Trang chủĐông y chữa bệnhChữa Chứng đau dạ dày do vị lạnh

Chữa Chứng đau dạ dày do vị lạnh

Phần nhiều đột nhiên phát sinh đau, thích xoa bóp vào bụng, thích chườm nóng, uống nước nóng, kiêm có nôn mửa ra nước trong hoặc đờm dãi, sợ lạnh, tay chân không ấm, mạch tượng trầm trì hoặc trầm huyền, rêu lưỡi thường trắng trơn nhầy.

Dạ dày lạnh thì khí phải trở trệ, lạnh thì hợp với thấp, thấp sẽ hoành hành trở trệ tức không thông, không thông thì đau (thông tắc bất thống). Vì vậy cách chữa cần ôn ấm trung tiêu làm tan giá lạnh, trong đó giúp thêm cần lý khí hóa thấp

Người xưa thường dùng “Thang Hậu phác ôn trung” hay “Lương phụ hoàn”. Tùy bệnh chứng xuất hiện ra mà thêm bớt cho phù hợp bệnh tình hoặc “Thang Phòng cát nhị trần” cũng tốt, tôi hay dùng thang Phòng cát nhị trần gia vị.

Thang Hậu phác ôn trung (Thẩm thị tôn sinh thư phương)

Dược phẩm: Hậu phác, Trần bì đều 1,5 đồng cân, Can khương (nướng) 2 đồng cân, Thảo đậu khấu (nướng), Xích phục linh đều 7 phân, Mộc hương, Cam thảo (nướng) đều 5 phân. Thêm Gừng tươi 3 lát, Táo 2 quả sắc uống.

Mộc hương trong bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày
Mộc hương trong bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày

Lương phụ hoàn (Nghiệm phương)

  • Trị khí trệ, vùng cách mô ngực, dạ dày ấn có điểm đau, hoặc nhiều năm không khỏi.

Dược phẩm: Cao lương khương 4 đồng cân. Hương phụ chế 4 lạng, Can khương 2 lạng, Trầm hương 1 hạng, Thanh bì, Đương qui, Mộc hương đều 3 lạng.

Cùng nghiền nhỏ, dùng nước hoàn viên như hạt ngô đồng, mỗi lần uống 3 đồng cân với nước đun sôi.

  • Có bài Cao lương khương (sao rượu), Hương phụ (sao rượu) nếu do lạnh mà đau thì Cao lương khương dùng dội lên, nếu do khí mà đau thì Hương phụ dùng gấp lên.

Thang Phòng cát nhị trần (Chứng nhân mạch trị phương)

Trần bì               10g

Phục linh           12g

Cam thảo          4g

Phòng phong   12g

Cát căn              16g

Bán hạ               12g

Sắc uống.

Vị thuốc Phòng phong trong điều trị đau dạ dày
Vị thuốc Phòng phong trong điều trị đau dạ dày

Thang Phòng cát nhị trần gia vị (Hy Lãn phương)

Phòng phong 12g Trần bì 10g
Cát căn 12g Phục lỉnh 12g
Hoắc hương 8g Tử tô 8g
Đậu khấu 10g Bán hạ 12g
Cam thảo 4g Chỉ sác 5g
Hậu phác 12g Can khương 5g
Xương truật 12g tặc cốt 16g
Hoài sơn 16g Đương qui 16g.

Ý nghĩa phương:

Phòng phong, Cát căn để giải tà ở phần ngoài cơ thể (khí tà còn ở phần biểu), Thang Nhị trần (Bán hạ, Trần bì, Phục linh, Cam thảo) để ráo thấp hòa vị trị nôn mửa. Hoắc hương, Chỉ sác làm khoan khoái trung tiêu, Tử tô để hòa vị giải biểu. Hậu phác trừ chướng đầy. Can khương, Đậu khấu làm ôn ấm trung tiêu. Xương truật trừ nước tụ ở vị, có tác dụng như Bình vị tán, vì trong phương này có đủ Xương truật, Hậu phác, Cam thảo, Trần bì.

Bài Bình vị tán này Trung Quốc cũng dùng để chữa viêm dạ dày cấp mạn, dạ dày dãn nở cố kết quả tốt. Nay thêm Hoắc hương, Bán hạ thì nó có tác dụng của bài “Hoắc hương chính khí tán” kiêm trị ngoại cảm phong tà, hàn tà. Người đau dạ dày đa phần có nôn, buồn nôn, nên trong phương sẵn có tác dụng của thang Nhị trần (Trần bì, Bán hạ, Phục linh, Cam thảo), Ô tặc cốt hút bớt chua, Hoài sơn tạo thêm chất nhầy bảo vệ niêm mạc, Đương qui bổ máu, giúp thêm cho niêm mạc dạ dày khỏi bị tổn thương.

Gia giảm:

  • Nếu người hư yếu nên thêm Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Đương qui, Bạch truật.
  • Nếu kiêm có tà thấp thì thêm Xương truật, Bạch truật, Trư linh.
  • Nếu kiêm có thức ăn đình tích lại thì thêm Tam lăng, Nga truật, Đại hoàng, Mang tiêu, hoặc chọn dùng các vị trong bài “Bảo hòa hoàn”. Hoặc dùng thang Hậu phác ôn trung hợp với phương “Bảo hòa hoàn” đều cần phải tùy theo bệnh chứng xuất hiện mà thêm bớt cho đúng.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây