Phân loại béo phì dựa vào chỉ số BMI của Viện Tim mạch, Phổi và Huyết học Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra hướng dẫn để đánh giá nguy cơ tương đối của béo phì tới sức khỏe người bệnh và để xác định các can thiệp điều trị (Bảng 30-2). Hệ thống phân loại này được dựa trên dữ liệu dịch tễ học chứng minh mối tương quan giữa tăng BMI và nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố khác như chu vi vòng hông, tăng cân từ giai đoạn trẻ nhỏ, mức luyện tập thể chất, chủng tộc hoặc nền tảng dòng giống cũng có ảnh hưởng tới mối liên quan giữa BMI và toàn bộ nguy cơ bệnh tật. Bouchard phân loại béo phì ra làm 4 kiểu hình dựa vào tình trạng phân bố mỡ (xem Bảng 30-4), trong đó typ II (béo thân mình) và typ III (béo tạng) được kết hợp với các nguy cơ chuyển hóa lớn nhất, đặc biệt là tăng huyết áp và đái tháo đường typ 2.
Bàng 30-4. Phân loại béo phì theo phân bố mỡ
Typ l | Vượt quá mức khối lượng cơ thể hoặc % mỡ trong cơ thể |
Typ ll | Thừa mỡ ở vùng thân – bụng: béo dạng nam (android obesity) |
Typ III | Thừa mỡ ở khoang tạng: béo tạng (visceral obesity) |
Typ IV | Thừa mỡ ở phần thấp của cơ thể thuộc vùng mông – đùi: béo dạng |
nữ |
Nguồn: Bray GA. Classification and evaluation of the overweight patient. In: Bray GA, Bouchard c, eds. Handbook of obesity: Clinical Application, 2nd ed, New York: Marcel Dekker Inc.; 2004:1-32
Biểu hiện lâm sàng và đánh giá
Các đối tượng béo phì (BMI > 30) hiếm khi đi khám bệnh chỉ do tình trạng quá cân của họ. Người bệnh thường mô tả các vấn đề sức khỏe, các vấn đề này thường liên quan đến béo phì, mà không nhận ra rằng tình trạng béo phì của họ như là các than phiền chính. Béo phì được kết hợp với một loạt các loại bệnh. Các nguy cơ tương đối của tăng BMI được trình bày trong Bảng 30-2. Sự hiện diện của bệnh mạch vành và các bệnh lý vữa xơ mạch khác (bệnh động mạch ngoại vi, phình động mạch chủ bụng, bệnh động mạch cảnh có triệu chứng), đái tháo đường typ 2, hội chứng ngừng thở khi ngủ đặt bệnh nhân vào nhóm nguy cơ cao bị các biến chứng và tử vong kế tiếp. Những bệnh nhân này sẽ cần được làm thay đổi tích cực các yếu tố nguy cơ cộng thêm với xử trí bệnh lý đang bị. Vì vậy, bệnh nhân béo phì phải được đánh giá cẩn thận các bệnh lý nội khoa đi kèm trong ngắn hạn và dài hạn. Thảo luận các nguy cơ kết hợp với bệnh béo phì bao gồm cả việc phát hiện các yếu tố góp phần vào nguy cơ khiến cho bệnh nhân đang bị béo phì và xem xét các nguy cơ mà tình trạng béo phì tham gia gây tàn phế và tử vong cho bệnh nhân.
Các biến chứng
Tình trạng béo phì được kết nối với một loạt các tình trạng nội khoa nghiêm trọng và gây tốn kém điều trị. Các biến chứng thần kinh như tăng áp lực nội sọ không rõ căn nguyên và đột quỵ. Các biến chứng hô hấp bao gồm hội chứng ngừng thở khi ngủ, hội chứng giảm thông khí, hen phế quản và khó thở. Các biến chứng tim mạch như bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tăng áp lực động mạch phổi và các biến cố thuyên tắc mạch huyết khối nguồn gốc tĩnh mạch. Các biến chứng tiêu hóa bao gồm bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh gan thoái hóa mỡ không do rượu, sỏi mật và viêm tụy. Các biến chứng nội tiết bao gồm rối loạn lipid máu (được định nghĩa như tình trạng tăng nồng độ triglycerid và giảm thấp nồng độ HDL-cholesterol), đái tháo đường typ 2, hội chứng buồng trứng đa nang với cường aldrogen và rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Các biến chứng cơ xương khớp như thoái hóa khớp (đặc biệt khớp gối và khớp háng), đau thắt lưng và bệnh gút. Các biểu hiện da bao gồm búi giãn tĩnh mạch, phù bạch huyết, viêm mô tế bào, chứng gai đen (acanthosis nigrans), rạn da và viêm da do ứ trệ tuần hoàn. Các khối u tân sinh kết hợp với béo phì bao gồm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, thực quản, tụy, gan, đại tràng và thận.
Đánh giá nội khoa
Về tiền sử, nên khai thác tiền sử gia đình có người bị béo phì, tiền sử dùng thuốc (ví dụ: sử dụng glucocorticoid ngoại sinh), tuổi bắt đầu có tình trạng tăng cân, chế độ ăn và tiền sử hoạt động thể lực, phát hiện các yếu tố kích hoạt tiềm tàng gây tăng quá mức khẩu phần ăn uống, cuộc sống căng thẳng, các nỗ lực làm giảm cân trước đó, tiền sử hút thuốc lá cũng như đánh giá tình trạng kinh tế xã hội của bệnh nhân.
Đánh giá mức độ béo phì cần được coi như một phần tích hợp trong quá trình khám thực thể đối với mỗi bệnh nhân. Một số phương pháp đánh giá có thể được sử dụng, bao gồm đo đạc nhân trắc học và phân tích các thành phần cấu tạo cơ thể (ví dụ: phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép [DEXA], đo trở kháng điện sinh học, chụp cắt lớp vi tính [CT] và chụp cộng hưởng từ [MRI]). Mặc dù những phương pháp này thường chỉ được áp dụng trong nghiên cứu. Trong thực hành lâm sàng, tính toán BMI và đo chu vi vòng hông cung cấp những thông tin chỉ dẫn đối với nguy cơ sức khỏe. Để việc đo đạc được chính xác chiều cao và cân nặng phải được tiến hành đo đạc khi bệnh nhân không mang giày, chu vi vòng hông được đo ở tư thế đứng, sau khi bệnh nhân thở ra thoải mái và đo bằng thước dây đặt quanh bụng ở trên hai mào chậu và song song với mặt đất. Nhiều cân tiêu chuẩn với khả năng cân được một trọng lượng tối đa có thể thấp hơn so với trọng lượng của bệnh nhân béo phì vì vậy không thích hợp cho việc đo đạc bệnh nhân béo phì. Bệnh nhân có thể cảm thấy xấu hổ khi cân nặng của họ vượt hơn khả năng cân đo của cân được sử dụng. Ngay cả khi bệnh nhân không phải là đối tượng quá béo phì, song xấu hổ về trọng lượng và/hoặc lo sợ về tình trạng quá cân của bản thân có thể khiến bệnh nhân trì hoãn hoặc lẩn tránh không đến khám sức khỏe thường quy. Vì vậy, một vấn đề cơ bản đối với các nhân viên ở các phòng khám là phải có các quy trình định trước để tiếp đón các bệnh nhân là đối tượng có thể quá nặng để có thể dùng các cân tiêu chuẩn để đo trọng lượng cơ thể của họ và/hoặc có thể không cảm thấy thoải mái khi được yêu cầu đo trọng lượng cơ thể.
BMI cũng có những hạn chế. BMI có thể ước tính cao hơn thực tế lượng mỡ trong cơ thể ở những đối tượng có cơ sản chắc và ở bệnh nhân bị phù. Ngoài ra, BMI có thể ước tính thấp hơn thực tế lượng mỡ trong cơ thể ở bệnh nhân có tuổi. Mốc xác định (cutpoits) BMI thấp hơn (được giảm hơn 〜6 kg/m2) được khuyến cáo để xác định tình trạng béo phì đối với một số nhóm chủng tộc (ví dụ: người Nam Á, Trung Quốc, và thổ dân úc) và mốc xác định BMI hơi cao hơn để đánh giá tình trạng quá cân được khuyến cáo đối với người Mỹ gốc Phi (BMI là 27 kg/m2). Tăng chu vi vòng hông được kết hợp với gia tăng nguy cơ đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch.
Test chẩn đoán và phân tích cận lâm sàng
Đánh giá cận lâm sàng cần thiết để phát hiện các nguyên nhân thứ phát và để đánh giá các tình trạng bệnh lý nội khoa phối hợp có thể đã có biểu hiện. Không may là rất thường thấy các quan tâm y tế chủ yếu tập trung tới bệnh lý nội khoa đi kèm và tình trạng béo phì thường không được điều trị đúng mức. Làm giảm cân thành công(~ 10% trọng lượng cơ thể) trong các tình huống này có thể mang lại các hiệu quả có lợi tương tự như khi tiến hành điều trị tích cực để giải quyết bệnh lý nội khoa đi kèm. Các thăm dò cần bao gồm:
- Đo huyết áp (đảm bảo băng đo huyết áp đủ rộng).
- Tiến hành làm các xét nghiệm thường quy: nồng độ đường máu lúc đói, bộ xét nghiệm các thành phần lipid máu lúc đói, hormon kích thích tuyến giáp (TSH), nồng độ creatinin máu và xét nghiệm chức năng gan.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung được chỉ định để loại trừ nguyên nhân gây béo phì thứ phát bị nghi vấn (ví dụ: nồng độ cortisol tự do trong nước tiểu 24 giờ để loại trừ hội chứng Cushing).
Kết quả xét nghiệm sẽ giúp xác định: (a) liệu béo phì bị làm nặng thêm hoặc là hậu quả thứ phát của một tình trạng bệnh lý khác (ví dụ: cường giáp,…) và (b) nguy cơ tuyệt đối được kết hợp với một bệnh lý nội khoa kết hợp (xem Bảng 30~5).
Bảng 30-5. Các thông số để đánh giá nguy cơ tuyệt đối
LDL-cholesterol (low-density lipoprotein): cholesterol loại lipoprtein tỷ trọng thấp; HDL-cholesterol (High-density lipoprotein): cholesterol loại lipoprotein tỷ trọng cao. |