TĨNH MẠCH CẢNH: nhấc đầu và ngực bệnh nhân lên cho đến khi mức trên của cột máu trong tĩnh mạch cảnh trong và/hoặc cảnh ngoài nằm giữa xương đòn và hàm. Khoảng cách thẳng đứng giữa mức trên đó và mức ứ máu tĩnh mạch (giao điểm của đường nách trước và khoảng liên sườn 4) cho biết sơ bộ áp lực tĩnh mạch (cm H20). Bình thường, áp lực tĩnh mạch này là 10 cm (lồng ngực gấp 35 – 45°). Áp lực tĩnh mạch càng cao thì càng phải nhấc đầu bệnh nhân cao hơn để thấy được bờ trên của cột máu trong tĩnh mạch cảnh.
Ứ máu tĩnh mạch cảnh: gặp trong suy tim phải, tim bị chèn ép, viêm màng ngoài tim co thắt, tắc tĩnh mạch chủ trên. Trong viêm màng ngoài tim co thắt và tràn dịch màng ngoài tim nhiều, có thể thấy tĩnh mạch cảnh căng phồng hơn khi hít vào, ngược với trường hợp bình thường (dấu hiệu Kussmaul).
- Tĩnh mạch cảnh đập: không nên nhầm lẫn mạch cảnh đập, nhất là sóng “a”, với mạch của đọng mạch cảnh (sóng tâm thu lan truyền trùng với tĩnh mạch cảnh thu lại. Để thuận lợi cho việc xét tĩnh mạch đập theo thời gian xuất hiện nên đồng thời bắt mạch ở động mạch cảnh bên kia hoặc đồng thời nghe tiếng tim. Sóng của tĩnh mạch cảnh dễ thấy nhất là sóng “a” (do tâm nhĩ phải co bóp) có ngay trước mạch của động mạch cảnh. Các sóng “a: khổng lồ có trong hẹp van ba lá hoặc van động mạch phổi, huyết áp động mạch phổi cao. Các sóng này mất đi khi có rung nhĩ. Các sóng này không phụ thuộc vào động mạch cảnh khi có bloc nhĩ-thất hoàn toàn (khi đó, tâm nhĩ phải co trong khi van ba lá đóng). Trong bloc 2/1, tần số sóng “a” gấp đôi tần số mạch của động mạch cảnh.
- Phản hồi gan – tĩnh mạch cảnh: bệnh nhân nằm ngửa, thân trên (ngực) gấp 45°. Người khám dùng tay phải ấn lên gan bệnh nhân. Nếu tĩnh mạch cảnh phồng lên trong suốt thời gian gan bị ấn thì có tăng áp trong tĩnh mạch cảnh. Nguyên nhân:
- Suy tim phải: thường là do suy tim trái trước nhưng cũng có thể do tăng áp lực động mạch phổi hoặc bệnh ở van ba lá.
- Viêm màng ngoài tim co thắt hoặc tràn dịch màng ngoài tim nhiều.
- Tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép.
MẮT: khám mắt có thể phát hiện ưu năng tuyến giáp (mắt lồi, mắt to, sáng), thiếu máu (kết mạc nhạt), cần khám đáy mắt để đánh giá bệnh huyết áp cao. Cũng có thể phát hiện xuất huyết hoặc tắc động mạch trong bệnh viêm màng trong tim nhiễm khuẩn.
Dấu hiệu Argill-Robertson thể hiện có giang mai cũ và biến chứng ở tim mạch.
MIỆNG: sâụ răng nhiễm khuẩn, áp xe cuông răng, viêm amiđan phì đại hoặc có hốc có thể là nguyên nhân gây viêm màng trong tim nhiễm khuẩn.
TAI: vành tai có một rãnh dọc, sâu ở người dưới 50 tuổi cho thấy rất có thể đã từng bị rối loạn do xơ cứng mạch vành, mạch não và động mạch chủ-chậu. Trên 60 tuổi thì rãnh này là bình thường và không có ý nghĩa gì.
TUYẾN GIÁP: sờ truyến giáp để biết thể tích, độ chắc, có hạch hay không để định hướng một bệnh tim do tuyến giáp.
DẤU HIỆU OLIVER – CARDARELLI: một số phình động mạch chủ hoặc một số bệnh ở trung thất làm cố định khí quản hoặc phế quản lớn dính vào động mạch chủ nên có thể thấy tâm thu đập ở sụn nhẫn.