Xuân Sơn Võ
Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa hai đốt sống kế cận. Đĩa đệm có hình cái đĩa, bên ngoài là một bao xơ dày và chắc, trong ruột là một chất nhầy, gần giống như tròng trắng trứng gọi là nhân nhầy
Cột sống hoạt động như một cây cột nâng đỡ cơ thể. Tất cả mọi thứ trong cơ thể con người đều được gắn với cột sống một cách trực tiếp hay gián tiếp. Cột sống có hình gần giống chữ S do có hai đoạn ưỡn ở cổ và thắt lưng và đoạn gù ở ngực tạo ra. Do hình dạng của nó cùng với hoạt động của đĩa đệm, cột sống luôn phân tán các lực tác động lên thân mình, làm giảm các chấn động lên hai chân trong tư thế đứng thẳng. Đĩa đệm là thành phần phân tán lực nhiều nhất và cũng là thành phần có liên quan nhiều nhất đến bệnh lí thoái hóa cột sống. Mỗi khi có lực tác động lên đĩa đệm, nước ở trong đĩa đệm thoát ra ngoài với một tốc độ rất nhanh làm tiêu hao bớt lực tác động lên cột sống. Khi không còn lực tác động lên cột sống, nước lại quay trở vào đĩa đệm (hình 3).
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH KHỐI THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Khi bao xơ bị rách, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, tạo thành một khối gọi là khối thoát vị (hình 4).
Tại sao các nhân nhầy lại có thể thoát ra ngoài bao xơ thành khối thoát vị được? Có hai yếu tố gây ra chuyện này, trong đó quá trình thoái hóa của đĩa đệm là thủ phạm chủ yếu và có tính quyết định. Bao xơ của đĩa đệm bị thoái hóa trở nên dòn chứ không còn dai, chắc nữa, và thế là nó bị nứt ra, mở đường cho nhân nhầy ở bên trong thoát ra ngoài. Thoái hóa có vai trò quan trọng nhất trong việc gây ra các đường nứt của bao xơ, tuy nhiên các yếu tố khác như viêm khớp, chấn thương… cũng là những yếu tố làm cho cái bao xơ yếu đi và nứt nẻ. Khi bao xơ bị nứt nẻ, nếu vì một lí do gì mà áp lực bên trong đĩa đệm tăng cao thì nhân nhầy sẽ thoát ra ngoài và tạo thành khối thoát vị. Các yếu tố làm cho áp lực trong đĩa đệm tăng cao có thể kể đến là mang vác nặng, ho nhiều, ngồi nhiều và đặc biệt là ngồi xổm, ngồi bệt dưới đất. Người ta đã đo áp lực trong đĩa đệm ở các tư thế khác nhau thì thấy rằng áp lực trong đĩa đệm cao nhất khi ngồi cúi lưng. Nếu khối thoát vị đè vào rễ thần kinh sẽ gây ra các hiện tượng như đau, tê, yếu liệt…
PHÂN LOẠI THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Có nhiều cách phân loại thoát vị đĩa đệm. Có cách phân loại theo vị trí tương ứng trong ống sống như trung tâm, bên, xa bên, quá xa bên… Cách phân loại có giá trị trong việc quyết định điều trị dựa vào việc khối thoát vị đã thoát ra đến đâu so với bao xơ và dây chằng dọc sau (hình 5). Cách phân loại này chia thoát vị đĩa đệm thành 4 loại (có tác giả chia chi tiết hơn, thành 5 loại):
– Dạng lồi: Bao xơ chỉ rách một phần, vẫn còn một phần bao xơ chưa bị xé rách.
– Dạng vỡ: Bao xơ đã bị xé rách hoàn toàn nhưng dây chằng dọc sau còn nguyên vẹn.
– Dạng qua dây chằng dọc sau: Bao xơ và dây chằng dọc sau đã bị xé rách, khối thoát vị chui qua dây chằng dọc sau nhưng còn dính với phần nhân nhầy xơ hóa trong đĩa đệm.
– Dạng có mảnh rời: Khối thoát vị đã xé rách bao xơ và dây chằng dọc sau, một phần của khối thoát vị đứt rời và di chuyển ra xa khỏi vị trí thoát ra của nó.
TRIỆU CHỨNG CỦA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng rất thường gặp. Một số bác sĩ Hoa kì đã làm những nghiên cứu và cho rằng có tới gần 70% dân số của họ ở tuổi trưởng thành bị thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, may mắn cho chúng ta là không phải trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng nào cũng chuyển thành bệnh. Khoảng một nửa số người không bị gì cả. Nửa còn lại thường có đau lưng. Trong số những người bị đau thắt lưng thì chỉ có một số ít là cần đến bác sĩ. Số còn lại thường sau một đêm nằm ngủ, thức dậy vươn vai, huơ tay huơ chân vài cái là khỏe như thường. Một số ít hơn bị đau thần kinh tọa hoặc có các biểu hiện khác của chèn ép rễ thần kinh. Người ta cho rằng hình dạng của cái ống sống quyết định ai bị đau, ai không đau. Những người có ống sống dạng tròn là may mắn nhất (may mắn hơn nữa là số này chiếm tỉ lệ nhiều nhất), còn nếu Quí Vị xui xẻo có một cái ống sống hình lá thì khi có thoát vị đĩa đệm là gần như cầm chắc Quí Vị sẽ bị bệnh (hình 6).
Đau thần kinh tọa thường biểu hiện bằng đau từ thắt lưng, dọc theo mặt sau đùi, mặt bên cẳng chân lan tới gót hoặc bàn chân (hình 7). Ngồi nhiều, làm nặng hoặc đi lại nhiều thì đau tăng lên, nằm nghỉ sẽ bớt đau. Đôi khi ho hoặc cười lớn cũng đau. Khoảng 90% các trường hợp đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm gây ra.
Ngoài đau thần kinh tọa, khối thoát vị chèn ép vào rễ thần kinh còn có thể gây ra tê chân, yếu chân, đặc biệt là yếu bàn chân, đi hay bị rớt dép hoặc dễ vấp ngã, khi bệnh nặng có thể bị teo cơ chân hoặc táo bón, tiểu khó.
Người ta chia các biểu hiện của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ra làm 4 loại: loại đau âm ỉ lan tỏa ở vùng thắt lưng mà không có đau thần kinh tọa (là loại chiếm tỉ lệ cao nhất), loại đau thắt lưng đột ngột dữ dội, loại đau thắt lưng kèm theo đau thần kinh tọa cùng với tê hoặc yếu… và loại chỉ có tê hoặc yếu mà không có đau.
Ngoài ra, các thoát vị đĩa đệm (ở cả thắt lưng lẫn ở cổ) đều có thể làm giảm khả năng hoạt động tình dục, và như vậy hãy đừng vội nghi oan cho ông xã hay bà xã của Quí Vị là đã hết yêu Quí Vị rồi, chẳng qua chỉ là do “lực bất tòng tâm” mà thôi.
ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Tập luyện và vật lí trị liệu là phương pháp đầu tiên để chữa bệnh này. Vật lí trị liệu có thể được kết hợp với dùng thuốc nhưng cần lưu ý rằng thuốc gì cũng vậy (kể cả thuốc Nam hay thuốc Bắc) bao giờ cũng có hai mặt, lợi và hại.
Tiêm thấm được chỉ định cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng khi chỉ có đau mà không có sự hiện diện của thương tổn thần kinh. Ngoài tiêm thấm vào khoang ngoài màng cứng và tiêm vào các khớp của cột sống, việc block (phong bế) các hạch hoặc rễ thần kinh thường được áp dụng cho các trường hợp đau thần kinh tọa đơn thuần. Tuy nhiên, tiêm thấm chỉ được coi là một phương pháp giảm đau và có hạn chế là chỉ làm được một số lần nhất định. Thỉnh thoảng tiêm thấm cũng gây ra các biến chứng nặng nề như gây thương tổn rễ thần kinh hoặc nhiễm trùng.
Khi Quí Vị có thương tổn thần kinh thì các bác sĩ sẽ cân nhắc đến khả năng dùng phương pháp phẫu thuật để điều trị cho bạn, Thương tổn thần kinh biểu hiện bên ngoài là teo cơ, yếu chân, giảm phản xạ gân gối hoặc gân gót, giảm hoặc mất cảm giác hoặc có dị cảm (cảm giác khác lạ), rối loạn đi tiểu, đi cầu… Ngoài ra, thương tổn thần kinh còn có thể xác định được khi đo điện cơ và điện thế gợi.
Nếu chỉ có đau mà không có thương tổn thần kinh, các bác sĩ chủ trương dùng thuốc và vật lí trị liệu kiên trì. Nếu sau 3 đến 6 tuần điều trị thuốc và vật lí trị liệu không giảm hoặc giảm ít, các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc áp dụng biện pháp tiêm thấm cho Quí Vị. Nếu sau 2 lần tiêm thấm mà vẫn không hết đau thì lúc đó mới chỉ định mổ. Ngoài ra, các trường hợp đau gia tăng ngay khi đang điều trị thuốc và vật lí trị liệu, hoặc đau nhiều gây ảnh hưởng rõ rệt đến sinh hoạt hay công việc của Quí Vị, các bác sĩ cũng sẽ cân nhắc đến việc chỉ định mổ cho Quí Vị.
Có trường hợp mà người chỉ định mổ không phải là bác sĩ mà chính là người bệnh, đó là khi đau quá sức chịu đựng của người bệnh, đau làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và công ăn việc làm của người bệnh. Trường hợp này, người bác sĩ phải cân nhắc khả năng hết bệnh bằng phương pháp phẫu thuật có cao không và phải tư vấn kĩ cho bệnh nhân.
Ngày nay, do tỉ lệ đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm thắt lưng rất lớn, căn bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như khả năng làm việc của người bệnh, nhu cầu khám chữa bệnh này rất cao. Từ đó, chuyên ngành cột sống trở thành một lĩnh vực hái ra tiền. Do vậy, rất nhiều công ty, rất nhiều bác sĩ đưa ra rất nhiều phương pháp chữa bệnh. Việc kiểm soát hiệu quả và tác hại của các phương pháp đôi khi khá khó khăn vì cái nào cũng dựa trên nghiên cứu này nghiên cứu khác.
Một số bệnh viện, một số bác sĩ cổ xúy cho một số phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng nhưng trên thực tế không chỉ rõ cho người bệnh thấy hạn chế và chống chỉ định của các phương pháp, tạo nên một sự ngộ nhận rằng các phương pháp đó là hoàn hảo và triệt để, hơn hẳn các kĩ thuật mổ vừa phức tạp vừa có khả năng xảy ra biến chứng cao hơn.
Đối với các phương pháp giảm áp đĩa đệm, có thể sử dụng laser, hoặc sóng radio cao tần, hoặc thậm chí bổ sung thêm dụng cụ gắp cắt và nội soi hỗ trợ (không phải nội soi thực thụ)… thì thực chất chỉ là các phương pháp giảm áp, có tính tạm thời hoặc chỉ có giá trị dài hạn khi cột sống không phải chịu áp lực nữa. Các phương pháp này không có hiệu quả khi bao xơ đã rách hẳn (tức là có khối thoát vị đĩa đệm thật sự), thậm chí còn chống chỉ định khi dây chằng dọc sau đã bị rách đứt.
Mổ hở là phương pháp mổ truyền thống, đã được các bác sĩ áp dụng từ hàng trăm năm nay. Khoảng 40 năm lại đây mổ hở được cải tiến hơn nhờ việc sử dụng kính hiển vi phẫu thuật nên kết quả mang lại rất khả quan trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, mổ hở (dù có sử dụng kính hiển vi phẫu thuật) cũng vẫn là phương pháp có mức độ xâm lấn cao, thời gian phục hồi sau mổ lâu, tỉ lệ biến chứng còn khá cao.
Phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng nội soi có mức độ xâm lấn ít hơn nhiều so với mổ hở, cho kết quả rất tốt với tỉ lệ tai biến thấp hơn nhiều so với mổ hở. Phẫu thuật nội soi cột sống là một trong các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hiện đại nhất hiện nay trên thế giới trong phẫu thuật cột sống.
Tuy nhiên, để mổ được nội soi, ngoài việc trang bị hệ thống dụng cụ rất đắt tiền, việc huấn luyện được một phẫu thuật viên thạo nghề cũng rất khó khăn. Do vậy, cùng với việc sử dụng kính vi phẫu, người ta cải tiến dụng cụ banh vết mổ thành một ống nhỏ để thu gọn đường mổ lại còn khoảng 2,5cm, gọi là mổ hở nhỏ (mini open). Cho đến nay, do đa số các bác sĩ không quen với nội soi nên phương pháp này còn được áp dụng khá rộng rãi
PHÒNG NGỪA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Tập luyện thể thao, đặc biệt là bơi lội (hình 8), sống trong một môi trường trong sạch, sử dụng thực phẩm, thuốc men đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn, tránh tiếp xúc với các chất độc hại, thường xuyên vận động, tránh ngồi lì một chỗ và đừng để cho mình trở thành béo phì sẽ giúp cho cái cột sống của Quí Vị khỏe hơn, không “trở chứng” và “hành hạ” Quí Vị.
Bài viết rất hay và bổ ích! Con cảm ơn Bác sĩ.