Trang chủBệnh Nội tiếtĐiều trị rối loạn lipid máu

Điều trị rối loạn lipid máu

Rất nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh, việc điều chỉnh các rối loạn lipid máu sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và tàn phế liên quan đến bệnh mạch vành. Mục đích của việc điều chỉnh các rối loạn lipid máu là đưa các chỉ số lipid máu về gần nhất với giá trị bình thường cả về trị số tuyệt đối và sự cân đối về tỉ lệ các thành phần, cũng như kiểm soát được cân nặng của người bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự xuất hiện các biến chứng. Cho tới nay không có ai phủ nhận vai trò quan trọng của việc điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa lipid, nhưng việc lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp cũng như lựa chọn nhóm thuốc, liều lượng thuốc đang là vấn đề còn nhiều tranh luận. Các phương pháp can thiệp vào rối loạn chuyển hóa lipid bao gồm:

  • Thay đổi lối sống:

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, thay đổi chế độ ăn, tập luyện và kiểm soát cân nặng là nền tảng của điều trị rối loạn lipid máu. Các can thiệp cơ bản này có thể đạt được hiệu quả ở 90% số bệnh nhân.

Điều chỉnh chế độ ăn:

Chế độ dinh dưỡng là nền tảng của bất kỳ phương pháp điều trị nào nhằm thay đổi lipid máu. Nên bắt đầu điều trị bằng chế độ ăn cho các bệnh nhân có tăng LDL-C > 4,1 mmol/l, bệnh nhân có tăng giới hạn LDL-C và thêm 2 yếu tố nguy cơ bênh mạch vành. Mục tiêu của chế độ ăn trong phòng ngừa tiên phát là đưa mức LDL-C xuống < 4,1 mmol/l nếu người bệnh có 1 yếu tố nguy cơ và < 3,35 mmol/l nếu xuất hiện 2 yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành. Nếu bệnh nhân đã xuất hiện bệnh mạch vành, cần điều chỉnh chế độ ăn khi LDL-C > 2,6 mmol/l. Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng hiệu quả hạ lipid máu của chế độ ăn đạt được kết quả cao nhất khi có rối loạn đồng thời TC, TG và LDL-C.

Một chế độ ăn kiêng ít chất béo, còn gọi là “chế độ ăn thoái triển” được thiết kế nhằm mục đích thay đổi tình trạng rối loạn lipid máu. Chế độ ăn này hạn chế tổng số chất béo ăn vào, chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng calo và lượng cholesterol < 5mg/24 giờ, nên ăn nhiều rau và các protein thực vật. Các bệnh nhân thực hiện chế độ ăn này một cách nghiêm túc, có sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng thì có thể cải thiện rõ rệt tình trạng rối loạn lipid máu ở các chỉ số TC và LDL-C.

Hoạt động thể lực và giảm cân:

Điều chỉnh cân nặng và duy trì ở mức BMI < 22 có khả năng cải thiện tình trạng rối loạn tất cả các lipoprotein huyết tương.

Hoạt động thể lực đều đặn có khả năng làm giảm hoặc duy trì cân nặng, làm giảm TG, tăng HDL-C nhưng lại ít ảnh hưởng tới LDL-C. Tập luyện hàng ngày làm tăng thanh thải các lipoprotein giàu TG do đó có tác dụng trong các trường hợp rối loạn lipid máu kiểu tăng TG hay hỗn hợp. Tập luyện ở mức độ vừa phải, thời gian và tần xuất tăng dần dường như có tác dụng tốt hơn tập luyện với cường độ nặng. Đa số các bệnh nhân có cải thiện các chỉ số lipid máu sau 4 tuần khi thực hiện các bài tập có sự tham gia của các nhóm cơ lớn được thực hiện 30 phút mỗi ngày.

Giảm uống rượu:

Rượu làm tăng tình trạng rối loạn lipid máu, làm tăng TG và HDL-C, tuy nhiên rượu lại ít ảnh hưởng tới LDL-C.

  • Điều trị bằng thuốc:

Chế độ ăn và luyện tập ít khi làm giảm được > 10% LDL-C nên NCEP khuyến cáo nên cân nhắc điều trị thuốc điều chỉnh lipid máu cho các trường hợp can thiệp bằng chế độ ăn và luyện tập sau 6 tháng chưa đạt được mục tiêu điều trị hoặc khi nồng độ TG > 2,3 mmol/l, TC > 6,5 mmol/l. Trong một số trường hợp cụ thể, thời gian bắt đầu dùng thuốc còn có thể sớm hơn. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, điều trị bằng thuốc không bao giờ thay thế được chế độ ăn và luyện tập.

Một số nhóm thuốc có thể được chỉ định là:

  • Chất ức chế thụ thể reductase: hydroxyl methylglutaryl coenzym (nhóm Statin). Đây là nhóm thuốc được xem như là liệu pháp đầu tay khi chế độ ăn uống, luyện tập không đạt được mục tiêu điều trị. Nhóm thuốc này bao gồm: Simvastatin, Lovastatin, Pravastatin, Atorvastatin, Cerivastatin, Rosuvastatin…Các thuốc này có tác dụng ngăn cản sự tổng hợp cholesterol nội sinh tại gan do ức chế enzym HMG-CoA reductase, có khả năng làm giảm LDL-C từ 20-60%, giảm 7-30% TG, tăng nhẹ HDL-C 5-10%. Đặc biệt, nếu sử dụng ở liều cao thuốc còn làm giảm cả nồng độ VLDL-C máu. Nói cách khác, nhóm statin làm giảm cholesterol không HDL. Liều dùng thường bắt đầu với 1 viên/ 24 giờ, uống thuốc sau bữa ăn tối hoặc trước khi đi ngủ để phát huy tối đa khả năng làm giảm LDL-C. Hạn chế của nhóm thuốc này là độc với gan (khoảng 1% có tăng men gan), đau đầu, buồn nôn.
  • Dẫn xuất của acid fibric (nhóm Fibrat) bao gồm: Gemfibrozil, Clofibrat, Fenofibrat, Bezafibrat. Tác dụng chính của các fibrat là làm tăng thanh thải VLDL-C bằng cách tăng thủy phân lipid, giảm tổng hợp cholesterol ở gan do đó làm giảm lượng TG (khoảng 30-52%) và làm tăng HDL-C (khoảng 7-23%) và làm giảm LDL-C (5-15%). Liều dùng 600mg gemfibrozil/24 giờ, chia 2 lần uống trước bữa sáng và tối 30 phút; với fenofibrat: uống 1 viên/ ngày. Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này là gây ra các bệnh lý về cơ vân và tăng quá trình hình thành sỏi mật, tăng tốc độ suy thận, tăng men gan, buồn nôn.
  • Nhựa gắn acid mật (Bile acid sepeestrants – resin): trong thành phần của nhóm thuốc này có chứa cholestyramin và colestipol. Đây là 2 chất có khả năng gắn với các acid mật có chứa cholesterol ở ruột tạo ra một phức hợp không tan, thải theo phân do đó làm giảm khả năng tái hấp thu cholesterol tại ruột non. Sử dụng các acid mật có thể làm giảm tới 28% lượng LDL-C, tăng nhẹ HDL-C và cũng có thể làm tăng nhẹ TG. Đây là thuốc được lựa chọn cho các bệnh nhân có bệnh lý gan mật không thể dùng các nhóm thuốc khác, nó cũng là lựa chọn an toàn cho các bệnh nhân cho con bú. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ tại đường tiêu hóa, hay gặp nhất là táo bón, đầy chướng bụng. Liều dùng: gói Questran 4gam, ngày uống 2-3 gói trước các bữa ăn.
  • Nicotinic acid (nhóm Niacin): niacin có tác dụng làm giảm tổng hợp VLDL-C tại gan, tăng tổng hợp HDL-C, ức chế sự phân giải mỡ ở các mô mỡ. Thuốc làm thay đổi tất cả các thành phần lipoprotein như làm giảm LDL-C, VLDL-C, TG; đồng thời làm tăng HDL-C. Tác dụng không mong muốn của thuốc là gây dị ứng, rối loạn chức năng gan, tăng acid uric máu và tăng nồng độ glucose máu.
  • Thuốc ức chế hấp thu cholesterol (nhóm Ezetimib). Cơ chế tác dụng của Ezetimib là ngăn cản sự hấp thu cholesterol một cách chọn lọc tại riềm bàn chải của ruột non, từ đó làm giảm lượng cholesterol có nguồn gốc ngoại sinh. Kết quả là nồng độ cholesterol huyết thanh giảm khoảng 18%, giảm nhẹ TG và tăng nhẹ HDL-C. Nhóm Ezetimib phối hợp rất tốt với nhóm statin trong việc làm giảm hơn nữa nộng độ LDL-C trong máu nếu đơn trị liệu không đạt được mục tiêu. Ưu điểm của Ezetimib là không cần giảm liều khi bệnh nhân có suy giảm chức năng gan thận. Liều dùng của nhóm thuốc này thường là 10mg/24 giờ.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây