a/ Biaguanid:
Các thuốc: metformin 500mg, 850mg, 1000mg.
Thuốc glucobay
Tác dụng: Metformin có tác dụng ức chế sản xuất glucose từ gan và làm tăng tính nhạy cảm của insulin ở ngoại vi. Thuốc có tác dụng làm hạ glucose máu khoảng từ 2-4 mmol/l, giảm HbA1c khoảng 2%. Thuốc không có tác dụng kích thích tụy bài tiết insulin nên không gây biến chứng hạ đường huyết khi dùng đơn độc.
Chỉ định: Điều trị các trường hợp Đái tháo đường týp 2 có kèm theo thừa cân, béo phì (có tình trạng tăng kháng insulin); có kèm theo bệnh lý tim mạch vì metformin có khả năng cải thiện tình trạng tổn thương nội mạc mạch máu và có tác dụng làm giảm lipid máu.
Chống chỉ định: Không dùng metformin cho các trường hợp có suy tim nặng, bệnh gan, bệnh thận, hôn mê do Đái tháo đường, phụ nữ có thai và cho con bú.
Liều dùng: Liều khởi đầu với 1 viên 500mg hoặc 850mg/24h. Liều tối đa: 3000mg/24h, chia 3 lần. Uống trong các bữa ăn.
Tác dụng không mong muốn: Thuốc thường gây buồn nôn, đầy bụng, chận tiêu, phân nát.
b/ Sulphonylureas
- Các loại thuốc: Thế hệ 1 hiện nay ít dùng do có nhiều độc tính với thận. Thế hệ 2 gồm: glymepirid, glibenclamid, gliclazid, glipizid, glyburid.
- Tác dụng: Sulphonylureas có tác dụng kích thích tuyến tụy bài tiết insulin. Riêng với gliclazid có tác dụng phục hồi đỉnh tiết sớm của insulin gần giống với sự bài tiết insulin sinh lý nên ít gây hạ glucose máu lúc đói. Với glymepirid, ngoài tác dụng kích tích tuyến tụy bài tiết insulin còn có tác dụng làm tăng nhạy cảm của insulin ở mô ngoại vi; glimepirid ít gây nên tác dụng phụ và không gây tăng cân.
- Chỉ định: dùng rất rộng rãi trong Đái tháo đường týp 2.
- Chống chỉ định: Cần thận trọng khi dùng Sulphonylureas cho người già, người có bệnh thận, rối loạn chức năng gan. Chống chỉ định dùng nhóm thuốc này với người bệnh có nhiễm toan ceton, tình trạng nhiễm trùng, phẫu thuật, có thai và cho con bú.
- Liều dùng: Với gliclazid liều dùng khởi đầu là 80mg, liều tối đa là 320mg/24h, uống trước các bữa ăn; riêng với Diamicon MR30mg, liều dùng 1-4 viên/24 giờ và chỉ dùng 1 lần trước bữa ăn sáng. Với glymepirid, liều khởi đầu là 1mg/24h, liều tối đa là 6mg/24h, uống 1 lần duy nhất trước bữa sáng.
c/ Thuốc ức chế alpha glucosidase
- Các loại thuốc: nhóm Acarbose ít dùng vì có nhiều tác dụng phụ. Ngày nay thường dùng ức chế glucosidase thế hệ 2 là nhóm Voglibose với biệt dược là Basen 200mg.
- Tác dụng: Thuốc có tác dụng ức chế enzyme glucosidase, loại enzyme có tác dụng thủy phân carbonhydrat thành đường đơn và làm giảm khả năng hấp thu monosaccharide do đó làm giảm nồng độ glucose máu sau bữa ăn.
- Chỉ định: Nhóm thuốc này được chỉ định điều trị ngay từ đầu khi sử dụng chế độ ăn kiêng và luyện tập không đạt được mục tiêu về trị số glucose máu. Có thể kết hợp thuốc ức chế glucosidase với một loại thuốc viên hạ đường huyết khác trong Đái tháo đường týp 2, kết hợp với insulin trong điều trị Đái tháo đường týp 1.
- Liều dùng: liều khởi đầu là 75mg/24h, liều tối đa 300mg/24h, chia 3 lần uống trong các bữa ăn.
- Tác dụng không mong muốn: đầy bụng, ỉa chảy.
d/ Nhóm Glitazone
- Các loại thuốc: Pioglitazone 15-30-45mg, Rosiglitazone
- Tác dụng: Nhóm thuốc glitazone làm tănh tính nhạy cảm của mô cơ và tổ chức mỡ với insulin do đó làm tăng khả năng dung nạp glucose của cơ quan đích, thuốc cũng có tác dụng ngăn cản quá trình bài tiết glucose từ gan.
- Chỉ định: có thể dùng đơn độc glitazone hoặc phối hợp với nhóm thuốc khác trong điều trị Đái tháo đường týp 2.
- Chống chỉ định: không dùng glitazone với các trường hợp suy gan, suy thận. Lưu ý không dùng kết hợp glitazone với insulin.
- Liều dùng: liều khởi đầu là 15mg Pioglitazone/24h, liều tối đa là 45mg/24h. Với Rosiglitazone liều từ 4-8mg/24h. Uống thuốc 1 lần trước bữa ăn.
- Tác dụng không mong muốn: có thể gặp các trường hợp thiếu máu, phù mức độ nhẹ do giữ nước; có thể gây tăng cân; rối loạn chức năng gan. Bệnh nhân sử dụng nhóm glitazone cần được kiểm tra chức năng gan sau mỗi 2 tháng.
e/ Insulin
Insulin là thuốc được chỉ định ngay từ khi mới phát hiện với các bệnh nhân Đái tháo đường týp 1. Đối với Đái tháo đường týp 2, insulin được chỉ định khi khả năng bài tiết insulin của tuyến tụy bị giảm sút, không còn khả năng đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Các loại insulin: chia thành 4 loại theo thời gian tác dụng:
- Insulin nhanh: insulin lispro, aspart, glusilin. Loại này bắt đầu phát huy tác dụng sau khi tiêm 5-10 phút, đỉnh tác dụng sau 30-90 phút và thời gian tác dụng kéo dài 3-5 giờ.
- Insulin tương đối nhanh: insulin regular. Loại này bắt đầu có tác dụng sau 30-60 phút, đỉnh tác dụng sau 2-3 giờ, thời gian tác dụng kéo dài 5-8 giờ.
- Insulin trung gian: insulin lent. Loại này bắt đầu có tác dụng sau tiêm 2-4 giờ, đỉnh tác dụng 4-12 giờ và thời gian tác dụng kéo dài 10-18 giờ.
- Insulin tác dụng kéo dài: insulin glargin. Loại này bắt đầu phát huy tác dụng sau 1-4 giờ và kéo dài 24 giờ, ít gây hạ đường huyết vì không có đỉnh tác dụng.
Cách dùng: Insulin có thể tiêm dưới da 1-4 lần/24h và có thể kết hợp với nhóm thuốc viên hạ đường huyết khác. Liều khởi đầu dùng insulin thường là 0,1 UI/kg thể trọng/24 giờ, cùng với 50% tổng liều thuốc viên hạ đường huyết uống vào buổi sáng. Nếu chưa đạt được đường huyết mục tiêu, có thể tăng tới tiều tối đa thuốc viên hạ đường huyết, sau đó tăng dần liều insulin.