Vài thập niên trước, trẻ nhẹ cân suy dinh dưỡng là nỗi lo của toàn xã hội, thì khoảng vài năm gần đây, nỗi lo ấy lại quay 180 độ, bởi số trẻ bị thừa cân, béo phì tăng chóng mặt, nhất là ở các thành phố lớn. Có nhiều yếu tố dẫn đến thừa cân, béo phì, nhưng phổ biến nhất vẫn là các nguyên nhân sau:
- Năng lượng khẩu phần vượt quá nhu cầu
Do sinh con ít, do đời sống được nâng cao, các gia đình có điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn, nhưng cũng vì lý do này đã dẫn tới tình trạng thừa năng lượng, nhất là năng lượng do chất béo và bột, đường.
- Giảm hoạt động thể lực
Trẻ em ngày nay ít tham gia các trò chơi vận động thể lực, mà dành nhiều thời gian để học tập, chơi điện tử, xem ti vi… nói chung là các hoạt động tĩnh, khiến sự trao đổi chất giảm đáng kể. Năng lượng nạp vào cao hơn nhiều so với năng lượng tiêu hao dẫn tới thừa cân.
- Ngủ ít
Trẻ thức quá khuya, ngủ ít sẽ béo hơn so với trẻ đi ngủ sớm và ngủ nhiều, đó là do trẻ ngủ ít lượng mỡ tiêu hao (quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ) ít hơn.
- Cân nặng quá cao khi sinh
Người mẹ khi mang thai, do muôn thai to nên bổ dưỡng nhiều. Hậu quả là sự mất cân bằng trong chế độ ăn của mẹ sẽ tạo nên tình trạng dư thừa mỡ ở trẻ sơ sinh.
- Trẻ suy dinh dưỡng mạn tính
Trẻ 3-9 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì cao gấp 2-8 lần so với trẻ không bị thấp còi. Nguyên nhân có thể là ở những trẻ này có khối nạc thấp, chuyển hoá cơ bản và hoạt động thể lực giảm, đến khi được cấp đủ năng lượng, trẻ sẽ tích luỹ mỡ rất nhanh.
Bệnh béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tâm lý của trẻ khi trưởng thành.
Ngừng tăng trưởng sớm nên có xu hướng thấp hơn so với bạn bè; tăng nguy cơ bệnh tật như tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, sỏi mật, viêm khớp…; khó hoà đồng với xã hội và luôn cảm thấy mặc cảm, khổ sở với hình dáng của mình.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trong quá trình nuôi con, cha mẹ cần theo dõi sự tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao nhằm phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thừa cân ở trẻ, để xử trí kịp thời. Khi thấy con mình có dấu hiệu thừa cân, hãy áp dụng ngay 2 nguyên tắc sau:
- Hợp lý hoá chế độ ăn uống
Vẫn cho trẻ béo phì ăn uống như bình thường nhưng hạn chế tối đa các chất béo, chất ngọt, nước ngọt có gas. Khi nấu thức ăn nên dùng cách luộc, hấp, hoặc nướng hơn là rán, xào. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau tươi và trái cây.
Không bao giờ đặt mục tiêu giảm cân thật nhanh, vì thế việc áp dụng chế độ ăn uống nói trên không nên làm đột ngột, phải từ từ, cho trẻ quen dần. Hãy cho trẻ dần dần hiểu ra tầm quan trọng của việc ăn kiêng để lấy lại sự cân bằng trọng lượng.
- Tăng cường vận động cơ thể
Thực hiện các chương trình thể dục, thể thao cho trẻ. Trẻ béo phì cần được tập thể dục ít nhất 1-2 lần mỗi ngày, tốt nhất là vào lúc sáng sớm và lúc chiều, sau khi tan học. Cha mẹ hãy dành thời gian sắp xếp lịch để cùng tập luyện với trẻ. Đừng bao giờ để trẻ bỏ dở bài tập giữa chừng. Hãy khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động càng nhiều càng tốt.