài mà không thấy biểu hiện thoái lui, là đau của thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống kết hợp với lồi hoặc thoát vị đĩa đệm.

–        Đau dữ dội buộc bệnh nhân phải nằm yên, không dám cử động vì đau do sự chèn ép của đĩa đệm và khớp đốt sống bị “khóa cứng”.

–        Đau nửa đêm về sáng, thay đổi thời tiết đau tăng là đau của thoái hóa, chỉ đau về chiều tối là đau của lồi hoặc thoát vị đĩa đệm.

–        Đau cả ngày lẫn đem mà các biện pháp giảm đau thông thường không có tác dụng là đau của nhiều bệnh kết hợp.

* Các dấu hiệu thực thể của hội chứng cột sống:

  1. Điểm đau cột sống. Ấn hoặc gừ trên các mỏm gai đốt sống bệnh nhân phát hiện được điểm đau. Trường hợp tổn thương rễ thần kinh thường có điểm đau ở cột sống tương ứng.
  2. Điểm đau cạnh sống. (cách đường liên mỏm gai khoảng 2cm).
  3. Co cứng cạnh cột sống thắt lưng. Quan sát bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng hoặc nghiêng, thấy rõ cơ bên nào bị co cứng sẽ nổi vồng lên. Khi sờ nắn, ấn tay thấy khối cơ căng, chắc.
  4. Các biến dạng cột sống. Bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng, ta nhìn vùng thắt lưng theo hướng nghiêng, có thể nhận thấy đánh giá độ ưỡn, gù, vẹo của cột sống
  5. Tầm hoạt động của cột sống thắt lưng. Yêu cầu bệnh nhân cúi ngửa nghiêng phải, nghiêng trái, xoay và quan sát thấy tầm hoạt động bị hạn chế.

– Đo độ giãn cột sống thắt lưng (NP Schober), ở tuổi vị thành niên bình thường khoảng cách này giãn thêm khoảng 4-5 cm, chỉ số Schober bình thường từ 14/10 cm đến 15/10 cm .

– Độ ưỡn cột sống. Bình thường góc nghiêng, góc xoay, góc ngửa khoảng 30o. Nếu góc độ nhỏ hơn 10o bệnh lý .

4.2. Cận lâm sàng, X-quang

Có 3 dấu hiệu cơ bản:

–        Hẹp khe khớp: hẹp không đồng đều, bờ không đều, biểu hiện bằng chiều cao của đĩa đệm giảm, hẹp nhưng không dính khớp.

–        Đặc xương: mâm sụn có hình đặc xương.

–        Gai xương ở rìa ngoài của thân đốt, gai xương có thể tạo thành những cầu xuơng, khớp tân tạo. Đặc biệt những gai xuơng ở gần lỗ gian đốt sống dễ chèn ép vào rễ thần kinh.

5. Phân loại đau thắt lưng

Đau thắt lưng là hội chứng của nhiều bệnh, thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, vì vậy việc phân loại còn chưa thống nhất, có cách phân loại dựa theo thời gian đau, có cách phân loại dựa theo nguyên nhân, có cách phân loại dựa vào đặc điểm lâm sàng, Cách phân loại theo phương pháp Mooney hiện nay thường được sử dụng.

* Phân loại theo Mooney:

Bảng 1.1. Phân loại đau thắt lưng theo phương pháp Mooney

1 Cấp tính 1.1 Đau thắt lưng dưới 7 ngày, không lan
1.2 Đau thắt lưng dưới 7 ngày, lan xuống đùi
1.3 Đau thắt lưng dưới 7 ngày, lan xuống chân
2 Bán cấp 2.1 Đau thắt lưng từ 7 ngày – 3 tháng, không lan
2.2 Đau thắt lưng từ 7 ngày – 3 tháng, lan xuống đùi
2.3 Đau thắt lưng từ 7 ngày – 3 tháng, lan xuống chân
3 Mạn tính 3.1 Đau thắt lưng trên 3 tháng, không lan
3.2 Đau thắt lưng trên 3 tháng, lan xuống đùi
3.3 Đau thắt lưng trên 3 tháng, lan xuống chân

6. Điều trị

6.1. Nguyên tắc chung

  1. Nằm bất động khi đau nhiều.
  2. Dùng thuốc giảm đau.
  3. Dùng thuốc giãn cơ khi có co cơ.
  4. Kết hợp điều trị vật lý, châm cứu, bấm huyệt.
  5. Sử dụng một số biện pháp đặc biệt khi cần: phong bế ngoài màng cứng, phong bế hốc xương cùng, tiêm vào đĩa đệm…
  6. Điều trị nguyên nhân.
  7. Phẫu thuật một số trường hợp nếu có chỉ định.

6.2. Điều trị nội khoa

– Thuốc chống viêm giảm đau: chủ yếu là các thuốc chống viêm giảm đau không steroid.

– Thuốc giãn cơ an thần.

– Vitamin nhóm B liều cao có tác dụng giảm đau chống viêm, chống thoái hóa thần kinh

6.3. Phẫu thuật

Được chỉ định trong các trường hợp:

–        Một số trường hợp thoát vị đĩa đệm.

–        Các bệnh gây di lệch chèn ép vào tủy, đuôi ngựa (lao, viêm mủ, u, chấn thương…).

–        Phẫu thuật làm cứng, cố định cột sống khi có nguy cơ lún đốt sống, gù vẹo nhiều….

Đau thắt lưng theo y học cổ truyền

1. Bệnh danh

Đau thắt lưng trong Đông y gọi là chứng yêu thống đã được người xưa mô tả rất rõ trong các y văn cổ. Đông y cho rằng thắt lưng là phủ của thận, thận chủ tiên thiên có năng lực làm cho cơ thể cường tráng, thận hư sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi trước tiên là vùng thắt lưng cho nên Đau thắt lưng có quan hệ mật thiết với tạng thận

2. Nguyên nhân

– Do ngoại nhân: Thường do phong hàn, phong thấp, phong nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm lấn vào các kinh túc thái dương bàng quang, hoặc do kinh khí của hai kinh trên bị bế tắc, khí huyết không lưu thông (chứng tý = bế tắc khụng thụng).Thụng thì bất thống, thống tắc bất thụng.Bệnh lâu ngày sẽ làm hư tổn đến chính khí .

– Do nội nhân: Do chính khí cơ thể bị hư, rối loạn chức năng của các tạng phủ nhất là hai tạng can và thận. Can tàng huyết, can chủ cân có liên quan đến phủ đởm, can hư không tàng được huyết, không nuôi dưỡng được cân làm huyết kém, cân yếu mỏi hoặc co rút. Thận chủ cốt tủy, thận hư xương cốt yếu.

– Do bất nội ngoại nhân: Do lao động quá sức như bê vác nặng, hoặc do bị sang chấn (bị ngã, bị đánh…) làm khí huyết ứ trệ gây nên đau, hạn chế vận động .

3. Triệu chứng lâm sàng (thể phong hàn thấp – thoái hóa cột sống, cùng hóa L5, thắt lưng hóa S1, gai đôi L5-S1).

– Sau khi nhiễm phải phong hàn thấp người bệnh thấy đau vùng thắt lưng, đau tăng khi trời lạnh và ẩm thấp, chườm nóng dễ chịu, chân tay lạnh ẩm, toàn thân có thể sợ lạnh, thích ăn đồ ấm nóng, uống nước ấm.

– Đại tiện bình thường hoặc hơi nát, tiểu tiện trong.

– Rêu lưỡi trắng nhớt.

– Mạch phù hoặc phù hoạt.

Nếu bệnh lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến can thận, thấp lâu ngày hóa hỏa, lúc đó có triệu chứng: đau lưng, ù tai, mỏi gối hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi ăn ngủ kém… Đại tiện táo,tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch trầm tế hơi sác.

–        Chẩn đoán bát cương: biểu thực hàn hoặc biểu lý tương kiêm

–        Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc hoặc khu phong, kiện tỳ trừ thấp, bổ can thận, thông kinh lạc.

3. Phương pháp châm cứu

3.1. Khái niệm về châm cứu.

Châm cứu là một trong những phương pháp chữa bệnh đã có từ lâu đời, mục đích của châm cứu là “điều khí” tạo ra một kích thích vào huyệt để tạo nên trạng thái cân bằng âm dương, nghĩa là phục hồi trạng thái sinh lý, loại trừ trạng thái bệnh lý, đưa cơ thể trở lại hoạt động của chức năng bình thường , , , ,

3.2. Phương pháp điều trị điện châm

Hiện nay kỹ thuật điện châm đó có mặt hầu hết trong các chỉ định của châm cứu điều trị các chứng bệnh khó như châm chữa liệt, mù do teo gai thị, châm giảm đau và đỉnh cao là châm tê. Có thể khẳng định rằng nếu không có máy điện châm thì không thể thực hiện được cuộc phẫu thuật với phương pháp vô cảm bằng châm tê. Dùng điện châm tức là dùng máy điện tử tạo xung điện ở cường độ thấp với các dải tần số khác nhau kích thích vào huyệt nhằm mục đích điều kiển sự vận hành khí huyết nhanh mạnh, để đưa trạng thái cơ thể trở lại cân bằng và ổn định, hết bệnh tật. Điện châm thay thế cho thủ pháp vê tay kích thích huyệt một cách đều đặn nhịp nhàng không làm cho bệnh nhân đau đớn, mà ngược lại bệnh nhân còn có cảm giác tê, tức, nặng làm dịu cơn đau một cách nhanh chóng, do vậy điện châm ra đời đáp ứng được mục đích điều khí của châm cứu một cách nhanh mạnh mà không đau đớn.

4. Thủy châm

– Tiêm thuốc vào huyệt (thủy châm) là một phương pháp chữa bệnh phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm kim theo học thuyết kinh lạc với tác dụng chữa bệnh  tăng cường và duy trì kích thích của châm kim vào huyệt để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Hiện nay thủy châm là một phương pháp chữa bệnh có hiệu quả đang được ứng dụng rộng rãi trong các cơ sở điều trị của Trung Quốc .

Ở nước ta Giáo sư Nguyễn Tài Thu đưa phương pháp thuỷ châm vào trong điều trị đã được mấy trục năm, một số bệnh viện trạm xá đã sử dụng thủy châm trong quá trình điều trị đạt kết quả khả quan. Trước kia ngoài phương pháp dùng Philatốp tiêm huyệt phổi (phế du) hiện nay dùng sinh tố B1, B6, B12, Novocain….

– Chỉ định: thường được dùng để chữa bệnh mãn tính, giảm đau như bệnh viêm khớp mạn, đau dây thần kinh ngoại biên…

– Chống chỉ định:

+ Không nên điều trị các bệnh cấp cứu bằng thủy châm đơn thuần

+ Các cơn đau bụng cần theo dõi về ngoại khoa

+ Người sức khỏe yếu, trạng thái tinh thần không ổn định

+ Không được dùng các thuốc tiêm bắp thịt mà bệnh nhân bị phản ứng

+ Không được dùng các thuốc tiêm bắp thịt có tác dụng kích thích gây sơ cứng, hoại tử các vùng có dây thần kinh và các cơ

+ Không dùng các loại kháng sinh

– Cần chú ý một số điểm sau:

+ Độ sâu của kim tùy vị trí huyệt tiêm tương ứng với nội tạng hay bộ phận dưới huyệt

+ Hỏi kỹ tiền sử của người bệnh xem có dị ứng với thuốc định dùng không, nghi ngờ làm test bì để kiểm tra

+ Khi châm kim không nên xoay kim kích thích vì kim tiêm rỗng dễ gây tổn thương tổ chức

+ Không nên tiêm thuốc vào nhiều huyệt một lúc

+ Mỗi huyệt tùy vị trí có thể tiêm từ 0,5 – 2ml thuốc.

Như vậy, Đau thắt lưng do thoái hóa cột sống là bệnh thường gặp có ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và khả năng sinh hoạt của người bệnh. Để điều trị Đau thắt lưng do thoái hoá cột sống có nhiều phương pháp khác nhau trong đó phương pháp điện châm kết hợp thủy châm là phương pháp kết hợp giữa YHHD và Y học cổ truyền vừa đơn giản dễ thực hiện. Qua trải nghiệm lâm sàng và cơ chế tác dụng của điện châm, thủy châm là phương pháp điều trị khả quan, cần được nghiên cứu đánh giá tác dụng sự phối hợp của hai phương pháp điều trị này.

5. Một số kết quả nghiên cứu về điều trị Đau thắt lưng.

Năm 1972, Giáo sư Nguyễn Tài Thu và cộng sự nghiên cứu điều trị 37 bệnh nhân bị đau thắt lưng bằng phương pháp tân châm thì tỷ lệ khỏi và đỡ là 67,6%. Các huyệt hay được sử dụng là giáp tích vùng thắt lưng

Năm 1994, Nguyễn Châu Quỳnh tiến hành hồi cứu điếu trị đau thắt lưng tại khoa châm cứu dưỡng sinh Viện Y học cổ truyền Việt Nam trên 30 bệnh án đau thắt lưng cho thấy tỷ lệ các thể như sau: thể hàn thấp chiếm 13,3%, do lao động chiếm 20%, do thoái hóa chiếm 66,6%. Kết quả điều trị bằng châm cứu khỏi và đỡ chiếm 97%, Không khỏi là 3%

Năm 1999, Đánh giá của Wang S và cộng sự tại khoa Đông y Học viện Quân y quân đội Quảng Châu về tác dụng của huyệt Hoa đà giáp tích trong điều trị đau thắt lưng cho thấy: nhóm bệnh nhân sử dụng huyệt này có tỷ lệ khỏi là 65,6%, khá là 12,55%, trung bình là 18,8%, kém là 3,1% cao hơn so với những bệnh nhân được sử dụng các huyệt tại chỗ khác: tỷ lệ khỏi là 44,6%, khá là 26,7%, trung bình là 10%, kém là 16,7% .

Năm 2000, Wedenberg K và cộng sự nghiên cứu so sánh tác dụng của châm cứu và phương pháp vật lý trị liệu ở phụ nữ có thai bị đau lưng tại bệnh viện Vrinnevi, Norrkopi Thụy Điển. Kết quả cho thấy châm cứu có tác dụng giảm đau tốt hơn .

Năm 2003, Tarasenko Lidiya nghiên cứu điều trị hội chứng Đau thắt lưng hông do thoái hóa cột sống L1 –  S1 bằng điện móng châm trên 40 bệnh nhân đạt kết quả tốt là 60% và khá là 40%

Năm 2003, Đoàn Hải Nam nghiên cứu so sánh tác dụng điện châm các huyệt ủy trung, Giáp tích L1 – L5 và điện châm thường trong điều trị cho 60 bệnh nhân yêu thống thể hàn thấp cho thấy: điện châm các huyệt ủy trung, giáp tích L1 –L5 đạt kết quả cao hơn với 80% tốt, 16,7% khá, 3,3% trung bình .

Năm 2007, Louise Chang nghiên cứu nhằm đánh giá tác dụng giảm đau của châm cứu đơn thuần đối với đau thắt lưng, cho thấy kết quả 33% có sự cải thiện về triệu chứng đau,12% cải thiện về chức năng hoạt động .

Năm 2007, Michael, Haake thử nghiệm châm cứu tại Đức đối với đau cột thắt lưng bao gồm: 387 bệnh nhân, tuổi trung bình ( 50 ±15) tuổi với tiền sử đau lưng mạn tính trong 8 năm, tại tháng thứ 6 tỉ lệ đáp ứng là 44,2% đối với nhóm bệnh nhân châm cứu thông thường

Năm 2008, Thomas, Lowe  cho thấy thoái hóa cột sống là nguyên nhân gây đau thắt lưng, điều đáng lưu ý rằng mặc dù có 80% người lớn tuổi đau lưng chỉ có 1-2% cần đến phương pháp phẫu thuật, châm cứu là một phương pháp y học được lựa chọn nó sẽ kiểm soát được triệu chứng đau, châm cứu kích thích sản xuất ra Endorphins, Acetylcholine, và serotonin. Tuy nhiên châm cứu nên được kết hợp với chương trình tập luyện để đạt kết quả cao hơn .

Bệnh xương khớp
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận