1. Khái niệm
Y văn của Y học cổ truyền không thấy có danh từ “rối loạn chuyển hóa lipid”, tuy nhiên cho đến nay theo quan điểm của các nhà chuyên môn thì rối loạn chuyển hóa lipid được xếp vào nhóm các bệnh gây ra do yếu tố “đàm ẩm”.
Đàm là chất đặc, ẩm là chất trong loãng. Đây là một trong các nguyên nhân gây bệnh khá thường gặp, theo phân loại của y học cổ truyền, đàm ẩm thuộc nhóm bất nội ngoại nhân.
2. Nguyên nhân và biện chứng
Theo Hải Thượng Lãn Ông: “Đàm là biến chất của tân dịch”. “ Đàm sinh hóa ra là do tỳ, căn bản của đàm là do thận. Hễ có chứng đàm, không ở tạng nọ thì ở tạng kia. Đàm vốn là tân dịch trong nhân thể, nó tùy theo vị trí tà cảm vào mà thành tên bệnh. Vì chính khí bị hư, không có sự cai quản, tà thừa hư vào, khích động sinh ra đàm, chứ không phải vì đàm mà sinh bệnh, thực ra vì bệnh mà sinh ra đàm” .
Theo Hoàng Bảo Châu: “Đàm là một loại bệnh mà nguyên nhân gây bệnh chính là thủy đọng lưu lại ở một vị trí trong cơ thể, không vận hóa theo quy luật bình thường. Nội kinh gọi là tích ẩm. Kim quỹ gọi là đàm ẩm” [8,14].
Theo Trần Thúy: “Đàm ẩm là một sản vật bệnh lý, đàm là chất đặc, ẩm là chất trong loãng. Đàm ẩm sau khi sinh sẽ gây ra những bệnh mới, đặc biệt phạm vi gây bệnh của đàm ẩm rất rộng rãi, không phải chỉ có ho khạc ra đờm”. “Đàm do tỳ hư không vận hóa được thủy thấp, thận dương hư không ôn dưỡng tỳ dương nên không vận hóa được thủy cốc và không khí hóa được thủy dịch, phế khí hư không túc giáng thông điều thủy đạo, trên lâm sàng thấy đờm nhiều, ngực sườn đầy tức…”
Tóm lại, đàm ẩm là sản phẩm bệnh lý, nguồn gốc sinh đàm ẩm là tân dịch. Khi công năng của các tạng phủ trong cơ thể bị rối loạn, tân dịch không phân bố, không vận hành được sẽ ngưng tụ tạo thành thấp, thấp hóa thành đàm ẩm. Theo lý luận y học cổ truyền, các nguyên nhân gây nên chứng đàm ẩm là :
- Do tiên thiên bất túc: bẩm tố tiên thiên thận dương hư, không ôn dưỡng được tỳ dương hoặc cũng có thể thiên quý suy, tỳ khí hư nhược, công năng vận hóa suy giảm, tỳ hư không thể vận hóa, thận dương không khai thông làm thấp trệ mà hóa đàm.
- Do ẩm thực: do ăn uống quá nhiều đồ cao lương làm công năng tỳ vị bị tổn thương, chức năng vận hóa thất điều, đàm thấp nội sinh mà dẫn đến bệnh tật.
- Do thất tình: lo nghĩ nhiều hại tỳ, giận dữ quá khiến can khí uất khắc tỳ thổ, tỳ vị hư yếu công năng vận hóa suy giảm, đàm trọc ứ trệ mà sinh ra bệnh.
- Do ngũ tổn: thói quen sinh hoạt ít vận động, nằm nhiều hại khí, ngồi nhiều hại cơ nhục. Khí và cơ nhục đều được nuôi dưỡng bởi tạng tỳ, khiến công năng vận hóa của tỳ thổ bị ảnh hưởng mà sinh bệnh.
Đàm ẩm sau khi hình thành theo khí đi các nơi, ngoài đến cân xương, trong đến tạng phủ làm ảnh hưởng đến sự vận hành khí huyết và sự thăng giáng của khí gây ra chứng bệnh ở các bộ phận của cơ thể.
3. Biểu hiện và phân loại
Nhìn chung, những người có bệnh của chứng đàm ẩm thường có biểu hiện thể trạng béo bệu, người cảm giác nặng nề. Tuy nhiên theo nguyên nhân sinh ra đàm ẩm và chứng bệnh đàm ẩm gây ra mà có thêm các biểu hiện khác nhau:
- Phong đàm: hoa mắt chóng mặt, đột nhiên quỵ ngã, khò khè, miệng mắt méo lệch, lưỡi cứng khó nói.
- Nhiệt đàm: người phiền, táo bón, đau đầu, đau họng.
- Hàn đàm: đau nhức dữ dội, tay chân khó cử động, ho đờm loãng.
- Thấp đàm: thể trạng béo, cảm giác nặng nề, mệt mỏi.
- Huyền ẩm: đau tức mạng sườn, ho khó thở.
- Yêm ẩm: đau nhức khắp người, tay chân nặng nề, phù, khó thở.
Thể đàm thấp nội trở:
Đặc điểm triệu chứng: hình thể béo bệu, hay ăn các chất bổ ngọt béo, đầu nặng chướng căng, bụng ngực bĩ tức, buồn nôn hoặc nôn khan, miệng khô không khát, tứ chi gày gò, chi thể nặng nề, ma mộc tê mỏi, bụng chướng, rêu lưỡi nhuận nhờn, mạch huyền hoạt.
Thể đàm nhiệt phủ thực:
Đặc điểm triệu chứng: hình thể tráng thực, đại tiện bí kết, ngực tâm phúc chướng, đầu căng chướng, thường cảm thấy căng giật, tính tình cáu gắt, miệng đắng, tâm phiền, mặt hồng, mắt đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, chất lưỡi hồng, mạch huyền hoạt có lực.
Thể tỳ thận dương hư:
Đặc điểm triệu chứng: lưng gối mỏi mệt, chi lạnh, sợ hàn, tinh thần bất thư, mặt phù chi lạnh, tứ chi thiểu lực, đại tiện lỏng nát, tiểu đêm nhiều, lưỡi bệu nhợt, rìa lưỡi có hằn răng, rêu lưỡi trắng dày, mạch trầm trì.
Thể can thận âm hư:
Đặc điểm triệu chứng: lưng gối đau mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, hình thể gày, hay mệt, đầu choáng, tai ù, đạo hãn, miệng khô, họng ráo, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
Thể đàm ứ giao trở:
Đặc điểm triệu chứng: tâm hung, hình thể béo, chi thể trầm nặng, tê mỏi, chất lưỡi xám tía hoặc có điểm ứ, ban ứ, rêu nhờn, mạch huyền hoạt hoặc mạch sáp.
Thể can uất tỳ hư:
Đặc điểm triệu chứng: đau 2 mạng sườn, đau không cố định, mệt mỏi ăn kém, tinh thần bất định, đại tiện lỏng nát, kinh nguyệt không đều, quanh vú chướng đau, rêu lưỡi mỏng nhờn, mạch huyền.
4. Nguyên tắc điều trị
Các chứng bệnh gây nên bởi đàm ẩm thường có đặc điểm là “bản hư tiêu thực” nên khi điều trị phải chú ý cả tiêu và bản, tức là chứng đàm ẩm không chỉ chữa đàm ẩm mà phải chữa cả vào gốc bệnh nữa [8,14,15]. Ví dụ như nội đàm sinh ra từ tỳ hư thì khi “ích tỳ” thấp sẽ hóa và đàm sẽ tự tiêu, thận hư thủy trôi nổi sinh ra đàm thì nên “ôn thận” thủy sẽ được trị, đàm sẽ tiêu. Bản hư đa phần thuộc tỳ thận hư tổn. Tiêu thực đa phần là đàm trọc huyết ứ. Trị bản chủ yếu là dùng pháp: ích thận bổ tỳ. Trị tiêu chủ yếu dùng hoá đàm trừ thấp, thanh lý thông hạ, hoạt huyết hóa ứ.
Theo Hải Thượng Lãn Ông: “trị đàm tiên trị khí, khí thuận đàm tự tiêu” và “nhất thiết không nên vét sạch đàm đi và đàm vốn có sẵn từ lúc sơ sinh và cũng là vật để nuôi sống nữa, chỉ loại bỏ phần đàm dư thừa mà thôi”, và “bệnh đàm có hư có thực…thực thời công, hư thời bổ nhưng công phải có thứ tự, bổ phải lần tìm cội nguồn…chữa đàm không nên dùng phép công, chỉ cần khéo vỗ về mà thôi” .
Tùy theo mức độ bệnh mà y học cổ truyền chia thành 3 phương pháp điều trị đàm, đó là: hóa đàm, tiêu đàm, điều đàm.
- Pháp “hóa đàm” dùng cho các trường hợp bệnh nhẹ và chủ yếu chữa các nguyên nhân sinh ra đàm, vì vậy hóa đàm thường kết hợp với các pháp điều trị như kiện tỳ hòa vị (vì tỳ vận hóa thấp).
- Pháp “tiêu đàm” dùng cho các trường hợp bệnh ở mức độ trung bình.
- Pháp “điều đàm” dùng cho các trường hợp bệnh nặng. Pháp điều trị này có tính công phạt mạnh, dùng nhiều và lâu ngày sẽ làm tổn thương nguyên khí.
Như vậy có thể thấy, chứng đàm ẩm dừ gây bệnh ở tạng phủ nào và thuộc thể nào thì “hóa đàm” vẫn là phương pháp điều trị chính và trong quá trình điều trị cần phốii hợp với nhiều nhóm thuốc khác để nâng cao hiệu quả điều trị.
5. Liên hệ giữa rối loạn chuyển hóa lipid và chứng đàm ẩm
Dựa trên nhiều nghiên cứu lâm sàng và cận lâm sàng, người ta thấy giữa rối loạn chuyển hóa lipid của y học hiện đại và chứng đàm thấp của y học cổ truyền có nhiều điểm tương đồng.
Bảng 1.6. Liên hệ rối loạn chuyển hóa lipid và đàm ẩm
Đặc điểm | Rối loạn chuyển hóa lipid | Chứng đàm ẩm |
Nguyên nhân | Yếu tố gen | Tiên thiên bất túc |
Ăn nhiều đồ béo ngọt làm tăng cân, béo phì, rối loạn lipid máu. | Ẩm thực không điều độ khiến tỳ hư, thấp trệ hóa đàm. | |
Lối sống tĩnh tại làm tăng cân, kháng insulin. | Cửu ngọa thương khí, cửu tọa thương nhục. | |
Tuổi cao làm suy giảm chức năng chuyển hóa. | Thiên quý suy, công năng tạng phủ suy giảm. | |
Tinh thần căng thẳng | Tình chí tổn hại tạng phủ | |
Biểu hiện | Tăng lipid máu, thừa cân, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch… | Thể trạng đàm thấp, nặng nề, huyễn vựng, tâm quý… |
Hướng điều trị | Chế độ ăn, luyện tập, thuốc hỗ trợ chuyển hóa. | Chế độ ăn, sinh hoạt, thuốc trừ đàm, kiện vận tạng phủ. |
5. Các nghiên cứu về thuốc Y học cổ truyền điều trị rối loạn chuyển hóa lipid
5.1. Các nghiên cứu trong nước
- Đoàn Thi Nhu và Nguyễn Thị Hoàn (1988) nghiên cứu tác dụng trên cây Ngưu tất điều trị tăng huyết áp và làm giảm lipid máu. Kết quả cho thấy Ngưu tất có tác dụng hạ áp và hạ TC máu từ từ và kéo dài.
- Phạm Khuê, Bùi Thị Nguyệt (1995) nghiên cứu về tác dụng của viên Bidentin làm giảm TC máu ở 82,6% bệnh nhân có cholesterol máu cao sau 2 tháng điều trị.
- Trần Thị Hiền (1996) nghiên cứu tác dụng của bài thuốc Nhị trần thang cho thấy bài thuốc có tác dụng làm giảm 13% TC, 37% TG, 19% LDL-C và làm tăng 20% HDL-C.
- Trần Viết Hoàng (1998) nghiên cứu tác dụng của bài thuốc THB94 trong điều chỉnh rối loạn lipid máu thể đàm thấp.
- Hoàng Khánh Toàn, Chu Quốc Trường (1999) nghiên cứu tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu thể phong đàm của bài thuốc Bán hạ bạch truật thiên ma thang. Kết quả nghiên cứu cho thấy bài thuốc làm giảm 16% TC, 31,5% TG, 20,2% LDL-C và làm tăng 19,8% HDL-C.
Bài thuốc Nhị trần thang thường được dùng trong điều trị rối loạn lipid
- Phí Thị Ngọc (2001) nghiên cứu tác dụng của thuốc HHKV trên một số chỉ số lipid máu ở thỏ và chuột.
- Đoàn Quốc Dũng (2001) nghiên cứu tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu của bài thuốc Nhị trần thang gia giảm.
- Bùi Thị Mẫn (2004) nghiên cứu tác dụng điều trị rối loạn lipid máu của viên BKC.
- Lê Thị Lan (2004) đánh giá tác dụng hạ lipid máu và tăng lực của viên Curpenin trên một số chỉ tiêu lâm sàng và cận lâm sàng.
- Phạm Vũ Khánh (2004) nghiên cứu tác dụng của bài thuốc TTII trên bệnh nhân tăng huyết áp có rối loạn lipid máu.
- Nguyễn Trần Giáng Hương, Nguyễn Tiến Chung (2005) nghiên cứu tác dụng của củ Tam Thất trên thực nghiệm cho thấy, Tam Thất làm giảm TG, TC, LDL-C và làm tăng HDL-C sau 1 tháng dùng thuốc.
- Dương Thị Mộng Ngọc (2005) nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tác dụng của chế phẩm Ruvintat trên bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh nhân rối loạn lipid máu.
- Nguyên Văn Ánh (2006) nghiên cứu tác dụng điều trị rối loạn lipid máu của viên cholestin.
5.2. Các nghiên cứu tại Trung Quốc
- Trần Vũ (tỉnh Giang Tây) đánh giá tác dụng của bài thuốc “Bạch kim giáng chỉ phương” (Uất kim, Bạch phàn) trên 334 bệnh nhân thấy giảm TC 85mg, TG 70,6mg sau 60 ngày dùng thuốc.
- Hoàng Chấn Đông (tỉnh Quảng Đông) đánh giá tác dụng của bài thuốc “Đơn điền giáng chỉ hoàn” (Đan sâm, Tam thất, Xuyên khung, Trạch tả, Nhân sâm, Đương quy, Hà thủ ô, Hoàng tinh) trên 251 bệnh nhân có rối loạn lipid máu trong 45 ngày thấy tác dụng tốt và khá là 72%.
- Thẩm Đạt Minh (Hồ Bắc) đánh giá tác dụng của “Thư tâm hoạt huyết phương” (Hoàng kỳ, Đẳng sâm, Đương quy, Bồ hoàng, Hồng hoa) trên các bệnh nhân có tăng TC thấy có kết quả tốt.
- Trương Thanh Bảo (tỉnh Cát Lâm) nghiên cứu tác dụng của “Sơn đơn phương” (Sơn tra, Mạch nha, Đan sâm, Huyền hồ, Cúc hoa, Hoa hồng) trên 31 bệnh nhân có rối loạn lipid thấy kết quả khá trở lên đạt 74,5%.